Những
ngày Trịnh Công Sơn
Tôi biết Trịnh Công Sơn khi anh chưa nổi tiếng, và qua Nguyễn Đình
Toàn, tại một bàn cà phê ở quán Cái Chùa, đường Tự Do, Sài Gòn. Nói
chưa
nổi tiếng, là đối với đa số công chúng thưởng ngoạn. Cùng với đà cuộc
chiến leo thang, người dân miền nam ngày càng thấm nhạc của anh.
Anh ngồi chung bàn với Toàn và tôi, nhưng cứ chốc chốc lại có một anh
bạn trẻ nào đó, từ một bàn nào đó, tạt qua bàn, chỉ để nói chuyện hoặc
hỏi thăm anh, và thường là về Huế, và cứ mỗi lần như vậy, anh đổi giọng
nói. Khi nói với hai đứa chúng tôi, anh dùng giọng bắc.
Toàn lúc đó phụ trách chương trình nhạc chủ đề trên đài phát thanh
Sài Gòn, và hai người hình như có hẹn gặp nhau tại quán, ấy là tôi suy
đoán ra như vậy. Thời gian này, tôi chưa để ý đến nhạc Trịnh Công Sơn.
Nói rõ hơn, nó chưa thấm vào tôi.
Phải tới khi đứa em trai mất, tới lượt tôi vào Trung Tâm Ba Quang
Trung, trong những đêm cận Tết, nằm trên chiếc giường sắt lạnh lẽo, một
anh chàng nào đó, chắc là quá nhớ bồ, cứ thế huýt sáo bài Tình Nhớ gần
như suốt
đêm, thế là tiếng nhạc bám riết lấy tôi, rứt không ra… Lúc này, tiếng
nhạc của anh, đối với riêng tôi, qua lần gặp gỡ trên, như trút hết
những
âm tiết địa phương, và trở thành tiếng nói chung của cả miền nam, tức
là
của cả thế giới, vào thời điểm đó, khi cùng nói: hãy yêu nhau thay vì
giết
nhau. Bởi vì chưa bao giờ, và chẳng bao giờ miền nam chấp nhận cuộc
chiến
đó. Chính vì vậy, họ lãnh đạm với chính quyền, ưu ái với miền bắc, vì
họ
đều tin một điều, miền bắc sẽ kết thúc cuộc chiến, và người Mỹ sẽ ra
đi.
Như cả nhân loại tiến bộ, họ chỉ có thể tiên đoán đến đó. Nhạc Trịnh
Công
Sơn nói lên tiếng nói đó. Tính phản chiến của nhạc của anh, chính là
tính
phản chiến của cả một miền đất.
Và cũng như cả nhân loại tiến bộ, chỉ tới sau vòng tay lớn rã ra, Trịnh
Công Sơn mới hiểu. Một bạn văn của người viết, còn ở lại Sài Gòn, nhân
lần gặp gỡ tại xứ người, đã kể chuyện, sau "giải phóng", có thời gian
Trịnh Công Sơn bị Cộng Sản địa phương làm khó dễ, anh phải vô Sài Gòn,
và có than thở với anh bạn văn kể trên. Anh nói, thì cứ dzô đây, gì thì
gì, chắc cũng dễ thở hơn.
Sài Gòn cưu mang Trịnh Công Sơn không phải chỉ lần đó. Theo như tôi
được biết, những ngày cuộc chiến dữ dội, trong khi chúng tôi cứ thế
theo nhau lên Trung Tâm Ba, Trịnh Công Sơn may mắn đã được đại tá không
quân Lưu
Kim Cương che chở. Trong số những quân cảnh tại thành phố, có người chỉ
mong cơ hội "chộp" được Trịnh Công Sơn!
Đại tá Lưu Kim Cương tử trận trong biến cố Mậu Thân, khi bảo vệ vòng
đai phi trường Tân Sơn Nhất.
Riêng tôi, tôi mong được như anh: được chết tại Sài Gòn.
Xin vĩnh biệt.
Một giấc mơ không được mơ bởi bất cứ
một ai.
"Trong những đêm chập chờn mất ngủ hồn thiêng thành phố thức giấc ở
trong tôi…", bao nhiêu năm, tôi cứ tự hỏi đi hỏi lại chính mình, liệu
những ngày tháng đó có thực không, nếu thiếu tiếng huýt sáo bài "Tình
Nhớ" của một anh chàng nhớ quá quắt người yêu, một đêm xa thành phố,
trên một chiếc giuờng sắt lạnh lẽo, tại một trung tâm tuyển mộ nhập ngũ?
Và một Trịnh Công Sơn chưa từng trải qua một ngày "quân vụ", có cảm
nhận ra nỗi đau này không? Và sau này, khi có dịp đi nước ngoài, Trịnh
Công
Sơn đã ở lại, một phần là do ông đã cảm thấy trong cuộc đời của mình,
thiếu… "một ngày quân vụ"?
Trước 1975, miền nam có chế độ đãi ngộ những người có học. Những học
sinh giỏi, đậu bằng cấp cao được cho đi du học. Không hiểu khi Trịnh
Công Sơn đậu tú tài Pháp, gia đình tính cho đi du học, là nhằm tránh
cho Sơn
khỏi tham gia vào cuộc chiến mà chắc chắn chẳng gia đình nào muốn cho
con
em mình tham gia? Và đây có lẽ là 'bước ngoặt vĩ đại' trong cuộc đời
của
ông:
được ở lại, cho dù như một người ngoại cuộc, bên cạnh một cuộc chiến?
Theo như tin tức báo chí, vào năm 2000, ông đã tuyên bố: Việt Nam chỉ
là sân banh cho các siêu cường chơi nhau, bằng những xác chết hai lần,
chẳng làm gì có cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước, thống
nhất hai
miền.
Giả dụ, nếu ông được sống thêm một lần đời, sống lại cuộc chiến, ông
sẽ… tham dự?
Giả dụ, ông được đi du học, và chắc chắn, sẽ nhập vào đám du học sinh
ưu tú của miền nam, lên tiếng chống đối chiến tranh Việt Nam… và như
vậy, liệu ông có nhận ra sự thực, Việt Nam chỉ là sân banh…?
Bởi vì, cho tới nay, chưa hề có một người miền nam, được đi du học
trong những ngày Trịnh Công Sơn đó, lên tiếng nói rằng, tôi đã lầm, như
Trịnh Công Sơn, hay Jane Fonda… Tại sao sự lì lợm đó?
Bởi vì, những người thù ghét cay đắng chế độ miền nam, tức cười thay,
lại trong số những người được chế độ đó đãi ngộ!
"Tôi đã phạm cái tội tồi tệ nhất mà một người đàn ông có thể phạm,
trong mọi thứ tội: Tôi đã không hạnh phúc"
(I have committed the worst sin of all/That a man can commit. I have
not been/happy…." Borges, "Remorse")
Cái tội tồi tệ nhất, hình như Trịnh Công Sơn đã phạm. Hãy nghe nhạc của
ông: không hề có một cuộc tình nào đến nơi đến chốn, "từ lúc đưa em về
là biết xa ngàn trùng… trời bên nhà chồng có xanh không em? Ngày bên ấy
có vui không em (thi/nhạc sĩ không hỏi, đêm có vui hay không, vì như
vậy….
thảm quá!).
Nhạc Trịnh Công Sơn và câu nói của Auden: Làm sao thi sĩ ngăn cấm thiên
hạ lợi dụng thơ của mình làm trò phù thuỷ. Tính ma quái trong nhạc
Trịnh Công Sơn đã được con quỉ chiến tranh lợi dụng?
He did not want to compose another Quixote – which is easy – but the
Quixote itself. Borges: Pierre Menard: Tác giả "The Quixote").
Trong nhạc Trịnh Công Sơn, có một điều gì thê thảm, và là đặc trưng của
"cuộc chiến chính nó" - the war itself - người chết hai lần, người phu
quét đường dừng chổi đứng nghe... Những ngày Trịnh Công Sơn, với riêng
tôi,
là những ngày ở Sài Gòn, thời kỳ Mậu Thân.
There was no one in him: behind his face (which even through the bad
paintings of those times resembles no other) and his words, which were
copious, fantastic and stormy, there was a bit of coldness, a dream
dreamt
by no one. (Borges, Everything and nothing).
A dream dreamt by no one: Giấc mơ chẳng ai mớ: Hiện thực Miền Nam những
ngày sau 1975?
La seule personne qui ai encore une vie privée en Allemagne est celle
qui dort. (Người độc nhất còn có một đời sống riêng tại Đức là một
người đang ngủ.) Steiner trích dẫn câu nói của Robert Ley, một ít lâu
sau khi Nazi lên nắm quyền, trong L’historicité des rêves (Passions
inpunies, p.242). Và Steiner giải thích thêm: Tới một điểm nào đó,
những
bến cảng an toàn, ngầm chống lại cõi ghê tởm là chủ nghĩa toàn trị, là
ở trong những giấc mơ, [trong khi ngủ, lẽ dĩ nhiên].
Cá nhân độc nhất còn thức sau 1975 tại Việt Nam: Trịnh Công Sơn? Và để
chống lại cơn mất ngủ, ông dùng rượu? Và ông tìm thấy những bến cảng an
toàn ở trong đó?
Nỗi chết không rời.
"Trong những đêm chập chờn mất ngủ hồn thiêng thành phố thức giấc ở
trong tôi…", bao nhiêu năm, tôi cứ hỏi đi hỏi lại chính mình, liệu
những ngày tháng đó có thực không nếu thiếu tiếng huýt sáo bài "Tình
Nhớ", của một anh chàng nhớ quay quắt người yêu, một đêm xa thành phố,
trên một chiếc giuờng sắt lạnh lẽo, tại một trung tâm tuyển mộ nhập
ngũ…?
Hay đó chính là nỗi cô đơn của tôi, phát ra thành âm điệu?
Kẻ nào tìm cách mầy mò quá khứ "như bờ xa nước cạn, đã chìm vào cơn
mưa", của chính mình, phải xử sự như một tay đào huyệt. Kỷ niệm, giọng
điệu
của chúng, đích thực, là nhờ vậy. Đừng sợ cứ đào bới mãi một chỗ…
(Mô phỏng Walter Benjamin: Qui cherche à s’approcher de son propre
passé enseveli doit se comporter comme un homme qui creuse. Cela
détermine
le ton, l’allure des souvernirs authentiques. Ils ne doivent pas
craindre
de revenir tourjours à un seul et même état de fait; le pelleter comme
de la terre, le retourner comme le Royaume terrestre. Écrits
autobiographiques)
Mãi một chỗ, Sài Gòn. Mãi những ngày, Mậu Thân. Trung Tâm Ba Quang
Trung. Cái giuờng sắt lạnh lẽo những ngày cận Tết. Mãi một Vương Quốc
Trên Trái Đất: Miền Nam. Mãi một không khí: "đại bác đêm đêm dội về
thành
phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe". Nhạc Trịnh Công Sơn
được
những người thành phố, những thành phần ít ra có những ngày từng cắp
sách
tới trường, đón nhận, là vì vậy. Khác họ Trịnh, những thính giả nghe
nhạc
anh, trước, trong, và sau những ngày ở quân trường, những ngày thoát
chết
sau một trận đánh, trở lại với thành phố, với quá khứ những ngày còn đi
học, những ngày người tình chưa bỏ đi, hoặc đã bỏ đi rồi, chưa có hoặc
sẽ có, hoặc chẳng bao giờ có, hoặc phải chờ cho xong cuộc chiến: đừng
yêu
sớm quá nếu muốn chết trẻ… Cái không khí phản chiến của nhạc Trịnh Công
Sơn
mang tính gián tiếp.
Muốn tìm tính trực tiếp của nó, phải lần tới những
bản
nhạc vàng, nhạc sến.
Điều này giải thích, sau 1975, ở trong trại cải tạo, nhạc được hát
âm thầm giữa những người tù, là những "khi tôi về, mẹ già run run đón…"
Và một Trịnh Công Sơn chưa từng trải qua một ngày "quân vụ", có đau nỗi
đau nỗi nhớ, như vậy không?
Sau này, khi có dịp đi nước ngoài, Trịnh Công Sơn ở lại, liệu do ông đã
cảm nhận, cuộc đời của ông thiếu… một ngày "quân vụ"?
(Độc giả/khán giả chắc còn nhớ, cảnh trong phim/truyện "Cuốn Theo Chiều
Gió": Clark Gable/Rhett Butler bỏ mặc Vivien Leigh/Scarlett O’Hara ở
giữa đường, trong "cơn tháo chạy tán loạn", để chạy theo cuộc chiến,
khi biết nó sắp tàn, và miền nam sắp thất thủ?… Đây là cuộc nội chiến
Mỹ, the American Civil War, 1861-1865. Nhân vật Kiệt, trong cuốn tiểu
thuyết "Một Chủ Nhật Khác" của Thanh Tâm Tuyền, sinh viên du học, trở
về nước, không phải vì tiếng gọi của quê hương, mà vì vợ con, đã "chọn"
cái chết lãng nhách, vì bị lính tuần tiễu lầm là cộng quân, trong một
đêm về sáng, tại một thành phố cao nguyên… đã từng tự hỏi chính mình:
phải chăng loài voi, khi biết mình
sắp chết, là lặng lẽ đi tìm một chốn "ngả lưng"?)
Người viết có một anh bạn, thời gian trước 30 tháng Tư 1975 được học
bổng tu nghiệp tại Pháp (Paris). Mặc dù những đồng nghiệp mới quen biết
tại nước người khuyên nhủ, hãy chờ đợi vài ngày coi tình hình như thế
nào, "chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận anh…", nhưng anh đã trở về, chỉ sợ
không
kịp "cùng chết" với gia đình.
Và sau đó, đi trình diện cải tạo.
"… Benjamin sử dụng… từ ‘nàng’, để chỉ cái chết".
["Benjamin emploie plus loin ce même mot de ‘Fraulein’ (demoiselle)
pour désigner la mort." Tiểu chú, bản dịch tiếng Pháp "Ký sự Berlin",
của Walter Benjamin, in trong "Tự thuật", ("Écrits autobiographiques,"
nhà xb
Christian Bourgois, ấn bản 1994].
"Những ngày Mậu Thân căng thẳng, Đại Học đóng cửa, cô bạn về quê, nỗi
nhớ bám riết vào da thịt thay cho cơn bàng hoàng khi cận kề cái chết,
theo từng cơn hấp hối của thành phố, cùng với tiếng hoả tiễn réo ngang
đầu…"
"Có vết thương của tôi, rồi, mới có tôi. Tôi sinh ra để nhập vào nó."
"My wound existed before me. I was born to embody it."
(Joe Bousquet, một thi sĩ bị bắn chết trong Cuộc Chiến Lớn I. Gilles
Deleuze trích dẫn, trong "Critique et Clinique")
Liệu chúng ta có thể đọc ra, điều này: những cuộc tình dang dở, "từ lúc
đưa em về, là biết xa nghìn trùng", những cánh vạc gầy, những "trời bên
ấy có xanh không em?"…. như nỗi chết không rời?
Và Trịnh Công Sơn đã chọn một "fraulein", thay cho một cuộc chiến?
Trong bất cứ một người Việt Nam nào, đều có giấc mộng vòng tay lớn. Nó
được biểu hiện qua những hình ảnh, thí dụ như cảnh người lính miền nam
cởi bỏ bộ đồ trận, trong ngày 30 tháng Tư; cảnh Dương văn Minh, khi nói
với những người tới bắt ông: Tôi chờ các ông để bàn giao…
Những người trẻ tuổi, gạt bỏ chất phản chiến, chỉ nhìn Trịnh Công Sơn
như một nhạc sĩ của tình yêu, và vượt qua nó, một thi sĩ. Ông sẽ sống
mãi như vậy: nhạc sĩ của những cuộc tình dang dở: đây là một điều may
khi giấc mộng lớn biến thành ác mộng, hay là một bất hạnh đối với ông?
Người ta không hiểu tôi.
(Trịnh Công Sơn)
Convaincre est infécond.
(Thuyết phục là cằn cỗi).
(Walter Benjamin. "Đường một chiều")
Hồn thiêng thành phố thức giấc ở
trong tôi
Gửi Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đình Toàn
Gửi theo Nguyễn Nhật Duật, Sĩ Phú, Joseph Huỳnh Văn
(NQT)
Trước 1975, tôi làm ở… bên trong Bưu Điện. Sau 1975, tôi làm ở… bên
ngoài, ở vỉa hè tòa nhà Bưu Điện, kế bên Nhà Thờ Đức Bà. Viết mướn.
Điện tín, thư từ tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Việt. Thân chủ đa số
là những người có bà con, thân nhân vượt biển, đang ở trại tị nạn, hoặc
đã định cư
nơi nước ngoài.
Thời gian này cả Sài Gòn, nói rộng ra, cả nước đang đói. Đám ngụy,
lại càng đói. Một lần, một thân chủ tốt bụng cho tôi địa chỉ một nữ tu
viện Thiên chúa giáo ở Thái Lan. Ôi, quí giá biết là chừng nào. Viết
thư
cầu cứu, mấy bà sơ gửi cho một thùng đồ, trị giá gần một cây vàng. Đám
viết
mướn vỉa hè Bưu Điện chúng tôi cứ thế trao đổi, chuyền cho nhau những
địa
chỉ tương tự. Tới tai nhà nước. Chúng tôi được đặc biệt để ý, một phần
là
vậy: làm nhục nhà nước. Ngoài ra còn nhiều tội khác nữa. Thành phần ăn
bám
xã hội. Trốn tránh đi vùng Kinh Tế Mới. Khuyến khích nhân dân bỏ nước
ra
đi.
Chả là, trong số những thân chủ, có những người trước đi lính hoặc
làm việc cho Pháp, nay làm đơn xin tiền cấp dưỡng, tiền truy lãnh những
năm chiến tranh bị gián đoạn, hoặc xin bảo lãnh qua Pháp.
Sau tới chương trình ODP.
Lần chót tụi tôi nhận được thư của mấy bà sơ, là những lời ân hận,
vì không thể tiếp tục gửi quà cứu trợ. Nhà nước Việt Nam đã gửi thư cho
mấy bà, yêu cầu đừng gửi đồ cho từng cá nhân. Hãy gửi tới cơ quan nhà
nước. Hãy gửi tới Hội Chữ Thập Đỏ.
Không thể gửi, nhưng chắc chắn mấy bà sơ vẫn không quên cầu nguyện
cho gia đình chúng tôi.
Chứng cớ là…
Nhờ viết muớn ở Bưu Điện, tôi gặp lại một anh bạn, trước 1975 làm nhiếp
ảnh viên cho một hãng thông tấn Mỹ. Tôi là người gửi những tấm hình
chiến trường của anh, và của những nhiếp ảnh viên khác trong hãng, bằng
phương pháp vô tuyến viễn ảnh.
Anh tới Bưu Điện, tính gửi hồ sơ ODP qua Bangkok. Thời gian đó, tụi tôi
móc nối được với một vài nhân viên Bưu Điện, chỉ để chuyển hồ sơ ODP.
Tốn thêm tiền cho thân chủ, lẽ dĩ nhiên, nhưng chắc chắn tới nơi. Những
ngày tháng lê la bên vỉa hè, những địa chỉ như văn phòng ODP ở Bangkok,
văn
phòng Hội Cựu Chiến Binh Pháp ở Paris… là những cần câu cơm của tụi
này.
Còn những địa danh như Galand, Songkhla (?), Panat Nikhom, hoặc quá xa
hơn, những Wesminster CA, Santa Ana… là những khung trời mơ ước của mấy
tên
viết mướn tụi tôi!
Khung trời mơ ước, ôi chao, xa vời quá! Chuyện trước mắt, mì ăn liền:
những thân nhân sau khi lãnh thùng đồ, ghé vội mấy ông viết mướn, đánh
giùm tôi cái điện tín: đã nhận đồ. Tôi nhớ một lần, có hai anh chị hớn
hở tới "order": viết giùm cái thư, nói kheo khéo giùm: ở bên này em nhớ
anh lắm, mau mau bảo lãnh em qua! Tôi cứ nhìn hiện tại, để nói về quá
khứ: những
ngày anh còn ở bên em; và cứ nhìn tương lai, khi anh và em tái ngộ nơi
quê
người, theo kiểu hiện tại, của đôi nhân tình.
Bởi vì "nhiệm sở" ngay bên Vương Cung Thánh Đường, những buổi sáng
sớm "chợ chưa họp", chúng tôi thường vô hẳn bên trong nhà thờ quỳ cầu
nguyện. Buổi trưa, thay vì quì, chúng tôi nằm "ngơi" ngay lối đi phía
trước, dưới vòm cung, phía sau tượng Đức Mẹ, hay chạy qua phía bên kia
đường, khu nhà ở của mấy ông cha, có bữa ngủ quên tới tận chiều, mấy
ông
cha lại phải cho người giúp việc ra đánh thức! Đêm Giáng Sinh, làm sao
Chúa bỏ quên lũ chúng tôi! Người cũng không quên mấy đứa nhỏ: tụi nó đã
sửa soạn lễ Giáng Sinh cùng với mẹ, ngay từ đầu tháng, bằng cách cặm
cụi
làm côngfetti, không phải để ném lên đầu nhau, mà là để bán cho người
dân
Sài Gòn, đông nghẹt quảng trường Kennedy, đêm Chúa ra đời. Nếu khát
nước,
bạn có thể vừa mua côngfetti, vừa uống ly nước trà của bà mẹ chúng,
trên
chiếc bàn dã chiến, di động chung quanh tượng Đức Mẹ, có khi tới tận
Nhà
Hát Lớn trên đường Tự Do.
Trong không khí hân hoan "cả nước đang sửa soạn làm lễ kỷ niệm Mười Năm
Đại Thắng Mùa Xuân 1985", tôi gặp lại anh bạn Ng.
Trong chiến tranh Việt Nam, thời gian làm cho cơ quan báo chí Nhật
(Asahi Shinbum), anh đã từng vào chiến khu chứng kiến cảnh Việt Cộng
thả
ba tù binh Mỹ, trong có một Mỹ đen, tại Bến Kéo, Trà Xim (Củ Chi). Đây
là lần thả tù binh đầu tiên. Chuyện xẩy ra trước ngày thành lập Mặt
Trận
Giải Phóng, vì vậy anh bị rút thẻ báo chí Mỹ, MACVI. Anh cũng là người
đầu tiên theo người Mỹ đổ quân tại Quảng Trị, từ chiến hạm Okinawa
thuộc
Đệ Thất Hạm Đội, vào năm 1967. Phóng viên đầu tiên về Châu Đốc, tham
gia
chiến dịch đổ quân Trà Keo, giải cứu thường dân ở Kampuchia. Đã từng
phỏng
vấn tướng Đỗ Cao Trí tại Sawy Riêng. Tất cả những sự kiện trên, là do
anh
kể cho tôi nghe. Quan trọng nhất, anh nhấn mạnh với tôi, là hai chữ
"đầu
tiên".
Tôi quen anh những ngày anh bỏ tờ báo Nhật, qua làm cho thông tấn xã
UPI. Gốc "chệt", người nhỏ thó, tóc xoắn tít. Có lần trong lúc hơi ngà
ngà, anh tỏ ra tự hào, về mấy ‘quí tướng’ của anh. Anh chỉ ân hận, là
đã
bỏ cuộc quá sớm. Sau Mậu Thân, bà vợ rét quá, bắt ông chồng ở nhà bế
con,
không cho vác máy hình nữa.
Anh nghĩ rằng, anh vẫn còn nợ chiến tranh một điều gì đó. (Món nợ này,
độc giả cho phép tôi nợ lại, vào một dịp khác sẽ nói rõ hơn.)
Nhờ vậy, mà có chuyến vượt biển tại bãi biển Vàm Láng, Gò Công vào
đúng đêm ông Táo cưỡi cá chép lên chầu Trời.
Trên một số báo Văn, tôi đã viết về chuyến đi này, và cái cảnh tượng bi
hài: trong đêm tối, ghe gặp bão ngay bên ngoài cửa biển Vũng Tầu; một
anh chàng thanh niên đã lầm tôi với người yêu của anh, và cứ thế vò đầu
vò tóc "người yêu", lảm nhảm những lời cuối cho cuộc tình, cho một
tương
lai tươi sáng ở nơi xứ người…
Sau khi ra tù, anh bạn tôi lại tìm cách đi nữa. Nhờ vậy, có chuyến
du lịch Bangkok.
Hai vợ chồng tôi tới Bangkok ngày 19 tháng Năm, năm 1990. Đúng ngày
sinh của ông Hồ. Sau này, tôi tăng thêm một ngày, trong lý lịch Cao Uỷ.
Đó là một bữa thứ bẩy. Sau khi đi lang thang trong thành phố tới rã
người, trước viễn ảnh một buổi tối thật đen tối, chợt nhớ tới cái địa
chỉ đã từng là cứu tinh những ngày đói rã họng ở quê nhà, tụi này bèn
kêu tắc xi, nói "Vạt, vạt" (Vạt, tiếng Thái, có nghĩa là chùa chiền, tu
viện). Anh
chàng tắc xi người Thái đưa, không phải tới cái địa chỉ mà chẳng ai còn
biết đó, mà là nhà thờ St. Francis, tại một khu sang trọng thuộc trung
tâm
thành phố. Tới sân nhà thờ, nhìn thấy một chiếc xe hơi với hàng chữ
tiếng
Anh, Cơ quan Cứu Trợ Cao Uỷ Tị Nạn, tôi la thầm trong bụng: Chúa cứu ta
rồi!
Vị cha già trụ trì nhà thờ là người Pháp. Ông không dấu vẻ ngạc nhiên,
khi nghe gã đàn ông ốm đói, mệt lả, nhưng "thao thao bất tuyệt" xổ ra
hàng tràng tiếng Tây, (sau này, nghĩ lại, tôi cũng không thể hiểu nổi
tại sao bữa đó, mình lưu loát đến như thế! Nhất là đây là lần đầu tiên,
kể từ tháng Tư 1975, tôi mới có dịp "thực tập" tiếng Tây!)
Sau đó, Cha cho trú ngụ tại một căn phòng ở bên trường học, kế ngay bên
nhà thờ, do nhà thờ quản lý, bỏ qua tất cả những lời khuyên nên báo
cảnh sát để cho nhà thờ khỏi bị liên lụy.
Chúng tôi ở đây hết ngày thứ bẩy và chủ nhật. Sáng thứ hai, Cha đưa tụi
này tới cơ quan ODP, nằm bên trong tòa nhà khổng lồ City Bank. Ông
trình giấy tờ, yêu cầu được coi hồ sơ ODP của tụi này. Chỉ tới khi đó,
Cha mới
thực sự tin tưởng, và có thể, hài lòng, vì đã làm đúng ý Chúa!
Cha yêu cầu cho gặp một vị luật sư của ODP. Vị này khuyên, chỉ có mỗi
một cách: đưa mấy người này vào đồn cảnh sát. Sau khi hết hạn tù, ông
sẽ báo bên Cao Uỷ cho xe "rước’ về trại tị nạn.
Cha đưa tụi này tới một đồn cảnh sát Thái.
Trước khi từ biệt, Cha đã dịch cho tôi nghe những lời cảnh cáo của
viên cảnh sát: Tôi có thể bắt Cha, vì tội chứa chấp những người nhập
cảnh
bất hợp pháp.
Sau đó, Cha còn tới nhà tù thăm tụi này, cho tiền, đưa lại mớ "bản
thảo", là mấy cuốn tập ghi vắn tắt một số sự kiện về những ngày ở Đất
Phật, và chuyến vượt sông Mekong vào đất Thái của tôi.
Tôi gặp lại Le Carré ở nhà tù Bangkok.
Trong cuộc chiến Việt Nam, vì quá sợ nó, tôi tìm đủ mọi cách để chạy
trốn. Một trong những chỗ ẩn núp "tương đối" an toàn, là sách vở.
(Ngoài sách vở ra, còn một mê cung khác, an toàn hơn, bởi vì thê thảm
hơn, tôi
đã tưởng hết lối ra, may nhờ… nhưng thôi để dịp khác…)
Trong sách vở, có truyện trinh thám. Những cuốn tiểu thuyết đen, série
noire, với những tác giả như James Hadley Chase, Georges Simenon… và
John Le Carré, được coi là "ông vua" của tiểu thuyết gián điệp, với bối
cảnh là Cuộc Chiến Lạnh.
Tôi tình cờ khám phá ra ông, nhân bữa ghé tiệm sách Xuân Thu, ở đường
Tự Do Sài Gòn, thấy cuốn Gián Điệp Từ Miền Lạnh, bản tiếng Pháp
(L’Espion qui venait du froid). Mấy chữ "venait du froid" đập ngay vào
mắt. Như thể sợ, mà vẫn tò mò muốn biết, muốn thử! Y hệt nỗi sợ cuộc
chiến! Biết chắc chạy trời không khỏi nắng, nhưng vẫn tìm đủ mọi cách
để kéo dài thời gian "hoãn dịch". Một cái sợ tiềm ẩn, ma quái, đâu đó
từ góc sâu quá khứ… Trong một thoáng, giữa không khí ấm áp của Sài Gòn,
tôi như sống lại nỗi buốt giá của một miền đất, của một tuổi thơ, trong
khi cuộc chiến đang rình rập, ngay… bên ngoài lề đường!
Chả là, tôi người Bắc, bố mất sớm, mẹ còn trẻ, một nách bốn con, cứ
phải gửi hết đứa này đứa nọ ăn nhờ ở đậu nơi bà con bên nội bên ngoại…
những
chi tiết chẳng liên quan gì tới Gián Điệp Từ Miền Lạnh, nhưng chính là
cánh
cửa mở vào tiểu thuyết của Le Carré.
Trong ba tháng nằm tại nhà tù quốc tế Bangkok, giữa đủ thứ thành phần
(trộm cướp, buôn lậu ma túy, giấy thông hành hết hạn, kháng chiến quân
chống nhà cầm quyền Miến Điện, chống nhà nước Cộng Sản Việt Nam…); đủ
thứ sắc
dân (Anh, Pháp, Ấn Độ, Miến, Mã Lai, Campuchia…), tôi gặp lại Call For
The
Dead của Le Carré trong mớ đồ lỉnh kỉnh của một anh bạn Mã Lai nằm kế
bên.
Cuốn sách mỏng, chỉ trên trăm trang, ghi chú tùm lum, nào số điện
thoại, nào những con chữ lằng ngoằng…
Tôi đã đọc bản tiếng Pháp, L’appel du mort, nhưng không bắt được cái
mạch của nó.
Lần này, cuốn sách bắt được mạch của tôi.
Đúng hơn, lần này thành phố đã…
Như trên đã nói, tôi đọc Le Carré qua bản dịch tiếng Pháp. Lần đọc
đầu, tôi chỉ để ý đến cốt truyện, đến cuộc đấu trí giữa hai phe "chính
tà’ qua hai nhân vật ở trong đó.
Đây là câu chuyện một nhân viên ngoại giao tự tử, sau khi bị sở cho
người điều tra, vì nghi là "thân cộng". Để lại thư tố cáo. Người lãnh
đạn, là Smiley, nhân viên được sở cử đi điều tra. "Anh điều cha điều bố
thế nào để cho con người ta cảm thấy nhục nhã, mất danh dự đến nỗi phải
tự tử để minh oan?"
Trước mắt, ngay sáng sớm hôm sau, Smiley phải tới gặp bà vợ, để thay
mặt sở chia buồn. Đang nói chuyện, có điện thoại. Tưởng của Sếp, anh
nhắc nghe, nhưng của nữ điện thoại viên bưu điện, do người đã chết tối
hôm
qua đã dặn, "tám giờ sáng, nhớ đánh thức tôi nhé!"
Smiley tự hỏi: làm sao một người sửa soạn từ giã cõi đời, lại nhờ người
đánh thức?
Hoá ra là bà vợ mới là gián điệp nằm vùng. Bồ của bà, một điệp viên
Đông Đức. Trong thời gian chiến tranh, anh này là nhân viên của Smiley.
Một tay cộng sản thứ thiệt, theo nghĩa, rất tin tưởng chủ nghĩa cộng
sản sẽ đưa thiên hạ tới "thái bường"!
Smiley vẫn còn nhớ, cách anh này hẹn gặp nhân viên dưới quyền. Anh
thử làm theo, và thành công.
Anh cho hai người gặp nhau tại một rạp hát. Khi nhân viên dưới quyền
xin lệnh bắt, Smiley lắc đầu, không có chứng cớ, bắt cũng phải thả ra
thôi. Nhưng anh ra lệnh: cứ để yên, sẽ có biến động. Hãy để cô cậu
cuống
cuồng, thất kinh… quýnh quá thể nào cũng làm một điều gì đó. (Let them
bolt,
panic, anything… so long as they do ‘something’). Bởi vì theo anh,
Dieter,
nhân viên cũ của anh, khi gặp cô bồ, khám phá ra bị lừa, sẽ nghĩ rằng
phản
gián Anh đã biết tất cả.
Vấn đề là: anh ta sẽ hành động như thế nào?
The Last Act, màn chót của vở hát và cũng là màn chót của cuộc đấu
trí, Dieter xiết cổ cô bồ, làm như đang ngủ, và rời rạp hát cùng với
khán
thính giả.
Dieter và Smiley đụng độ tại một cây cầu, giữa sương mù dầy đặc, trên
sông Thames. Nhớ lại những năm tháng cùng chống Quốc Xã, Dieter tha
chết cho tên bạn đế quốc, và chịu chết thay vì đầu hàng.
Những đoạn đối đáp giữa bà vợ và Smiley, giữa Similey và Mendel, người
bạn làm nghề cảnh sát… là những trang đẹp nhất trong truyện:
(Mendel hỏi Smiley):
-Bà ta có phải là cộng sản không?
-Tôi không tin bà ta thích những nhãn hiệu. Tôi tin rằng, bà muốn xây
dựng một thế giới có thể sống mà không có tranh chấp… Hoà bình là một
từ dơ dáy, hiện nay, có phải không? Tôi nghĩ, bà muốn hoà bình.
(I don’t think she liked labels. I think she wanted to help build one
society which could live without conflict. Peace is a dirty word now,
isn’t it? I think she wanted peace.)
-Còn Dieter?
-Trời biết Dieter muốn gì. Thanh danh, tôi nghĩ vậy. Và một thế giới xã
hội chủ nghĩa. Smiley nhún vai. "Họ mơ tưởng hoà bình và tự do. Và bây
giờ, họ là những tên sát nhân, những tên gián điệp."
-Trời đất!
Smiley im lặng một lát:
-Tôi không hy vọng bạn hiểu. Bạn chỉ nhìn thấy tận cùng của anh ta. Tôi
đã nhìn thấy khởi đầu. Anh ta là một trong những người xây dựng thế
giới. Những người tưởng là xây dựng, nhưng thật ra là hủy diệt.
Lần đọc đầu, tôi chỉ để ý đến những màn giật gân, những câu đối đáp nẩy
lửa như trên.
Lần thứ nhì, một chi tiết, đúng ra là một "cụm từ", trong một câu văn,
đập thẳng vào mắt tôi.
Bạn không thể tưởng tượng, khi nằm tại nhà tù quốc tế Bangkok, tôi
đã nhớ Sài Gòn tới mức nào. Và cái cụm từ ở trên, nó "liên quan" tới…
Sài Gòn!
Câu văn ở chương hai. Chương này tả cảnh tượng Smiley đang đêm bị sếp
dựng dậy, bắt phải tới sở trình diện. Ngồi trên xe tắc xi, anh cứ nghĩ,
mình vẫn còn đang ngủ trên giường nệm ấm áp, đây chỉ là hồn ma của mình
đang
run rẩy giữa thành phố London:
"Trong tắc xi ông cảm thấy an toàn. An toàn và ấm áp. Cái ấm là món
hàng chui, tuồn từ chiếc giường, được tích trữ nhằm chống lại đêm tháng
Giêng ẩm ướt. An toàn, vì không thực: đây là hồn ma của mình đang lang
thang trên đường phố Luân Đôn…"
(He felt safe in the taxi. Safe and warm. The warmth was contraband,
smuggled from his bed and hoarded against the wet January night. Safe
because unreal: it was his ghost that ranged the London streets….)
Những từ safe, unreal…như từ cuộc chạy trốn quê hương trỗi dậy, gây
trạng thái chập chờn nửa thức nửa ngủ. An toàn ở trong một nhà tù, cách
xa nhà tù quê hương. Không thực, vì chung quanh là cả một khối hỗn độn
người ngợm lạ hoắc… cứ thế, một đoạn văn ở trong tôi lập đi lập lại,
theo cùng với những con chữ: Trong những đêm chập chờn mất ngủ… hồn ma…
his ghost, không, không, đây là hồn ma của chính mình đang lang thang ở
Sài Gòn… không, không, không phải hồn ma của mình, mà là… hồn thiêng,
hồn thiêng của thành phố đang trỗi dậy… thế là tôi ráp lại: "Trong
những đêm chập chờn mất ngủ, hồn thiêng của thành phố thức giấc ở trong
tôi, tôi lại tưởng hồn ma của chính mình đang lang thang trên những
đường phố cũ…". Tới đó tịt luôn.
Phải tới khi ra nhà tù, vào trại tị nạn, mãi mãi sau đó, tôi mới kết
thúc nổi câu văn:
"Trong những đêm chập chờn mất ngủ, hồn thiêng của thành phố thức giấc
ở trong tôi, tôi lại tưởng đây là hồn ma của chính mình đang lang thang
trên những nẻo đường xưa cũ, sống lại cái phần đời đã chết theo cùng
với Sài Gòn, bởi cái phần đời đó mới đáng kể."
Một thành phố mà tôi đã chết ở trong, nay sống lại, chỉ để kể về nó…
NQT