Trái Tim của Thế Giới.
"Kalandia Là Trái Tim Của Thế Giới, nhưng Thế Giới
Không Có Kalandia"
("Kalandia Is the Heart of the World
but the World is
Without Kalandia").
Câu viết trên tường
trại tị nạn của người Palestine,
Kalandia, trong bài viết "Thư từ Ramallah", tác giả Peter Largerquist
trên báo phụ trang văn học Thời Báo London, TLS, số đề ngày 19 tháng
Tư, 2002.
Tinh thần Lò Thiêu
ngự trị tại Ramallah
José Saramago, Nobel
văn chương, năm nay 80 tuổi (2002). Một
người cộng sản, kinh nghiệm viết của ông là từ cuộc sống khốn khổ của
người dân
quê Bồ Đào Nha, và cuộc chiến đấu chống lại chế độ độc tài của Salazar.
Nổi
tiếng khắp thế giới, những tác phẩm của ông gây phẫn nộ cho Vatican, và
Israel.
Cuốn mới nhất của ông là về toàn cầu hóa.
Ngày 25 tháng Ba năm
nay (2002), sau khi viếng thăm thành
phố Ramallah, Saramago đã dành chút thì giờ cho báo chí. Sau khi "uốn
lưỡi
đủ bẩy lần", ông đã dùng những lời sau đây, để nói về thành phố bị vây
hãm
này: "Chuyện đang xẩy ra cho người Palestine là một tội ác mà chúng ta
có
thể xếp chung với những gì đã xẩy ra tại Lò Thiêu Auschwitz.... Có vẻ
như người
Do Thái, binh sĩ của họ cảm thấy mình được trắng tội, khi sử sự như
vậy. Họ đã
biến thành những kẻ trục lợi, từ Lò Thiêu."
Lời tuyên bố của ông
lập tức gặp phản ứng, từ phía Do Thái.
Efraim Zuroff, giám đốc trung tâm Simon Wiesenthal Center coi đây là
một sự
"so sánh phi lý, nó chứng tỏ một cách rõ ràng, nhà văn nổi tiếng, văn
chương số một gì gì đó thật ra mù tịt về lịch sử." Nhà văn Do Thái nổi
tiếng Amoz Oz, miệng lưỡi cũng không kém, viết, "Việc chiếm đóng của
người
Do Thái thì không đúng – nhưng so sánh nó với những tội ác của Nazi thì
chẳng
khác gì nói, Ngài Saramago giống y chang Ngài Stalin", ngụ ý, Saramago
vốn
thâm niên, và vẫn chưa chán, là một tay cộng sản.
Sáu tháng sau cuộc
viếng thăm, Saramago vẫn giữ nguyên tinh
thần của lời tuyên bố trên. Ông nói thêm, đại khái, chuyện thường ngày
ở huyện,
khi kết tội những người Do Thái, về những gì họ đối xử với người
Palestine, ở
nơi chốn được gọi là trái tim của thế giới và thế giới thì không còn
trái tim
đó. Nói hoài thì cũng như nước đổ đầu vịt, họ chẳng màng, chẳng thèm để
ý tới.
Nhưng có những từ mà họ không chịu nổi. Và nói "Lò Thiêu... đó
đó...", thế là họ nổi sùng lên. Nhưng xin lỗi, hãy nghe cho kỹ, tôi
không
nói rằng Ramallah thì y chang (the same) như là Lò Thiêu. Nói vậy thì
ngu quá!
Điều mà tôi muốn nói, là, cái gọi là tinh thần Lò Thiêu ngự trị ở đó
(the
spirit of Auschwitz was present in Ramallah). Chuyến đó chúng tôi cả
thẩy là
tám người. Tám nhà văn. Tất cả đều đồng ý đưa ra những lời tố cáo: Wole
Soyinka, Breyten Breytenbach, Vincenzo Consolo, và những người khác
nữa. Những
những người Do Thái đâu tỏ ra bực bội. Chỉ tới khi tôi thò ngón tay
đụng vào
vết thương Lò Thiêu, thế là họ nhẩy dựng lên."
Vụ Saramago đụng độ
với giới chức Do Thái như vừa xẩy ra,
chưa "dễ nể", nếu phải so với vụ gây hấn với nhà thờ La Mã, khi cuốn
tiểu thuyết The Gospel According to Jesus Christ của Samarago xuất hiện
vào năm
1991. Đây là câu chuyện một đấng Jesus không phải là con của God (Chúa
Trời),
mà là của Joseph; đấng Jesus của Saramago không đụng độ với quỉ Satan,
mà là
với một vị thần hiện đại, thèm khát quyền lực, vị thần này ra lệnh cho
Jesus,
hãy là người đầu tiên bị hy sinh trên bàn thờ, và hãy đau đớn khổ sở,
và chết.
Toà thánh Vatican phàn nàn (complain), và dưới áp lực của các thế lực
tôn giáo
trong chính quyền Bồ Đào Nha, cuốn sách bị rút ra khỏi cuộc thi giành
giải
thưởng văn học The European Union’s Ariosto (năm nay, tương tự, sách
của ông
cũng bị cấm tại thư viện và những tiệm sách Do Thái). Quá giận dữ,
Saramago
cùng bà vợ là Pilar rời Lisbon, bay qua đảo Lanzarote thuộc Tây Ban
Nha, và
hiện vẫn sống tại đây. Nên nhớ, trước đây 20 năm, ông đã suýt bị nhà
cầm quyền
bỏ tù vì bênh vực cách mạng Bồ Đào Nha.
Nhà phê bình văn học
người Mỹ, Harold Bloom, coi Saramago là
"tiểu thuyết gia vĩ đại nhất hiện đang còn sống." Nhà phê bình người
Anh, James Wood, thì bảo, giọng tự sự, cách kể chuyện ở trong tiểu
thuyết của
ông ta thật lạ thường, và theo ông, "bởi vì đây là giọng kể của một
người
khôn ngoan đáo để, nhưng ngu ngốc cũng chẳng kém". Giải thưởng Nobel
văn
chương 1998 được trao cho Saramago, theo Wood, là cũng để chúc mừng
cuộc hôn
nhân lạ kỳ này, được Wood diễn tả, như là "một chủ nghĩa bi quan, và
một
cách tiếp cận khỏe khoắn, diệu vợi, với cõi siêu nhiên, kỳ ảo". Lisa
Jardine, giáo sư chuyên về thời kỳ Phục Hưng tại Queen Mary and
Westfield
College (Anh quốc), và hiện là một trong những thành viên trong ban
giám khảo
giải thưởng văn học The Man Booker, cho rằng, "sự tưởng tượng mang tính
baroque của Samarago là ‘đả biến thiên hạ vô địch thủ’ [his hallmark] –
độc giả
tốt nhất nên đầu hàng, nghĩa là cứ để cho ông dẫn vào thế giới lạ
thường, kỳ
ảo, cứ thế trôi vào cuộc phiêu lưu kỳ quặc, và không thể nào tiên đoán
được đó.
Chống lại, là từ chối tham dự vào cuộc chơi."
Những cuốn tiểu
thuyết của Saramago vào những thập niên 1970
và 1980, như "Manual of Painting and Caliligraphy" (Cẩm nang dạy vẽ
và viết chữ), "Risen from the Dead" (Chết còn bò dậy), "Baltasar
và Blimunda", "Năm chết của Ricardo Reis", "The Stone
Raft" (Bè Đá), và "Lịch sử cuộc vây hãm Lisbon", chúng đều xoáy
vào những đề tài mang tính lịch sử của Bồ Đào Nha, nhưng kể từ khi dời
tới đảo
Lanzarote, trí tưởng tượng của Saramago như mọc cánh vươn tới những
miền rộng
lớn, có tính phổ cập hơn. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông "Hang
Động", là cuốn thứ nhất, kể từ khi được Nobel (bản dịch tiếng Anh của
Margaret Jull Costa), đụng tới đề tài toàn cầu hoá. Đây là cuốn thứ ba,
trong
một bộ ba cuốn, nói là bộ ba nhưng hoàn toàn có tính tình cờ, gồm Mù
Loà
(1995), câu chuyện về một cơn dịch tại một thành phố không tên, và Tất
Cả Những
Cái Tên (All The Names, 1997), câu chuyện về một anh chàng thư ký bị ám
ảnh và
cố tìm ra bằng được, một người đàn bà mà tên của người này, anh ta tình
cờ nhặt
ra (đúng là do lầm lẫn), từ mớ công việc hàng ngày.
Thực sự, không phải
ai cũng đồng ý với những lời ngợi ca như
trên, về văn phong của Saramago, "một nhà văn hấp dẫn, với một văn
phong
lượn lờ, uốn éo", và cái cõi kỳ ảo mà những cuốn tiểu thuyết của ông
bầy
ra đó. Tiểu thuyết gia người Ái Nhĩ Lan, John Banville, thí dụ, cho
rằng,
"Saramago thì hấp dẫn... tuy nhiên, với tôi, thật khó kiếm ra một từ
nào
cao hơn từ hấp dẫn (attractive), để mà khen ngợi... ông ta quá lậm vào
một cõi
‘hiện thực huyền ảo’, vượt ra ngoài cõi thẩm ngoạn của tôi (my taste).
Thực
tại, tự nó vốn đã đủ huyền ảo, đâu cần bầy đặt, uốn éo tới mức đó."
Nhưng nếu nói về thế
giới thực tại, thế giới của những lời
tuyên bố chính trị, những câu nói nảy lửa, thì chắc khó có ai hơn nổi
Saramago,
như thí dụ vừa rồi, khi ông cho rằng "tinh thần Lò Thiêu ngự trị tại
Ramallah". Saramago đụng tới đủ thứ người, đủ thứ vấn đề, từ Báo Phố
Tường
(The Wall Street Journal), thời gian ông được Nobel, và báo này chạy
hàng chữ
"Lại một ông có quá khứ Stalin được giải Nobel văn học", tới những
hoạt động của ông, thời kỳ cách mạng tại Bồ Đào Nha... Nhật báo của
Vatican,
The Vatican Osservatore Romano, kết án việc trao giải Nobel cho
Saramago, là
"trao duyên lầm tướng cướp" (nguyên văn: trao giải cho một tay cộng
sản thâm căn cố đế có những quan điểm bài tôn giáo), tuy nhiên, một
nhân vật
trí thức thuộc dòng Dominican, là Brother Bento Domingues, đã lên
tiếng, chỉ
trích nhật báo nói trên, là đã "không nhận ra được đâu là một tác phẩm
văn
chương, và đã chỉ trích một con người, về cái quyền rất ư là của riêng
của
người đó: quyền làm một tay cộng sản".
(còn tiếp)
Quách Tường giới thiệu