*







A belief like a guillotine – as heavy as light.
Franz Kafka: Reflections on Sin, Suffering, Hope, and the True Way
[Niềm tin thì cũng giống như cái máy chém. Nặng như thế. Mà nhẹ, cũng như thế].

Hai Lúa tin rằng nhà thơ VC Phạm Tiến Duật phải đã từng đọc Kafka, nhất là câu trên, mới nẩy ra hứng sáng tác, câu thơ thần sầu:
Đường ra trận mùa này đẹp lắm!

Cái máy chém đó. Niềm tin đó.
Nhẹ và đẹp, như câu thơ của họ Phạm.
Nặng, là cái chết của ba triệu người, ở cả hai miền, kể cả thường dân và binh sĩ.
Bằng con số nạn nhân Lò Thiêu.

One reads in order to ask questions.
Kafka [ Alberto Manguel trích dẫn, trong A history of Reading]
Người ta đọc, để hỏi.

Yet any translation, however influencial, harbors its own dissolution. Literature endures; translation, itself a branch of literature, decays.
Cynthia Ozick: The Impossibility of Being Kafka, Sự Không Thể Là Kafka. In trong Quarrel & Quandary, tập tiểu luận, nhà xb Vintage, 2001.
Dịch, cho dù ảnh hưởng tới cỡ nào, cũng chỉ là trò thả mồi bắt bóng, nghĩa là, lấy cái tâm sự nát tan - hay như người ta nói, sự phản bội kia - như là niềm cưu mang của chính nó:
Giật mình, mình lại thương mình xót xa!
 Văn, như gừng, càng già càng cay.
Dịch, như củi, càng lâu càng mục.


Tam sinh vạn vật.

Cuốn Vụ Án của Kafka đứng số 3, trong Bảng Phong Thần Cuối Cùng trước khi dâng hiến tất cả cho lò thiêu.

Đây là kết quả cuộc bỏ phiếu của sáu ngàn độc giả Pháp, lựa chọn 50 cuốn sách của thế kỷ vừa qua, và được bình bởi Frédéric Beigbeder.
Tại sao số 3?
Có lẽ vì tam sinh vạn vật.

Frédéric Beigbeder thì cho rằng, có lẽ tại tĩnh từ “kafkaien” mà ra.
Nó nói lên, phận người, tức nỗi sợ… sắp hàng tại  một cơ quan nhà nước, thí dụ như phòng xuất cảnh chẳng hạn, và khi tới lượt thì chẳng có tên mình:
-Sao, ông nói sao? Tôi không phải số... 3 hả? Xin ông coi lại hồ sơ giùm. Tôi số 3 mà, chắc chắn có sự nhầm lẫn ở đây, tôi chắc chắn có tên trong danh sách chuyến bay… HO này mà!...
Đó là nỗi sợ con quái vật bàn giấy (angoisse bureaucratique), là cái phận người tủi hổ “như một con chó”, “sự tủi hổ sống dai hơn tôi”, của Joseph K, nhân vật chính trong Vụ Án.

Joseph K. là một nhân viên nhà băng, ít nói, độc thân, cả đời chưa từng đòi hỏi ai bất cứ một điều gì, một bữa bị những nhân viên nhà nước ăn mặc đồng phục bắt. Họ nói, anh sẽ bị đưa ra tòa xử, Nhưng anh có làm chuyện gì đâu! Đâu cần làm, và thế là cả thành phố đều biết. Người ta thả lỏng anh, nhưng lúc nào cũng có người trông chừng…
Liệu có thể coi, Vụ Án là một thứ tiểu thuyết luận đề, chính trị tố cáo chủ nghĩa toàn trị? Có thể, nhưng hơn thế, đây là một thứ “chống lại phận người”, theo nghĩa: vào đời nghĩa là vào với tra tấn và tử vong. Vụ Án chẳng tha một ai trong số chúng ta.

Trong một tác phẩm mới đây, Pierre Dumayet viết, một cách ngồ ngộ, rằng “Với Kafka, sự nhục nhã, tủi hồ chính là ‘phong cảnh quê ta’ [“chez Kafka, l’humiliation est un paysage”].
Nhưng, ‘may mắn thay’ với Kafka, còn là những câu chuyện hài, và chính cái hài này, “nó” cứu rỗi.

Ở Việt Nam, bạn có thể tìm thấy cái chất hài này, qua những câu chuyện có tí hiện thực ma tuý - huyền ảo thì cũng rứa - thí dụ như của Hồ Anh Thái, hoặc loại chuyện thiếu nhi dành cho người lớn, như truyện dài “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần, hoặc thứ phê bình văn học của Trần Đăng Khoa chẳng hạn.
Nên nhớ, Kafka đã từng đọc bản thảo cho bạn bè nghe, và vừa đọc, vừa cười ngặt ngẽo [en hurlant de rire, chữ của Frédéric Beigbeder).
Từ đó, chúng ta hiểu được, không phải Thượng Đế, mà là con người, bị kết án phải... cười. Với Kafka, tất cả những câu chuyện buồn tủi nhục nhã khốn khổ của ông (Vụ Án và luôn cả Toà Lâu Đài, và Hoá Thân) đều là những câu chuyện tiếu lâm to tổ bố, grosses farces, vẫn chữ của Frédéric Beigbeder. Theo ông này, Kafka đi trước đám Tiểu Thuyết Mới ở Tây cả nửa thế kỷ, 12 chương của Vụ Án được viết bằng một thứ văn gẫy đoạn, người ta có thể nói, của  Nathalie Sarraute.

Vụ Án còn là một thứ chuyện “Liêu Trai” có tính tiên tri (un fantasme prophétique), như rất nhiều cuốn sách khác ở trong Bảng Phong Thần Cuối Cùng. Cuốn tiểu thuyết được in và xuất bản vào năm 1925, nhưng Kafka đã viết nó mười năm trước, tức là năm 1914, trước khi có cuộc cách mạng Nga, Cuộc Đệ Nhất Thế Chiến, chủ nghĩa Quốc Xã Nazi, chủ nghĩa Stalin: thế giới được miêu tả ở trong cuốn sách, chưa hiện hữu, chưa “đi vào hiện thực”. Vậy mà ông nhìn thấy! Liệu có thể coi ông là Ông Thầy Bói Nostradamus của thế kỷ 20?

Không phải vậy: cái thế kỷ có tên là Goulag đó chỉ là một đứa trẻ ngoan ngoãn tuân theo lời phán bảo của ông thầy của nó, mà thôi.

Ở đây, là một giả thuyết, nghe đến rởn tóc gáy lên được, và cũng hoàn toàn có tính Kafkaien: Liệu tất cả những trò kinh tởm của thế kỷ: chiến tranh lạnh, những chuyện đấu tố, luôn cả bố mẹ, hiện tượng con người có đuôi, con bọ VC, lò thiêu, trại tập trung cải tạo, Solzhenitsyn, Orwell…. tất cả là đều nảy sinh từ cái đầu của một anh chàng làm cho một công ty bảo hiểm ở Prague?
Liệu, hàng triệu triệu con người chết đó, là để chứng minh cho sự có lý, của một cái đầu chứa đầy những ác mộng?
*
Tại sao số 3 ?
Có lẽ còn vì, đây là con số 'số mệnh' sinh ra tới hai Con Bọ. Con Bọ VC và Con Bọ trong Hoá Thân của Kafka.
Bài viết tuyệt vời của Nabokov về Hoá Thân xoay quanh con số 3 khủng khiếp này. (1)

(1) Résumons quelques-uns des thèmes principaux du récit.
1. Le nombre trois  joue un rôle considérable dans l'histoire. L'histoire est divisée en trois parties. La chambre de Gregor compte trois portes. Sa famille est composée de trois membres. Trois domestiques apparaissent dans cours du récit. Les trois locataires ont trois barbes. Les trois Samsa écrivent trois lettres. [ Con số ba đóng một vai đáng kể trong câu chuyện. Câu chuyện được chia làm phần. Gia đình có ba người. Ba người làm xuất hiện theo tình tự của câu chuyện... Tôi thật cẩn thận khi không cố tình cường điệu về ý nghĩa của những biểu tượng như thế, bởi vì một khi tách ra khỏi truyện, là chúng bốc hơi, chẳng còn có ý nghĩa gì cả].

Còn Con Bọ VC, là do con số 3 gây nên: Con số 3 làm nên hình chữ S.

Đây là điều mấy ông VC chửi Tây mũi lõ thực dân cũ, cố tình chia để trị, nhưng sau ngày 30 Tháng Tư 1975, nước nhà thống nhất rồi, thì mới thấy mấy ông mũi lõ có lý.
Tao chia chúng mày ra để chúng mày không giết lẫn nhau !
[Nabokov hỏi: Ba người trong gia đình, đứa nào cũng bóc lột... con bọ, nhưng đứa nào tàn nhẫn nhất: Ông bố, bà mẹ, hay đứa em gái? Tương tự, chúng ta tự hỏi, và tự trả lời...]
Tao đâu có gây ra thảm họa Thuyền Nhân.
Tao đâu có biến Việt Nam của chúng mày thành một "Anus Mundi" vào năm 1975? (1)

(1) Anus Mundi có nghĩa là hậu môn của thế giới. Theo Milosz, một người Đức đã viết ra định nghĩa này, để chỉ xứ Ba Lan, vào thời điểm 1942.
Nhưng Anus Mundi lại làm cho người đọc liên tưởng tới từ Anno Mundi, tiếng La Tinh, có nghĩa là "vào năm của thế giới" [in the year of the world], tức khi thế giới bắt đầu.
Milosz định nghĩa Anus Mundi: The cloaca of the world. [Hậu môn của thế giới]

Như chúng ta đã biết, chỉ có loài vật thượng đẳng mới có cơ quan sinh dục riêng, hậu môn, nơi để bài tiết, riêng. Với loài hạ đẳng, chỉ có cloaca, tức hậu môn, dùng cho cả hai việc, làm cơ quan sinh dục và làm nơi bài tiết.
Xứ sở Balan vào năm 1942, là anus mundi, là theo nghĩa đó.
Khi Gấu mượn từ này của Milosz, trong bài viết về Nếu Đi Hết Biển của Trần Văn Thuỷ, là theo nghĩa của từ Anno Mundi, năm bắt đầu thế giới, và còn theo nghĩa năm Thượng Đế từ bỏ chúng ta, của triết gia người Do Thái, Emmanuel Levinas.
Và Gấu coi đó là năm 1975, đối với Việt Nam.
Hậu môn của thế giới.
Năm Thế Giới.
Năm "Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người". [TCS].
Năm chân lý "nước Việt Nam là một", bị lường gạt.
Bị làm nhục.
Nếu đi hết biển
*
Gunter Grass tin rằng, cái xứ sở Đức của ông, bởi vì cứ muốn thống nhất theo kiểu trung tâm, chỉ có một thủ đô là... "Hà Nội", sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi, mà gây nên thảm họa không chỉ cho nó, mà còn cả Âu Châu:

"Cơ cấu xã hội chúng tôi không như Pháp: Paris ở một phía, phía kia là tỉnh lỵ. Chúng tôi không có thủ đô: ngay cả Berlin cũng không "sáng ngời" như Paris, Luân đôn, hay Varsovie. Chúng tôi có quá nhiều thủ đô, quá nhiều trung tâm; đó là tình trạng chia cắt của nước Đức sau cuộc chiến 30 năm. Đây cũng là sức mạnh của chúng tôi. Nhưng khi chúng tôi muốn bắt chước những nước láng giềng, cũng muốn một chủ nghĩa trung tâm (centralisme), câu chuyện đã không xuông xẻ. Bismack, rồi Hitler là những toan tính, cuối cùng là thảm họa. Tôi tin rằng những quốc gia láng giềng, vốn đã đau khổ vì nước Đức, họ sẽ được yên tâm hơn, nếu 80 triệu dân Đức cứ tiếp tục con đường liên bang của họ. Nhưng chẳng ai chịu nghe tôi cả!"
Phởng vấn Grass 2



Dịch Kafka

A belief like a guillotine – as heavy as light.
Franz Kafka: Reflections on Sin, Suffering, Hope, and the True Way
[Niềm tin thì cũng giống như cái máy chém. Nặng như thế. Mà nhẹ, cũng như thế].
Hai Lúa tin rằng nhà thơ VC Phạm Tiến Duật phải đã từng đọc Kafka, nhất là câu trên, mới nẩy ra hứng sáng tác, câu thơ thần sầu:
Đường ra trận mùa này đẹp lắm!
Cái máy chém đó, nhẹ và đẹp như là câu thơ của họ Phạm.
Nặng, là cái chết của ba triệu người, ở cả hai miền, kể cả thường dân và binh sĩ.
Bằng con số nạn nhân Lò Thiêu.


One reads in order to ask questions.
Kafka [ Alberto Manguel trích dẫn, trong A history of Reading]
Người ta đọc, để hỏi.

Yet any translation, however influencial, harbors its own dissolution. Literature endures; translation, itself a branch of literature, decays.
Cynthia Ozick: The Impossibility of Being Kafka, Sự Không Thể Là Kafka. In trong Quarrel & Quandary, tập tiểu luận, nhà xb Vintage, 2001.

Dịch, cho dù ảnh hưởng tới cỡ nào, cũng chỉ là trò thả mồi bắt bóng, nghĩa là, lấy cái tâm sự nát tan - hay như người ta nói, sự phản bội kia - như là niềm cưu mang của chính nó:
Giật mình, mình lại thương mình xót xa!

 Văn, như gừng, càng già càng cay.
Dịch, như củi, càng lâu càng mục.
*

Diễn đàn Talawas, www.talawas.org hiện đăng bản dịch Nhật Ký của Kafka, theo như được biết, dịch từ bản tiếng Nga, của Đoàn Tử Huyến. Thử so vài đoạn với bản tiếng Pháp của Marthe Robert [một trong những chuyên viên về Kafka], thấy có khác. 

Kafka là một tác giả "không thể không" (chữ của Kafka) dịch, và rất khó dịch, cả về ngôn ngữ lẫn tư tưởng. Kundera, trong Những Di Chúc Bị Phản Bội, cho thấy, chỉ một câu văn của Kafka thôi, dịch qua tiếng Pháp, cũng có đến vài bản dịch, và đều khác nhau, và Kundera chẳng chịu một bản nào, phải tự mình ra tay dịch lại. 

Một trong những lý do dịch "hỏng" Kafka, theo Kundera, là do người dịch muốn trau chuốt câu văn, muốn tránh trùng lặp, cho nên thêm thắt, hoặc thay thế một từ bằng những từ tương tự. Trong khi K. luôn luôn, và vĩnh viễn, là K. Frieda là Frieda, không người tình, người bồ, cũng không bạn đồng hành, người giúp việc gái, thiếu phụ, thiếu nữ, bạn gái nhỏ.... 

Một trong những khó khăn nhất, theo người viết, khi dịch Kafka, là làm sao... hiểu ông. Và cách hiểu nào thì cũng chỉ "tạm thời", bởi vì mỗi thời lại có một cách hiểu Kafka. Hiểu sao thì dịch vậy, mỗi dịch giả chọn cho mình một cách dịch. 

Mới đây thôi, tờ Văn Học Pháp (Magazine Littéraire), số tháng Chạp 2002, đặc biệt về Kafka, đã cho rằng, cách đọc ông theo kiểu hiện sinh (existentielle), rằng, đây là một thiên tài nói lên (annonciateur génial) những điều ghê rợn của thế kỷ, cách đọc này đã qua rồi. Qua những tài liệu mới mẻ về tiểu sử Kafka của Reiner Stach, những nghiên cứu của Félix Guattari... cho thấy, nếu không hẳn là một người ‘vui nhộn’ (comique), chắc chắn đây là một con người sống động, xăng xái (dynamique), và.... mê gái (amoureux)! Một con người nổi loạn, không chịu khuất phục, mặc dù (hay là tại vì, à cause de) Thư Gửi Cha (Lettre au Père). 

Sau đây trích bài viết của: 

1. J. M. Coetzee, nhà văn Nam Phi hai lần giải thưởng Booker, nhan đề "Dịch Kafka", trên tờ Điểm Sách Nữu Ước, NYRB, sau in trong Stranger Shores, tiểu luận văn học (nhà xb Viking, 2001). 

2. Bài phỏng vấn Reiner Stach, người viết tiểu sử Kafka, trên tờ Văn Học Pháp. Từ năm 1987, Stach đã cho in một tiểu luận về cái nhìn (vision) của Kafka về tình yêu, và về những liên hệ yêu đương. Sau đó, ông đã làm việc trên những tài liệu để lại sau khi Kafka mất. Những tài liệu này là từ một trong những người yêu (fiancee) của ông, là Felice Bauer, mà người con trai ở Hoa Kỳ còn giữ được. 

3. Bài viết "Dịch Kafka" trên số báo Văn Học Pháp đã dẫn, của Lionel Richard.

I

 Vào năm 1921, nhà thơ Tô Cách Lan Edwin Muir và vợ Willa dời bỏ công ăn việc làm ở London và tới sống ở Lục Địa. Đồng đô la lúc này mạnh; họ hy vọng kiếm đủ sống, bằng cách điểm sách cho tờ báo định kỳ Mỹ, The Freeman.

 Sau chín tháng ở Prague, vợ chồng Muirs dời tới Dresden, và họ bắt đầu học tiếng Đức. Willa lo dậy học, trong khi Edwin ở nhà đọc những nhà văn mới nhất viết bằng tiếng Đức. Do đồng tiền mất giá tại Đức, họ dời tới Áo, rồi Ý, rồi trở lại Anh. Tại đây, họ sử dụng cái vốn tiếng Đức mới có được, và trở thành những dịch giả nhà nghề. Trong vòng 15 năm, cho tới khi chiến tranh bùng nổ, như lời mô tả của ông chồng, nhà họ giống như một "xưởng dịch thuật". Cộng chung, họ dịch trên ba chục cuốn, quá nửa là do bà vợ. "Ôi chao, cuộc đời của hai đứa chúng tôi hầu như phí phạm hết vào việc chuyển tiếng Đức qua tiếng Anh," ông chồng hối tiếc, than thở, sau đó.

 Một trong những may mắn mở đầu quãng đời phung phí đó, là cuốn Jud Suss, của Lion Feuchtwanger. Cuốn sách trở thành best-seller, và những nhà xuất bản London của họ hỏi, "Ông bà tính làm tiếp, với những tác giả nào?" Edwin vốn đã đọc cuốn Das Schloss, của Kafka, xuất bản sau khi tác giả đã mất, "Đây đúng là một cuốn tiểu thuyết rất ư là siêu hình, và thần bí... một thứ của hiếm, có thể là độc nhất vô nhị", ông chồng viết trong một lá thư. Bản dịch của họ được xuất bản năm 1930. Tuy chỉ bán được 500 cuốn, nhưng Kafka vẫn được tiếp tục dịch: Vạn Lý Trường Thành (1933), tuyển tập những truyện ngăn ngắn, Vụ Án (1937), America (1938), và sau chiến tranh, Xứ Trừng Giới, In the Penal Colony (1948). Những bản dịch của họ, mặc dù đầy lỗi, đã thống trị thị trường tiếng Anh kể từ lúc đó.

 Ông chồng, Edwin Muir thấy rằng, nhiệm vụ của mình không những "không thể không dịch" Kafka, mà còn phải hướng dẫn độc giả đọc những bản văn mới mẻ và khó khăn đó. Những bản dịch của họ sau đó đều có "đính kèm" những "lời nói đầu", trong đó, Edwin "dẫn giải" Kafka, gần như hoàn toàn dựa vào bạn bè của Kafka, trong đó có Max Brod. Những lời dẫn như thế tỏ ra rất có ảnh hưởng, qua đó, chúng đề nghị Kafka như là một "thiên tài tông giáo... ở trong một thời đại bi quan", "một nhà văn của những ám dụ tông giáo, quá bận rộn với cái chiều không thể đo được, của cõi đời và cõi thần" (the divine).

 Như trên đã viết, mỗi người chọn cho mình một cách hiểu, và từ đó, không thể tránh được, là một cách dịch: quan điểm của ông bà Muirs về Kafka, như là nhà văn tông giáo đã ảnh hưởng tới những từ ngữ, câu kệ mà họ sử dụng trong khi dịch, làm sao ăn khớp với những lời dẫn. Và lẽ dĩ nhiên, những độc giả tiếng Anh đầu tiên đã không chút nghi ngờ chấp nhận cách giải thích Kafka của vợ chồng Muirs. Dính cứng vào những bản dịch – đặc biệt là trong Tòa Lâu Đài và Vụ Án - là cách giải thích của hai vợ chồng Muirs, cả hai, dịch và giải như thế đã là nguồn nghiên cứu của những nhà học giả về Kafka. Đặc biệt, ở Mỹ, bản dịch năm 1930, và lời bình 1930 được in đi in lại nhiều lần, gần như nắm độc quyền, ở Anh, đỡ tệ hơn, có bản dịch mới cuốn Vụ Án (1977), và Tòa Lâu Đài (1997).

 Nhưng còn một lý do khác nữa, ngoài chuyện một mình một chợ của những bản dịch của Muirs. Bản dịch 1930 của họ dựa trên bản văn 1926 của Brod, và bản này bị "nhuận sắc" (edited) tơi tả, bởi Brod, khi ông cố tình dành cho thế giới một bản văn theo ý của ông. Chưa hết, ông ta còn sửa luôn cả cách chấm câu. Lại thêm lỗi nhà in. Không phải lỗi của họ, nhưng vợ chồng Muirs, như vậy, đã dựa vào một nguyên bản "không thể chấp nhận được".

 II

 Theo Muirs, thách đố chính mà người dịch Kafka phải đương đầu, là làm sao hòa hợp được (reconcile) trật tự từ của Kafka – lẽ dĩ nhiên là nằm trong luật lệ của văn phạm tiếng Đức – với tiếng Anh, vốn đọc lên nghe có vẻ tự nhiên, và giống như thành ngữ. Với Muirs, từ của Kafka thì "trần trụi và không thể hiểu sai đi được (infallible)... chỉ trong trật tự đó Kafka mới có thể nói điều ông phải nói... Vấn đề chính của chúng ta là tạo ra một thứ văn xuôi tiếng Anh, tự nhiên với tiếng Anh như Kafka, theo cách riêng của ông, tự nhiên với tiếng Đức."

 Không phải dễ, lúc nào cũng viết ra một cách tự nhiên, nhưng với Muirs, vấn đề là phải làm sao cho có sự tươi mát trong cách đặt câu, cộng thêm sự thay đổi từ. Do đó, xem ra thì có vẻ nghịch lý, bản văn dịch của Muirs lại sống động hơn so với nguyên bản của Kafka, bởi vì tiếng Đức mà ông sử dụng là theo kiểu kiềm chế (restrained), có thể nói, một thứ tiếng Đức trung tính, dửng dưng (neutral), và ông là người chẳng hề sợ hãi chuyện lập đi lập lại từ.

 [Đây chính là điều mà Kundrea đã chỉ trích những dịch giả bản tiếng Pháp như Vialatte. Bản dịch của ông này thoải mái (librement) đến độ nhà xuất bản Gallimard, vào năm 1976, khi tái bản Kafka trong tủ sách Pléiade, đã tính cho sửa lại những chỗ đã dịch sai, nhưng những ’hậu duệ’ của Vialatte phản đối, nhà biên tập là Claude David phải làm những phụ chú ở cuối sách, nhiều đến nỗi độc giả cứ phải lật lại những trang này để theo dõi, và để hiểu bản văn!].

 Hơn nữa, mặc dù cách làm chủ tiếng Đức một cách đầy kinh ngạc, mà lại do tự học, của Muirs, mặc dù ông chồng đọc rất rộng những nhà văn Đức và Áo đương thời, nhưng cả hai đều không có được cái background (nền tảng) văn học Đức. Thành thử cách sử dụng điển cố (references) văn học của họ khá bừa bãi. Sau cùng, còn vấn đề môi trường, khu vực sống của người Đức và người Áo, mỗi vùng có một số từ ngữ đặc biệt, mà họ chỉ hiểu đại khái.

 Một trong những điều không may đối với hai vợ chồng Muirs, khi dịch Kafka, là hệ thống hành chánh trong ngành tòa án và luật pháp. Thí dụ như trong trong Vụ Án, khi Joseph K. nói với những người tới bắt, anh muốn gọi điện thoại cho "Staatsanwalt Hasterer". Vợ chồng Muirs dịch là "luật sư Hasterer". Những độc giả Anh Mỹ quen thuộc với hệ thống pháp luật của họ, lại nghĩ rằng K. yêu cầu cho gặp luật sư của anh. Sự thực, K. tính bịp những kẻ tới bắt anh, bằng cách dọa kêu điện thoại tới văn phòng khởi tố (prosecutor’s office), để thưa họ ra tòa.

 Trong Tòa Lâu Đài, bản dịch của Muirs phạm phải hàng trăm những lầm lỗi về chi tiết, nếu xét riêng từng cái, thì không quan trọng, nhưng một khi độc giả gặp quá nhiều sai lầm như vậy, sẽ hoang mang, khiến họ phải tìm về nguyên bản, để kiểm chứng. Vợ chồng Muirs nhận xét, "Đọc Kafka giống như đọc một cuốn sách du lịch, được miêu tả thật chi ly về từng chi tiết về phong tục, cách ăn mặc, đồ dùng của một bộ lạc mới được phát hiện", nhưng khi đụng tới cuộc sống thường nhật mỗi ngày của vùng Trung tâm Âu Châu, họ bị lầm lạc. Thí dụ như "Strohsack" mà K. ngả lưng tại nhà trọ trong làng, không phải bị dâu mà là một cái nệm nhồi dâu.

 Hệ thống điện thoại kỳ cục trong tòa lâu đài cũng làm cho họ lúng túng. Với họ, "telephonieren" (gọi điện thoại) là tiếng chuông điện thoại. Khi những viên chức trong Tòa Lâu Đài ngắt bộ phận làm chuông reo, thì Muirs dịch là họ bỏ điện thoại ra ngoài, và khi nối lại hệ thống chuông, họ dịch là treo điện thoại lên.

 Nếu hệ thống luật pháp của Cựu Đế quốc Áo xa lạ với Muirs, những hành sử của những viên chức giả tưởng ở trong tòa lâu đài còn xa lạ hơn. Nếu không thêm từ, hoặc dùng chú thích, độc giả Anh Mỹ sẽ không thể hiểu nổi một số câu, đoạn. Đôi chỗ, vợ chồng Muirs còn đoán già đoán non, về những dự tính ở trong đầu tác giả, thay vì trỏ lại với từng câu, từng từ, trong nguyên bản. Đôi chỗ dịch giả không nhìn thấy những gì trước mắt họ, thí dụ "Her blank loveless gaze" (Cái nhìn đờ đẫn không yêu thương), Kafka viết, được dịch là "Her cold eyes" (Mắt lạnh lùng), bỏ mất tính hàm hồ của từ "loveless". Trên một bình diện rộng lớn hơn, dịch giả đành hy sinh tính trung thực của bản văn, đổi lấy viễn ảnh toàn tác phẩm, khổ một nỗi, viễn ảnh là của họ, không phải của Kafka. Họ, đoán già đoán non, qua Brod, rằng Kiểm tra viên K. là một kẻ hành hương dễ chịu. Thành thử khi K. nói còn bà vợ và đứa con ở nhà, bí quá, họ đành cắt bỏ người vợ và đứa nhỏ, cho hợp với cú đoán!

 Sau cùng, bản dịch Anh ngữ của Muirs vào cái thời của nó, cho dù "tự nhiên" tới cỡ nào, sau gần 70 niên, nó cũng quá đát. Tác phẩm không cũ (gừng càng già càng cay) nhưng bản dịch đã trở nên lỗi thời.

 Kafka bắt đầu viết Tòa Lâu Đài vào đầu năm 1922, tại một nhà dưỡng bệnh ở vùng núi (bệnh lao của ông đã được phát hiện vào năm 1917). Chữa trị chẳng đi tới đâu, ông trở lại Prague. Tháng Bẩy, từ bỏ nghề làm bảo hiểm, ông hồi hưu non. Tình trạng bệnh càng ngày càng xấu, ông bỏ ngang Tòa Lâu Đài, sau khi mất bẩy tháng với nó, không hoàn tất ngay cả bản sơ thảo.

 Sau khi ông mất, vào năm 1924, Max Brod biên tập, và cho xuất bản ba đoạn (fragment) tiểu thuyết bỏ dở mà Kafka để lại.

 ****

 Trong vòng 10 năm, Reiner Stach đã bỏ hết thời giờ vào việc viết tiểu sử Kafka, nhờ vào sự trợ giúp tài chính của nhà xuất bản Fisher. Kết quả là 600 trang sách, chỉ trong giai đoạn 1910-1915, nghĩa là 5 năm trong cuộc đời Kafka! Nhưng đây là 5 năm đầy thành quả, đó là thời kỳ Kafka viết Le Verdict, La Métamorphose, Le Disparu (tức cuốn Amerika), Le Procès. Còn hai cuốn tiểu sử nữa, về thời kỳ 1883-1910, và 1916-1924, sẽ tiếp tục ra mắt độc giả.

 Một công việc khổng lồ, và chưa từng có. Ông có được những nguồn tin, những tài liệu mới mẻ. Trong bài phỏng vấn "Câu chuyện đầy đủ về một cuộc đời", trên số báo Văn Học Pháp, đặc biệt về Kafka, Reiner Stach đã giải thích vai trò của Brod, bạn của Kafka, về chuyện tại sao Brod cho in ba cuốn tiểu thuyết chưa hoàn tất coi như là đã hoàn tất rồi, về những lời chỉ trích nặng nề Brod, của Kundera, trong Những Di Chúc Bị Phản Bội.

 Theo tôi [Reiner Stach], phải có một cái nhìn khách quan vai trò của Brod, thay vì có thái độ ‘a priori’ (tiên nghiệm) mang tính tranh luận. Brod đã giữ lại bản thảo, ngược với yêu cầu đốt bỏ của Kafka. Nếu không làm như vậy, chúng ta không có Le Procès, và rất nhiều trang của Nhật Ký. Sau đó, ông còn giữ được chúng, không để cho Nazi tiêu hủy. Ngoài ra, ông lo xuất bản chúng, ngay cả khi Kafka còn sống. Sau khi Kafka mất, Brod gặp khó khăn: làm sao in một tác giả còn vô danh, những tác phẩm còn dang dở? Ai thèm đọc? Chính vì vậy, ông đã không cho độc giả biết, đây là những tác phẩm chưa hoàn tất. Nhưng sau đó, Brod cho rằng, cần phải có một ấn bản phê bình, tranh luận, thay vì một ấn bản chung quyết (definitive).

 Về tất cả những khía cạnh đó, tôi [Reiner Stach] thấy không có gì chê trách. Nhưng đáng trách, là, khi cho xuất bản, Brod đã can thiệp trực tiếp vào những trang bản thảo. Cũng được đi, khi ông bỏ tên một số người lúc đó còn sống, và có thể bị tổn thương. Nhưng không ngưng ở đó, ông bỏ đi những đoạn đề cập tới ông một cách "tiêu cực". Rồi, những gì không hợp với những lời giải thích Kafka của trường phái Kafkology (chữ của Kundera), do Brod sáng tạo ra, coi Kafka như một ông thánh.

 Ngay từ những năm 1930, Brod đã cố hướng giới phê bình về một Kafka như trên. Ông nói đi nói lại nhiều lần, rằng Kafka là một nhà văn mà nguồn hứng khởi là do tông giáo mà ra. Ông còn cố chứng minh, ngay cả trong đời thường, trong cuộc sống riêng tư, Kafka cũng là một vị thánh!"

 Kundera, trong bài Cái Bóng Bị Hoạn Của Thánh Garta, trong Những Di Chúc Bị Phản Bội, chỉ trích Brod, tuy thật gần gụi với Kafka, mà không làm sao hiểu nổi nghệ thuật của bạn mình. Với Kundera, thế giới Tòa Lâu Đài là một thế giới khép kín, nhưng hễ có dịp hở, là K. tìm đủ mọi cách để "thở". Vì lỡ đã coi Kafka là một ông Thánh, nên Brod đã bỏ mọi cửa sổ hé ra thế giới bên ngoài - thí dụ như những xen huê tình ở trong đó, hoặc những câu như: Tôi đi qua xóm điếm mà cứ nghĩ như đi qua nhà người tình yêu dấu! ở trong Nhật Ký.

 Ngay cả Coetzee cũng không tin Brod hiểu Kafka. Như trong bài đã dẫn, ông viết: K. với Brod là một Faust mới (new Faust), không còn ham muốn tri thức, mà là sự cần thiết (need), về một đòi hỏi hết sức cơ bản về cuộc đời - một mái nhà bình an, một việc làm ổn định, một sự chấp nhận là một người của cộng đồng. Brod suy ra rằng những mục đích trên có một ý nghĩa tông giáo. Ân sủng nhỏ nhoi nhất mà K. tìm kiếm ở trong Tòa Lâu Đài, là một sự cho phép được ổn định nơi ăn chốn ở, hết còn là một kẻ ở bên ngoài (an outsider). Người đọc có thể tự hỏi, tại sao Brod lại nẩy ra ý tưởng [cắt nghĩa Kafka] như trên, trong khi ông biết cảm nhận của Kafka, về chính mình, như là một kẻ ở bên ngoài suốt đời, trong khi biết bao lần toan tính lấy vợ của Kafka đều thất bại vì ông không thể tưởng tượng một con người như ông mà là một người chồng, người cha trong gia đình. Người đọc còn tự hỏi, làm sao một cách đọc Kafka như vậy, ở trong một không khí của  Đức, và Áo thời hậu chiến, một khi mà kinh tế tù đọng, một khi chẳng nhà thờ, chẳng nhà nước nào có thể đưa ra một hướng dẫn về cuộc dời, mà chỉ là tuyệt vọng, và nhân loại đã đi trật đường rầy. Từ một cách đọc lạc quan như vậy, của Brod, đã khiến ông coi Kafka như là một nhà suy nghĩ bảo thủ, để phản ứng lại với những thách đố của cuộc đời đã kêu gọi phải trở về với "truyền thống", với những chân lý cổ xưa. Chính vì muốn kéo Kafka ra khỏi cách đọc của Brod, nên Mark Harman mới dịch lại Kafka, cho những độc giả tiếng Anh, và đây là một việc làm rất có giá trị, theo Coetzee. [Toà Lâu Đài, dịch giả Mark Hartman (New York: Schocken, 1998)].

 Theo Reiner Stach, cần phải vĩnh viễn bỏ quan điểm coi Kafka là một ông thánh, bởi vì nó hoàn toàn sai lầm. Quan trọng hơn nữa, ông không phải là một nhà văn tông giáo. Đây là một nhà văn hiện đại, đã sử dụng những phương pháp viết văn hiện đại. Ông quan tâm tới những vấn đề tông giáo, chắc chắn rồi, nhưng không phải theo kiểu mà Brod gán ghép cho ông. Ngay khi còn sống, Kafka cũng tỏ ra không hài lòng vì những gì mà Brod nói về ông, nhưng để phản bác, ông sử dụng khí giới là hài hước (ironie). Ông không muốn cắt đứt tình bạn với Brod, và ông cũng chẳng có nhiều bè bạn. Trong một lá thư gửi Felice Bauer, Kafka phàn nàn, ông chỉ còn mỗi một cách là chạy trốn, sau những lời ngợi ca mà Brod viết về ông. Hơn nữa, Brod nói về tác phẩm của ông thì ít, nhưng về cá nhân ông, thì nhiều.

 Lionel Richard, trong bài viết Dịch Kafka (Traduire Kafka), trên số báo Văn Học Pháp đã dẫn, có nhắc tới bài tựa của Jean-Jacques Briu, khi dịch lại cuốn Hóa Thân vào năm 1988 (nhà xb LeFranc-Dire, loại song ngữ). Dịch giả cho rằng, thật cần thiết phải dịch lại cuốn này, và chỉ ra những "yếu kém" (faiblesses) của bản dịch đầu, của Viallate, do nhà Gallimard xuất bản vào năm 1938. So với nguyên bản tiếng Đức, có chừng 800 từ bị bỏ đi (không dịch), và chừng 700 từ, dịch giả thêm vô. Chừng trên 60 lỗi về hình thức động từ (formes verbales). Những thay đổi (transformations) không thể tưởng tượng được, thí dụ như "những trái táo đỏ" nổi tiếng mà người cha dội (bombardé) vào con bọ Gregor, đã biến thành "những viên đạn", những cục tròn nhỏ", và luôn cả, những viên bi ("projectiles", "petites boules", "billes"). Dịch giả đưa ra câu hỏi: "Dịch như thế, làm sao mà câu chuyện (récit) của Kafka không bị ảnh hưởng (affecté)? Và ông tự trả lời: "Một khi bản dịch quá tệ (quá không hoàn hảo très imparfait), bổ sung nó (amender) là một bổn phận kép, có thể nói, một món nợ kép (une double dette): với tác giả và với người đọc.

Ngày nay, độc giả Pháp có 5 bản dịch cuốn Vụ Án, nhưng cho tới năm 1976, chỉ có mỗi bản dịch của Viallate, và tai hại thay, nó cũng tệ như bản dịch Hóa Thân của ông, mặc dù ông là một nhà văn có tài, nhưng như vậy chưa đủ để bảo đảm sự chính xác của bản dịch.

Kafka khó dịch, ngay cả ở tựa đề tác phẩm, thí dụ như cuốn Amerika. Viallate đã giữ nguyên cái tít này của Brod, lần xb đầu, năm 1927. Claude David, biên tập cho nhà Gallimard, trong tủ sách Pléiade, đã đổi là Kẻ Bị Bỏ Quên (L'Oublié), và giải thích, tiếng Đức trong nguyên bản muốn nói: "Kẻ mà dấu vết không còn" (Celui dont la trace s'est perdue). Ông nói thêm, "Có thể dịch là L'Épave (Thân tàn ma dại, vô thừa nhận, trôi sông lạc chợ..), nhưng từ này như những ý nghĩa của nó, thiên về tình cảm, sợ không đúng với ý định của Kafka. Ông cho rằng, đã đến lúc phải trả cho tác phẩm cái tít đúng của nó, nhưng thế nào là đúng, đó là từ L'Oublié của ông ta. Nhưng cái tít này, dịch giả Bernard Lortholary lại không bằng lòng, và trong lần dịch cho nhà xb Garnier-Flammrion năm 1988, ông đổi từ Amerika qua Le Disparu, nhưng lại nói thêm: Không thể bỏ qua cái từ Amerika mà người đọc đã quá quen thuộc, và tới lần xb năm 2000, tựa đề cuốn sách là: Le Disparu (Amerika), nhà xb Pochothèque.

 Theo như nguyên tác tiếng Đức, từ "verschollen" trong tựa đề có nghĩa như Lortholary giải thích, một từ ở dạng quá khứ phân từ và có nghĩa giống như những từ dùng trong quân sự, như "portés disparus", hoặc khái quát hơn: một người mà người ta không có tin tức, mất dấu vết, và kể như là đã chết. Từ "verschollen" còn được dùng song song với những từ như "gefallen" nghĩa là "ngã xuống ở mặt trận", hoặc "chết trong khi chiến đấu". Nếu chuyển sang tiếng Pháp, từ "Disparu" xem ra hợp hơn cả, hoặc "cẩn trọng" hơn, "Porté disparu" (Kể như mất tích).

 Chỉ nội cái tít không thôi mà đã khổ/khó như vậy. Chỉ một câu văn thôi, mà không dịch giả nào chịu bản dịch/dịch giả nào.

Chỉ nội một truyện Hóa Thân, mà mỗi người hiểu một cách. Alberto Manguel, tác giả cuốn A History of Reading kể lại, vẫn một trang sách, có người đọc chán ngấy, có người cười. Con gái ông, 13 tuổi, đọc Hóa Thân thấy tức cười. Gustav Janouch, bạn Kafka, thấy ngụ ngôn tông giáo, đạo đức. Bertolt Brecht coi đây là một tác phẩm của "nhà văn Bolshevist độc nhất, thực nhất". Nhà phê bình Mác xít G. Lukacs, một sản phẩm của đám trưởng gả thoái hoá. Borges, như là một kể lại (retelling) nghịch lý Zenon. Marthe Robert lại coi đây là một thí dụ về ngôn ngữ Đức, ở mức sáng sủa nhất của nó. Theo ông (Manguel), sự kiện này là do những câu chuyện của Kafka, được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm đọc của ông, dâng hiến và lấy đi cùng một lúc, ảo tưởng hiểu biết (illusion of understanding). Như thể chúng đào xới bản văn của Kafka, nhằm thỏa mãn người đọc.

Jennifer Tran