*


 

Dương Thu Hương và huân chương của Tây

§ Nói đến Dương Thu Hương và quan hệ của nhà văn với chính quyền Việt Nam, ngoài chuyện 7 tháng tù (và trước đó, ông Nguyễn Văn Linh gọi chị là « con ranh con », gọi anh Nguyễn Khắc Viện là « tay này bây giờ đi ca ngợi dân chủ tư sản »), có một cái còn chặn ngang cổ họng của nhà cầm quyền như khúc xương cá : cái huân chương « Văn Nghệ » mà ông Jacques Toubon gắn cho Dương Thu Hương năm 1995. 

Đối với bộ máy chính quyền Việt Nam, đó là một « hành động chủ ý » của Pháp, chơi xấu với mình. Điều tức cười, là bộ ngoại giao Pháp lúc đó (do ông Alain Juppé đứng đầu) hoàn toàn bị « chưng hửng » và tìm cách ngăn chặn, sứ quán Pháp tại Hà Nội thì tất tả ngược xuôi để hàn gắn (làm ăn buôn bán mà). Khối « văn hoá tư tưởng » của « đảng ta » thì cho những ông Cù Huy Cận viết bài nhố nhăng, thậm chí còn huỷ bỏ một cuộc hội thảo nhân ngày 8-3 về... Simone de Beauvoir ! Ngày xưa, Vũ Trọng Phụng có thể tưởng tượng ra cuộc đấu ten-nít giữa Xuân Tóc Đỏ và vô địch Xiêm La. Nhưng làm sao Vũ có thể tưởng tượng ra mối liên hệ giữa Simone de Beauvoir với cái mề đai kia !!! 

§ Mười năm đã trôi qua, tôi xin mạn phép kể lại nguồn gốc cái vụ huân chương này, vì tình cờ, tôi được chứng kiến từ đầu. Số là năm ấy, trong thời gian Dương Thu Hương ở Pháp, tôi có giúp phiên dịch cho chị trong một vài cuộc gặp. Trong đó có cuộc phỏng vấn của nhà báo phụ trách văn học báo Le Figaro, bà A. de G. Cuộc phỏng vấn kéo dài gần 3 giờ. Sau đó ít bữa, bà A. de G. điện thoại cho tôi, hỏi : nếu Bộ văn hoá Pháp tặng Dương Thu Hương huân chương « Văn Nghệ » thì liệu chị có nhận không ? Tôi nói : tôi sẽ chuyển câu hỏi cho đương sự, còn riêng tôi, tôi chờ đợi là chị sẽ từ chối. Và tôi hỏi thêm : tại sao bà hỏi như vậy? Phải chăng bà là « sứ giả » của Bộ văn hoá hay chính quyền Pháp ? Câu trả lời khá đơn giản : đó mới chỉ là một ý nghĩ cá nhân của bà G., vì một thiện ý duy nhất là mong rằng này điều này sẽ « bảo vệ » Dương Thu Hương, khiến cho nhà cầm quyền Hà Nội cũng phải cân nhắc hơn mỗi lần họ muốn gây khó dễ với chị. Nhưng nếu chỉ là ý kiến cá nhân ? Sau vài giây lưỡng lự, bà G. nói thực : « Chồng tôi là chánh văn phòng của ông Toubon, tôi nghĩ nếu chồng tôi đề nghị thì ông bộ trưởng sẽ đồng ý thôi ». Tôi đã làm đúng nhiệm vụ của người phiên dịch là thông báo cho DTH và của một người bạn là nói ý kiến riêng : không nên nhận, vì cái « mề đai » này sẽ gây ra nhiều ngộ nhận, không riêng gì ở chính quyền mà ngay từ dư luận, vả lại, khi chị bị cầm tù, chính dư luận đã buộc nhà cầm quyền Pháp phải lên tiếng làm áp lực với Hà Nội, chứ không phải nhà cầm quyền Pháp chủ động làm việc này. Sau khi suy nghĩ, Dương Thu Hương đã quyết định nhận lời, và ít ngày sau, buổi lễ trao huy chương đã diễn ra ở Bộ văn hoá Pháp, trong căn phòng khách sang trọng, nhìn xuống vườn « thượng uyển » với những cây cột sọc đen sọc trắng nổi tiếng của Buren. 

Điều tôi xin « tiết lộ » là một cú điện thoại mà tôi nhận được khoảng một tuần trước buổi lễ. Một ông cố vấn (về quan hệ quốc tế) của Bộ văn hoá gọi điện thoại cho tôi. Đây quả là một vinh dự khiến tôi đáng lẽ phải lúng túng. Nhưng hình như người lúng túng lại là ông ta. Ông ta hỏi đi hỏi lại « bà bạn của chúng ta nhận lời như thế, không biết bà đã suy nghĩ kĩ chưa ? ». Quen thói vô lễ nên tôi hỏi ngay : « Phải chăng các ông tính rút lại quyết định tặng huân chương ? ». « Ấy chết, không phải thế đâu. Tôi chỉ muốn.... », ông ta vội thanh minh thanh nga. Hiểu cái thế lúng túng của « ông bạn », tôi nói thực với ông ta : chính tôi cũng nghĩ, với những lí do khác các ông, là bà Dương Thu Hương không nên nhận lời, nhưng bà ấy đã suy nghĩ, đã nhận lời, và Bộ văn hoá Pháp đã công bố, nếu bây giờ các ông rút lại, thì không khác nào đâm dao găm vào sau lưng người bạn của chúng tôi, và nếu thế thì bạn bè của tôi và tôi buộc phải vận động báo chí tố cáo... cũng như trước đó mấy năm, chúng tôi đã ngăn chặn Bộ văn hoá các ông định xoá tên Dương Thu Hương trong danh sách 10 nhà văn được mời sang dự chương trình « Les belles étrangères » giới thiệu văn học Việt Nam, theo gợi ý của một quan chức nào đó ở Hà Nội, và sự xúi dại của một quân sư Pháp với quá khứ và tư tưởng thực dân. 

Với tư cách một chứng nhân tình cờ và bất đắc dĩ, tôi xin kể lại trung thực sự việc theo tôi biết và nhớ. Hi vọng đây không phải là nhìn lịch sử qua lỗ khóa.