*







"Lò Thiêu không phải là lỗi lầm một-lần, của lịch sử"
"Bạn không thể tức giận với cả một quốc gia, lại càng không thể tức giận với thế hệ con, và thế hệ cháu của nó.",
Imre Kertész, Nobel văn chương 2002.

Chỉ là tình cờ, Kertész có mặt tại Berlin, vào ngày 10 tháng 10, và được biết tin nhận giải Nobel văn chương. Tuy nhiên tình cờ như vậy mà lại hay, bởi vì trong 15 năm cuối của chính quyền Cộng Sản tại đất nước ông (Hungary), ông sống bằng việc dịch những tác phẩm cổ điển Đức. Sau khi khối Cộng Sản sụp đổ, cũng Đức quốc là nơi đầu tiên nhìn nhận ông, như là một tiểu thuyết gia. Và từ đó, ông cảm thấy mình ở nhà, ở Berlin, hơn là ở Budapest.

Phiền một nỗi, Mr. Kertész, năm nay 73 tuổi, là một người Do Thái, và khi còn nhỏ, đã bị đẩy vào trại tập trung của Đức Quốc Xã, và những gì ông viết ra, đều xoáy vào [đề tài] Lò Thiêu. Nhưng chính vì những "phiền một nỗi" như thế đó đã làm cho ông cưu mang cả hai. Ông tin rằng xứ sở này đã chấp nhận tội lỗi của nó. Hơn thế nữa, ông không coi Lò Thiêu thuần chỉ là một xung đột giữa những người Đức và người Do Thái, nhưng còn là một tai họa cho cả văn minh Âu Châu. "Bạn không thể tức giận với cả một quốc gia, lại càng không thể tức giận với thế hệ con, và thế hệ cháu của nó", ông nói trong một cuộc phỏng vấn, trong căn hộ nhỏ bé của ông tại Berlin, nơi ông trải qua một năm tại đây, như là một "guest scholar" tại Wissenschaftskolleg, một hàn lâm viện nổi tiếng chuyên về nghiên cứu. "Lò Thiêu không phải là lỗi lầm một-lần của lịch sử. Nó thuộc về lịch sử Âu Châu, và với nó, những giá trị [của thời kỳ] Soi Sáng của Âu Châu, sụp đổ."

Hàn Lâm Viện Thụy Điển sẽ vinh danh Kertész - kẻ xa lạ, an outsider, chữ của tờ Đọc, Lire, của Pháp, khi loan tin ông được Nobel - trong dịp trao giải thưởng vào ngày 10 tháng Chạp sắp tới đây, cũng đã nhấn mạnh tới khía cạnh, mà theo họ, phân biệt những gì ông viết với những người sống sót Lò Thiêu. "Với ông ta, Auschwitz không phải là một trường hợp khác thường quái dị, một vật lạ (alien body) ở ngoài dòng lịch sử bình thường của Âu Châu... Nó là sự thực tối hậu về sự thoái hoá của con người trong cuộc sống hiện đại."

Lạ nữa, là, mặc dù sống sót cả hai trại tù và cũng là lò thiêu, Auschwitz và Buchenwald, không phải vì lý do đó mà ông viết, theo kiểu suy nghĩ, tôi là nhà văn, vì tôi sống sót lò thiêu, hay là chứng nhân từ đáy địa ngục.

Đúng hơn là như thế này: Sau năm 1950, khi Hungary bị khuất phục trước bạo lực Xô Viết, ông cảm thấy như là mình "được" chuyển, từ trại tập trung này qua một trại tập trung khác. Cho tới một ngày, ông cảm thấy, "nó đây rồi, phải như thế thôi": mặc khải nhà văn của ông chính là mặc khải tìm một góc riêng cho cái gọi là tự do mình là mình (freedom of self-definition, như chữ của ông). Ông kể lại kinh nghiệm đó như sau:

"Đó là năm 1955, và tôi đang ở một hành lang, tôi nghe thấy tiếng bước chân ở phía sau tôi", ông hồi tưởng và kể lại bằng tiếng Hungary; bà vợ ông, Magda - gốc Hungary, lớn lên tại Mỹ - dịch ra tiếng Anh. Tiếng chân người cứ thế lớn dần, và tôi hình dung ra, cả một đoàn người lũ lượt, trùng trùng lớp lớp ở phía sau tôi, cứ thế mà bước tới. Nhóm người, lũ người, đoàn người đó, trong trí tưởng tượng của tôi, trong viễn ảnh mà tôi nhìn ra thế giới, đại khái là thế giới vây quanh tôi, "của tôi", nó "bầy ra" sự lãng quên, vẻ đồng phục, nỗi cúi đầu nhẫn nhục chịu đựng số kiếp của mình. Là một thành viên, thuộc vào lũ người lũ lượt cùng bước đi như thế đó, có nghĩa là mất tiêu luôn căn cước. Tôi phải bước ra khỏi hàng. Đó là lý do tôi quyết định, mình sẽ là một nhà văn".


Một cách nào đó, Nobel văn chương ba năm mới đây, có vấn đề. Những người được giải, và công chúng đều sững người, khi biết tin. Naipaul, năm ngoái cho biết, ông đã tưởng ông ra rìa. Năm trước nữa, Cao Hành Kiện coi đây là một phép lạ. Và khi vinh danh ông, Viện Hàn Lâm cho rằng, đây là kinh nghiệm của một cá nhân, mong sống sót lịch sử của đám đông. Còn Kertsész: một kẻ đứng bên lề, một kẻ lạ. Trở thành nhà văn chỉ vì muốn bước ra khỏi hàng. Ngay dịch giả qua tiếng Anh hai tác phẩm của ông, trong có cuốn Không Số Kiếp, cũng không nghĩ tới chuyện ông được Nobel. Katharina Wilson, dạy môn Văn Chương So Sánh (Comparative Literature, Đại học Georgia), trong một cuộc phỏng vấn, ngay sau khi biết ông được Nobel, cho biết, bà thực sự không tin, không thể tưởng tượng được lại có chuyện đó. "Tôi luôn luôn nghĩ, đây là một nhà văn hảo hạng (first rate), một thiên tài theo kiểu của ông ta, nhưng tôi chẳng hề tin, ngay cả chuyện ông được đề cử (nominated), đừng nói đến chuyện được giải Nobel.

-Tại sao bà lại chẳng hề tin ông ta sẽ được Nobel. Bộ ông ta chẳng được ai biết tới, cả về người, lẫn của (tác phẩm)?

Không phải như vậy. Ông ta được nhiều người biết tới, thí dụ như ở Đức. Nhưng nổi tiếng trên toàn thế giới, đâu cũng nghe tên, đọc tác phẩm, cái đó lạ đấy.

-Nghe nói, bà và ông xã cùng dịch, nhưng chỉ bán lèo tèo chừng 5 ngàn cuốn. Ngay ở nơi quê hương bản quán, ông ta cũng không được nổi tiếng? Nhưng mà này, tại sao lại chọn ông ta để mà dịch? Liệu mấy ông Hàn cũng có mắt xanh như bà, khi trao giải Nobel?

Đúng là ông ta không nổi đình nổi đám, ở quê hương, theo kiểu nhà văn ở trên đỉnh. Còn chuyện mắt xanh hay không mắt xanh của mấy ông Hàn, làm sao tôi biết được. Lý do tôi dịch ông ta, đúng ra là cơ duyên, nói tình cờ thì cũng được. Số là, vào thời điểm đó, tôi có một "cảm giác mạnh", rằng phải kiếm ra một cách giải thích khác đi, về Lò Thiêu, cho cả tôi và những sinh viên của tôi, theo nghĩa, trói voi bỏ rọ, gói trọn (minimize) thảm kịch mà Lò Thiêu đại diện. Tôi nghĩ ông ta là một người như vậy, một người không lôi cổ đám sinh viên, những người trẻ tuổi, dộng đầu họ vào tường, bắt họ nhìn vào đó, Lò Thiêu, với những con mắt khiếp đảm... nhưng là một người với một giọng nói hợp với giới trẻ, khi trình bầy thảm kịch đó. Nhưng cái mà tôi gọi là thiên tài thứ thiệt, rất ư là thiên tài, ở nơi ông, theo tôi, ở trong Không Số Kiếp, đó là ông bịa ra (invent) một nhân vật kể chuyện ngôi thứ nhất. [Nhiều người cho rằng, và thực sự đúng như thế, cái tôi là cái đáng ghét. Nhưng với một nhà văn thiên tài, đây là cách nhanh nhất, để kể một câu chuyện.] Kertész kể câu chuyện Auschwitz, bằng cái giọng "tôi ơi là tôi, không cường điệu, không bi thảm hoá, không đủ mọi chuyện"; ông kể từ cái nhìn của người kể chuyện thứ nhất, và người kể thứ nhất (the first person narrator) này là một đứa trẻ 14 tuổi, trẻ nguyên xi, chưa từng có một chút hiểu biết chuyện gì đang xẩy ra. Đây là cái nhìn của một cậu bé thơ ngây. Và sức mạnh của câu chuyện, chính là ở chỗ, chúng ta, những độc giả phải hiểu, cho cả chúng ta, và cho cả cậu bé, rằng cái bi kịch của câu chuyện kể ở đây, là, độc giả bắt buộc phải hiểu, những điều ghê gớm tởm lợm đang xẩy ra, nhưng người kể – cậu bé ngây thơ - lại được miễn nhiễm! Một cách nào đó, một câu chuyện như vậy treo lửng sự phán đoán, và làm cho kinh nghiệm dễ thấm hơn, mà lại không bị đập đầu vào tường.


Không phải những năm trước đây, Nobel không có vấn đề, nếu nói về chuyện "trao giải cho một kẻ lạ". George Szirtes, trong bài viết "Imre Kertész là ai?", trên Phụ Trang Văn Học Thời Báo London (TLS), số đề ngày 18 tháng Mười, 2002, đặt câu hỏi, thực sự ông ta là ai, và "thú nhận", chúng ta đúng là đã bị "trúng lạnh", lại một lần nữa, như chúng ta thường bị như vậy, mỗi lần nghe tin Nobel lọt sổ, nghĩa là lọt ra ngoài nhóm ngôn ngữ tinh anh (a group of elite languages). Đã có trường hợp, với nhà thơ Ba Lan, Wislawa Szymborska. Tác phẩm của bà chỉ được "chúng ta" biết tới, qua bản dịch của Adam Czerniawski, của nhà xb Forest Books. Theo ông, "cách" trao giải Nobel, có thể "đọc ra được", qua câu sau đây, của Kjell Espmark: "sự chuyên hiểu – proper knowledge – cái hay nhất, đẹp nhất về văn học, tại những xứ sở khác, là cần thiết cho Viện Hàn Lâm [khi] phải phán đoán về nền văn học của chính nó.

Hiểu theo nghĩa trên, sự "ngu si dốt nát", không biết đến những nhà thơ nhà văn như Szymborska, Kertész, thí dụ vậy, của chúng ta, là một tội lỗi. [Chúng ta ở đây, qua tác giả bài viết, là thế giới văn chương viết bằng tiếng Anh]. Tác giả "thú nhận" thêm, cái đọc của ông, về Kertész, cũng chỉ lèo tèo một tí, qua nguyên tác, và qua hai bản dịch tiếng Anh, của "bà và ông xã của bà", tức Katharina Wilson và chồng như trên đã nói tới, và do những nhà xuất bản cò con ở Mỹ ấn hành. Khi bản dịch tiếng Anh của cuốn Sorstalanság (Fateless: Không Số Kiếp), ra mắt độc giả tiếng Anh, có bài phê bình trên tờ TLS, số đề ngày 15 tháng Giêng, 1993. Peter Sherwood, tác giả bài điểm, cho rằng, đây là một cuốn sách thuộc thể loại có tính xã hội nhiều hơn là tính văn chương. Và như thế, thế nào nó cũng chìm vào quên lãng, (nguyên văn: như thể những cuốn sách như vậy chưa từng hiện hữu)!

Imre Kertész là ai?

Ông sinh tại Hungary, vào năm 1929, trong một gia đình Do Thái đã hội nhập, tới mức Kertész "mù tịt" luôn, về "truyền thống" của mình, ngoại trừ ba việc lặt vặt, dễ nhớ, dễ làm như là thắp hương thắp nhang trước bàn thờ (nguyên văn: vài ba nghi lễ tông giáo Do Thái), vài ba tiếng Hebrew. Đây là hiện tượng chung ở Hungary vào thời kỳ đó. Khi xẩy ra vụ "Thống Nhất", Hungary và Áo nhập làm một, vào năm 1867, những người Do Thái ở Hungary, thuộc tầng lớp cởi mở đã rủ nhau Hung-hóa - hay trớ trêu hơn, Đức hoá – tên của họ, và trở nên yêu nước Hung hơn cả những người Hung chính hiệu. Cuối thế kỷ 19, Budapest là một thành phố phát triển nhanh nhất (fastest growing) trên thế giới, và tầng lớp Do Thái cởi mở (liberal) hầu như nắm trọn cả về thương mại lẫn văn hoá tại đây. Về mặt chính trị, những người Do Thái, chính họ, cũng chia làm hai, một, bảo thủ (thế hệ cha), và một, tiến bộ (thế hệ con). Chính quyền Bôn sê vích ngắn ngủi, sau khi đế quốc Áo Hung sụp đổ, vào cuối Cuộc Thế Chiến I, là do Do Thái cầm đầu. Và khi nó sụp đổ, nhóm cầm quyền hữu phái của Admiral Horthy đã tỏ ra cực kỳ nghi kỵ ảnh hưởng của người Do Thái. Vào lúc này, do hiệp ước Versailles, Hungary đã bị cắt một nửa lãnh thổ, và 1/3 dân số, và tội lỗi đều đổ lên đầu lên cổ người Do Thái. "Do Thái gian", "phản quốc" là những chiếc nón cối cực kỳ nguy hiểm. Nếu bạn là Do Thái, tốt nhất, bạn nên cúi đầu xuống, một sự nhịn là chín sự lành: hãy là những thành viên ngoan ngoãn, dễ bảo, của cộng đồng! Những năm đầu thập niên 1920, khi Kertész chào đời, tình hình lại càng khó khăn. Ông ra đời đúng vào năm xẩy ra vụ Wall Street Crash.

Như trong thông báo dành cho báo chí, Hàn Lâm Viện Thụy Điển nhắc tới giọng văn "không lập lờ", không hòa giải, của Kertész, cũng như "nghiệp" văn của ông ("Nếu phải nghĩ tới một cuốn sách sẽ viết, thì nó vẫn là về Lò Thiêu", như ông đã tuyên bố). Nhưng, thế nào là một cách nhìn "khác", về Lò Thiêu? Đọc như thế nào, để không bị đập đầu vô tường, hoặc "thảm" hơn, như đã xẩy ra với Tam Ích; ông có lần than, vừa mới lớn, đầy hăng say, nhiệt huyết, ông vớ ngay phải những cuốn sách viết về Lò Thiêu, thế là tiêu luôn, tuy đã cố gắng chữa trị, bằng Mác xít, tức là bằng "thiên đường mù" (chữ của Dương Thu Hương), hoặc bằng "thiên đường nhân tạo", nhưng chẳng ép phê gì hết, thế là bèn đưa cổ vào thòng lọng! Cái chết của ông, khi được báo chí hồi đó diễn tả, đã gây chấn động, trong đám tụi tôi, là đám đàn em: ông xếp những cuốn sách thành một cái ghế, và rồi trèo lên, khi đã đưa cổ vào trong chiếc thòng lọng, ông đạp đổ mớ sách...


Khi điểm cuốn The Cave của nhà văn Nobel José Saramago, trên tờ TLS số đề ngày 25 tháng Mười 2002, David McAllister có nhắc tới một câu của Saramago, "có được những ý nghĩ, tư tưởng thuộc loại xịn không phải dễ. Có được thứ tạm xài được (at least praticable), là được rồi." The Cave là cuốn thứ ba, trong một bộ ba cuốn (trilogy), gồm Mù Loà, Tất Cả Những Cái Tên, những cuốn tiểu thuyết ám dụ về sự độc ác theo kiểu tổ hợp, với những đoàn người lũ lượt cứ thế bước tới, đi dưới ngọn cờ, viết dưới ánh sáng của... Đảng, thí dụ vậy! Không phải dễ, việc bước qua một bên, làm kẻ "outsider", như Kertész đã từng "mặc khải". "Như xì ke, ma túy, một khi bạn đã nếm mùi [đã "xếp hàng"], là coi như "vứt đi"! (nguyên văn: "This is like a drug, you try it once, and you’re hooked"), một nhân vật trong The Cave nhận xét như vậy, về cái thú xếp hàng, và được hưởng những "đặc quyền đặc lợi", và những "niềm vui" của nó. Giống như những tù nhân trong hang động của Plato. Chỉ khác một chút, những tù nhân "xếp hàng" có thể ‘tự do" bỏ hàng.


Không cần tư tưởng thứ xịn, chỉ cần thứ xài được. Tiểu thuyết bộ ba "Hang động, Tất cả những cái tên, Mù lòa" của José Saramago, là từ cuốn 1984 của Orwell mà ra, nhưng những câu chuyện của Saramago đáp ứng đòi hỏi thời đại toàn cầu hóa, với tất cả những nhức nhối của nó. Cái nhìn trẻ thơ của Kertész, trong Không Số Kiếp, so với cái nhìn của Oskar, một đứa trẻ mãi mãi lên ba, trong Cái Trống Thiếc, của Grass. Nhưng nếu với Grass, theo Dương Tường khi dịch cuốn sách trên, câu chuyện của ông một thứ khôi hài đen (u-mua đen, chữ của dịch giả), theo tôi, là bởi vì thứ ngôn ngữ đó, tư tưởng đó không những xài được, mà còn hết sức cần thiết, cho tiếng Đức, sau khi đã bị chủ nghĩa Nazi lợi dụng. Nói một cách khác, nếu coi tư tưởng Nazi là thứ "xịn", thí dụ vậy, thì chính thứ xài được ở Grass chẳng hạn, mới thật là cần thiết, không có không được, một khi thứ xịn kia trở thành một lời dối trá khổng lồ.

[Chúng ta hãy nhớ lại những bài hát ‘mô phỏng" nhạc cách mạng, giải phóng... tại miền nam, sau 1975. Hãy nhớ lại một thời kỳ thật là ngắn ngủi, cả miền nam đã say mê với những "Từ trận thắng hôm nay, ta xây lại bằng mười". Giấc mộng lớn đó, nếu bạn là người Việt nam may mắn sống sót cuộc chiến, bắt buộc bạn phải mê, không có "oong đơ" gì hết! Nhưng sau đó, chính những "phiên bản" mới nói lên sự thực cay đắng, và "từ trận thắng hôm nay, ta xây lại bằng mười", biến thành "từ trận thắng hôm nay, ta ăn độn dài dài"].


Kafka là một trong những người ảnh hưởng sâu đậm tới tư tưởng cũng như văn phong của Kertész. Cách nhìn ngây thơ, treo lửng mọi phán đoán, bởi vì chưa từng biết phán đoán, của một đứa trẻ, tại Lò Thiêu, là cũng từ Kafka, theo như một cách đọc "khác" , về nhà văn "u tối" này. Đây là cách đọc ông, của một số nhà văn nhà phê bình hiện đại, thí dụ như của Kundera, trong Những Di Chúc Bị Phản Bội. Thế giới Vụ Án, Toà Lâu Đài, là "địa ngục", là "ác mộng", là "kín bưng", nhưng không phải không có những "cửa sổ" (chữ của Kundera), hé cho thấy một thế giới khác, chắc là dễ thở hơn. Không phải tới Kundera, người ta mới nhận ra những khía cạnh, cứ tạm cho là "hy vọng", ở trong thế giới "ma quỉ, mộng mị" của Kafka. Sartre, khi tìm hiểu sự thành công của Kafka, trong "Văn học là gì?" (Nhận Định, II), đã viết: "... Tôi cho rằng ông [Kafka] muốn miêu tả phận người. Và cái phần mẫn cảm đặc thù ở đây, đối với chúng ta, là, trong một vụ án cứ thế kéo dài, rồi bất thình lình chấm dứt trong đau thương, tức tưởi; những ông phán, ông toà thì không ai biết được, mà cũng chẳng làm sao với tới, chúng ta nhận ra lịch sử, và chính chúng ta, trong lịch sử. [Quách Tường tôi nhận ra ở đây, cuộc chiến, và chính chúng ta, ở trong cuộc chiến cứ thế kéo dài, và chết bất thình lình trong đau thương tức tưởiù]. Nhìn dưới góc độ triết học, những nhân vật của Kafka, như Joseph K. và K., với Sartre, tượng trưng cho "nỗi ở đời" của con người: "Địa ngục, là kẻ khác". {Trích từ "Những nhà phê bình của thời đại chúng ta và Kafka", Claudine Raboin giới thiệu, nhà xb Garnier, 1973]

Camus nhìn ra, cả hy vọng lẫn phi lý, ở trong Kafka: Nói đến hy vọng ở đây, không phải là tiếu lâm, là cà chớn (ridicule). Bởi vì, càng bi thảm tới cỡ nào là nỗi ở đời của những nhân vật của Kafka, hy vọng càng ngược ngạo chừng đó..., hay nói như Kierkegaard, "Phải đập nát bấy hy vọng trần gian, để làm bật ra hy vọng thứ thiệt, và được cứu rỗi, nhờ nó. (On doit frapper à mort l’espérance terrestre, c’est alors seulement qu’on se sauve par l’espérance véritable – la Pureté du coeur: Sự Trong trắng, trinh nguyên của trái tim) (sđd).

Nhân nhắc tới Camus, Mặt Trời Địa Trung Hải, xin giới thiệu Mặt Trời Auschwitz (chữ của nhà xb Actes Sud, khi dịch qua tiếng Pháp tác phẩm của Kertész), như một trích đoạn sau đây cho thấy:

"Ở nơi đó, cũng vậy, giữa những ống khói, trong những quãng ngừng của khổ đau, có một cái gì giống như là hạnh phúc.... Vâng, đúng là nó đấy, hạnh phúc ở trại tập trung, điều mà tôi sẽ nói tới sau này, khi có người hỏi. Thì cứ giả dụ như sẽ có người hỏi. Thì cứ giả dụ như chẳng bao giờ tôi quên nổi, hạnh phúc."

NQT giới thiệu