Dịch thuật
14.1.2002
Trần Trọng Hoàng Bách
Đa đa
Thưa các vị diễn đàn,
Phần đông các vị đã lên tiếng ở diễn
đàn này đều có vẻ ủng
hộ đa dạng, đa chiều, đa nguyên... khiến tôi thấy rất an toàn. Ông
Nguyễn Anh
Cơ còn đặt vấn đề rất thoáng, không cần phân biệt đông tây. Sau đó lại
thoáng
hơn nữa, vạch một con đường rộng rãi từ nhất nguyên qua nhị nguyên lên
thẳng đa
nguyên. Tôi thì muốn không phân biệt nguyên lí, địa lí, thuyết lí, nên
sẵn sàng
nối từ nhị nguyên qua tam đoạn luận, tứ diệu đế, ngũ hành, lục gia,
thất miếu,
bát quái, cửu trùng, thập tông. Nhưng e như vậy không lên tới đa nguyên
mà tới
đa đa là cùng. Vậy xin làm một việc khác:
Tôi cũng tán thành đa nguyên trong
dịch thuật như ông Nguyễn
Anh Cơ đề nghị. Tất nhiên tôi còn tán thành việc dịch là cướp và dịch
là tiêu
vong linh hồn như ông Nguyễn Quốc Trụ tiết lộ, mặc dù hành động cướp và
việc
linh hồn đang sống chuyển sang từ trần chắc là không diễn ra cùng một
chớp mắt.
Có thể từ trần trước, cướp sau. Có thể vừa biệt kích xong thì hồn vong
thân.
Tôi đã quen sống không thắc mắc với những điều còn khó hình dung hơn
nhiều. Sau
khi đồng ý để dịch giả rộng quyền như vậy, thậm chí cả quyền đụng vào
cốt tuỷ
tiếng Việt như ông Nguyễn Quốc Trụ có ý biểu dương, độc giả như tôi tất
nhiên
cũng rộng quyền chọn lựa. Ðồng ý với nhau về nguyên tắc như thế thì dễ
lắm. Nếu
có một nguyên tắc ngược hẳn, tôi lại sẵn sàng đồng ý, vì đối phó với
mọi nguyên
tắc là cách sống thọ nhất của người trong nước.
Vấn đề của tôi là: rộng quyền chọn
giữa những bản dịch tồi
tệ, tất nhiên là mỗi cái tệ một kiểu, hết sức đa dạng (nhân đây xin nói
là so
với sự giầu có của cái dở thì cái hay bao giờ cũng là con nhà nghèo),
thì xin
lỗi các vị, tự do kiểu ấy là tự do chọn giữa đống rác, chắc ông Nguyễn
Anh Cơ
không có ý cho là thứ những người bới rác đang cần. Xin kể ra đây vài
khả năng
chọn lựa tự nguyện của người đọc:
Chọn giữa cái không thể hiểu nổi này
và cái cực kỳ tối nghĩa
kia. Ví dụ 1: “Mà bề ngoài của ông cũng không thuộc lứa đàn ông mà đàn
bà sẵn
sàng tha thứ và đánh giá rộng rãi hơn về sự thiếu trí tuệ. Tên của ông
bị rút
gọn lại chỉ còn là Appin và tên húy Cornelius dường như chỉ là một nghi
thức
rửa tội vô hình vô dạng.” (Saki Munro, Khi mèo nhà biết nói, bản dịch
của Phương
Lê, tạp chí Văn hoá-Văn nghệ công an tháng 12.2001). Ví dụ 2: “Ðây là
thắng lợi
của sự tích cực tham dự văn học. Người ta có thể viết thứ văn học này.
Việc
tích cực tham dự văn học đã không kết thúc cùng với việc gắng sức cho
nền văn
học hiện thực của chủ nghĩa xã hội.” (Văn học ở chỗ nói ra chân tướng,
các nhà
văn giải thưởng Nobel nói về Guenter Grass, Phó Thiên Tùng dịch, Văn
Nghệ, số
17.2000). Ví dụ 3: “Với những gì là hành động nói riêng, tất cả đều
vượt qua
như xuyên qua một cặp đôi mà người ta khớp vào cho đúng” (Trò chuyện
với
Patrick Modiano, Trần Hinh dịch, Văn Nghệ số 50.1999). Tôi chịu thua
việc đánh
giá rộng rãi hơn về sự thiếu trí tuệ và tên húy là nghi thức rửa tội vô
hình vô
dạng trong ví dụ 1. Tôi đầu hàng trước sự tích cực tham dự văn học của
ông
Günter Grass trong ví dụ 2, nên vui vẻ chọn ví dụ 3, vì hai dịch giả
trên kia
còn có vẻ hiểu một vài phần câu dịch, còn dịch giả thứ ba thì cũng như
tôi,
tuyệt đối không hiểu gì hết.
Chọn giữa cái cẩu thả này và cái lôi
thôi lủng củng kia. Ví dụ
1: “Thường tôi đi ngủ tương đối sớm, nếu như có được sự dễ dàng.” (Trò
chuyện
với Patrick Modiano, như trên). Ví dụ 2: “Những lời lẽ đã chĩa vào nền
chuyên
chế quốc xã của ông, có thể cũng sẽ thích hợp dùng cho thời kỳ cách ly
chủng
tộc ở Nam Phi.” (Văn học ở chỗ nói ra chân tướng, như trên). Thấm nhuần
không
khí dịch thuật này, tôi cũng xin phép đặt câu như sau: “Nếu như có được
sự dễ
dàng, tôi sẽ chọn ví dụ 2, bất chấp sự phê phán chĩa vào khái niệm
“cách ly
chủng tộc”, vì có thể cũng sẽ thích hợp dùng cho những chọn lựa khác.”
Các dịch
giả trên đã nẫng ngoại tệ mạnh trong nhà băng văn hoá của thiên hạ, đem
về xài
không thèm đổi ra tiền mình. Nay tôi lại cướp được một nước sái, chẳng
biết có
được ông Nguyễn Quốc Trụ tán thưởng không?
Chọn giữa cái sai này và cái sai khác.
Ví dụ 1: C.
McCullough, Tiếng chim hót trong bụi mận gai (nguyên tiếng Anh: The
Thorn
Birds). Ví dụ 2: Truyện cổ Grimm, Cô bé quàng khăn đỏ (nguyên tiếng
Ðức:
Rotkäppchen). Những cái sai có vẻ vô thưởng vô phạt như vậy lại không
hề vô hại:
lâu dần, người đọc nghiêm túc mất hẳn lòng tin vào các bản dịch. Thà
đánh vật
với cuốn từ điển ngoại ngữ tự học để mò mẫm từng chữ trong nguyên bản
còn hơn.
Chọn giữa một mẫu số chung duy nhất.
Tôi cũng nhận là văn
chương Việt Nam thiên về tình cảm, phải khéo lắm mới không thành đa
cảm. Học
trò tôi bình thường rất thực dụng, không tặng hoa ngày các nhà giáo nữa
mà tặng
bàn là hơi và chảo chống dính, nhưng cứ động bút viết bài tập làm văn
là thành
các nhà lãng mạn chân chính và rất chuộng những ví von mầu mè. Cái
tiếng Việt
chảy nước đầm đìa ấy ở đâu ra? Một phần rất lớn ở các bản dịch tác phẩm
nước
ngoài sang tiếng Việt. Hạng trên một chút thì có Một mình với mùa thu
(Pautovski), Bản du ca cuối cùng (E.M. Remarque), Cây phong non choàng
khăn đỏ
(Aitmatov) ..., hạng dưới thì không tả xiết: Chiều tàn thu muộn, Người
giầu
cũng khóc, Nỗi lòng thấu trời xanh, Thiên thần gẫy cánh, Dòng đời
nghiệt ngã,
Ðêm trước một rạng đông vô vọng... Các nhân vật của ông Beckett nói
tiếng Việt
cũng bóng bẩy nhịp nhàng như các nhân vật của ông Shakespeare, mà các
nhân vật
của ông Shakespeare thì nói tiếng Việt không khác mấy các nhân vật phim
Hàn
Quốc lồng tiếng. Thế thì nhạc heavy metal do băng Sài Gòn Huớng dương
đồng nội
chơi có mùi tiền chiến cũng phải. Ðể bổ sung các nguyên tắc dịch chưa
biết có
khả thi không mà các vị đã nêu, tôi xin nêu thêm cái nguyên tắc đã
thành hiện
thực phổ quát là: Dịch là pha nước ngọt. Ông Nguyễn Anh Cơ có vẻ dễ
tính, chắc
đôi khi cũng thú món xi rô này.
Những ví dụ như đã dẫn nhan nhản trong
mọi tờ báo và tạp
chí, không ai buồn trách nữa. Một lúc nào đó chúng ta sẽ coi đó là
đương nhiên.
Vận động của ngôn ngữ mà!