16.12.2005
Đỗ Kh.
Tôi cũng mong như Bùi
Văn Phú là Việt Nam sẽ có đài tưởng niệm những người bỏ mình trên
biển hay các trại cải tạo và những thảm cảnh này của lịch sử cũng như
những thảm cảnh khác, không bị xóa đi hay mờ nhạt trong trí nhớ của tập
thể.
Một bận đi thăm một nghĩa trang nhỏ của quân đội Anh tại miền Normandie
(nước Pháp), tôi bắt gặp tại nghĩa trang này một góc riêng dành cho
quân nhân Đức, tử trận cùng một dịp và cũng được chăm sóc tươm tất
không kém. Đây là một việc tử tế, những người bắn vào nhau thì khi nằm
xuống, tất là cũng phải nằm xuống cạnh nhau thôi.
Tuy nhiên, chắc chính sự nhân bản của Bùi Văn Phú đưa tác giả đi hơi xa
khi ông dùng trường hợp của trại tập trung Dachau để điển hình. Cái tựa
của bài viết đã làm tôi phải sững sờ! Sự khoan dung, theo tôi nghĩ, có
hay không có, là phần của nạn nhân, không phải là phần để ban phát của
thủ phạm! Trong trường hợp lò thiêu người sống, người Do Thái mới có
thể khoan dung, chứ “dân tộc Đức”, dù rộng lượng và văn hóa cách mấy,
cũng chỉ có thể ăn năn, hối cải và nhận tội chứ không thể nào tha thứ,
khoan dung cho những người vì chính kiến, vì tôn giáo, vì sắc tộc khác
biệt, đã bị họ đẩy vào lò thiêu.
Nếu đi thăm Dachau, chắc trước hết là phải nghĩ đến các nạn nhân về mặt
tình, và nghĩ đến sự tàn bạo của chế độ Quốc xã về mặt lí (tất nhiên,
phải phân biệt dân tộc Đức và chế độ Quốc xã, và như vậy càng cảm phục
biết bao những người Đức đã đứng lên chống lại chế độ này, trong đó có
phần nhiều là những người Đức cộng sản, những người Đức Do Thái và
những người Đức Do Thái cộng sản, đều là thuộc “dân tộc Đức”). Và nếu
giờ có được khuôn viên tưởng niệm ở Berlin bao nhiêu mét vuông gì đó
thì đừng quên là bởi vì quân Anh Pháp Mỹ đã vượt sông Rhein và Hồng
quân Sô viết đã đẩy tăng vào đến cửa Brandenburg, bởi vì thế giới có
những Private Ryan ở Caen, Cherbourg, những Slava Zaitsev ở Stalingrad
(tựa fim tại Mỹ là Enemy at the Gate). Nói ngắn
gọn, là bởi vì Quốc xã đã bị đánh bại.
Nếu kết cục chiến tranh ngược lại, thì ngày nay đi thăm lò thiêu bằng
tàu… lửa, chắc chỉ có vé khứ chứ chẳng có vé hồi (còn gọi là aller-sans-retour
hay đi tàu suốt) và trong những toa dành cho súc vật. Dachau sẽ
không phải là một nơi để mặc niệm hay liên tưởng đến khoan dung hay độ
lượng mà là một “nhà máy” liên tục họat động ngày đêm (Arbeit macht
frei), ống khói ô nhiễm thả mịt mù.
Tôi sợ Bùi Văn Phú lại vẫn lạc quan về thái độ của người Đức hiện nay
với lịch sử của 60 năm về trước. Nhà bình luận quân sự và tác giả Mỹ,
Đại tá Hackworth, khi đi thăm Dachau đã có dịp than là chí ít, thôi
thì, vẫn có trại tập trung này để nhắc nhở những người muốn nhớ và muốn
biết (tức là một nhận định hoàn toàn ngược lại với Bùi Văn Phú trước
cùng một di tích Dachau. Nhưng ông là người Mỹ từng tham chiến đánh
Đức, nghĩa là một người trong cuộc). Một cuộc thăm dò gần đây cho biết
dư luận Đức có một tỉ lệ cao cho rằng tội ác Quốc xã là chuyện đã xưa
rồi Eva Braun ơi. Dĩ nhiên, người Đức ngày nay không có trách nhiệm nào
với những tội ác này, ngọai trừ trách nhiệm độc nhất của trí nhớ. Mà
độc thật, người Nhật (văn hóa kém hơn?) thì đến giờ vẫn chưa chịu nhận!
Tóm lại, đằng thì lờ và cho rằng nên quên, đằng thì nhớ nhưng mà vẫn
chối, chỉ có người Ý, không hiểu là văn hóa thế nào mà vui vẻ treo cổ
Mussolini trong kí ức cũng như họ đã treo cổ ông ngoài đời để có dạo
vui vẻ bầu cháu gái nội của ông vào Quốc hội (bà đích tôn này là người
mẫu khỏa thân, đây là một chi tiết phải nhắc đến vì chưa ai rõ bà đắc
cử vì cử tri Ý khoan dung với lịch sử nước nhà, hay vì bà hở hang bắt
mắt).
Nhưng Bùi Văn Phú là người Việt Nam, cũng như tôi, và chắc chúng ta
không nên đi đây đi đó nhiều như vậy, rất dễ gây ra, thôi thì (tôi nhận
phần tôi trước), những liên tưởng bất ngờ.
talawas