Tôi hết còn
tin vào nơi chốn ấy
A free man,
when he fails, blames nobody.
(Được tự do
rồi, thất bại, đừng ăn vạ ai)
(J. Brodsky,
Phận lưu vong, The Condition We Call Exile)
Of course,
it's one hell of a way to get from Petersburg to Stockholm; but then
for a man
of my occupation the notion of a straight line being the shortest
distance
between two points has lost its attraction a long time ago.
(Lẽ dĩ
nhiên, đường từ Petersburg tới Stockholm đi qua địa ngục, nhưng với một
người
nghề ngỗng như tôi, ý niệm đường thẳng - là đường ngắn nhất giữa hai
điểm - đã
mất sự quyến rũ của nó từ lâu rồi.)
(Diễn văn nhận
Nobel văn chương)
Ngay từ năm
1972, khi Joseph Brodsky chiều * theo lời yêu cầu của nhà nước, rời
khỏi nước
Nga, vì tội danh thành phần ký sinh, nhà thơ ăn bám, ông vẫn luôn luôn
bị hỏi về
nước Nga và nhất là khi nào thì trở về quê hương. Ông thường trả lời
đại để:
"Tôi thấy thật khó mà tưởng tượng tôi như là một du khách, một diễn
viên
đi trình diễn ở một nơi mà tôi đã sinh ra, đã trưởng thành... Kẻ sát
nhân còn
có thể luyến tiếc phạm trường, nhưng thật là vô duyên khi mầy mò diễn
lại một
màn yêu đương. Tôi có thể về đó như là một cá thể rất riêng tư và gặp
gỡ một
vài bạn bè, nhưng về để cười cười nói nói, nhận những lời chúc tụng,
tôi thấy
thật là khó chịu".
Nước Nga hết
còn hiện hữu. Nó trở thành ngôn từ đối với ông. "Tôi hết còn tin tưởng
ở xứ
sở đó. Tôi không quan tâm (đến chuyện này). Tôi đang viết bằng tiếng
nước tôi,
và tôi thích tiếng nước tôi. Tôi thực sự không biết giải thích thế nào
cho ông
thấy. Xứ sở là... những người của nó. Tôi là một trong những người đó,
và tôi
thấy quá đủ hoặc quá thiếu về tôi rồi... Khi Thomas Mann từ Đức đến
California,
người ta hỏi ông về văn chương Đức, ông trả lời: “Văn chương Đức là nơi
tôi
đang ở” (German literature is where I am). Nếu một người Đức dám chấp
nhận điều
này, tôi cũng dám chấp nhận. Bây giờ tôi sửa soạn để chết tại đây. Cũng
chẳng
quan trọng chi chuyện đó. Vả chăng tôi cũng không biết chốn nào khá
hơn. Mà nếu
có biết, tôi cũng chưa kịp sửa soạn để đổi đời."
Sự không trở
về Nga của Brodsky tương phản với Solzhenitsyn. Nhưng có một thời cả
một chế độ
và bộ phận đầu não của nó là Bộ Chính Trị đã run sợ trước một cá nhân
Solzhenitsyn. Tầm vóc anh hùng và sự ám ảnh ông gây ra cho họ, những
con người
bên trong Điện Cẩm Linh, có lẽ không một nhà văn nào sánh nổi, nhất là
ảnh hưởng
của nó trong lịch sử hiện đại. Cả nhân dân Nga-xô và Tây-phương đều
không chịu
nổi Solzhenitsyn, về bộ râu của ông, còn dị hợm hơn cả của Dostoevsky,
về sự
quan trọng và luôn cả tự coi mình là quan trọng, nhưng trên hết vẫn là
thái độ
không khoan nhượng với cả chủ nghĩa Cộng-sản lẫn Dân chủ hiện đại. Bộ
Chính Trị
Đảng Cộng sản Liên-xô chẳng những không chịu nổi mà còn tỏ ra khiếp sợ.
Ngày 23
tháng 6 năm 1992, khi B. Yeltsin ký sắc
lệnh hủy bỏ tất cả những điều luật vẫn được dựa vào đó để bách hại đám
đông và
vi phạm nhân quyền, sắc lệnh này đã đem hồ sơ mật của Solzhenitsyn ra
trước ánh
sáng. Và người ta mới thấy được sự xuẩn ngốc, nỗi khiếp sợ của Bộ Chính
Trị trước
một con người dám chống lại cả một chế độ. Trong bao nhiêu năm trời, họ
loay
hoay với câu hỏi phải làm gì với ông: Dụ dỗ, làm câm nín? Liệu sẽ thắng
qua
tuyên truyền, phỉ báng, hay là phải bắt bỏ tù? Lạ một điều ông không
bao giờ thất
vọng. Thái độ bất cần, bất cẩn của ông thật đáng nể. Ngay từ năm 1965,
ông đã từng
gọi Lênin là con rắn độc. Hơn nữa ông đã tiên đoán được ngày tàn của
chế độ đó:
"Đây là một chính quyền bị liệt, hết còn trông mong gì được nữa."
Và đây là
Solzhenitsyn vào năm 1971, sau khi nhà ông bị lục soát, ông viết cho
trùm mật vụ
KGB, Yuri Andropov: "Trong bao nhiêu năm tôi đã im lặng trước luật rừng
của
đám côn đồ dưới quyền ông, trước sự kiểm tra, tước đoạt thư từ giao
dịch, dọ
thám, làm tình làm tội những người quen biết, nghe lén điện thoại,
khoét lỗ tường,
đặt máy nghe lén... Nhưng sau cuộc lục soát vừa rồi tôi không im lặng
nữa".
Không phải lỗi
ở ông nếu những tác phẩm quan trọng nhất, những năm tháng đẹp đẽ nhất
đều ở sau
ông. Thế kỷ này, câu chuyện về phẩm giá, về tư cách con người, không cá
nhân
nào vươn tới tầm vóc của Solzhenitsyn.
Nếu cuộc đời
Solzhenitsyn là tác phẩm vĩ đại nhất của ông, ngược lại, Brodsky luôn
cưỡng lại
sự bi thảm, và thần thoại hóa: "Đừng bao giờ để bị đánh gục, ngay trong
ý
định tự hạ mình trở thành nạn nhân của chế độ đó... Thi sĩ, kẻ không
bao giờ là
nạn nhân". Ông kính phục và coi Solzhenitsyn là Homer của Liên-bang
Xô-viết.
Nhưng ông không chấp nhận một sự dấn thân chính trị, coi đó không phải
là một
giải pháp đối với ông.
Brodsky sinh
năm 1940 tại Leningrad. Khi còn là một học sinh, sự tức giận, nổi loạn
của ông
ít nhắm vào ý thức hệ Cộng-sản mà về vẻ u ám của văn hóa Xô-viết và sự
thừa mứa
hình lãnh tụ. "Có cậu bé Lênin, như thiên thần có cánh với mớ tóc
nâu", ông viết trong nhật ký thời trẻ. Rồi Lênin trong những năm 20,
30;
chẳng có một sợi tóc trên chỏm đầu, mặt nghệt ra...". Bộ mặt này đã ám
ảnh
mọi người dân Nga. Cố tránh né nó là bước đầu của ông để trở nên lạnh
lùng, dửng
dưng.
Stalin chết
năm 1953. Kỷ niệm về cái chết của ông trùm đỏ ở một cậu bé mười hai
tuổi như
tiên đoán số phận nhà thơ, có lẽ đó cũng là điều Akhmatova cảm nhận về
ông, sau
lần đầu gặp gỡ. Ông kể lại cho nhà văn Solomon Volkov, lần đó, ông và
bạn đồng
học được tụ tập trong diễn đường của trường. Và bà "trưởng tràng" cho
họ biết tin. "Bà ta bắt đầu bài điếu văn", và "bất thình lình rú
lên bằng một giọng man dại: 'Quỳ xuống! Tất cả chúng ta hãy quỳ xuống'.
Cả diễn
đường khóc òa. Mọi người đều khóc. Có một điều gì đó mong muốn tôi cũng
làm như
vậy, nhưng - xấu hổ thật, lúc đó, và bây giờ, hãnh diện, tôi nghĩ vậy -
tôi đã
không khóc." Về nhà thấy mẹ khóc, cậu bé ngạc nhiên, cho tới lúc cha
nháy
mắt ra dấu thông cảm, và cậu bé nhận ra chẳng có lý do đặc biệt gì để
mà bực
mình vì cái chết đó.
Mười lăm tuổi
cậu bỏ học. Từ 1956 đến 1962, làm mười ba nghề. Theo cả đoàn thám hiểm
tới biên
giới Trung-hoa, Siberia, đỉnh băng sơn. Làm trợ tá tại nhà xác, cưa xẻ,
moi bộ
đồ lòng tử thi... "Vậy mà tôi lại thích nghề đó, ông có tin tôi
không?", Ông nói với ký giả David Remnick. "Thật xấu hổ khi bỏ nghề."
Bước vào tuổi
20, ông bắt đầu làm thơ. Ông nhập vào một đám người viết trẻ, có Y.
Rein, D.
Bobyshev và A. Naiman. "Ý tưởng về cá nhân, một người của riêng người
đó,
đó là tài sản đáng tự hào của chúng ta", sau này ông viết: "Nhưng khả
năng thực hiện thật nhỏ nhoi, nếu kể như sau cùng, điều đó hiện hữu".
Con
đường độc nhất là văn chương và kinh nghiệm riêng tư về đọc sách. Và
Brodsky nổi
loạn chống lại chế độ bạo chúa bằng cách trầm mình vào ngôn ngữ, vào
Pushkin,
và Baratynsky, Mandelstam và Tsvetayeva, Pasternak và Akhmatova. Ông
học tiếng
Ba-lan và đặc biệt, tiếng Anh. Thật khó mà có những cuốn sách tiếng
Anh. Sau
cùng ông có được hai tuyển tập thi ca do Oscar Williams, và Louis
Untermeyer
tuyển chọn; thật là quí giá, trong đó có hình đen trắng những người
hùng của
ông, trên tất cả, có Auden, Frost, và Hardy. Qua những bức hình nhỏ xíu
đó, ông
tưởng tượng ra họ, tiếng nói, nhân cách của họ.
Năm
1961, Rein người lớn nhất trong bọn, đưa
Brodsky tới yết kiến người chị, Akhmatova, nhà thơ vĩ đại nhất hiện còn
đang sống
của nước Nga, một bà lớn, nữ thần thi ca diệu kỳ, như ông sau này đã
gọi bà.
Ông đọc vài bài thơ, bà tỏ vẻ thích, và sau đó nhận đỡ đầu cả nhóm, đặc
biệt
ngưỡng mộ, và lo lắng cho Brodsky, và năm 1962, đã tiên đoán số phận bi
thảm của
ông:
I
don't weep for myself now
But let me not be on earth to
witness
The golden stamp of failure
On this yet untroubled brow.
(Bây
giờ tôi không khóc cho chính tôi
Nhưng cầu sao, tôi đừng có mặt
trên trái đất để
chứng kiến
Ấn thích vàng của sự thất bại
Trên hàng mi chưa nhuốm sầu
này).
1963 chấm dứt thời kỳ Băng Tan,
với Khruschev.
Thời kỳ tân-Stalinist kéo dài 20 năm sau đó. Ngay cả bây giờ, một vài
sử gia vẫn
còn tự hỏi tại sao chính quyền Cộng-sản bắt đầu cuộc thanh trừng bằng
cách bắt
giữ một nhà thơ 23 tuổi chưa được nhiều người biết tới. Nhưng đó chỉ là
một bí
mật đối với người nào còn nghi ngờ bản năng của thú dữ khi nhận ra đâu
là nguy
cơ lớn lao nhất đối với chế độ. Và bắt lầm còn hơn bỏ sót. Tiếp theo
sắc lệnh của
Tối-cao Xô-viết, tăng cường cuộc chiến đấu chống lại những thành phần
vô dụng đối
với xã hội, KGB Leningrad đã bắt giam Brodsky về những tội: Có quan
điểm thế giới
có hại cho nhà nước, thoái hóa, "hiện đại", bỏ học và dĩ nhiên, ăn
bám... ngoài chuyện làm thơ xấu xa, làm hư hỏng tuổi trẻ. Một số nhà
văn nhà
thơ đứng sau ông, nhưng đồng minh quan trọng nhất của ông là nữ ký giả
Frida
Vigdorova, đã can đảm tham dự phiên tòa, ghi lại hết những diễn biến
rồi quảng
bá những tài liệu đó. "Bản tin" của nữ ký giả này được coi là một tác
phẩm văn học mang tính chống độc tài, chống chế độ tập trung quyền lực,
hơn cả
những tác phẩm của Havel:
Tòa án: Công
việc của anh?
Brodsky: Tôi
làm thơ, tôi dịch thuật. Tôi tin rằng...
Tòa án:
Không có "Tôi tin rằng". Đứng thẳng lên. Không được dựa vào tường. Trả
lời Tòa án như đã được chỉ định. Nào, bây giờ anh làm việc toàn thời
gian phải
không?
Brodsky: Tôi
nghĩ tôi có một việc làm toàn thời gian, vâng.
Tòa án: Trả
lời rõ rệt.
Brodsky: Tôi
làm thơ. Tôi nghĩ chúng sẽ được xuất bản. Tôi tin tưởng rằng...
Tòa án: Tòa
không cần biết tới chuyện "Tôi tin rằng". Hãy trả lời, tại sao anh
không làm việc?
Brodsky: Tôi
làm việc, tôi làm thơ.
Tòa án: Tòa
không quan tâm tới chuyện đó. Tòa quan tâm tới xí nghiệp mà anh làm
việc.
Brodsky: Tôi
có hợp đồng với nhà xuất bản.
Tòa án: Hợp
đồng có cho anh đủ tiền để nuôi sống bản thân không? Hãy kể chúng ra,
cho biết
rõ ngày tháng, số tiền.
Brodsky: Tôi
không nhớ rõ. Luật sư của tôi giữ những hợp đồng đó.
Tòa án: Tòa
hỏi anh.
Brodsky: Ở
Moscow, hai cuốn sách dịch thuật của tôi đã được in.
Tòa án: Kinh
nghiệm làm việc của anh?
Brodsky: Nhiều
hay ít...
Tòa án: Tòa
không quan tâm đến chuyện nhiều hay ít.
Brodsky: 5
năm.
Tòa án: Anh
làm việc ở đâu?
Brodsky:
Trong xưởng thợ. Với đoàn thám hiểm...
Tòa án: Đại
khái, chuyên môn của anh là gì?
Brodsky: Thi
sĩ, dịch giả.
Tòa án: Ai
chỉ định anh là thi sĩ? Ai cho anh vào hàng ngũ những thi sĩ?
Brodsky: Chẳng
ai cả. Ai cho tôi vào hàng ngũ nhân loại?
Tòa án: Anh
có học về cái đó không?
Brodsky: Học
về cái gì?
Tòa án: Để
trở nên thi sĩ. Anh không hề cố gắng học xong trung học, nơi mà người
ta sửa soạn
cho anh, người ta dậy anh...
Brodsky: Tôi
không tin chuyện này liên quan đến học vấn.
Tòa án: Như
vậy là thế nào?
Brodsky: Tôi
nghĩ... vậy thì, tôi nghĩ, điều đó đến từ ông Trời.
Một người
làm chứng nói con trai của anh ta đã rơi vào ảnh hưởng xấu xa của
Brodsky, và
đã bỏ việc làm, quyết định nó cũng là thiên tài. Cũng người này đã nói,
thơ của
Brodsky, những suy tư về thời gian, sự chết, tình yêu, có vẻ chống
Xô-viết.
"Bài nào?", Brodsky ngắt lời. "Hãy kể tên một bài". Người
đó chịu thua.
Vigdorova viết
thư cho Chukovskaya về phiên tòa: Có thể một ngày nào đó, anh ta là một
nhà thơ
lớn. Nhưng làm sao tôi quên nổi vẻ mặt của anh ta, lúc đó - không trông
mong một
sự trợ giúp, ngạc nhiên, khôi hài, và thách đố, tất cả cùng một lúc".
Sau cùng ông
bị kết án năm năm, lưu đầy nội xứ. Ông làm việc tại một trang trại ở
Norinskaya, vùng đất sũng nước gần Bạch Hải. Chỉ có Akhmatova, người đã
từng trải
qua những nỗi thống khổ nhiều hơn thế nữa, đã từng mất bao nhiêu thân
quyến,
bao nhiêu bạn bè trong cái lò xay thịt người là những năm tháng dưới sự
thống
trị của Lênin và Stalin, chỉ có bà mới có thể nở một nụ cười kèm theo
lời nhận
xét cay đắng: "Hãy tưởng tượng bản tự thuật mà họ đang sáng tạo cho
thằng
em tóc hung của chúng ta? Chính anh ta đã mướn tụi nó làm đấy!"
Khi được hỏi
ông nghĩ gì về những năm tháng tù đầy, Brodsky nói cuối cùng ông đã vui
với nó.
Ông vui với việc đi giầy ủng và làm việc trong một nông trại tập thể,
vui với
chuyện đào xới. Biết rằng mọi người suốt nước Nga hiện cũng đang đào
xới
"cứt đái", ông cảm thấy cái gọi là tình tự dân tộc, tình máu mủ. Ông
không nói giỡn. Buổi chiều ông có thời giờ ngồi làm những bài thơ "xấu
xa", và tự cho mình bị quyến rũ bởi "chủ nghĩa hình thức trưởng giả"
từ những thần tượng của ông. Hai đoạn thơ sau đây của Auden đã làm ông
"ngộ"
ra:
Time that is
intolerant
Of the brave
and innocent,
And
indifferent in a week
To a
beautiful physique,
Worships
language and forgives
Everyone by
whom it lives;
Pardons
cowardice, conceit,
Lays its
honor at their feet.
Thời gian vốn
không khoan dung
Đối với những
con người can đảm và thơ ngây,
Và dửng dưng
trong vòng một tuần lễ
Trước cõi trần
xinh đẹp,
Thờ phụng
ngôn ngữ và tha thứ
Cho những ai
kia, nhờ họ, mà nó sống;
Tha thứ sự
hèn nhát và trí trá,
Để vinh
quang của nó dưới chân chúng.
Auden
Ông bị xúc động
không hẳn bởi cách mà Auden truyền đi sự khôn ngoan - làm bật nó ra như
trong
dân ca - nhưng bởi ngay chính sự khôn ngoan, ý nghĩa này: Ngôn ngữ là
trên hết,
xa xưa lưu tồn dai dẳng hơn tất cả mọi điều khác, ngay cả thời gian
cũng phải
cúi mình trước nó. Brodsky coi đây là đề tài cơ bản, trấn ngự của thi
ca của
ông, và là nguyên lý trung tâm của thơ xuôi và sự giảng dạy của ông.
Trong cõi
lưu đầy như thế đó, ông không thể tưởng tượng hai mươi năm sau, khăn
đóng, áo
choàng, ông bước lên bục cao nơi Hàn lâm viện Thụy-điển nhận giải Nobel
văn
chương, nói về tính độc đáo của văn chương không như một trò giải trí,
một dụng
cụ, mà là sự trang trọng, bề thế xoáy vào tinh thần đạo đức của nhân
loại. Nếu
tác phẩm của ông là một thông điệp đơn giản, đó là điều ông học từ đoạn
thơ của
Auden: "Sự chán chường, mỉa mai, dửng dưng mà văn chương bày tỏ trước
nhà
nước, tự bản chất phải hiểu như là phản ứng của cái thường hằng - cái
vô cùng -
chống lại cái nhất thời, sự hữu hạn. Một cách ngắn gọn, một khi mà nhà
nước còn
tự cho phép can dự vào những công việc của văn chương, khi đó văn
chương có quyền
can thiệp vào những vấn đề của nhà nước. Một hệ thống chính trị, như
bất cứ hệ
thống nào nói chung, do định nghĩa, đều là một hình thức của thời quá
khứ muốn
áp đặt chính nó lên hiện tại, và nhiều khi luôn cả tương lai..."
Trước
khi rời nước Nga, Brodsky viết cho Bí
thư Đảng Cộng-sản Liên-xô, Leonid Brezhnev: "Tôi thật cay đắng mà phải
rời
bỏ nước Nga. Tôi sinh ra tại đây, trưởng thành tại đây, và tất cả những
gì tôi
có trong hồn tôi, tôi đều nợ từ nó. Một khi không còn là một công dân
Xô-viết,
tôi vẫn luôn luôn là một thi sĩ Nga. Tôi tin rằng tôi sẽ trở về, thi sĩ
luôn
luôn trở về, bằng xương thịt hoặc bằng máu huyết trên trang giấy...
Chúng ta
cùng bị kết án bởi một điều: cái chết. Tôi, người đang viết những dòng
này sẽ
chết. Còn ông, người đọc chúng, cũng sẽ chết. Tác phẩm, việc làm của
chúng ta sẽ
còn lại, tuy không mãi mãi. Đó là lý do tại sao đừng ai can thiệp kẻ
khác khi kẻ
đó đang làm công việc của anh ta."
Chẳng
có gì chứng tỏ Brezhnev đọc thư. Cũng
không có hồi âm.
Có
nhiều nhà thơ có tài, có thể ở vào chỗ anh
ta khi đó, Efim Etkind viết. Nhưng số phận đã chọn đúng anh ta, và ngay
lập tức
anh hiểu trách nhiệm về địa vị của anh - không còn là một con người
riêng tư,
nhưng trở thành một biểu tượng, như Akhmatova đã trở thành một biểu
tượng quốc
gia của người thi sĩ Nga, khi bà bị số phận lọc ra giữa hàng trăm nhà
thơ, năm
1946. Thật quá nặng cho Brodsky. Ông có một bộ não tệ, một trái tim tệ.
Nhưng
ông đã đóng vai ông tại tòa án một cách tuyệt vời.
Brodsky
không được may mắn với sức khỏe của
ông. Tim ông bị mổ hai lần. Ông hút thuốc còn nhiều hơn Bogart, uống cà
phê hơn
cả Balzac. Khi tôi (David Remnick) tới gặp ông thực hiện cuộc phỏng vấn
cho tờ
Washington Post, một nhiếp ảnh viên tới. "Ông có thuốc lá không?",
Brodsky hỏi thay cho câu chào. "Tôi đang chết vì thèm thuốc."
Ông
từ chối vai trò kẻ tuẫn nạn nổi tiếng và
chỉ làm công việc của ông: làm thơ, nhưng khi bị đòi hỏi, ông tiến lên,
ở tòa
án, ở lưu đầy xứ người, ông làm việc này một cách tuyệt hảo. Y. Rein,
là bạn của
Brodsky và cũng là một nhà thơ lớn, đã từng tuyên bố tại Moscow: Nước
Mỹ hãy nhớ
lấy lời này. Brodsky là một tiếng nói Nga lớn lao nhất của thời đại anh
ta. Anh
ta đến từ một thời đại tiếp theo những trại tù, những cấm ngăn, một
thời đại tự
nuôi nó bằng văn chương trong khi chẳng còn chi, nếu có chăng, chỉ là
trống rỗng.
Và anh luôn luôn là số một của chúng tôi.
Nadezhda
Mandelstam, trong hồi ký "Hy vọng
Rã Rời" (Hope Abandoned) viết, Brodsky là một người trẻ tuổi đáng kể,
người
sẽ đi đến một chung cuộc hẩm hiu, tôi sợ vậy. Bà đã nhầm. J. Brodsky đã
đi đến
tận cùng, đúng, nhưng ông đã chết khi tác phẩm được hoàn tất, được in
ra bằng
những ngôn ngữ quan tâm tới ông, tại một nơi là nhà, hay đại khái đủ
như là
nhà. Đó là ngôn ngữ, chứ không phải tự thuật. Với tiếng nói Nga, ông
luôn luôn
là kẻ trung thành. Với nước Nga ông luôn luôn nghi ngờ, cho tới cùng.
Đối với
ông, chỉ là thi ca, không phải anh hùng ca.
Năm
1991, ông được tặng danh hiệu Poet
Laureate (Thi sĩ Quế Quan, Nhà Thơ Với Vòng Nguyệt Quế); và trong bài
diễn văn
đọc trước Quốc Hội (Hoa-kỳ), ông đã đưa ra đề nghị nhà nước nên tài trợ
việc
phát hành tuyển tập thi ca Hoa-kỳ, để được bán tận cửa từng gia đình,
hoặc bầy
trong những tiệm thuốc, quán ăn, hay ở phòng ngủ khách sạn ven đường
(motel
rooms), bên cạnh cuốn Thánh Kinh, Gideon Bible. "... Năm triệu ấn bản
tuyển
tập thi ca Hoa-kỳ có thể bán ra, với giá 2 đô-la/một, tại một xứ sở có
hai trăm
năm chục triệu người dân. Có thể không bán hết liền một lúc, nhưng dần
dần, từ
từ, trong một thập kỷ, đại khái vậy. Những cuốn sách đi tìm độc giả.
Nếu không
bán hết, cũng tốt thôi, hãy để chúng nằm đó, nếm bụi bặm, bị gặm nhấm,
và mục
nát ra. Luôn luôn sẽ có một đứa bé lôi ra được một cuốn sách (câu ra
được, fish
a book out) từ thùng rác ở nhà xe. Tôi đã từng là một thằng bé như
thế..."
Chẳng
bao giờ có bất cứ lý do gì để trở lại
St. Petersburg:
Having sampled two oceans as
well as
continents,
I
feel that I know what the globe itself must
feel: there's no where to go.
Elsewhere
is nothing more than a far-flung
strew
of
stars, burning away.
(Tạm
dịch:
Đã
nếm trải hai đại dương cũng như hai lục địa
Tôi cảm thấy rằng, tôi biết
được, chính trái đất
này phải cảm nhận như thế nào:
Không có nơi nào để mà thoát cả.
Bất kỳ đâu đâu, có khác gì một
chùm sao xa xăm
tắt lịm dần.
Hoặc:
Đất,
biển nào
cũng
thế thôi
Cũng
đành như trái đất cũng đành:
Chẳng
có nơi nào, để mà đi tới
Cứ
như chòm sao,
thất
tán,
tắt
lịm dần).
Một
vài tuần lễ, trước khi Brodsky được giải
Nobel văn chương vào năm 1987, ký giả David Remnick gặp gỡ nhà thơ, tại
căn
phòng dưới hầm, nơi con phố Morton Street, khu Greenwich Village, New
York. Thời
kỳ đổi mới vừa bắt đầu. Thơ của ông được in ấn ở Nga, lần đầu tiên sau
hơn hai
thập kỷ. Ông chẳng giấu diếm, dù chỉ một tí, niềm vui. Đối với một chế
độ (như
thế), việc xuất bản tác phẩm của ông, và những tác phẩm bị "biếm"
khác, là trả lại cho "khổ chủ" tài sản đã bị ăn trộm, ăn cắp.
Đâu
cần phải biết ơn kẻ trộm!
NQT