*








Đỗ Long Vân: Vô Kỵ giữa chúng ta
hay là hiện tượng Kim Dung (4)



IV. Nghi vấn đạo lý trong Kim Dung.

"Sự minh định giữa Tà và Chính vẫn còn được duy trì. Nhưng người ta thấy rằng nó đã bị nghi vấn hoá và không còn dĩ nhiên như xưa nữa… có lẽ không còn ai trong võ lâm có đủ ngây thơ để tự giải quyết nghi vấn ấy một cách đơn sơ như thế."

"Và cái vinh quang cho những giá trị mà chàng đại diện là cái đuơng nhiên rực rỡ của Chính nghĩa. Nhưng Chính nghĩa nào còn khi, từ trận này sang trận khác, người ta chỉ kéo dài một cuộc tương tàn không có ai được và ai thua. Ngay những đối thủ hầu như cũng đã quên mất những lý do đã làm cho họ xâu xé lẫn nhau."

"Người chưởng môn của phái Nga My đã sáng tạo được hai bộ kiếm pháp, một tên là Diệt, và một là Tuyệt. Những độc âm cộc lốc ấy…"

"Cái thời của những anh hùng nghĩa hiệp thật đã xa và, trong cuộc tương tàn miên trường vô độ của võ lâm, người ta chỉ còn thấy như sự xung đột của những mãnh lực tự nhiên. Trước khi biết ai phải và ai trái thì những đối thủ biết rằng họ phải thắng trước đã, và cái ý chí thống trị làm suy tàn tinh thần võ hiệp cổ truyền."


Tới Kim Dung thì cái trời ý tưởng ấy sụp đổ.

Lẽ dĩ nhiên vẫn có những nhân vật tự xưng là đại diện cho Chính nghĩa và những kẻ mang tiếng là của Tà đạo. Nhưng truyện Kim Dung sẽ cho người ta thấy sự phân biệt ấy là vô thực. Những con người của Tà đạo, ông cho tất cả những cám dỗ của nhan sắc, của sự thông minh, của tính anh hùng. Ấy là không kể người nào võ công cũng cao cường, cuộc đời cũng sôi nổi, tâm hồn cũng khoáng đạt. Cái tội duy nhất của họ là không coi đạo lý của thiên hạ vào đâu. Nhưng so với họ thì những người có trách nhiệm duy trì truyền thống đạo lý của võ lâm mới ương ngạnh, mới ngoan cố, mới câu nệ làm sao! Tiêu biểu cho thứ người ấy là Diệt Tuyệt Sư thái thà chết chứ không để cho Vô Kỵ động tới vạt áo bà, khi tên "tiểu dâm tặc" này định vận nội lực giúp, bà nhảy xuống từ trên một tháp cao đang phát hỏa. Diệt Tuyệt Sư thái tuy nhiên chỉ là một cô gái già gàn dở. Cái gàn dở ấy có khi tàn nhẫn, nhưng vẫn còn có thể tha thứ được, tại dù sao Sư thái vẫn còn tin và thi hành cái đạo lý của bà. Nhưng sự sa đọa xuống tới sự bất nhân, sự dâm loạn, sự ngu xuẩn của những đệ tử phái Toàn Chân thì còn ai tin gì ở Chính nghĩa? Trên đường lưu vong của chàng, mỗi lần gặp một trong những người của Chính nghĩa ấy là Vô Kỵ lại gặp sự vong ân, sự ích kỷ, sự ác độc và người ta hiểu tại sao sau cùng chàng lại chọn những người của Tà đạo làm bạn đồng hành. Sự thật thì trong Kim Dung có một cố gắng đánh tụt giá những người tự nhận là của Chính nghĩa, và qua họ, những giá trị mà họ tượng trưng. Cái đức đáng yêu nhất mà đôi khi ông cho người ta thấy trong họ là sự thật thà, sự chất phác, sự ngây ngô. Tuy nhiên đó không phải là một cái đức riêng của những người của Chính nghĩa mà chung cho tất cả những đứa con của Đất, dù như Âu Dương Phong, đứa con ấy chỉ là một đứa con hư. Sự đề cao những giá trị của Đất ấy cho người ta thấy rằng các phân loại nhân vật trong Kim Dung không trùng hợp hẳn với những nhãn hiệu đạo lý của họ.

Theo những nhãn hiệu đạo lý thì có kẻ Tà và người Chính. Nhưng sự khác nhau giữa Tà và Chính ở chỗ nào? Khi chúng anh hùng đến vây bắt Cừu Thiên Nhận để sửa tội cái tên đại-ma-đầu thì y thản nhiên hỏi mọi người: "Ta giết người. Các ngươi cũng giết người. Nhân danh cái gì các người có thể lên án ta?" Câu hỏi bất ngờ ấy không ai biết trả lời thế nào cho phải. Là người trong võ lâm thì tay ai chẳng đầy máu. Nhưng giữa lúc mọi người còn ngơ ngác thì may sao có Hồng Thất Công đứng ra dõng dạc trả lời rằng những kẻ ông giết là những kẻ như Cừu Thiên Nhận chuyên làm hại dân lành vô tội, và giết những người như thế thì giết bao nhiêu cũng được và càng nhiều càng hay. Sự minh định giữa Tà và Chính vẫn còn được duy trì. Nhưng người ta thấy rằng nó đã bị nghi vấn hóa và không còn dĩ nhiên như xưa nữa. Và ngoài một người ngay thẳng như Hồng Thất Công thì có lẽ không còn ai trong võ lâm có đủ ngây thơ để tự giải quyết nghi vấn ấy một cách đơn sơ như thế. Hồng thất Công vả lại cũng là kẻ thù tri kỷ của một đại-ma-đầu khác là Âu Dương Phong và người bạn nữa của ông là Hoàng Dược Sư thì đã nổi tiếng là một nhân vật đứng ra ngoài những thứ loại của đạo lý thông thường. Người trên giang hồ gọi ông là con người Tà ở phương Đông. Nhưng cái tà của Âu Dương Phong là của năng tính. Trong Hoàng Dược Sư, nó là một quyết định của lý trí. Hình như ông cho rằng Tà và Chính chỉ là những nhãn hiệu vô thực. Ai muốn xếp ông vào loại nào thì ông cũng mặc và coi như không. Con người kiêu ngạo ấy chỉ biết một qui luật duy nhất là cái tự do của mình. Trong lịch sử võ lâm, nhân vật như ông tượng trưng cho sự nổi loạn của cá nhân chống lại những giới hạn giả tạo của một truyền thống sa đọa.

Sự sa đọa ấy bắt đầu khi, như người ta thấy, những người của Chính nghĩa không còn xứng với vai trò của họ và, dưới tay họ, những giá trị thiêng liêng chỉ còn là những giáo điều nghiệt ngã. Nhưng trong thực tế thì lý do chính để không còn ai tin ở những giá trị ấy nữa là giữa Tà và Chính, võ công giờ ai cũng như ai và chẳng có mèo nào cắn mỉu nào. Xưa người anh hùng là người bách thắng. Và cái vinh quang cho những giá trị mà chàng đại diện là cái đương nhiên rực rỡ của Chính nghĩa. Nhưng Chính nghĩa nào còn khi, từ trận này sang trận khác, người ta chỉ kéo dài một cuộc tương tàn không có ai được và ai thua. Ngay những đối thủ hầu như cũng đã quên mất những lý do đã làm họ xâu xé lẫn nhau. Xưa người ta giết một người để trừng phạt một tội ác; giờ thì người ta không cần biết người ấy đã làm một tội ác nào chưa, nhưng đã thuộc vào một môn phái đối nghịch thì đương nhiên y là một kẻ thù để người ta thủ tiêu. Ai trách Tạ Tốn ác độc thì ông sẽ lấy sử ra để minh chứng rằng từ xưa những kẻ ác độc bao giờ cũng thành công và những người được tiếng là nhân tài thì, xét cho cùng, sự nhân đức của họ cũng chỉ là một cái tiếng. Ông thì lẽ dĩ nhiên có thừa nghĩa khí để không bao giờ có thể coi sự giết người là một trò lý thú, nhưng những nhu cầu của an ninh buộc ông thủ tiêu nhân vật vô tội đang cùng ông ôn tồn đàm thoại, và ông rất tiếc phải thất lễ với một người mà ông có cảm tình. Án mạng khi ấy chỉ là những phương thức cực đoan của vệ sinh. Nhưng Tạ Tốn là một trong những anh hùng của Tà đạo, và người ta không thể chờ ở ông một sự từ bi quá đáng. Có lẽ đáng ngạc nhiên hơn là khi thấy Diệt Tuyệt Sư thái cầm Ỷ Thiên kiếm giết một chốc mấy trăm mạng người trong Minh Giáo mà không chớp mắt. Một Tà một Chính, khi ấy, ai tàn nhẫn hơn ai? Tà và Chính đều giết người. Họ là người của võ lâm, và trong cuộc giao tranh, công việc đầu tiên của họ là cướp phần thắng và tận diệt kẻ thù… Người chưởng môn của phái Nga My đã sáng tạo được hai bộ kiếm pháp, một tên là Diệt và một là Tuyệt. Những độc âm cộc lốc ấy, trong sự thô bạo của chúng, đã tóm tắt cái đạo lý đầy máu và đích thực của võ lâm. Cái thời của những anh hùng nghĩa hiệp thật đã xa và, trong cuộc tương tàn miên trường vô độ của võ lâm, người ta chỉ còn thấy như sự xung đột của những mãnh lực tự nhiên. Trước khi biết ai phải và ai trái thì những đối thủ biết rằng họ phải thắng trước đã, và ý chí thống trị làm suy tàn tinh thần võ hiệp cổ truyền.

Nghi vấn đạo lý tuy nhiên, chưa mất hẳn. Nó đổi chỗ. Sự phân biệt giữa Tà và Chính xưa ở cứu cánh. Nhưng khi trong một cuộc xung đột không thể nào chấm dứt, mọi cứu cánh đều sa đọa và môn phái cũng chỉ biết một tham vọng duy nhất là thiết lập bá nghiệp của mình trên giang hồ thì người ta dựa vào cách đánh nhau của họ để phân biệt họ lẫn nhau. Võ học đương nhiên mang một sắc thái đạo lý. Trong truyện võ hiệp cổ điển, võ công là một phương tiện và Tà cũng như Chính đều sử dụng một thứ võ. Hơn thế nữa, người ta thấy người của Chính giáo, như tin tưởng tuyệt đối vào lẽ phải của họ, không ngần ngại trước một phương tiện nào để thắng kẻ thù. Họ cũng nghe trộm, cũng đánh lén, cũng lừa bịp. Thôi thì không có thủ đọan nào mà họ từ. Nhưng tất cả xảy ra như thiện chất trong người họ đã truyền cho những thủ đoạn ấy một ý nghĩa chính đáng và không bao giờ có ai tự hỏi về sự có nên chăng của chúng.

Sự thật thà có khi đến chỗ ngây ngô mà Kim Dung coi là đức tính quí hóa thì truyện võ hiệp cổ điển lại dành cho những người của Tà đạo. Ngược lại thì một trong những ấn tích của Tà đạo trong Kim Dung lại là sự thông minh, không phải sự thông minh theo trực giác của những tâm hồn đơn giản, mà sự thông minh làm ra kế hoạch và mưu chước, nghĩa là cái tài sáng tạo. Và người ta hiểu tại sao những võ công được coi của Tà đạo bao giờ cũng phức tạp, biến ảo, nửa thực nửa hư không biết đâu mà lường. Trong khi ấy thì người của Chính giáo sẽ tự hào là có những võ công ngay thẳng, minh bạch, và đường hoàng hơn. Một chưởng của họ là một chưởng, và họ sẽ ít khi dùng tới ám khí độc dược và mưu chước. Một bên thì nặng như núi, cứng như thép, rõ như ban ngày và một bên thì phức tạp, uyển chuyển, mơ hồ… Tuy nhiên đó chỉ là những cách giết người khác nhau, và trong sự đối lập ấy, giữa Tà và Chính, người ta nhận ra sự đối lập giữa Âm và Dương, nghĩa là giữa hai mặt của tự nhiên. Không còn ai ngoài mấy kẻ ngây ngô còn thì giờ nghĩ đến những chuyện nghĩa hiệp nữa. Và giờ nếu người ta có giết nhau chẳng qua là để cướp lấy những võ lâm kỳ thư giúp người ta thành bá chủ võ lâm. Khi những cao thủ tìm đủ mọi cách để độc chiếm cái bí mật giấu trong con đao Đồ Long thì người ta nghĩ đến những tay gián điệp quốc tế đang tranh nhau một tài liệu quân sự hay những đảng cướp trong những truyện Série Noire xâu xé lẫn nhau để giành một món hàng. Ý nghĩa của truyện võ hiệp đã đổi khác. Và tổ chức của truyện cũng đổi theo.

***

Ghi chú:

Vấn đề dịch thuật.

Đỗ Long Vân đã từng học chữ Nho, chỉ để đọc Kim Dung. Chắc chắn, ông đã từng bực mình vì những bản tiếng Việt, vốn chỉ là phóng tác. "Ai tuy nhiên đã gây nên phong trào ấy và với mục đích nào? Nghi vấn ấy người đời sau sẽ giải quyết" (Đỗ Long Vân, đoạn mở "Vô Kỵ giữa chúng ta"), ông biết, với cơn sốt vì hiện tượng Kim Dung, thật khó mà có một bản dịch trung thành với nguyên tác. Ông cũng đã từng dịch. Thời gian sau 1975, ông sống gần như xa cách tất cả mọi người, tại một con hẻm (Hồ Biểu Chánh ở đường Trương Tấn Bửu, hình như vậy), ở Phú Nhuận; đọc, đa số là tiểu thuyết khoa học giả tưởng, và dịch "Những hệ thống mỹ nghệ" của Alain. Chắc chắn, ông phải biết tới Simone Weil, người học trò xuất sắc nhất của Alain. Weil cũng đã từng học chữ Nho để đọc Lão Tử. Trong bài viết về Iliade, bà đã đưa ra một số câu thơ, do chính bà dịch, và ghi chú: "Những đoạn trích dẫn là mới dịch. Mỗi dòng là một câu thơ Hy Lạp, y chang nguyên tác. Trật tự từ Hy Lạp bên trong từng câu thơ cũng được tôn trọng tới mức tối đa" (nguyên văn ghi chú của Weil: "La traduction des passages cités est nouvelle. Chaque ligne traduit un vers grec, les rejets et enjambements sont scrupuleusement reproduits; l’ordre des mots grecs à l’intérieur de chaque vers est respecté autant que possible". Simone Weil, Tác phẩm, nhà xb Gallimard, tủ sách Quarto, trang 529).


***

Bây giờ, chúng ta hãy thử so sánh hai bản dịch Kim Dung, đoạn mở đầu Cô gái Đồ Long, một của Từ Khánh Phụng và một của Nguyễn Duy Chính, mới xuất hiện trên lưới Internet.

Bản Từ Khánh Phụng:

"Quách Tường, con gái thứ của Đại Hiệp Quách Tĩnh và nữ Hiệp Hoàng Dung, biệt hiệu Tiểu Đông Tà. Hôm nay nàng đi chơi một mình là muốn nguôi sầu giải muộn. Một mình một lừa cứ thấy đường là đi. Hết núi này sang núi nọ. Cũng không biết đi bao xa và đi tới đâu."
Ngoài những độc giả đã quá mê Kim Dung, không nói, một độc giả lần đầu làm quen ông, đọc đoạn mở như vậy, chắc chắn là vất tác phẩm vào thùng rác, bĩu môi, đưa ra một lời khinh khỉnh: Thế này mà bao nhiêu người ca tụng!
Tôi chắc chắn, Đỗ quân cũng bực mình, với một đoạn mở như vậy.

Bây giờ, chúng ta hãy so sánh với bản dịch của Nguyễn Duy Chính:


Ỷ Thiên Đồ Long ký
Chương I

Thiên nhai tư quân bất khả vong.
Xuân du hạo đãng, thị niên niên hàn thực, lê hoa thời tiết.
Bạch cẩm vô văn hương lạn mạn, ngọc thụ quỳnh hoa đôi tuyết.

Bài từ "Vô Tục Niệm" này vốn là của một vị võ học danh gia, cũng là một đạo sĩ ở vào cuối đời Nam Tống họ Khưu tên Xứ Cơ, đạo hiệu Trường Xuân Tử. Ông là một trong Toàn Chân Thất Tử, và là nhân vật xuất sắc nhất của phái Toàn Chân. Trong "Từ Phẩm" đã bàn về bài từ như sau: "Trường Xuân, người đời vẫn coi là một vị tiên, nên lời từ mới hay và xuất sắc đến thế."

Đọc đoạn mở như trên, mới thấy thật lạ, thật kỳ! Tiếc rằng, Nguyễn Duy Chính đã không dịch nghĩa cho chúng ta, những gì "Thiên nhai tư quân", những gì "Xuân du hạo đãng…". May thay, ngay sau đó, Kim Dung giải thích:

"Bài từ tuy nói về hoa lê, nhưng thật ra là để ca tụng một thiếu nữ xinh đẹp, mặc áo trắng… Khưu Xứ Cơ tặng nàng ba chữ ‘Vô Tục Niệm’ thật mười phần xác đáng."

Mở ra bằng một bài từ, để ca tụng nhan sắc một thiếu nữ, tức Tiểu Long Nữ. Từ Tiểu Long Nữ mới bắt qua Quách Tường, có như vậy người đọc mới hiểu được tâm trạng của nàng:

"Trên sơn đạo núi Thiếu Thất, tỉnh Hà Nam, có một thiếu nữ, đang cúi đầu lẩm nhẩm bài từ này. Cô gái ước chừng mười tám, mười chín tuổi, mặc áo mầu vàng nhạt, cưỡi một con lừa đen, đi chầm chậm lên núi, vừa đi vừa nghĩ thầm:

-Chỉ có người như Long tỉ tỉ mới xứng đáng lấy được chàng mà thôi.

Chữ ‘chàng’ hiển nhiên là nói đến Thần Điêu dại hiệp…"

Bạn thấy không: nghệ thuật của Kim Dung, hay là "cái nên thơ của cơ cấu luận". Tình nọ cuốn lấy tình kia, buồn này đuổi theo buồn nọ, sóng sau đè sóng trước, rắn luồn trong cỏ, ý thức đuổi theo cái chết của ý thức (mượn một câu của Hegel mà Simone de Beauvoir rất mê: Chaque conscience poursuit la mort de l’autre)…

Ngay đoạn tả sau đó, về cuộc gặp gỡ giữa Côn Luân Tam Thánh với Quách Tường, như đã tiên đoán, cơn điên loạn của hai đệ tử của ông sau này, trước nhan sắc của Hân Tố Tố.

Đây là tiếng đàn khi chưa tương kiến:

"… mỗi lần tiếng đàn lên cao, thì đàn chim lại ngưng tiếng, chỉ nghe tiếng vỗ cánh… tiếng đàn tuy bình hòa trung chính nhưng bên trong có ẩn một phong vị vương giả…. Phải chăng bản đàn này là ‘Bách Điểu Triều Phượng"?

Và đây là tiếng đàn khi đã "triều kiến":

"Quách Tường chỉ mới nghe vài nốt, bất giác vừa mừng vừa sợ. Hoá ra bản đàn này một phần là từ ‘Khảo Bàn’, là khúc mà nàng đã tấu qua [lần tương kiến trước đó], nhưng một phần khác lại từ trong thơ ‘Kiêm Gia’, hai bản không cùng một điệu, nhưng y đã hòa lại với nhau, một ứng một đáp, nghe thật là kỳ diệu"… "trong tiếng đàn của y có nói đến y nhân, chẳng nhẽ nhắc tới ta ư. Sao điệu đàn có vẻ ý tứ triền miên đến thế, nghe đầy những nhớ thương cảm mến?"


***

"Vỗ trường kiếm, giương mi lên, nước trong đá trắng sao xa cách? Thế gian này nếu không có kẻ tri âm, dù sống đến nghìn tuổi, phỏng có ích gì?"

Côn Luân Tam Thánh, sau khi chim chóc bay đi hết, bèn than như trên, rồi vạch kiếm thành bàn cờ, một mình thủ cả hai vai ta và địch. "Quách Tường xem cờ xuất thần, từ từ nhích lại gần, nhưng vì quân trắng lúc bố cục bị thua một nước, trước sau vẫn rơi vào hạ phong… nhìn thấy thế cục… buột miệng nói:

-Sao không bỏ Trung Nguyên đi để lấy Tây Vực?"

Nội câu nói đó đã tiên đoán, thiên hạ sẽ xuất hiện một môn phái mới: Côn Luân Tam Thánh, thua trên núi Thiếu Lâm, thề không trở lại Trung Nguyên, trở về Tây Vực, lập thành môn phái Côn Luân.

Bao nhiêu người được biết đến mối tình của Quách Tường, đều cùng xuất hiện, ở ngay đoạn mở đầu – chỉ thiếu hai nhân vật trung tâm, là cặp vợ chồng Dương Quá, Tiểu Long Nữ: Vô Sắc, người tặng quà mừng sinh nhật. Giác Viễn và Trương Quân Bảo, hai người này đã gặp Quách Tường, Dương Quá và Tiểu Long Nữ, khi đuổi theo kẻ trộm kinh sách. Một mối tình câm, và chỉ những người xứng đáng được biết tới, mới xuất hiện, để rồi đi vào quên lãng: Quách Tường tới già, ngộ ra, cắt tóc, đi tu, mở ra môn phái Nga Mi, mà những người trưởng môn sau đó, đều cũng lao đao với tình, như Diệt Tuyệt Sư thái, Chu Chỉ Nhược. Trương Quân Bảo sau thành Trương Tam Phong, suốt đời không gần nữ sắc, "người nhà trời", trưởng môn phái Võ Đang. Giác Viễn viên tịch, sau khi đọc Cửu Dương chân kinh lần chót. Vô Sắc biệt tích giang hồ…

Bây giờ chúng ta hiểu, tại sao (tên gọi) Vô Kỵ; tại sao Kỷ Hiểu Phù, nữ đệ tử Nga My, thà để cho sư phụ đánh bể đầu, nát thây, chứ không chịu chỉ chỗ ở của Quang Minh Hữu Sứ Dương Tiêu, và tại sao nàng đặt tên con là Bất Hối.

Con trai là phải vô kỵ: Chẳng uý kỵ gì hết!

Còn gái là phải bất hối!

Đừng hối tiếc gì hết!


Như trong ca dao:

Cho nhau chẳng tiếc gì nhau,

Về nhà mẹ hỏi:

Qua cầu gió bay!

***

Vô Kỵ giữa chúng ta: Tang Loạn Thiếp?


Với cơn sốt chưởng Kim Dung tại Sài Gòn hồi đó, thật khó mà có một bản dịch cho ra hồn. Ấy là chưa kể những Kim Dung giả như Hậu Cô Gái Đồ Long… Ngay cái tên "Cô Gái Đồ Long"thay vì "Ỷ Thiên Đồ Long ký", là cũng để qua mặt Bộ Thông Tin, với qui định, mỗi nhật báo chỉ được đăng tối đa hai truyện chưởng. Thành thử một bản dịch chính xác, như của Nguyễn Duy Chính là hết sức cần thiết. Theo như trang Web có đăng truyện dịch của ông, Nguyễn Duy Chính tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn, hiện đang sống tại California với phu nhân và ba người con. Ông là người thích đọc sách, ham nghiên cứu văn học Trung Hoa. Riêng về truyện võ hiệp, ông đã dịch xong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Việt Nữ Kiếm, Bạch Mã Khiếu Tây Phong, Uyên Ương Đao, và hiện đang dịch Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung.

Nếu không có bản dịch của Nguyễn Duy Chính, chúng ta không thể biết được "tiền thân" của môn võ công có tên là "Đồ Long Công" mà Đỗ Long Vân đã nhắc tới; nhờ nó mà Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố được Tạ Tốn tha chết, tại đại hội Giương Đao Lập Oai, và sau đó là cuộc hành trình thần tiên xa lánh võ lâm giang hồ, và loài người, tới Băng Hoả Đảo…

Sau đây là đoạn văn do Nguyễn Duy Chính dịch thuật liên quan tới Đồ Long Công:

"… Chỉ thấy Trương Tam Phong đi lại một hồi, ngửng đầu ngẫm nghĩ, bỗng nhiên đưa tay phải, tại không trung làm bút viết lên thành chữ. Trương Tam Phong cả văn lẫn võ đều thông, ngâm thơ viết chữ, học trò đều biết nên cũng không lấy làm lạ. Chàng [Trương Thúy Sơn] theo dõi nét bút ở tay, hóa ra ông viết đi viết lại mấy lần hai chữ ‘tang loạn’[tai nạn lớn, catastrophe, chú thích của Nguyễn Duy Chính], rồi lại viết hai chữ ‘đồ độc’ [làm thương tổn, phục độc, to injure, to poison. NDC]. Trương Thúy Sơn trong lòng rung động, nghĩ thầm: ‘Sư phụ trong lòng nghĩ đến "Tang Loạn Thiếp’…. Khi đó chàng thấy sư phụ dùng ngón tay làm bút, đạt đến tình trạng ‘không nét nào duỗi ra mà không thu vào, không nét nào đi rồi mà không quay lại’, chính là bút ý của Vương Hi Chi trong ‘Tang Loạn Thiếp’…. Lúc này, chàng thấy sư phụ đưa tay viết liên tiếp: ‘Hi Chi đốn thủ, tang loạn chi cực, tiên mộ tái ly đồ độc, truy duy kháo thậm’ mười tám chữõ, mỗi chữ đều tràn đầy uất hận bi phẫn, nên bỗng cảm thông được tâm tình Vương Hi Chi khi viết ‘Tang Loạn Thiếp’.


Vương Hi Chi là người Đông Tấn, lúc đó trung nguyên đang rối ren, rơi vào tay dị tộc. Họ Vương, họ Tạ là những gia đình có thế lực nay phải di cư xuống miền Nam tránh giặc, trong cái tai biến đó, phần mộ của ông cha bị dày xéo, khiến những đau khổ trong lòng không sao phát tiết ra cho hết, nên tất cả những uất ức đều thể hiện trong bài Tang Loạn Thiếp. Trương Thúy Sơn đang tuổi thanh niên, không lo không sầu, trước đây làm sao lãnh hội được những thâm ý trong bài thiếp? Lúc này gặp phải cảnh đại họa, không biết sống chết ra sao của sư huynh mới hiểu được hai chữ ‘tang loạn’, hai chữ ‘đồ độc’, hay bốn chữ ‘truy duy kháo thậm’ (đau khổ cùng cực. NDC).

Trương Tam Phong viết đi viết lại mấy lần, bỗng thở dài một tiếng, bước tới giữa sân, đứng trầm ngâm mọt hồi rồi đưa ngón tay, lại bắt đầu viết chữ. Lần này cách viết chữ hoàn toàn khác hẳn. Trương Thúy Sơn theo nét bút thì thấy chữ đầu tiên là chữ ‘võ’, rồi đến chữ ‘lâm’, tiếp tục hai mươi bốn chữ chính là câu người đời thường truyền tụng’Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long, Hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng. Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong.’Dường như Trương Tam Phong đang tìm cách suy nghĩ cho ra thâm ý của hai mươi bốn chữ này để biết vì cớ gì Du Đại Đại Nham bị thương? Việc này có liên hệ gì đến hai món thần binh lợi khí là đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên?’

Như đã nói, có rất nhiều cách đọc Cô gái Đồ Long. Chúng ta có thể coi đây là truyền thuyết về hai món võ khí tuyệt hảo trong võ lâm. Ngay ở đầu truyện, Kim Dung đã hé mở cho thấy một chút bí mật của nó, qua câu hỏi Dư Đại Nham của viên cướp bể: ‘Thần điêu đại hiệp Dương Quá đã giết vua Mông Cổ bằng võ khí gì?’


***

Hãy tưởng tượng Đỗ Long Vân đã/chưa từng học chữ Nho, đã/chưa từng đọc đoạn nguyên tác trên đây, và viết ‘Vô Kỵ giữa chúng ta’, mới hiểu được hai chữ ‘tang loạn’, hai chữ ‘đồ độc’, bốn chữ ‘truy duy kháo thậm’ đã ám ảnh Đỗ quân như thế nào.

Bởi vì trong cụm từ ‘tai biến của chúng ta’đã gói trọn tất cả, nào là tang loạn, nào là đồ độc… Theo cách đó, có thể coi bản văn "Vô Kỵ giữa chúng ta"là một cuộc tìm kiếm nguồn cơn của mọi tai biến của chúng ta, vậy.

Hãy tưởng tượng một chàng thanh niên Hà Nội, con nhà giầu, được cha mẹ cho qua Tây, học dược để nối nghiệp nhà làm chủ một cửa tiệm thuốc lớn ngay bên Bờ Hồ, nhưng thay vì học để thành dược sĩ, học văn chương (chắc là gặp tác phẩm Weil ở Paris), thay vì ở lại nước ngoài để trốn cuộc chiến, trở về, dạy đại học Huế, rồi bỏ dạy học, không phải để lên rừng mà đành để bị bắt đi lính.

***

Hãy nhớ đến tôi,

hạt bụi [họ Đỗ] nói.



Nguyễn Quốc Trụ giới thiệu