Ban Mai
Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam
Tác giả Ban Mai
Mở đầu tập Ca khúc da vàng viết năm
1967, Trịnh Công Sơn bày
tỏ nỗi đau thống thiết: “Tất cả đã bể, đã vỡ toang. Tiếng thét đã chìm
xuống
biển thành tiếng nói trầm tư, thành lời kêu uất về thân thế Việt Nam.
Tiếng nói
vang lên từ những hố bom đào lên cùng khắp. Ơi những bạn bè thân yêu đã
chết từ
đỉnh cao hay vực thẳm. Con người đã hóa thân làm vết thương. Cái chết
hóa thân
làm biểu tượng vô nghĩa. Đã biến hình đổi dạng từ những cơn hiểm họa
cay nghiệt
nhất của nhân loại. Lìa cha mẹ, anh em, bằng hữu yêu dấu vô cùng. Hãy
kết hỏa
châu làm đèn đãi ngộ quỷ dữ. Đốt đuốc cho người điên ấm phố mùa đông.
Cả một
hành trình hùng vĩ của giống nòi từ miền Triết Giang đổ về bây giờ như
thế đó.
Hỡi người yêu da vàng của tôi hãy duỗi tay thật dài về phía hố thẳm vốc
lấy những
hạt đất mềm mỏng đó mà hôn. Tôi sẽ làm người tiều phu đi nhặt từng cánh
tay,
bàn chân, từng đốt xương, sọ người vung vãi khắp nơi về làm củi đốt
sáng cho
đêm tìm lại dấu vết của một hành tinh Việt Nam da
vàng bặt tăm. Ám khí dày
đặc, làm sao thấy rõ mặt nhau. Hãy thử bắt đầu bằng tiếng hát như ca
dao của tổ
tiên ta ngày xưa đó”. ("Da vàng ca khúc" Trịnh Công Sơn) [1]
Trong ca
khúc “Gia
tài của Mẹ”, Trịnh Công Sơn đã chỉ cho chúng ta thấy đây là một cuộc
chiến
tranh “nội chiến”. Chính quan điểm này đã làm cho chính quyền cộng sản
e ngại
ông. Bởi vậy, trong giai đoạn đầu của thời hậu chiến, có người ở chiến
khu đã
tuyên bố khi về Sài Gòn sẽ “xử tử” Trịnh Công Sơn [2] . Cho đến ngày
nay, quan
điểm về tên gọi cuộc chiến vẫn là điều tranh cãi. Với tôi, tôi đồng cảm
cùng
suy nghĩ của Trịnh Công Sơn, bởi vì đứng trên góc nhìn dân tộc, cái
chết nào
cũng đau xót như nhau. Vì tất cả đều chung giòng máu Lạc Hồng. Đó chính
là bi
kịch của người dân Việt. Với trái tim nhạy cảm và nhân ái vô cùng,
Trịnh Công
Sơn đã nhận ra điều vô lý ấy. Trong bài nói chuyện “Trịnh Công Sơn vì
hòa bình
và tình yêu” do “Hội Văn hóa Trịnh Công Sơn” tổ chức tại Paris đêm
3-5-2003,
giáo sư Cao Huy Thuần đặt câu hỏi: “Có cái gì nổi bật trong nhạc chống
chiến
tranh của Trịnh Công Sơn?” và khẳng định: “Chẳng có gì ngoài chữ tình”
[3] .
Đúng, nhạc chiến tranh của ông bắt nguồn từ tình yêu thương, nó là
những bài tự
tình dân tộc, ông nói hộ cho dân tộc thân phận khổ ải của kiếp người
trong
chiến tranh, là tiếng kêu thương tuyệt vọng của người dân trong cảnh
thịt xương
tan nát.
Ôi da vàng Việt Nam vỡ
nát
Xương thịt đó thiêng liêng vô cùng
Khắp đất nước tràn đầy xác người:
Xác người nằm quanh đây, trong mưa
lạnh này
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ
ngây
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy, bên những
vồng ngô khoai
("Hát trên những xác người" - 1968)
Là một trí thức, ông ý thức được thân
phận nhược tiểu của
đất nước mình trong bối cảnh tranh giành ảnh hưởng của các thế lực quốc
tế. Cảm
nhận được nỗi đau mất mát ấy, cho nên dù đang ở trong cái thế chống đối
nhau,
tự trong thâm tâm của người dân Việt, họ vẫn thấy yêu nhau, gần nhau:
Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày gió lớn, tôi đi môi gọi thầm,
Gọi tên anh, tên Việt Nam,
Gần nhau trong tiếng nói da vàng.
("Tình ca của người mất trí" - 1967)
Có lúc ông nói thẳng ra:
Hai mươi năm là xác người Việt nằm
Làm sao ta giết hết những đứa con Việt
Nam?
Xưa ta không thù hận
Vì đâu tay ta vấy máu?
("Tuổi trẻ Việt Nam" -
1969)
Cái bi thảm nhất là ở chỗ: tay của
người Việt ít nhiều đều
vấy máu anh em mình, người yêu của mình. Tự trong thâm tâm, họ là anh
em, cha
con, là người yêu của nhau, nhưng trên thực tế, họ chém giết nhau, nhìn
nhau xa
lạ. Nhưng khi người yêu đó: Bỏ xác trôi sông, chết ngoài ruộng đồng /
Chết rừng
mịt mùng, chết lạnh lùng / Mình cháy như than, chết cong queo / Chết
vào lòng
đèo, chết cạnh gầm cầu / Chết nghẹn ngào, mình không manh áo (Tình ca
của người
mất trí - 1967). Trong cuộc chiến tranh này, không ai ca khúc khải
hoàn, không
ai nằm chết trong vinh quang. Những người yêu đó đã:
Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò
Chết không hận thù, nằm chết như mơ
Trịnh Công Sơn cho rằng, đây là cái
chết do một trận địa
chấn, một cơn hồng thủy. Một cái chết không nằm trong dự tính của họ.
Họ bị một
thứ gông cùm xiềng xích vô hình xô đẩy họ vào mâu thuẫn, hận thù. Nhưng
tận
trong sâu xa nơi tâm hồn họ, họ không thấy sự mâu thuẫn, hận thù mà chỉ
thấy
một màu da thơm mùa lúa chín, thấy yêu nhau, thấy gần nhau trong tiếng
nói Việt
Nam.
Như vậy thì quả dân tộc ta đang gặp một cơn đại nạn. Và triệu người đã
chết bất
đắc kỳ tử, chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh phát xuất từ đâu
tới, chớ
không phải từ trong lòng anh em Việt Nam, mà ngày nay có những quan
điểm cho
rằng đó là cuộc chiến tranh “uỷ nhiệm” của các nước lớn. Nói như Bửu Ý
“… chiến
tranh diễn ra không phải ở chiến trường, không phải do người cầm súng,
nó diễn
ra ở bàn tròn, ở trong lòng người, ở trong đầu óc những con người mua
bán chiến
tranh… Giữa một nền trời như vậy, thân phận con người là một vấn nạn,
ta nên
nói ngay: đây là một chủ đề tư tưởng, nếu không muốn nói là triết lý…”
[4] .
Những bài ca nổi tiếng trong giai đoạn này như “Tình ca của người mất
trí”, “Ca
dao mẹ”, “Gia tài của mẹ”, “Đi tìm quê hương” là những bài hát có ca từ
rất
buồn thảm, giai điệu blues dìu dặt, thở than, kể lể như tiếng khóc của
một
người đàn bà trong góc phòng tối, rồi bỗng nhiên nức nở, gào thét thảm
thiết.
Ông nói hộ những gì trong tâm hồn họ bị nổ ra vì quá đau khổ, u uất, vì
không
thể đè nén lại được nữa. Những ước mơ từ lâu họ không được quyền nói
tới, phải
được chôn sâu vào trong lòng, nay bỗng bùng lên trong tiếng hát của
người mất
trí [5] .
Không chỉ riêng Trịnh Công Sơn, hầu
như người dân miền Nam
nào cũng
sống trong bi kịch ấy. Để minh chứng cho một thời đại đầy biến động
này, chúng
ta hãy đọc bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn khi viết về bộ đội miền Bắc với
một giọng
thơ ngất ngưởng:
Kẻ thù ta ơi, những đứa xăm mình
Ăn muối đá và điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân, rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi, vì ngươi bạc phước
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau”...
(“Chiến tranh Việt Nam và
tôi” - Nguyễn Bắc Sơn) [6]
“Những đứa xăm mình”, những con người
ấy cũng một dòng máu
như ta thôi. Trong lúc người lính Cộng hòa đã nhận ra cuộc chiến này
“cũng chỉ
một trò chơi” thì... phần đông “Kẻ thù ta ơi” đều “điên say chiến đấu”,
đều tin
chắc vào chính nghĩa của cuộc chém giết, đều hô hào cổ võ tàn sát một
cách
trịnh trọng. “Kẻ thù ta ơi” là một thế hệ tươi sáng, họ là những học
sinh, sinh
viên đầy nhiệt huyết, được đào tạo từ nhỏ về lòng yêu nước, yêu nước ở
đây đồng
nghĩa với ý thức của chủ nghĩa cộng sản về nhiệm vụ và sứ mệnh. Yêu
nước ở đây
đã gắn liền với một thể chế. Đây lại là một bi kịch khác. “Nhiệm vụ của
ta là
phải đấu tranh cho lẽ phải. Mà đã đấu tranh thì phải bỏ sức lực, phải
suy nghĩ
và phải hy sinh những quyền lợi cá nhân, có khi là cả cuộc đời mình,
cho lẽ
phải chiến thắng” (Nhật ký Đặng Thùy Trâm) [7] .
Trong khi đó, ở chiến tuyến khác,
trong bài “Nghinh địch
hành” Hà Thúc Sinh viết:
Giao thừa đâu mà vội
Hãy khoan đã chú mày
Cứ đóng xa vài dặm
mà ăn uống cho say
Ta cũng người như chú
cũng nhỏ bé trong đời
có núi sông trong bụng
mà bất lực hôm nay
...
Vì nói thật cùng chú
Trăm năm có là bao
Binh đao sao biết được
Sinh tử ở nơi nào.”
(“Nghinh địch hành” - Hà Thúc Sinh)
Một người lính Cộng hòa nói với một bộ
đội miền Bắc, như nói
với anh em và quả thật họ là anh em cùng giống “da vàng mũi tẹt” mà ra.
Ta đối
với chú mà nói được lời như thế vì lòng ta đã tới độ nguội lạnh, không
còn gì
khuấy động nổi một cơn điên say nữa. Đao to búa lớn: vô ích. Danh từ
cao đẹp:
vô ích. Lý tưởng thiêng liêng: vô ích [8] .
Cũng như bao người trí thức miền Nam
khác, Trịnh Công Sơn đau đớn
nhận ra điều ấy, những thảm cảnh mất mát mà ông thấy trong trái tim của
ông.
Cũng như dân tộc, chiến tranh của ông mang tính trừu tượng, trừu tượng
trong
cái nghĩa nồi da xáo thịt, ông không cần phân tích cái nồi đó thế nào,
ai mang
đến, ai đốt củi lửa. “Tắt một câu, trong dòng nhạc phản chiến của mình,
Trịnh
Công Sơn đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả. Mà tất cả làm theo
mệnh
lệnh của con tim mình (…). Trái tim nhân ái, nhạy cảm, chỉ biết nói lên
những
cảm xúc nồng nhiệt của mình đối với quê hương, dân tộc, dù thiếu vắng
một thái
độ chính trị, nhưng trung thực. Nghĩa là tự đáy lòng mình thì mình nói”
[9] .
Nhận định của Bửu Chỉ thật sâu sắc,
tuy nhiên theo tôi,
Trịnh Công Sơn không phải không có thái độ chính trị. Thái độ chọn lựa
của ông
đã thật rõ ràng. Ông dứt khoát không tham gia bên nào, vì đứng bên nào,
ông
cũng thấy trái tim mình nhói đau. Như một trò chơi, bạn bè thân của ông
chia
đều ở hai phía:
Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè
Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê
hương
("Xin mặt trời ngủ yên" - 1964)
Người miền Nam thấy mình trong ca khúc
“Cho một người nằm
xuống”, Trịnh Công Sơn thương tiếc Lưu Kim Cương, một Đại tá Không quân
Việt
Nam Cộng Hòa tử nạn, là một người bạn hào hiệp của ông:
Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng
quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa về cội nguồn…
Những xót xa đành nói cùng hư không.
("Cho một người nằm xuống" - 1968)
Người miền Bắc lại bắt gặp mình khi
ông chia sẻ nỗi đau:
Tôi mất trong chiến tranh này
Bao nhiêu bao nhiêu nụ cười
Em từ Hà Nội có bao giờ được yên vui…
(“Tôi đã mất” - 1970)
Rồi trưa ngày 30 tháng tư năm 1975,
chiến tranh chấm dứt,
người ta nghe tiếng ông hát “Nối vòng tay lớn” trên Đài phát thanh Sài
Gòn.
Người miền Nam sửng sốt và thấy bị tổn thương như bị phản bội khi mà
trái tim
họ vốn đã tan nát khi Sài Gòn thất thủ.
Giải thích hành động này ra sao?
Văn Cao mấy chục năm trời im hơi lặng
tiếng, bỗng vỡ òa niềm
vui với ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” ở cùng thời điểm này. Phải chăng
những nghệ
sĩ lớn đều như vậy, như đứa trẻ chỉ biết ca lên niềm hân hoan của dân
tộc trong
ngày vui chung của đất nước, sau bao năm ngăn cách. Vẫn là niềm vui
vượt trên
mọi quan điểm chính trị. Và tôi tin rằng, đối với Trịnh Công Sơn, ông
cũng sẽ
làm điều đó nếu chiến thắng trong cuộc chiến 1975 trước đây thuộc về
những
người lính Cộng hòa.
Ở Việt Nam, cái logic tư duy của người
Việt thường thấy là:
không bên này là bên kia. Điều này cũng dễ hiểu vì thực tiễn lịch sử
Việt Nam
trong suốt nhiều thập kỷ đã đặt con người vào cách tư duy trên. Thái độ
không
thật sự bên nào của Trịnh Công Sơn, đã khiến ông rơi vào cái nhìn nghi
ngờ từ
cả hai phía.
Bên Cộng hòa có người đã cho ông là
“hèn nhát”: “Trịnh Công
Sơn, ông chỉ là một cây sậy, hơn thế nữa, là một cây sậy yếu hèn (cho
dù có là
“cây sậy biết suy nghĩ” tới đâu). Trong lớp vỏ của một cây sậy, của một
thể
chất yếu đuối, là một bản chất yếu đuối… Là cây sậy, ông khó mà đứng
thẳng
trước những trận gió ào ạt, những trận cuồng phong. Ông phải cúi rạp
xuống. Là
cây sậy, ông cũng tham sống sợ chết, cũng thích ăn ngon mặc đẹp, cũng
run sợ
trước bạo lực, cũng lo âu trước những nỗi bất an, những mối đe dọa rình
rập…”
[10] .
Người ta nói “ông phải cúi rạp xuống…
cũng run sợ trước bạo
lực…”. Thế nhưng, khi nghiên cứu cuộc đời và nội dung các sáng tác của
ông (các
bài viết và trên 300 ca khúc), tôi không hề bắt gặp điều đó. Thậm chí,
Trịnh
Công Sơn rất ý thức khi không sáng tác một ca khúc nào có ca từ ca ngợi
lãnh
đạo, lãnh tụ hay ca ngợi thể chế mình đang sống, dù trong thời chiến
tranh hay
sau thời hậu chiến. Đó là lòng tự trọng của người trí thức mà không
phải ai ai
cũng có được.
Bên cộng sản thì “gạt ông qua bên lề”
vì thiếu vắng lập
trường chính trị. Trịnh Công Sơn chênh vênh giữa hai “lằn đạn”… mặc kệ
những
phán xét, ông sống theo suy nghĩ của riêng mình. Tôi nghĩ rằng, thái độ
kiên
định lập trường sống và hoạt động nghệ thuật của riêng mình chính là
bản lĩnh
hiếm có của một nghệ sĩ lớn. Là một nghệ sĩ, ông dùng lời ca để hát lên
thân
phận con người trong chiến tranh, kêu gọi hòa bình và tình yêu thương.
Hành
động dấn thân với tư cách là người nghệ sĩ đấu tranh cho hòa bình, theo
tôi là
một chọn lựa dũng cảm, đầy tính nhân văn của một trí thức. Và hành động
ở lại
Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư, thở cùng nhịp thở với đất nước, đau cùng
nỗi đau
của dân tộc là logic của một nhân cách lớn. Chính điều ấy đã làm ông
trở thành
một công dân “ngoại hạng”.
Và một nghịch lý đã xảy ra: Người dân
bên nào cũng đều thích
hát nhạc của ông, nhưng trớ trêu thay, chính quyền bên nào cũng đều ra
sức cấm
đoán.
Tại sao các chính quyền phải run sợ
trước những lời ca phản
chiến?
Vì quả
thật, những gì
Trịnh Công Sơn nói lên qua ca khúc của ông đều là nỗi lòng và mơ ước
chung của
mọi người dân nước Việt. Đó chính là tiếng nói của lương tâm con người.
Năm
trăm năm trước, Nguyễn Trãi cũng đã từng nói lên nỗi phẫn nộ và đau xót
trước
cảnh tàn hại do giặc Minh xâm lược gây ra: “…Dân chúng lưu ly, những
nỗi lìa
tan không kể xiết, binh sĩ đánh chác, luôn năm chết chóc đáng thương
thay!”.
(“Biểu Cầu Phong” - bài 21). Và trong “Bình Ngô đại cáo”, ông cũng nói
lên thân
phận con người bị giày xéo trong chiến tranh:
Nướng con đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ…
Người bị ép xuống biển, dòng lưng mò
ngọc, ngán thay cá mập
thuồng luồng
Kẻ bị đem vào núi, đãi cát tìm vàng,
khốn nỗi rừng sâu nước
độc…
Nặng nề những nỗi phu phen,
Tan tác cả nghề canh cửi.
Lịch sử Việt Nam như chúng ta biết, là
một đất nước luôn
luôn bị chiến tranh giày xéo, nội chiến phân ly. Vì vậy, những người
dân trong
đất nước này từ bao đời phải luôn sống trong cảnh lầm than. Hết giặc nọ
đến
giặc kia trùng trùng bủa vây. Nhà đại thi hào Nguyễn Du cuối thế kỷ thứ
18 đầu
thế kỷ 19, cũng nói lên nỗi thống khổ của người dân trong cảnh loạn
lạc: Lần
phố xin miếng ăn / Cách ấy đâu được mãi / Chết lăn rãnh đến nơi / Thịt
da béo
cầy sói (“Sở kiến hành”).
Trịnh Công Sơn, giữa thế kỷ 20 cũng
nói lên bao cảnh thương
tâm diễn ra hằng ngày trên một đất nước tang tóc chiến tranh.
Từng chuyến bay đêm, con thơ giật
mình,
Hầm trú tan hoang, ôi da thịt vàng…
Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng.
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn
("Đại bác ru đêm" - 1967)
Trong nỗi bi phẫn vì chiến tranh,
Trịnh Công Sơn lên tiếng
kêu gọi tranh đấu, đồng thời nói lên những khát khao hòa bình với những
bài hát
tiêu biểu như “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, “Nối vòng tay lớ”n, “Cánh đồng
hòa
bình”, “Ta phải thấy mặt trời”. Ca từ hùng hồn, mang tính đấu tranh
thúc giục
và đầy niềm tin về tương lai: Việt nam ơi / Còn bao lâu những con người
ngồi
nhớ thương nhau / Triệu chân em / Triệu chân anh / Hỡi ba miền vùng lên
cách
mạng (“Huế - Sài Gòn - Hà Nội” - 1969)
Hầu hết những ca từ mạnh mẽ hô hào đó,
không phải là những
hô hào chém giết, mà là hô hào chiến đấu cho hòa bình. Trịnh Công Sơn
vẽ ra
hình ảnh một đất nước sau chiến tranh rất huy hoàng:
Ta cùng lên đường
Đi xây lại Việt Nam
Bàn chân ta đi mau đi sâu vô tới rừng
cao
Vác những cây rừng to
Về nơi đây ta xây dựng nhà
Dựng làng mới cho dân ta về
Dựng nhà mới cho miền quê
(“Dựng lại người dựng lại nhà” - 1968)
Ẩn đằng sau những ca từ cho một viễn
cảnh thanh bình đó, vẫn
là những dòng nước mắt, là nỗi ưu tư nhân thế, là tâm trạng đớn đau
cùng cực
của thân phận nhỏ bé của kiếp người. Vẫn là hạt bụi, vẫn là nỗi khắc
khoải siêu
hình trước cuộc nhân sinh. Chiến tranh, quê hương thân phận con người
cuộn xoáy
vào với nhau tạo thành một bi kịch. Rốt cuộc, thực chất cuộc đời ông là
một kẻ
suy ngẫm về kiếp người, một tên hát rong suốt đời lang thang, buồn bã.
Chiến
tranh cũng là bi kịch nhân sinh, như mọi bi kịch khác. Bởi vậy, có
những lúc
ông hô hào, reo ca đấu tranh cho hòa bình, thân phận ông cũng thế. Vẫn
là một
thân tượng buồn!
Vẫn là:
Trên đời người trổ nhánh hoang vu
Trên ngày đi mọc cành lá mù
Những tim đời đập lời hoang phế
… Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa.
(“Cỏ xót xa đưa” - 1969)
Có lẽ từ bài đầu tiên đặt bút viết,
Trịnh Công Sơn đã nghiệm
ra được chân lý riêng của mình: cái khả năng to lớn sau cùng của ca
khúc là
mang đến cảm thông giữa mọi người bằng tiếng hát. Đó là sứ mệnh truyền
đạt
những âu lo, chờ đợi của con người khi đối diện với chính mình trước
cuộc sống,
cũng như thông điệp tình yêu và nhân ái đến với những tâm hồn yêu
chuộng hòa
bình và những con tim đang bị ngộ độc bởi ngòi thuốc nổ. Cuối cùng gì,
thân
phận ông cũng như một ngọn cỏ bên đường. Và chính ngọn cỏ bé nhỏ đó đã
tạo
thành một Trịnh Công Sơn khác, mang ông đi vào vĩnh cửu.
Khái quát tư tưởng của Trịnh Công Sơn,
cụ Đào Duy Anh đã hạ
một câu chí tình: “Cái anh Trịnh Công Sơn này lạ thật, anh ta muốn ôm
hết những
mâu thuẫn và khát vọng của đất nước vào mình” [11] .
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam,
thân phận da vàng của
một nước nhược tiểu được Trịnh Công Sơn đẩy đến tận cùng:
Người nô lệ da vàng ngủ quên
Ngủ quên trong căn nhà nhỏ
Đèn thắp thì mờ…
(“Đi tìm quê hương” - 1967)
Với cái nhìn tỉnh táo, Trịnh Công Sơn
đã nhận ra thân phận
nô lệ da vàng của người Việt trong chiến tranh. Ông luôn nhắc nhở chúng
ta về
một dòng giống Lạc Hồng trong bối cảnh tranh giành quyền lợi của các
nước lớn.
Bởi vì, người Việt sống nhưng không có chủ quyền trong tay, sinh mạng
hoàn toàn
phụ thuộc vào ngoại bang cả ở hai phía, giá trị làm người bị phủ nhận,
thì khác
gì một nô lệ. Trinh Công Sơn hỏi: Vậy thì tại sao lại có cảnh nội
chiến? Đây là
lời tố cáo:
Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, một bọn lai căng,
Gia tài của mẹ, một lũ bội tình…
(“Gia tài của mẹ” - 1965)
Sự xuất hiện của hai chữ lai căng
trong ca từ mang nhiều ý
nghĩa quan trọng. Lai căng tức là từ bỏ con người văn hóa dân tộc của
mình để
biến thành một người khác. Lai căng là phụ thuộc ngoại bang từ bên này
hay bên
kia, bằng cách này hay cách khác. Bọn lai căng đó trở thành một lũ bội
tình dân
tộc, vì luôn luôn đứng sát với ngoại bang để bóc lột, mưu cầu quyền
lợi, hãm
hại đồng bào mình. Lời mẹ dặn con chớ quên màu da vàng, dặn con giữ gìn
màu da
vàng chính là một cách phản kháng tâm thức nô lệ, một hình thức chống
lại những
khuynh hướng lai căng đang đe dọa:
Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Con chớ quên màu da nước Việt xưa
Mẹ trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha quên hận thù
(“Gia tài của mẹ” - 1965)
Dân tộc của ông là trăm trứng nở ra
trăm con trong huyền
thoại lịch sử, cùng giống Con Rồng Cháu Tiên. Dân tộc của ông là thế:
là tất cả
mọi người, không phân biệt Nam-Bắc, không phân biệt giai cấp. Vì sao?
Vì có
người mẹ nào phân biệt con? Dân tộc, bởi vậy, mang hình ảnh bà Mẹ. Bà
Mẹ đó
luôn ăn năn - ăn năn cả đến việc đã sinh ra con, bởi vì sinh ra con để
làm gì
khi chúng sống một kiếp người đọa đày, thù hận?
Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn
giọt lệ ăn năn
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi
nhục chung thân
Chiến tranh là tủi nhục của bà Mẹ, vì
xương thịt nào cũng từ
bà mà ra, xương thịt nào cũng là Việt Nam. Cùng là đứa con của Mẹ mà
thôi.
Tại sao từ một cuộc kháng chiến chống
Pháp ban đầu, vì lý
tưởng chung của dân tộc – đánh đuổi ngoại xâm - lại đưa đất nước vào
con đường
chia cắt, đẩy thành một cuộc chiến tranh ý thức hệ cốt nhục tương tàn.
Liệu có
thứ triết thuyết hay chủ nghĩa cao cả nào có thể biện minh cho những
quyết định
lịch sử - đẩy anh em cùng giống Lạc Hồng lao vào cơn binh đao điên loạn
này chăng?
Vì lý tưởng hay vì cuồng vọng lợi quyền? Lịch sử mai sau rồi sẽ phán
xét.
*
Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn là
thế? Có người tán
thành, có người còn nghi ngại. Âu cũng là lẽ thường tình vì cách nghĩ
của con
người có bao giờ là như nhau. Nó luôn vận động và nhận chân lại những
giá trị,
lý giải lại những gì đã qua. Cuộc đời này mãi mãi là như vậy.
Nhưng cho dù là gì đi nữa, theo tôi,
chắc không ai không
thừa nhận Ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn bắt nguồn từ lòng yêu
thương con
người. Mà cái gốc tình yêu thương của ông chịu ảnh hưởng sâu đậm triết
lý “Tứ
hải giai huynh đệ”, là nhân loại một nhà, vượt qua những hệ tư tưởng
nhỏ bé,
những hệ lụy đời thường. Ông đã đứng lên trên tất cả mọi thiên kiến
chính trị
để nói lên nỗi đau của người dân da vàng, của người dân nước Việt.
Và phải chăng, vì viết theo “mệnh lệnh
của con tim”, chứ
không theo một thứ mệnh lệnh nào khác, mà người đời đã vinh danh ông là
kẻ du
ca bất khuất của Việt Nam.
Ông ca tụng tình yêu thương, ông chống
bạo lực và chống chiến
tranh. Phải chăng đó là những chủ đề không chỉ có tính thời sự cấp
thiết mà còn
luôn luôn là vấn đề lớn của nhân loại của muôn đời.
Cho đến ngày nay, sau 31 năm kết thúc
chiến tranh, nhìn lại
những chặng đường thăng trầm của đất nước, có lẽ đã đến lúc chúng ta
dũng cảm
nhìn nhận lại cuộc chiến đã qua và thân phận các ca khúc phản chiến của
Trịnh
Công Sơn.
Và chúng ta hãy tự hỏi: thân phận da
vàng người Việt ngày
nay đã thực sự thoát đời nô lệ ngoại bang chưa?
Hay vẫn còn đó nỗi niềm:
Ôi gian nan đời nước nhỏ
Sao đau thương nhiều lắm thế
(“Quê hương đau nặng” - 1971)
Chiến tranh hạt nhân, chiến tranh tôn
giáo, chiến tranh giữa
những hệ tư tưởng... nội chiến... ngay lúc này, chúng ta có thể nghe
thấy tiếng
bom nổ trong thành phố Baghdad, khủng bố ở Indonesia, India, ... cuộc
chiến vẫn
luôn chực chờ ở đâu đó và những ca từ kêu gọi hòa bình, yêu thương con
người
của Trịnh Công Sơn vẫn luôn mãi còn giá trị.
Việt Nam, tháng 7/2006
© 2006 talawas
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Trịnh Công Sơn, "Da vàng ca khúc",
nguồn http://www.suutap.com
[2]Báo Người Việt - Hoa Kỳ, trong bài
"Tiểu sử Trịnh
Công Sơn", viết: "Trước đây tại Sài Gòn, Lê Hiếu Đằng, hiện nay là
Tổng Thư ký Mặt trận Tổ quốc Sài Gòn, từng tuyên bố là khi nắm được
chính quyền
sẽ xử tử Trịnh Công Sơn về tội đã gọi chiến tranh Việt Nam là ‘nội
chiến’
(trong câu hát ‘hai mươi năm nội chiến từng ngày’), thay vì phải gọi là
‘Chiến
tranh chống Mỹ cứu nước’. Vì vậy, sau 30/4, Trịnh Công Sơn phải về Huế
ngay khi
Lê Hiếu Đằng vào Sài Gòn... Năm 1979 Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã
đứng ra
che chở ông, đánh tiếng gọi ông về lại Sài Gòn."
[3]Cao Huy Thuần, "Nhạc chống chiến
tranh của Trịnh
Công Sơn", http://www.tcs-home.org
[4]Bửu Ý, "Kẻ du ca về tình yêu, quê
hương và thân
phận", in trong tập Trịnh Công Sơn, rơi lệ ru người, NXB Phụ Nữ, 2003.
[5]Lê Trương, "Phong trào da vàng ca",
http://www.suutap.com
[6]Võ Phiến, Tổng quan Văn học Miền
Nam, nguồn
http://www.tienve.org
[7]Đặng Thùy Trâm, Nhật ký, NXB Hội
Nhà văn, Hà Nội, 2005
[8]Võ Phiến, Tổng quan Văn học Miền
Nam, nguồn
http://www.tienve.org
[9]Bửu Chỉ, "Về những ca khúc phản
chiến của Trịnh Công
Sơn", báo Diễn Đàn Forum, tr. 29, tháng 9/2001, Paris.
[10]Lê Hữu, "Ảo giác Trịnh Công Sơn",
Báo Văn học
số Tân Niên tháng 02-03/2004, Cali, Hoa Kỳ.
[11]Nguyễn Đắc Xuân, Có một thời như
thế, NXB Văn học, 2003
bản để in Gửi
bài này cho bạn bè