*


 


Tại sao Bác Hồ không khen thơ Tố Hữu – VHNA

23Tháng 10

Tại sao Bác Hồ không khen thơ Tố Hữu

  •   Nguyên Hạnh
 

Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu    Ảnh: TL Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu Ảnh: TL
 

Trong Chân dung và đối thoại, Trần Đăng Khoa nói Tố Hữu thừa nhận “Bác chưa bao giờ khen thơ tôi”. Điều này như có vẻ hơi lạ vì cả Bác và Tố Hữu đều được liệt vào nhóm những người lấy văn nghệ làm vũ khí cách mạng. Bởi vậy, việc Bác không khen thơ Tố Hữu cũng cần được lý giải rõ ràng. Sau đây là mấy nhận định riêng của cá nhân tôi.

Thứ nhất, Tố Hữu thường tự hào cho mình là người giác ngộ sớm, giác ngộ sâu sắc lý tưởng cách mạng và có nhãn quan chính trị tốt. Không ngờ sự thật đã chứng minh ông chỉ là một người hơi ấu trĩ và ngây thơ trong nhận thức về XHCN và cách mạng. Ông cho rằng cách mạng VN cũng như Liên Xô, cứ thế tiến lên, vọt một cái, nhảy phốc lên CNXH, không thể thoái trào.

Tệ hơn, ông tin rằng người lãnh đạo cộng sản nào cũng vĩ đại. Sai lầm lớn nhất của ông là lớn tiếng khen Stalin và Mao. Một người lãnh đạo công tác văn hóa tư tưởng mà sai lầm như thế, kể cũng đáng tiếc thật. Trong khi đó, Cụ Hồ có vẻ không hề đánh giá cao hai vị này. Bằng chứng là Hồ Chí Minh chưa từng nhắc đến tên hai vị này trong bất cứ bài nói bài viết nào của Người. Lịch sử đã chứng minh, so với Bác, tầm nhìn và tư duy của Stalin và Mao rất thiển cận. Ngoài Lênin ra, ở châu Á, Cụ Hồ thích Ghandi và Tôn Trung Sơn hơn cả. Tuy mang tiếng là đương lối tư sản nhưng tư tưởng hai vị này thực tế và khoa học hơn, gần Lênin hơn. Tố Hữu, vì thế, trong mắt Bác, đã mất điểm nhiều.

Trong bài SÁNG THÁNG NĂM, Tố Hữu ca ngợi Hồ chủ tịch khá hay. Bài đó, người ta đã phân tích nhiều. Tôi cũng không có ý kiến gì thêm. Đại ý Tố Hữu vẽ chân dung HCM giản dị mà vĩ đại, gần gũi. Người là kết tinh những giá trị văn hóa, vẻ đẹp tâm hồn và sức mạnh Việt Nam. Người là nguồn sức mạnh, nguồn động viên, là cảm hứng lao động, chiến đấu và sáng tạo của chúng ta. Tiếc thay khi kết thúc ông làm một câu rất mất hứng:

Việt Nam có Bác Hồ

Thế giới có Stalin

Việt Nam phải tự do

Thế giới phải hòa bình

Không biết Bác Hồ khi đọc mấy câu này, Người sẽ nghĩ gì. Tôi cứ tưởng tượng ra một nụ cười nhạt đầy ý nghĩa. [...]

Thời xưa, nhiều người tưởng Stalin đánh được phatxit Đức thì vĩ đại hơn cụ Hồ. Cách nghĩ ấy rất nông cạn. Tiếc rằng có nhiều người đã nghĩ thế. Để xét tài năng của ai đó, không thể xem anh ta đã làm ra cái gì mà phải xem anh ta làm ra nó bằng cái gì, như thế nào. Stalin trưởng thành trong môi trường khác, HCM hoạt động trong điều kiện khó khăn hơn rất nhiều. Còn bây giờ xét về tư tưởng, tầm nhìn xa, cụ Hồ là ai, Stalin là ai, chắc ta cũng chẳng phải nói nhiều. Cho Cụ Hồ ngồi chung chiếu với Stalin, có thể Cụ còn chê không ngồi. Huống chi đặt Stalin cao hơn Cụ.

Thứ hai, thơ Tố Hữu đôi khi hay thổi kèn đánh trống ầm ĩ về chiến thắng. Lúc nào ông cũng hừng hực khí thế tấn công. Đôi khi ông tỏ ra hiếu chiến. Trong thơ, ông như muốn thách thức Này Mỹ, này Pháp, ngon thì nhào vô đi. VN sẵn sàng đánh nhau đây! Với người biết suy nghĩ sâu xa như Bác, tư tưởng như vậy Tố Hữu tỏ ra rất non nớt. Cụ Hồ coi chiến tranh là bất đắc dĩ, cố hết sức để tránh chiến tranh. Không tránh được thì mới phải đánh nhau.

Hoan hô chiến sỹ Điện Biênlà bài thơ hay nhất của Việt Nam về chiến dịch lịch sử đó. Nhưng Bác bảo: “Đừng làm ầm quá thế. Mai đây còn đánh nhau nhiều nữa. Có thể còn phải đánh Mỹ. Đừng chủ quan!” Bác Hồ quả là có tầm nhìn chiến lược. (Theo Trần Đăng Khoa – Chân dung và Đối thoại)

Đọc lại bài Hoan hô chiến sỹ Điện Biên, chúng ta đều nhận thấycó những câu khá “lộng ngôn”. Trong khi đó để có chiến thắng này, ta đã tốn không biết bao nhiêu xương máu. Thắng thì thắng thật, vui thì vui thật nhưng đâu có dễ dàng mà “trống chiêng ầm ĩ”. Viết thế nhiều, có lẽ Bác sợ quân mình có thể chủ quan, coi thường địch.

Đó có thể là những lý do cơ bản để thơ Tố Hữu không được cụ Hồ khen ngay cả khi cái tên Tố Hữu đang ở thời hoàng kim nhất.