Octavio
Paz: Lộ Trình
Lộ Trình (Itinéraire)
là tự thuật trí thức và chính trị
của Octavio Paz, (sinh năm 1914, nguời Mexico, Nobel Văn chương). Bắt
đầu tại Mexico, ngay giữa cuộc Cách Mạng, chấm dứt cùng với cuộc chiến
tranh lạnh, ở "một ngày mai" của sự sụp đổ bức tường Bá Linh; trong hai
thời điểm đó là tất cả những hy vọng, những cơn địa chấn của thế kỷ 20:
Cách mạng Nga, cuộc chiến Tây Ban Nha, Lò Thiêu Người, những cuộc thanh
trừng của Stalin và thời kỳ băng giá, những cuộc nổi dậy của một số
quốc gia, và con đường khổ ải của dân chủ. "Hành Trình" có thể coi như
là một tóm tắt lịch sử thế kỷ của chúng ta, bởi một người chứng trực
tiếp.
Cuốn sách mỏng, bản tiếng Pháp 145 trang, nhà xuất bản Gallimard, 1996.
Người viết xin được giới thiệu tóm tắt một chương, liên quan đến hai
phát giác "khủng khiếp nhất" đối với tác giả, đó là về Lò Thiêu Người,
và Trại Tập Trung của Stalin.
Chương sách mang tên "Con đường của những kẻ cô đơn", bắt đầu bằng
những năm tháng tác giả sống tại Mỹ. Theo lời khuyên của Victor Serge,
ông là độc giả thường xuyên của tờ Partisan
Review, và theo dõi một
cách thích thú, bài viết hàng tháng của G. Orwell, Lá Thư London - một
thứ thơ xuôi nam tính (une prose virile), được hướng dẫn bởi một ngôn
ngữ chính xác, một tư tưởng rõ ràng - nhưng Orwell đã không giúp ông
thoát ra khỏi ám ảnh, về một câu hỏi thiết yếu: "Đâu là bản chất đích
thực của Liên Bang Xô Viết? Người ta không thể đánh giá nó, xã hội
không, mà tư bản cũng không. Vậy thì, con vật quái quỉ nào đây, chúng
ta phải đương đầu?" Và ông không tìm ra câu trả lời. Bây giờ, ông nhận
ra, câu trả lời không một chút quan trọng. "Thực vậy, tin tưởng rằng
những phán đoán đạo đức và chính trị của chúng ta tuỳ thuộc vào bản
chất lịch sử của một xã hội "như thế đó", thay vì tùy thuộc những hành
động của chính quyền và dân chúng, như vậy là tự biến mình thành tù
nhân trong một vòng tròn bao gồm những người theo Stalin, và luôn cả
những người theo Trotsky. Phải nhiều năm, tôi mới nhận ra rằng chúng ta
đã bị bịp." (Đọc tới đây, tôi nghe loáng thoáng câu của "tông tông":
Đừng nghe...)
"Chiến tranh đi vào giai đoạn chót. Sau đó sẽ là gì. Vô sản Âu Châu sẽ
đi vào hành động, hoàn tất lời tiên tri của Marx, như tôi đã mong mỏi?
Nhưng, ngược lại, ngày mai của Đệ Nhị Thế Chiến đã vắng bóng hẳn, một
cuộc cách mạng của giai cấp thợ thuyền ở các nước kỹ nghệ. Đám trí thức
hàng đầu thế giới đành bám vào một ý tưởng "trên mây", về một cuộc cách
mạng toàn cầu. Theo ông, có một vết nứt rạn, dò rỉ "bí mật", trong
lương tâm của trí thức hiện đại. Mất hết những tuyệt đối tôn giáo cũ,
thay vào đó là niềm u hoài về cái toàn thể. Điều này giải thích tại sao
nhiều người trong chúng tôi "cải đạo", chiến đấu dưới lá cờ của Đảng,
bảo vệ nó, với tất cả, và chống với tất cả. Nhưng đã xong đâu, làm sao
giải thích sự im lặng của họ trước dối trá, tội ác? Baudelaire xưng
tụng Satan và nói về lương tâm "kiêu ngạo" của cái ác. Một cái ác siêu
hình, trong trường hợp của ông, là ảo vọng của tự do. Đối với trí thức
cùng thời, chẳng có nổi loạn mà cũng chẳng có cao ngạo, chỉ là nuốt
"trái đắng."
1944, tuy nhiên vẫn còn được phép hy vọng. Ông tham dự, tại San
Francisco, sự thành lập Liên Hiệp Quốc. Bắt đầu cuộc chiến tranh lạnh.
Không có cách mạng mà có chia chác từng khu địa cầu. Một bữa báo chí
Bắc Mỹ loan báo "tin khủng khiếp": Phát giác về những trại tập trung,
lò thiêu người của Nazi. Tiếp theo đó là những hình ảnh ghê rợn. Sự
khủng khiếp vượt hẳn sức tưởng tượng. Thực tại không thể chối cãi, của
cái ác.
Cuối năm 1945 ông qua Paris, sống những năm tháng hậu chiến tại đây. Đế
Quốc Xô Viết đã thoát ra khỏi cuộc tranh chấp lớn lao nhất: Nhìn từ
phía bên ngoài, Stalin đã củng cố xong chế độ độc tài. Từ bên trong,
ông đã nuốt trọn một nửa Âu Châu. Liên Minh Âu Châu, và kế hoạch
Marshall đã cản bước tiến của quân đội Nga; ngược lại, tại Á châu, và
nhiều nơi trên thế giới, Hoa Kỳ và Đồng Minh đã gặp phải những cú đá
giò lái, nhất là ở Trung Hoa, ở Triều Tiên. Hơn nữa, người ta đã nhìn
ra một lỗ hổng trong chủ nghĩa dân chủ tại Bắc Mỹ. Một khiếm khuyết mà
Tocqueville đã chỉ ra từ một thế kỷ trước đó: Sự vụng về, lúng túng
trong chính sách đối ngoại. Ngược hẳn với nền cộng hoà La mã - theo
Polybe - là quốc gia đầu tiên phát triển một chính trị quốc tế đích
thực.
Trong số những con người "cô đơn" ông gặp tại Paris, là khuôn mặt còn
trẻ, của Albert Camus, nơi hội tụ, trong con người và trong thơ văn,
của hai uy tín (prestiges) trái ngược hẳn nhau: nổi loạn và sự chiết
trung của chủ nghĩa cổ điển Pháp. Vào năm 1946, ông gặp Kostas
Papaioannou. "Ông ta trẻ hơn tôi, nhưng món nợ tinh thần của tôi với
ông lớn hơn nhiều, so với sự cách biệt về tuổi tác. Tôi đã thử vẽ vời
chân dung, bằng một vài trang, và tôi cũng đã nhắc tới hình tượng của
ông, trong một bài thơ. Sự sống động, sôi nổi của ông ngang bằng với sự
hiểu biết. Chúng tôi nói chuyện với nhau hàng giờ, giữa đám đông Paris,
những câu chuyện chạy dài trên những đại lộ, hay những con hẻm thê
lương, tăm tối của lịch sử. Nhiều khi chúng tôi đi lạc, nhiều khi chúng
tôi nhập vào những hữu thể không hình hài, xác thân mà Người Xưa thường
gọi là "thiên tài của nơi chốn". Mặc dù lúc nào cũng vui như Tết, không
một chút bận tâm, tình trạng kinh tế của ông thật nguy nàn. Ông bỏ đảng
CS Hy Lạp, sống như một kẻ tị nạn chính trị không giấy tờ, nạn nhân của
cả tả lẫn hữu, những kẻ thù liên kết với nhau bởi lòng hận thù sự phê
bình, và sự độc lập. Kostas chịu đựng được tất cả, không một chút vướng
mắc: lòng yêu đời của ông vượt mọi rủi ro, bất hạnh. Chẳng bao lâu, tôi
hiểu được, ông cũng có cùng nỗi ray rứt như tôi, về một bí ẩn, đâu là
bản chất lịch sử đích thực của Liên Bang Xô Viết. Đề tài này, chẳng bao
giờ ông cạn láng. Những nhận xét của ông soi sáng tôi rất nhiều. Ông
chứng minh cho tôi, định nghĩa của Trotsky là một công thức trống rỗng:
Liên Bang Xô Viết là một Quốc Gia thợ thuyền mất chất (dégénéré). Thật
vậy, làm sao người ta có thể đánh giá một Quốc gia không được cầm quyền
bởi những người thợ, nơi mà họ bị tước đoạt mọi tự do cơ bản? Tất cả
những cuộc bàn cãi như vậy, chỉ là những ước đoán thuần tuý, nếu không
có một biến cố quyết định: "Vụ David Rousset và tờ Les Lettres
francaises."
Vào năm 1947, hay 48, ông khám phá cuốn sách của David Rousset, và nó
làm ông sững sờ: "Vũ trụ trại cải tạo". Sau đó, một cuốn khác cùng tác
giả càng làm ông thêm sửng sốt: "Những ngày của cái chết của chúng ta".
Ông là tù nhân của trại tập trung Nazi. "Những ngày..." là một chứng
tích ghê rợn. Và "Vũ trụ cải tạo" là nghiên cứu đầu tiên, sâu xa, về
thế giới hoàn toàn "khác", với thế giới trại tập trung mà Hitler mong
muốn: Những trại huỷ người tập thể, nhân lên gấp đôi, bởi những phòng
thí nghiệm nhằm xóa sạch "cái gọi là con người". Địa ngục theo Thiên
chúa giáo không được xếp hạng ở đây, nó thuộc về thế giới- sau, nơi
dành cho những kẻ trầm luân, đắm đuối. Ngược lại, trại tập trung là một
thực tại "trong cõi người ta", mang tính lịch sử và chẳng siêu nhiên gì
hết, "nhân dân" của nó không phải những kẻ trầm luân, mà là những người
vô tội. Đọc hai cuốn sách, ông có cảm giác "y chang" như khi đọc những
bài báo tại Bắc Mỹ, về những trại tập trung Nazi: Rơi vào một giếng
băng, không đáy.
Rousset làm bật ra cơ chế chính trị, tâm lý, những nguyên lý cơ bản
mang tính ý thức hệ đưa đến sự hiện hữu của những trại tập trung. Ông
còn mô tả cơ cấu xã hội của chúng. Sắc thái này làm "phiền" chúng ta
nhất: Trại tập trung là một xã hội, một tấm gương đảo ngược thế giới
của chúng ta.
Được trả tự do, trở lại Paris, Rousset gia nhập một nhóm, trong có
Sartre, lãnh đạo một tổ chức xã hội cách mạng. Ông cũng điều hành một
hội cựu tù nhân của những trại tử thần. Một buổi sáng, tôi (Paz), đọc
trên tờ Le Figaro, một lời kêu gọi, do ông ký tên, gửi tới tất cả những
đồng hành cũ, và tới dư luận thế giới, về sự hiện hữu một hệ thống rộng
lớn, những trại tập trung cải tạo tại Liên Bang Xô Viết. Ai là tù nhân?
Không chỉ những thành phần chính trị chống đối, những kẻ đi chệch đường
(cơ bản là những CS cựu trào), nhưng là những dân quê, thợ thuyền, trí
thức, những bà nội trợ, tín đồ, nói tóm lại, đủ thứ người trong xã hội.
Hàng triệu người.
Ngay lập tức báo chí CS giận dữ lên tiếng, kết án ông là tay sai đế
quốc Bắc Mỹ. Đám trí thức bị chia năm xẻ bẩy. Một số ngậm tăm. Cho dù
họ biết Rousset có lý, nhưng đừng nối giáo cho giặc, ở đây là tụi đế
quốc, còn tồi tệ hơn so với CS. Tờ Thời Mới (Les Temps Modernes) của
Sartre và Merleau-Ponty, đã buộc tội Rousset rơi vào bẫy chống Xô Viết,
và sử dụng báo chí phản động. Cả hai đều "hài lòng" khi liên tiếp xác
nhận, mà chẳng cần chứng minh, tính cách mạng của Quốc Gia Xô Viết. Đây
là một xứ sở "tiến về" chủ nghĩa xã hội. Đây là một cuộc cách mạng đang
gặp trắc trở (en panne), nhưng rõ ràng, hiển nhiên, một cuộc cách mạng.
Vụ "scandale" kéo dài nhiều tháng. Chửi dữ nhất, là tờ Tin Văn (Les
Lettres francaises) của Aragon. Cuối cùng ra tòa. Rousset đưa ra nhiều
chứng cớ. Những chứng nhân, nhiều người nổi tiếng, đã tham gia những
cuộc diễn hành. Những người CS cựu trào, nạn nhân của Stalin, cũng tiếp
tay với Rousset. Tờ báo bị kết án. Những luật sư của Rousser còn đưa
ra, như một bằng chứng buộc tội (pièce à conviction), là Bộ Luật Lao
Động Trừng Trị của Liên Bang Xô Viết, trong có điều khoản: Đưa đi tù,
bằng quyết định hành chính, không cần tòa án. Người ta tin rằng trái
với trại huỷ người của Nazi, những trại tập trung của Stalin còn có
chức năng kinh tế. Hannah Arendt, trong một cuốn sách viết về chủ nghĩa
tập trung quyền lực ["Những nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị"], đã
chứng minh, hiệu quả kinh tế, sản phẩm của trại kể như không có. Nhưng
điều này đã được Trung Hoa và Việt Nam "sửa sai" rồi. Đây cũng là một
áp dụng "thông minh, thiên tài" chủ nghĩa CS vào thực tế Việt Nam: Con
người, vốn quí nhất của xã hội.
Nguyễn Quốc Trụ