*

Giữa
Độc Giả và Tin Văn




17.
Dịch là chấp nhận phần số của mình (1)    20.01.02

Lời người viết: Nhân Trần Trọng Hoàng Bách, một tác giả ở trong nước, có nhắc tới hai bài viết mới đây của tôi, trên diễn đàn Talawas, tôi viết bài này, như một món quà gửi người bạn nói trên, (trong bài viết có một chi tiết làm tôi tự hỏi, liệu có phải đây là một cố nhân đã từng rành rẽ Sài Gòn, và quãng đời sa sẩy tuyệt vời của tôi hay không). Bài hơi dài, tôi xin viết thành vài kì.
NQT

Trăm Năm Cô Ðơn, tiểu thuyết của G. García Márquez, bản dịch của Nguyễn Trung Ðức, Phạm Ðình Lợi, Nguyễn Quốc Dũng; Nguyễn Trung Ðức viết lời giới thiệu, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội (ấn bản 2000), trang 67 (chương thứ nhì, ngay sau chương mở đầu):

“Khi tên cướp biển Phranxít Ðrăc tấn công Riôcha ở thế kỷ XVI, bà tổ của Ucsula Igoaran quá kinh ngạc trước tiếng chuông nhà thờ inh ỏi đổ hồi và tiếng đại bác chát chúa nổ rền, đến mức quẫn trí ngồi vào một bếp than hồng. Những vết sẹo cháy đã làm bà cụ trở thành một người vợ ăn bám suốt đời. Cụ chỉ có thể nằm nghiêng một phía, dựa lưng trên những chiếc gối đệm, và đi đứng kỳ dị, bỏi thế chẳng bao giờ cụ đi ra ngoài trước con mắt mọi người. Cụ từ bỏ mọi sinh hoạt xã hội, vì bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ người mình phả ra mùi khét khó chịu. Ánh bình minh bắt gặp cụ ở ngoài sân. Cụ không dám ngủ bởi nằm mộng thấy bọn người Anh cùng với những con chó dữ tợn đã trèo qua cửa sổ phòng ngủ và làm cụ chết khiếp vì những cực hình ghê rợn bằng những thanh sắt nung đỏ.“

Ðoạn văn dịch trên đây thật dễ đọc, và chẳng có gì là khó hiểu, hay lủng củng, nhưng với một độc giả “đọc đến nơi đến chốn”, không có trong tay, hoặc không thể đọc nguyên bản, chỉ căn cứ vào bản tiếng Việt, sẽ có ít ra là hai “thắc mắc” sau đây:
1.  “Quá kinh ngạc trước... đến mức quẫn trí...”: kinh ngạc làm sao có thể đưa đến quẫn trí?
2.  “Những vết sẹo cháy... ăn bám suốt đời”: “sẹo cháy” làm sao “làm cho bà cụ trở thành ăn bám suốt đời”?

Theo ghi chú của nhà xuất bản, bản tiếng Việt được dịch từ nguyên tác Tây Ban Nha. Người viết bài này không biết tiếng Tây Ban Nha, nhưng đã thử so sánh đoạn trên với đoạn được dịch ra tiếng Anh (dịch giả Gregory Rabassa, NXB Avon Books, Nữu Ước):
1.  Tiếng chuông nhà thờ đổ hồi, bản tiếng Anh: tiếng chuông báo động đổ hồi (the ringing of the alarm bells). Quá kinh ngạc, bản tiếng Anh dịch là became so frightened: quá khiếp sợ.
2.  Bà vợ ăn bám suốt đời, bản tiếng Anh: bà vợ vô dụng suốt những ngày còn lại của bà (a useless wife for the rest of her days).
Như vậy, bà vợ vô dụng suốt những ngày còn lại của mình có nghĩa là bà vợ không còn đáp ứng được việc chăn gối, chứ không phải, vì bị sẹo bỏng nên không làm việc được nữa, và phải ăn bám chồng con.
Bản tiếng Anh còn cho thấy một số khác biệt (vết sẹo cháy/vết bỏng; đi đứng kỳ dị/ dáng đi của bà chắc phải kỳ cục, cho nên bà không còn đi ra ngoài đường ngoài phố nữa; cực hình ghê rợn/tra tấn nhục nhã (shameful torture)... những chi tiết đều quyện vào nhau, mỗi chi tiết cho thấy/hoặc giấu giếm một ý nghĩa nào đó của câu chuyện, và chỉ “sáng tỏ, khi “sự thực“ xuất hiện: “Chỉ vì sợ nằm mơ thấy mấy tên cướp người Anh và những con chó dữ tợn... tra tấn nhục nhã bằng những thanh sắt nung đỏ.“
Bạn có thể coi cả đoạn trên chỉ là một câu văn, bởi vì nên nhớ một điều, García Marquez là một nhà văn thuộc “trường phái“ William Faulkner!

Phạm Thị Hoài, nhân câu chuyện, cung cấp bản dịch tiếng Ðức:

Als im sechszehnten Jahrhundert der Seeräuber Francis Drake Riohacha überfiel, erschrak Ursulas Urgroßmutter dermaßen über Sturmläuten und Kanonendonner, daß sie die Nerven verlor und sich auf einen brennenden Herd setzte. Die Brandwunden machten sie für den Rest ihres Lebens zu einer untauglichen Ehefrau. (Bản dịch của Curt Meyer-Clason, NXB Kiepenheuer & Witsch, Köln, 1970)

và cho biết những chỗ gạch chân:

-  erschrak: khiếp sợ, hoảng
-  Sturmläuten: chuông dồn dập, đổ hồi. Không thấy có nhà thờ trong câu này. Nghe chuông dồn dập thì tất nhiên là hoảng, rồi nghe Kanonendonner, sấm đại bác, tiếng đại bác gầm, lại càng hoảng, đầu óc để đi đâu cả (die Nerven verloren), nên mới ngồi lên luôn cái bếp đang cháy.
-  Brandwunden: không phải là vết sẹo cháy, mà là vết bỏng.
-  untauglich: vô dụng, chứ không phải ăn bám.

Như vậy bản tiếng Anh và bản tiếng Ðức tương đối khớp nhau.

Bản dịch sẽ bớt sai sót, nếu:
Người dịch thật rành rẽ tiếng... Việt.
Ðây là điều kiện tiên quyết, tối hậu, sinh tử v.v... và v.v... đối với bất cứ một cá nhân nào lăm le dịch tiếng nước ngoài ra tiếng nước mình. Bạn càng rành rẽ tiếng nước mình tới đâu, bản dịch càng đáng tin cậy tới mức đó. Một người rành tiếng Việt, làm sao không “ngạc nhiên“ tự hỏi, tại sao ngạc nhiên lại đưa đến quẫn trí, tại sao chỉ bị bỏng ở bàn tọa, mà lại trở thành bà vợ ăn bám?...
Dịch hay không dịch, bất cứ bản văn nào cũng đều cưỡng lại mọi cố gắng làm cho nó có nghĩa. Trần Trọng Hoàng Bách đành chọn cái này, thay vì cái kia, trong khi không có nguyên tác trong tay, điều này cho thấy, ông căn cứ trên khả năng, sự rành rẽ tiếng Việt của ông, khi chọn lựa.
Nếu dịch là cướp, chỉ một khi bạn tự tin vào khả năng phòng thủ của mình mới dám rước họa vào nhà, mới biến của cải của người thành của mình. Theo nghĩa đó, George Steiner cho rằng, thi sĩ là những dịch giả tốt nhất. Sau nhà thơ, tới những kẻ bị đá văng ra bên lề xã hội, hay bị đá văng ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn (outcasts, wanderers). Và dịch là số phần của họ, nếu muốn ôm dịt lấy căn nhà hữu thể (chữ của Heidegger để chỉ ngôn ngữ).
“Bảnh“ hơn nữa, là dùng ngay tiếng của người làm võ khí, để đi ăn cướp! Phần số, trời đầy, kẻ bị trù yếm: Cứ mỗi lần Ursula bị khổ vì những ý nghĩ khùng điên của chồng, bà lại chồm ngược về quá khứ hơn ba trăm năm, cái quá khứ của số mệnh và trù ẻo, cái ngày Sir Francis Drake tấn công Riochia; tôi cũng muốn bắt chước bà, nhảy ngược về quá khứ, của số mệnh và trù ẻo, cái ngày mà người Pháp tấn công Nam Kỳ....

Dịch là chấp nhận phần số của mình (2)    22.01.02

 

[Trong bài trước, người viết dùng chữ “của mình”, là muốn nhấn mạnh tới cái số phận nghiệt ngã của những kẻ chỉ mong được say xỉn, để văng tục bằng tiếng mẹ đẻ, còn lúc bình thường thì lại quen miệng xài f. f., hay “òa òa”, “e, e” (yeah, yeah)...]

Bây giờ nói đến số phận của chính “cái gọi là” tiếng mẹ đẻ, khi bị (chuyển) dịch.

 

Bản dịch sẽ bớt sai sót, nếu:

Người dịch cảm thấy thoải mái khi sử dụng tiếng... Việt.

 

Trong một viết nhan đề Tiếng Việt S.O.S, trên tờ Thể Thao & Văn Hóa, (số 15, ngày 20.2.2001), mục Diễn Ðàn Văn Hóa, Dương Tường, nhân “vừa đọc bài phỏng vấn Giáo sư Cao Xuân Hạo về tình trạng báo động hiện nay trong tiếng nói và viết tiếng Việt” [tôi đề nghị sửa lại là: “... trong nói và viết tiếng Việt...”], đăng trên báo TT&VH số ra ngày 2.2.2001, đã hoàn toàn đồng ý với bạn của ông. Theo tôi, có vẻ như ông không được thoải mái cho lắm, khi đưa ra ý kiến cụ thể sau đây:

“Có một điều nghịch lí là từ sau thống nhất đất nước, hàng loạt từ địa phương ở miền Nam tràn ra miền Bắc, dần dần lấn lướt thậm chí thay thế những từ đã chuẩn hóa từ nhiều đời. Lợn lành chữa thành lợn què, đang trương biển Công Ty Gạch Hoa lại sửa thành Công Ty Gạch Bông, đang thiếp mời lại sửa thành thiệp mời, đang kem cốc lại sửa thành kem li. Trên thực đơn của các hàng ăn, các chữ rang và rán biến mất, nhất loạt thay thế bằng chữ chiên: cơm chiên thay vì cơm rang, cá chiên, đậu chiên, khoai tây chiên thay vì cá rán, đậu rán, khoai tây rán... Trong ngôn ngữ mọi nước, tiếng dùng ở thủ đô bao giờ cũng được coi là chuẩn mực, quyết không thể đem tiếng địa phương thay thế. Hiện tượng này nếu diễn ra theo chiều ngược lại, nghĩa là đem những từ miền Bắc thay thế cách gọi của miền Nam, cũng là vô lối, không thể chấp nhận được.” Sự thắng thế của những từ miền Nam tại miền Bắc, như trên, theo tôi, là do vấn đề tiện dụng, theo cả nghĩa kinh tế của từ này: nếu trên thực đơn để là cá chiên, chẳng khách ăn nào sờ tới món này, là nó biến mất. Trường hợp gọi là vô lối, đã xẩy ra rồi, chứng cớ là Sài Gòn bị đổi tên, chắc là ông Dương Tường không để ý tới, bởi vì ông vẫn quen miệng gọi là Sài Gòn.

 

Theo tôi, rán được dùng ở miền Bắc, tức là một nửa đất nước; chiên, cả một nửa còn lại. Khi Dương Tường coi từ rán là của cả nước, theo nghĩa được chuẩn hóa lâu đời, dù muốn dù không, người đọc có cảm tưởng, ông sẽ thoải mái khi ăn chả rán, thay vì chả chiên, tuy cùng là một món ăn.

 

Ðâu phải mưa ô buy vào thành phố"...

1954, vào Nam, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền có lẽ là một trong những người đầu tiên có những dòng thơ văn về Hà Nội, bên cạnh những dòng nhạc của một "Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội", hay "Hướng Về Hà Nội". Câu thơ trên, tôi chỉ nhớ loáng thoáng, trong tập "Tôi không còn cô độc", đã một thời làm ngơ ngẩn cả đám bạn bè hồi cùng học trung học. Ngớ ngẩn, đúng hơn.

Số là Phạm Năng Cẩn rất mê câu thơ đó. Anh cứ ngâm đi ngâm lại khiến Nguyễn Quốc Sủng đâm ra thắc mắc, hỏi, mưa ô buy là mưa gì? Tôi nhớ là, bạn Cẩn ngớ ra, và... cương đại: mưa ô buy là một thứ mưa bụi (buy biến thành bụi), hạt lấm tấm như nhũ kim cương trên những chiếc áo Mùa Thu, Hà Nội!

Sủng coi bộ không hài lòng với một lời giải thích rất thơ như vậy. Một bữa, trong lúc cả đám vây quanh nhà thơ, anh hỏi. Thi sĩ trả lời: ô buy là một từ tiếng Pháp, obus. Mưa ô buy là mưa đại bác, mưa trái phá!

Sau này tôi được biết, người miền nam gọi trái phá là trái ô buy. Họ gọi phạm nhe là người y tá, và hồi mới vào Sài Gòn, tôi đã từng khổ sở vì không hiểu nghĩa của nó, sau cùng truy ra, là do từ tiếng Pháp, infirmier.

 

Nước Pháp, “hóa thân” vào miền nam, qua từ obus; rồi miền nam “hóa thân” vào từ ô buy, và được một nhà thơ miền bắc âu yếm sử dụng cho... Hà Nội, ôi chao số phận của “trái đại bác” Tây, nhờ một miền đất, rồi nhờ một nhà thơ, biến thành cơn mưa bụi ở một miền đất khác, trong cùng một quê nhà, sao mà may mắn hơn cái từ chiên hẩm hiu thế!

Bởi vì không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ sử dụng từ “mưa ô-buy”: ông vẫn bị những cơn mưa từ cái thành phố mà ông từ bỏ ám ảnh, cũng như không phải ngẫu nhiên mà ông bạn ngày xưa của tôi tán ẩu, ông cũng bị ám ảnh....

 

Nhân chữ chuẩn hóa lâu đời tôi lại nhớ đến Lévi-Strauss; ông cho rằng từ ngữ vốn không phải là của chung, mà là của riêng, giống như ngày xưa, khi đi thi, mà dùng một chữ của vua dùng, là phạm húy, có khi mất luôn cái chỗ đội nón; nhưng, như một vòng tròn luẩn quẩn, khi những chữ được những nhà quyền quí dùng chán chê, vứt bỏ, lúc đó thứ dân lại mang ra xài, và ngược lại.

Chiên được người dân cả hai miền sử dụng, biết đâu đấy, chính nó đang mang thông điệp thống nhất, và người dân miền bắc có vẻ đã đến lúc quá chán cái gọi là chuẩn hóa lâu đời rồi cũng nên...

Đáp lời Nguyễn Quốc Trụ    31.01.02

Bàn về những bản dịch không trực tiếp từ nguyên tác là hoàn toàn thừa, vì chuyển ngữ kiểu ấy thực ra không phải là dịch; còn các nhà xuất bản Việt Nam có cái sáng kiến công bố một thứ vô nghĩa như thế, vậy là đủ hiểu. Nhưng họ cũng sánh vai với thiên hạ: nhà xuất bản Suhrkamp danh giá (Frankfurt/Main) cũng thản nhiên chơi một trò kì quặc tương tự, là vòng qua tiếng Anh để chuyển sang tiếng Đức một tác phẩm về amareru của Nhật cho tủ sách edition suhrkamp. Về nguyên tắc, cần xác định rằng những thứ như vậy không phải là dịch, mà là hót leo vô lối.

Ý kiến của Dương Tường, rằng trong ngôn ngữ mọi nước, tiếng dùng ở thủ đô bao giờ cũng được coi là chuẩn mực, tất nhiên là ẩu. Ở phần lớn các nước trên thế giới, thủ đô dùng một thứ phương ngữ ba láp gì đó, nhưng quyết không phải là ngôn ngữ phổ thông hay ngôn ngữ chuẩn. Cứ xem Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Ý, Brasil, Pakistan, Nhật vv. thì rõ. Còn ở những nước như Trung Quốc và Việt Nam, đem tiếng thủ đô ra làm chuẩn thì chỉ có thể là bị chập mạch ngôn ngữ học, vì tiếng Hà Nội chẳng hề phân biệt cả chtr lẫn gi, rd, mà cách thành phố không đầy 20 cây số thì ln đã lẫn lộn rồi. May ra các thanh là tương đối chỉnh. Trung Quốc cũng như vậy - đều là những quyết định chính trị, khoác cho một phương ngữ nhất định vai ngôn ngữ chuẩn, hòng thúc đẩy sự thống nhất ngôn ngữ. Ở Trung Quốc thậm chí cả ngoại ngữ như tiếng Quảng Đông cũng bị liệt vào hạng phương ngữ - chính trị trước, ngôn ngữ học sau - mà tiếng Quảng Đông gần họ với tiếng Việt hơn tiếng Trung, và người Hoa miền Bắc chẳng ai nghe thủng một từ Quảng Đông.

Về trích dẫn từ Cien Años de Soledad: nguyên bản dùng "se asustó tanto que...": đúng nghĩa là: giật mình (cả bản tiếng Anh và bản tiếng Việt đều hơi chệch); rồi: "las quemaduras la dejaron convertida en una esposa inútil para toda la vida", bản tiếng Anh truyền đạt chính xác. Nhưng đi đứng kì dị trong bản tiếng Việt thì sai nghiêm trọng, vì quy vào hơn một đoạn trong câu "algo extrano debió quedarle en el modo de andar, porque nunca volvió a caminar en público", ở đây chỉ là đi mà thôi, không dính gì tới đứng, càng không cả đi lẫn đứng, mà cả cụm "modo de andar" dịch thành đi đứng lại càng sai. Ngoài ra García Márquez dùng "vergonzosos tormentos", không thể là tra tấn nhục nhã được, "tormentos" không phải là tra tấn nhục hình cụ thể, mà là hành hạ tâm hồn, cùng lắm cũng có thể dịch thành tra tấn theo nghĩa ẩn dụ, nhưng ở đây nên nhường cho những cách diễn đạt mềm đi chút ít thì hơn. Về tiếng chuông báo động đổ hồi thì đồng ý với Nguyễn Quốc Trụ, trong "toque de rebato" không hề có nhà thờ.

Cuối cùng tôi xin nhắc Nguyễn Quốc Trụ rằng, đừng đưa mình lộn lại cái thời Pháp tấn công Nam Kỳ thì hay hơn. Ông cũng đành bất lực như đồng bào ông mà nhìn quê hương mất dần từng mảnh vào tay kẻ xâm lược mà thôi. Hay ông tin là dấy lên được một phong trào phản kháng? Gần hai mươi năm trôi qua, rồi Trung Kỳ rơi hẳn vào tay Pháp. Hai mươi năm, vì rất nhiều lí do phức hợp mà hàng triệu người Việt không đủ sức ngăn nổi Pháp. Nhưng có lẽ Nguyễn Quốc Trụ không để xảy ra cái cảnh như người Việt thuở ấy, không, chắc ông cứu được ‘địa linh nhân kiệt’. Hẳn là thế.

Patrick Raszelenberg   (Talawas)

Bản dịch của Talawas.

 




Nguyên bản tiếng Đức:

Antwort auf Nguyen Quoc Tru

Die Diskussion um Übersetzungen, die nicht direkt aus der Originalsprache stammen, ist von Grund auf überflüssig, da derartige 'Übersetzungen' eigentlich keine sind; daß vietnamesische Verlage überhaupt auf die Idee kommen, solch einen Unsinn zu publizieren, spricht Bände. Allerdings befinden sie sich in bester Gesellschaft: Der renommierte Suhrkamp-Verlag (Frankfurt/Main) leistete sich eine ähnliche Groteske, als er in seiner edition suhrkamp ein Werk über das japanische amareru aus dem Englischen eindeutschen ließ. Grundsätzlich sollte jedoch festgehalten werden, daß so etwas keine Übersetzung, sondern prätentiöses Nachsabbeln ist.

Duong Tuongs Bemerkung, daß die Hauptstadtsprache "in jedem Land als Standard angesehen wird", ist natürlich hanebüchen. In den meisten Ländern der Welt spricht die Hauptstadt irgendeinen verqueren Dialekt, aber bestimmt nicht die Hoch- oder Standardsprache. Siehe Deutschland, England, USA, Italien, Brasilien, Pakistan, Japan usw. usf. Daß in Ländern wie China und Vietnam die Hauptstadtsprache zum Standard erklärt wird, kann nur als linguistische Idiotie durchgehen, denn Hanoier Vietnamesisch differenziert weder zwischen ch und tr noch gi, r und d, und kaum 20 km außerhalb der Stadt kann es zu l-n-Verwechslungen kommen. Allenfalls die Töne sind relativ sauber gesetzt. Für China gilt dasselbe - all das sind politische Entscheidungen, die einen bestimmten Dialekt zur Hochsprache stilisieren, um die sprachliche Einheit zu forcieren. In China werden selbst Fremdsprachen wie Kantonesisch als Dialekt behandelt - Politik vor Linguistik - obwohl Kantonesisch enger mit Vietnamesisch als Chinesisch verwandt ist und kein Nordchinese auch nur eine Silbe Kantonesisch verstehen kann.

Zum Zitat aus Cien Años de Soledad: Das Original spricht von "se asustó tanto que...": wörtlich: giat minh (sowohl die englische als auch die vietnamesische Übersetzung schießen ein wenig daneben); weiter heißt es: "las quemaduras la dejaron convertida en una esposa inútil para toda la vida", was im Englischen korrekt widergegeben wird. Ein schwerwiegenderer Fehler ist jedoch, in dem Satz "algo extrano debió quedarle en el modo de andar, porque nunca volvió a caminar en público", das vietnamesische "di dung ky di" auf mehr als einen Satzteil zu beziehen, denn es bezieht sich einzig auf "di" (gehen), nicht "dung" (stehen), und schon gar nicht beides; "modo de andar" als feststehenden Ausdruck in seiner Gesamtheit mit "di dung" zu übersetzen, ist erst recht falsch. Darüber hinaus spricht Márquez von "vergonzosos tormentos", d.h. niemals "tra tan nhuc nha": "tormentos" sind keine konkreten physischen Foltern, sondern seelische Qualen, d.h. sie können allenfalls metaphorisch mit "tra tan" wiedergegeben werden und sollten an dieser Stelle lieber abgeschwächten Ausdrücken weichen. Hinsichtlich des Sturmläutens ist Nguyen Quoc Tru zuzustimmen, daß in "toque de rebato" keine Kirche vorkommt.

Zuletzt möchte ich Nguyen Quoc Tru warnen, sich doch lieber nicht in die Zeit zurückzuversetzen, als Frankreich den Süden überfiel. Er würde genauso wie seine Landsleute ohnmächtig zusehen, wie Stück für Stück der Heimat an die Eindringlinge vergeben wird. Oder glaubt er, eine schlagkräftige Widerstandsbewegung ins Leben gerufen zu haben? Wohl kaum. Fast zwanzig Jahre verstrichen, bis Zentralvietnam vollständig französisch wurde. Zwanzig Jahre, in denen Millionen Vietnamesen aus einer Vielzahl komplexer Gründe nicht in der Lage waren, Frankreich Paroli zu bieten. Doch Nguyen Quoc Tru wäre es nicht genauso gegangen wie den Vietnamesen damals, nein, er hätte die 'dia linh nhan kiet' errettet. Klar doch.