Paris, 09 tháng Bảy - Áo khoác vải tuýt thanh lịch,
ngồi nhấm nháp nước quả ép trong một quán café bên tả ngạn (sông
Seine), nhà văn Dương Thu Hương không có vẻ gì của một nhân vật nguy
hiểm. Nhưng bà Hương, 58 tuổi, quả thật nguy hiểm ở Việt Nam, nơi bà
từng ở tù, bị cấm in sách, và suốt 11 năm không được phép ra nước
ngoài.
Tội lỗi của bà thì nhiều lắm. Tiểu thuyết của bà, mổ xẻ cuộc sống ở một
trong vài xứ cộng sản còn sót lại, được phương Tây ấn hành và đón nhận
nồng nhiệt. Bà là cựu đảng viên bị khai trừ như kẻ phản bội. Và sau
cùng, bà là kẻ phản động – “con đĩ phản động”, như một vị lãnh đạo Đảng
đã gọi – kẻ từ chối im lặng thậm chí sau tám tháng tù giam vào năm
1991.
Ðây là lần thứ hai bà được phép đến châu Âu
[1]
. Trong ý nghĩa nào đó, Việt Nam đã cùng bà đến đây. Bà sẵn lòng trò
chuyện về cuộc sống và năm cuốn tiểu thuyết, bao gồm tác phẩm mới nhất,
Chốn vắng (
No Man’s Land) xuất bản ở Mỹ hồi
tháng Tư. Nhưng bà dành ưu tiên cho việc lên án chính phủ Hà Nội, một
chính phủ tham nhũng và lạm quyền.
“Ðó là nghĩa vụ của tôi, nhân danh những người đã chết vì chế độ đáng
xấu hổ này”, bà nói tiếng Pháp, nặng giọng nước ngoài nhưng trôi chảy.
“Vì có chút uy tín ở nước ngoài, tôi phải lên tiếng. Tôi phải giãi bày
tâm can để lương tâm thanh thản. Người ta đã đánh mất sức mạnh để phản
ứng, để suy tư, để tư duy. Có thể tôi sẽ mang đến cho họ can đảm”.
Hơn lúc nào hết, bà cảm thấy sự cấp bách của những thông điệp này. Ba
mươi năm sau chiến tranh, chế độ đang giành được nhiều ủng hộ bên ngoài
bằng vào chính sách mở cửa kinh tế đối với ngoại quốc, dưới một chiến
lược cộng sản pha lẫn tư bản. Bà báo động về việc thủ tướng Phan Văn
Khải được tổng thống Bush tiếp ở Nhà trắng tháng trước.
“Chế độ tàn bạo và ti tiện này đang làm rất nhiều thứ để bịp người nước
ngoài”, bà nói trong cuộc trò chuyện. “Nếu ông Bush ủng hộ chế độ này,
nó sẽ hệ lụy đến một cuộc chiến mới, nhấn chìm nhân dân xuống bùn. Thay
vì B-52, lần này nó sử dụng chính tay những kẻ phản bội bản xứ”.
Cho đến tận hôm nay, bà nói tiếp, chiến tranh Việt Nam vẫn còn được
dùng để biện minh việc chính quyền thâu tóm quyền lực về tay mình.
“Tất cả sự tuyên truyền nhằm nuôi dưỡng huyền thoại chiến tranh, tâng
bốc và hăm dọa nhân dân”, bà nói. “Nó nói với họ: nhân dân anh hùng.
Nhân dân nên hãnh diện về lịch sử. Nhưng đừng bao giờ quên Đảng là
người đã lãnh đạo nhân dân đến thắng lợi. Nó đánh lừa nhân dân bằng
lòng tự hào mù quáng”.
Cuộc đời của bà Hương, dĩ nhiên, cũng bị chi phối bởi chiến tranh.
Bà cho biết lúc nhỏ không được học đến nơi đến chốn vì không thuộc giai
cấp công nông vô sản: bà của bà Hương là địa chủ di cư vào Nam giữa
những năm 1950. Tuy vậy, lúc 16 tuổi, bà Hương được phép gia nhập một
đoàn sân khấu lưu động, và vì có khả năng, được gởi đi học trường nghệ
thuật, nơi đào tạo diễn viên kịch, múa, ca sĩ quần chúng.
Một lần nữa, vì học rất khá nên năm 1968, bà được phép chọn đi học ở
Liên Xô, Ðông Ðức, hoặc Bulgaria. “Nhưng tôi chọn tiền tuyến vì đất
nước đang có chiến tranh, tổ tiên tôi là những người chiến đấu cho đất
nước”, bà nói. “Tôi tham gia đoàn văn công trẻ biểu diễn cho chiến sĩ
và nạn nhân chiến tranh. Khẩu hiệu là: ‘Tiếng hát át tiếng bom’. Chúng
tôi dập tắt rên la bằng những bài hát.”
Nhưng ngày thời điểm đó, bà nhớ lại, bà đã nhận thấy các đảng viên được
ưu đãi đặc biệt. Sự choáng váng còn lớn hơn khi các tù binh miền Nam
được đưa đến khu vực của bà. “Tôi nhận ra sự thực là chúng tôi cũng
đang đánh nhau với người Việt”, bà nói. “Vâng, chúng tôi bị người Mỹ
dội bom liên tục, nhưng họ ở tít trên trời xanh và tôi chẳng bao giờ
thấy họ. Tôi chỉ thấy người Việt”.
Bà giữ ý nghĩ đó cho riêng mình, như bà đã làm sau chiến tranh, khi gặp
lại bà con ở Sài Gòn, và nhận ra rằng kẻ chiến bại khá hơn nhiều so với
kẻ chiến thắng. Lúc đó, bà đang tổ chức hoạt động nghệ thuật ở Huế. Năm
30 tuổi, bà quay ra Hà Nội làm việc cho ngành điện ảnh nhà nước. “Tôi
viết 5 kịch bản được làm thành những bộ phim tồi” bà nói, “không thể
sống bằng đồng lương”.
Một việc làm thêm khác cũng mở mắt bà. Làm việc cho một nhóm tướng
lãnh, bà tham gia viết [ẩn danh] lịch sử chiến tranh Việt Nam. “Các ông
tướng thảo luận riêng việc phải sửa văn bản của tôi thế nào để hợp với
quyền lợi của họ”, bà nói. “Họ muốn tăng con số người tử trận nhằm
trình diễn sự hy sinh vĩ đại vì nhân dân”.
Ðược đề nghị từ 1979, Bà Hương do dự gia nhập Đảng năm 1985, theo sự
thúc giục của bạn bè, những người tin bà có thể giúp họ. Ðó cũng là năm
tác phẩm đầu tay của bà,
Bên kia bờ ảo vọng, được in ở Việt Nam
và bán đến 100.000 bản. Nhưng hai năm sau, với sự xuất hiện của
Những
thiên đường mù, một tác phẩm bán chạy khác, vấn đề bắt đầu.
“Ông tổng bí thư Nguyễn Văn Linh sẵn sàng cấp cho tôi một căn nhà tiêu
chuẩn bộ trưởng nếu tôi im lặng”, bà nói. “Tôi nói với ông ấy, ‘tôi đấu
tranh cho dân chủ, tôi đứng về phía nhân dân và sẽ chẳng bao giờ đồng ý
làm một thứ bộ trưởng’. Nguyên tắc của tôi là người ta có thể mất hết,
thậm chí mạng sống, nhưng không bao giờ để mất danh dự.”
Không lâu sau đó, bà nói, bà thoát được hai âm mưu ám sát. Ðại hội nhà
văn Việt Nam năm 1989, bà viết bài phát biểu “Ðảng nên cám ơn nhân
dân”, và bị ồn ào khai trừ Đảng. Năm 1991, Dương Thu Hương bị tống giam
vì tội bán tài liệu mật cho nước ngoài, “tài liệu mật” là bản thảo tác
phẩm của bà. Không có gì ngạc nhiên, ba cuốn sách tiếp theo –
Tiểu
thuyết vô đề,
Hồi quang của mùa xuân và
Chốn vắng –
vẫn chưa được xuất bản ở Việt Nam.
Nhưng tất cả các tiểu thuyết của Dương Thu Hương đã được xuất bản bằng
nhiều thứ tiếng. Nhờ Will Schwalbe, lúc đó ở nhà xuất bản William
Morrow và hiện là tổng biên tập của Hyperion, sách của bà được in bằng
tiếng Anh. “Ðầu tiên tôi nghe về bà Hương khi bà đang ở tù”, ông
Schwalbe nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ New York. “Tôi
đọc khoảng ba bốn chục trang
Những thiên đường mù và thật sự
kinh ngạc. Ðó là tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên được dịch ra tiếng Anh
và xuất bản tại Mỹ”.
Các tiểu thuyết của Dương Thu Hương không trực tiếp đề cập chính trị,
chủ đề quán xuyến là sự vỡ mộng của những con người mà số phận bị trói
bẫy ngoài ý muốn. Nhận xét về
Hồi quang của mùa xuân trên
New
York Times năm 2000, Richard Bernstein viết: “Người ta đọc cuốn
sách chắn chắn vì lý do chính trị, nhưng hơn hết, vì chiều sâu và sự
phức tạp của nhân vật, những kẻ nỗ lực khẳng định mình trong một thế
giới áp đặt mọi người, mọi thứ vào các loại chủ thuyết và tâm cảm quốc
gia”.
Năm 1994, nhờ sự can thiệp của phu nhân tổng thống Pháp, Danielle
Mitterrand, bà Hương được sang Pháp nhận một giải thưởng. Bà được đề
nghị hưởng quy chế tị nạn chính trị. “Tôi trả lời, ‘cám ơn, nhưng ở
nước tôi, sự sợ hãi đang nghiền nát mọi thứ, những người lính can đảm
đã trở nên thường dân hèn nhát’, bà nhớ lại. “Vì vậy tôi phải trở về.
Tôi trở về để làm điều duy nhất: phỉ nhổ vào mặt chế độ.’”
Lần này, tòa đại sứ Ý ở Việt Nam lấy được hộ chiếu cho bà, nhưng chỉ
sau vài tuần ở Ý và Pháp, bà lại sắp trở về Hà Nội, nơi hai người con
và bốn đứa cháu của bà đang sống. (Bà Hương ly hôn năm 1982). Về nhà,
nếu chính phủ lại không có âm mưu gì khác, bà cho biết sẽ tiếp tục
viết. “Tôi là người lý tưởng”, bà nói, trước khi thêm nụ cười tinh
quái, “và cũng khờ dại”.
© 2005 talawas
[1]Ngày 18 tháng
6 vừa qua, tại thành phố Turin, Ý, nhà văn Dương Thu Hương được trao
giải thưởng
Grinzane Cavour Prize 2005 cho tiểu thuyết
Bên
kia bờ ảo vọng.