gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

TÁC GIẢ / TÁC PHẨM

Xin đừng làm chữ của tôi đau (1)

Nguyễn Huy Thiệp



"Nằm nghiêng" thơ của Phan Huyền Thư (NXB Hội nhà văn 2002) là một tập thơ không phải dễ đọc. Ít nhất cũng là với tôi, một người viết văn xuôi. Vì sao? Có lẽ trước hết vì "hình thức" các bài thơ ở đây đều viết theo thể tự do. Thế nào là "thơ tự do"? Tôi không nhớ rõ lắm ý kiến của Nguyễn Đình Thi (một trong những người đi tiên phong về thể thơ này, ông thực sự là một "cây đại thụ" trong nền văn học Việt Nam hiện đại), nhưng tôi luôn "cảm giác" thơ tự do của thế hệ ông vẫn có "sự có lý cổ điển" thế nào đấy. Ở thế hệ Phan Huyền Thư, sau một chút nữa là Vi Thùy Linh và v.v... thơ tự do hình như đã bứt phá ra được "sự có lý cổ điển" ấy và... tự do thật! Đây là ý kiến của Vi Thùy Linh trong một bài phỏng vấn "nhẹ":

Hỏi: Tại sao cô chỉ làm thơ tự do?
Đáp: Trước hết, bởi tôi thích tự do. Tự do ở đây được hiểu là: nói, làm, dám mơ ước và tham vọng tất cả những gì mình muốn, không bị tác động và chi phối bởi ai, bởi bất cứ điều gì... Nếu đi sâu vào đặc điểm thể loại, thì tôi chuộng thơ tự do, vì tôi thấy mình ở đó và khi viết nó, nó là tôi. Các câu thơ giống như hơi thở, hơi thở dài buồn bã, hơi thở yếu lúc đau ốm, hơi thở nồng nàn lúc mơ ngủ, hơi thở gấp gáp của cuộc chạy, của sự hồi hộp, của giao linh... cũng khác nhau. Thơ tự do cho phép tôi bộc lộ cảm xúc một cách nguyên bản nhất, khác với các thể thơ khác, bị quy phạm bởi số âm tiết trong một dòng, bắt vần giữa các câu và số câu trong một bài v.v...
Hỏi: Điều gì thúc đầy cô viết?
Đáp: Tâm hồn và cơ thể tôi." (2)

Trong cuộc đối thoại "tầm phào" trên, Vi Thùy Linh tả khá đúng tâm trạng của người làm thơ tự do. Phan Huyền Thư cũng có tâm trạng như vậy nhưng diễn đạt có phần "thơ" hơn: 

"Viết
Viết

Viết đi, chữ không còn là chữ

Viết chỉ như ý nghĩ

lách qua khe cửa hẹp trong đầu

...

Viết
Nỗi sống buồn của tôi".
"Viết
Viết
Viết đi, chữ không còn là chữ
Viết chỉ như ý nghĩ
lách qua khe cửa hẹp trong đầu

...

Viết
Nỗi sống buồn của tôi".


Đọc thơ tự do khó vì người đọc phải hình dung ra được tâm trạng, theo được ý nghĩ (dòng tư tưởng) của người viết, thậm chí phải cùng "đẳng cấp", cùng "cảnh giới" với người viết, tóm lại là phải hiểu người viết. Không phải ai cũng "khinh công" được khi đọc những bài thơ sau đây của Phan Huyền Thư:

Thị mầu 97

Này chị em ơi!
Nhớ ai gầm gào trong cổ họng
rồi cười nửa, rúc mặt đám đông
xanh thì đỏ
tím thì vàng
váy ngắn thì chân phải cong
một mình: đạo đức-cười thầm-sang trọng 

Này chị em ơi!
Thích ai nói ngọng thành khinh
thằng này đểu, con kia kinh
con này cởi áo quần nhanh lắm
Không phải ai cũng vén miệng tụt lời

Này chị em ơi!
Yêu đương thì phải giữ gìn
vào sau cửa buồng vần vũ mười lăm phút
ra đường đoan trang chớp mắt thướt tha
yêu không được đánh mất mình
chỉ ăn cắp người ta...

Đấy chị em ơi!

Đàn ông những năm bốn mươi

Đàn ông những năm bốn mươi
da cam
màu lửa
Khủng hoảng giữa đời
Đàn ông những năm bốn mươi
Không còn yêu mình nữa
lập loè
khinh công
Đàn ông những năm bốn mươi
tự dưng hối hả
đến rồi đi
Lũ con gái mười lăm
đêm nằm
khóc.

Đọc những bài thơ của Phan Huyền Thư, tôi luôn có cảm giác buồn tê tái và thương xót. Đúng là "những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Trong rất nhiều bài thơ, người ta vẫn thấy có một Phan Huyền Thư khá tinh tế, đức hạnh và "lịch sự":

Tôi nhường em phản xạ yêu đương/câu thơ gỡ nút áo/Tôi nhường chị sáng sớm bên chồng/cạ mình dụi nách những đêm đông/Cái liếm môi quy hoạch/tôi nhường đàn ông/Cao cả nghĩa hiệp/tôi nhường bè bạn/Truất yêu đương-phế ghen tuông-giáng thù hận/tôi nhường cho anh.../Tôi nhường tôi/giường chiếu cũ/Có chiến binh già/hát câu ca/không bao giờ chia sẻ

Tôi rất thích những quan sát tinh tế của Phan Huyền Thư về "sự đời" (những cô nàng chân cong váy ngắn/lóe xóe tiếng địa phương/những nàng nhâm nhi văn chương/khen nhau cố hớp giọng thị thành... Tôi đi/hàng cây xanh/những nhà thơ uống bia và chửi tục/chị lao công người Hà Nội gốc/lặng lẽ quét đường v.v...).

Những quan sát tinh tế, sự kỹ lưỡng chữ, cùng với những liên tưởng thông minh của Phan Huyền Thư khiến cho nhiều bài thơ đọc rất thú vị. Tôi không nhớ ai đã nói "thơ giáo dục con người phẩm cách". Những cố gắng "giáo dục phẩm cách" của Phan Huyền Thư hình như bất lực: chúng ta đang sống tồi tệ và khốn nạn quá. Có lẽ chính vì thế mà âm hưởng chung của cảt tập thơ "Nằm nghiêng" là một nỗi buồn day dứt khôn tả. Buồn tới mức người viết thậm chí muốn "cáo phó" mình:

Tôi muốn tự mình/lồng ảnh vào khung/"Đóng vào không/tìm nơi treo trang trọng"/Như đã qua đời.

Thực ra, cũng chẳng tội gì phải thế:

Ngày mai/điềm tĩnh lại/mẹ sẽ tập đi bằng ánh sáng Lập Duy/trong bóng tối câm lặng của lời.

Thơ Phan Huyền Thư được nhiều độc giả trẻ tuổi tìm đọc. Điều ấy dễ hiểu vì họ cùng "cảnh giới" với Phan Huyền Thư. Có lẽ các bác "chiến binh già/hát câu ca/không bao giờ chia sẻ" là có phần nào còn hoài nghi, hờ hững và e ngại với những phương pháp "giáo dục phẩm cách" của Phan Huyền Thư. Nhưng tôi tin ở sự độ lượng của bạn đọc, ở lương tâm của họ, "giá trị" của họ. Phan Huyền Thư là một nhà thơ đáng để tìm đọc. Phan Huyền Thư chưa chứng tỏ được mình là "có hạng" vì thơ tự do là một thể thơ cũng dễ lẫn. Thơ của Phan Huyền Thư cũng chỉ mới làm người đọc day dứt xúc động. Về kỹ thuật chữ nghĩa, có lẽ không có gì phàn nàn. Nhưng chỉ có sự xúc động và kỹ thuật chữ nghĩa thì "không đủ để tạo ra văn hoá. Để trở thành một yếu tố thúc đẩy tiến bộ trí tuệ xã hội, ngay kỹ thuật cũng đòi buộc phải có sự phát triển song hành của đạo lý" (Baudouin). Thơ của Phan Huyền Thư có nhiều nỗi buồn ám ảnh nhưng chính vẻ đẹp của nỗi buồn sẽ thanh lọc được tâm hồn người ta và "nỗi buồn rồi cũng theo cánh thời gian mà bay đi" (La Fontaine) để tiến tới một ngày mai mới mẻ hơn, lành mạnh hơn, chắc chắn là đẹp hơn rồi.

15.02.2003

 

(1) Thơ của Phan Huyền Thư

(2) Vi Thùy Linh trả lời phỏng vấn trên tạp chí Sông Hương, Nguyễn Vịnh thực hiện

NHT