Kỷ niệm 100 năm, sinh
nhật Jorge
Luis
Borges (August 26, 1899- August 26, 1999)
"Borges
và Tôi "
Hiếm nhà văn được như Borges: ông đi vào truyền thuyết,
ngay từ khi còn
sống, không như một nhà văn nổi tiếng, mà là một huyền tượng. Trong
chuyện Tàu có trường hợp tương tự: Để trốn tránh cơn giận dữ của nhà
vua, và cái chết tiếp theo đó, Wang Fo rời cuộc đời, bước vào bức tranh
ông vẽ. Trường hợp Borges rắc rối hơn: Sau khi trở thành huyền tượng,
ông tiếp tục sống thêm nhiều năm, làm phiền cho chính ông trước tiên,
như thể có hai,
Borges, và "Borges", và ông đành phải chấp nhận sự nhập nhằng, đôi khi
cũng
cố gắng trần tình: Không phải tôi đâu, mọi chuyện là do gã kia, Borges.
Tôi, tôi đang đi trên đường phố Buenos Aires, nhẩn nha nhìn phố xá. Tôi
nhận được tin tức của Borges, qua bưu điện, nghe đâu ông ta được đề
nghị
một chân nào đó, hay là được đưa vào một cuốn tiểu sử... tôi thích
những
chiếc đồng hồ bằng cát, thích nhâm nhi ly cà-phê, thơ xuôi Stevenson,
ông
ta cũng chia sẻ những sở thích tương tự... Của đáng tội, nếu nghĩ rằng
giao
tình giữa tôi và ông ta tồi tệ, tôi sống và mặc kệ chuyện đời, miễn sao
Borges
tha hồ thêu dệt văn chương của 'ông ta', vậy là đủ cho tôi rồi (Borges
và Tôi).
Còn nữa: bởi vì số mệnh muốn ông không nhìn thấy gì, vào lúc 45 tuổi,
người ta bèn gọi ông là Homer, hoặc Milton, những huyền tượng về thi sĩ
mù.
Mặc kệ chuyện đời, nói vậy có khác chi, từ chối làm một điều gì đó,
trong đời, để cho gã "chính tôi" kia tha hồ lo chuyện văn chương? Vả
chăng,' thêu dệt' nghe chẳng thấy ngợi ca, mà còn ra vẻ ám muội, như
thể viết
văn là chơi trò ma mãnh, mưu mẹo, giăng bẫy, chẳng có chút cao sang
thanh
nhã; thôi đành cứ coi đây, những trang viết, cho dù giá trị thế nào đi
chăng nữa, là một trong những trò chơi. "Trong nhiều năm, tôi đã cố
gắng
thoát khỏi ông ta, và đã trải qua, từ những huyền thoại nhăng nhít bên
ngoài,
cho đến những trò đùa cợt với thời gian và với vô cùng, nhưng những thứ
đó
bây giờ cũng thuộc về Borges, tôi phải nghĩ ra chuyện khác thôi".
"Borges và Tôi" tận cùng như vầy: "Không biết ai, trong hai đứa tôi,
viết trang sách này".
Một viên thủ thư đeo kính đen hỏi: "Anh tìm gì?" Hladik đáp: "Tôi tìm
Thượng Đế." Viên thủ thư nói với anh: "Thượng Đế ở một trong những con
chữ, của một trong những trang, của một trong bốn trăm ngàn bộ sách,
của (thư viện) Clementinum."
Trong bài Tựa cuốn Chữ và Vật, Michel Foucault cho biết, cuốn sách của
ông được gợi hứng từ một bài viết của Borges. Và cùng với bài viết, là
tiếng cười làm rung rinh lề thói suy tưởng của chúng ta. Theo một cuốn
bách khoa toàn thư nào đó của Trung-hoa, loài vật được chia ra thành:
a) thuộc về nhà vua, b) được tẩm nước thơm, c) được thuần hóa, d) heo
sữa,
e) nhân ngư, f) huyền hoặc, g) chó được thả tự do f) bao gồm trong bảng
sắp xếp này, i) cử động như người điên, j) không đếm được, k) được vẽ
bằng
một bút lông lạc đà thật mịn, l) vân vân và vân vân, m) vừa mới làm bể
một
cái bình, n) từ xa trông như ruồi. Foucault viết, đằng sau bảng phân
loại
kỳ tuyệt này, là sự quyến rũ, nét duyên dáng của một tư tưởng khác, và
là
giới hạn tư tưởng của chúng ta.
Theo Jean-Yves Pouilloux, tác giả cuốn Borges, Fictions, trong
những bài viết về Borges, bài của Maurice Blanchot "rõ ràng, trầm
trọng, sắc sảo" nhất. Bài viết nhan đề Vô cùng của văn chương:
L'Aleph, trong Cuốn sách sẽ tới (Le livre à venir). Sau
đây là trích đoạn:
Tôi nghi rằng, Borges đã nhận được cái vô cùng của văn
chương. Nói như vậy không có nghĩa là ông có được sự hiểu biết trầm
lắng chiết ra từ những tác phẩm văn học, nhưng để khẳng định một điều,
kinh
nghiệm văn chương có thể gần gụi một cách thật sâu thẳm với những
nghịch
lý, những trò ngược ngạo mà Hegel, để tránh né nó, đã gọi là vô tận xấu
(le mauvais infini).
Sự thực văn chương nằm trong sự lầm lạc về cái vô cùng. Thế giới
mà chúng ta "sống" nó, may mắn thay, nông cạn. Chỉ cần vài bước là
chúng ta ra khỏi căn phòng, cần vài năm là ra khỏi "đời mình, đời nhau"
(notre vie). Nhưng giả dụ rằng, trong cõi 'nhân gian bé tí' đó, tự
nhiên tối tăm,
bỗng nhiên mù lòa, chúng ta lạc mất nhau. Giả dụ rằng, chốn sa mạc địa
lý kia bỗng trở thành sa mạc thánh kinh: không phải bốn bước, không
phải
mười một ngày chúng ta vượt được, mà là thời gian của hai thế hệ, mà là
cả lịch sử nhân loại, có thể hơn thế nữa. Đối với con người cân đo đong
đếm, và được đánh giá như vậy, căn phòng, sa mạc, thế giới là những nơi
chốn được xác định hết sức rõ ràng. Đối với con người "sa mạc, mê
cung", những con người chỉ cầu mong một bước đi nhỉnh hơn cuộc đời mình
một chút xíu, vậy là chính cõi không gian vừa kể trên kia, bỗng biến
thành vô cùng. Borges hiểu rằng phẩm giá nguy nàn của văn chương không
phải vì nó khiến cho chúng ta giả dụ rằng, có một tác giả lớn lao, đắm
đuối trong những trò mộng mị, huyền hoặc, nhưng nó cho chúng ta cảm
nhận một điều, gần gụi đâu đây là một sức mạnh kỳ lạ, vô tính, vô ngã.
Ông thích người ta nói như vầy về Shakespeare: "ông ta giống như mọi
người, trừ điều này: ông ta giống như
mọi người"
Phôi thai
Ở Crayle, người Hy-lạp - liệu anh ta có lầm không? -
Khi nói chữ là mẹ của sự vật:
Trong những con chữ hồng có mùi thơm của hoa hồng,
Và dòng Nil luồn lách qua những con chữ của từ Nil.
Vậy thì có một Cái Tên khủng khiếp, từ đó yếu tính
của Thượng Đế được mã hóa - và đó là một từ của con người,
Bảng mẫu tự đánh vần, bàn tay ghi lại;
Kẻ nói lên có Sức Mạnh-Toàn Năng.
Những ngôi sao biết Cái Tên này. Adam cũng vậy,
Ở Khu Vườn; nhưng liền đó, anh ngỡ ngàng và hoang mang:
Tội lỗi đục gỉ anh ta, những người thần bí giáo bảo vậy;
Mọi dấu vết đến đây là ngưng. Như thế đấy.
Jorge Luis Borges Thi Phẩm (1925-1965).
(Theo bản tiếng Pháp của Nestor Ibarra, Gallimard).
Borges là tác giả cổ điển, trước khi là một huyền tượng. Nhưng như
Philippe Sollers khi giới thiệu "Tại sao đọc cổ điển", của nhà văn
người Ý, Italo Calvino: Bởi vì chính họ đang đọc chúng ta. Trò dởm đời:
đòi
nguyên gốc và tính thực (authenticité), vốn chỉ là thói soi gương bao
giờ
cũng chỉ để nhìn ngắm mình, của chúng ta. Calvino biết rõ điều này, bởi
vì kẻ hiện đại độc nhất, có thể là một cổ điển. Luôn luôn là vậy, cổ
điển
là hiện đại. Và phải chứng minh điều đó ra.
Theo Calvino, lịch sử gia tài Borges ở Ý, tính ra là đã được 30 năm. Nó
bắt đầu vào năm 1955, khi bản dịch đầu tiên Giả Tưởng (Ficciones)
dưới cái tên Thư Viện Babel, xuất hiện tại nhà xb Einaudi. Mới
nhất, là toàn bộ tác phẩm của ông, trong tủ sách Meridiani, của
Modadori. Nhưng nó có sau Pháp, và là công của Roger Caillois. Ông này
tới Buenos Aires,
Argentine, quê hương của Borges, vào năm 1939 và ở đây đến cuối Đệ nhị
chiến.
Quá mê Borges, ông dịch Xổ số tại Babylone, Thư viện Babel (1944),
rồi tuần tự những tác phẩm khác, cho xuất bản trong tủ sách "La
Croix
du Sud" do ông đảm đương tại nhà xb Gallimard. Liên hệ giữa hai
người
cũng thật gai góc. Một giai thoại: Khi Roger Caillois cho xuất bản tại
Buenos
Aires một nghiên cứu về tiểu thuyết trinh thám, ông cho rằng nguồn gốc
của
nó là ở thời Napoléon, và sự thành lập cơ quan cảnh sát, theo một hình
thức
hiện đại. Borges nói, tầm bậy, bởi vì "rõ ràng là thể loại tiểu thuyết
trinh
thám chẳng mắc mớ gì tới cảnh sát: đây là một thể loại khác biệt hẳn
thể
ký sự". Thực ra, vấn đề cơ bản ở đây là, với Caillois: giữa thực tại và
văn
chương, có sự liên tục, có qua lại, và tương đồng. Còn Borges coi đây
là
hai miền hoàn toàn khác biệt, tự chủ, mỗi nơi có, và bị chi phối bởi
những
luật lệ riêng. Sau đó, ông than: Chính nước Pháp đã phát minh ra tôi.
Tôi
đâu có hiện hữu. Caillois đã làm cho người ta nhìn thấy tôi. Than ôi,
người
ta nhìn thấy tôi: rõ quá!
Cũng vì lý do đó, đọc Borges bằng tiếng Pháp sẽ mất đi một điều thiết
yếu: giọng điệu (tonalité) của bản văn. Điều này cho thấy, sự trung
thành với một văn bản nói (thí dụ như văn chương nói của Miền Nam chẳng
hạn), là một điều rất cần thiết: Khi nói, người ta tính tới "thời
lượng" (la durée) của câu chuyện đang được kể: Người đẹp trong Ngàn
Lẻ Một Đêm, đã "nát óc" tính toán, làm sao cho câu chuyện ngưng lúc
nào, để bắt đầu một câu chuyện mới, nếu nàng muốn sống thêm một đêm
nữa.
Theo tôi, những người viết Miền Nam ở hải ngoại hầu như đã quên mất bài
học sinh tử này.
Borges sinh tại Buenos Aires năm 1899, mất tại Genève, Thụy sĩ vào năm
1986. Năm nay, nhân loại kỷ niệm lần thứ 100, năm sinh của ông, và
người ta nhận ra một điều: thế giới hình như đã được xây dựng, theo một
đề án của Borges. Bởi vì rất nhiều thành phố lớn sẽ tổ chức lễ hội này.
Bà vợ góa của ông, Maria Kodama, là người đứng ra tổ chức và New York
sẽ
là một trong những nơi diễn ra lễ hội văn chương này. Sẽ cho phát hành
ba
ấn phẩm bằng tiếng Anh, gồm chuyện kể, thơ, tiểu luận (toàn bộ). Công
việc
được giao cho John Coleman, người chuyên dịch thơ ông. Ông đã xin nghỉ
hưu
tại Đại học New York, để có toàn thời gian lo việc này. Hai vị chủ tịch
uỷ
ban tổ chức lễ hội Borges, là Gabriel Garcia Marquez và Carlos Fuentes.
Tại Paris sẽ có hội thảo văn chương, với sự tham dự của những nhà văn
dòng
Mỹ châu La tinh, hay những kế thừa gia tài của Borges. Tủ sách Pleiade
sẽ
trình làng bộ sách mới nhất, những tác phẩm của ông. Tại Madrid, một
công
trình in ấn đồ sộ cũng góp mặt. Toán chuyên viên dịch thuật Borges đã
tranh
luận từ 10 năm nay: làm sao có được một bản dịch thuật/in ấn tuyệt vời
nhất!
Rồi ở London, ở Venise...
Đọc Borges, mỗi độc giả tìm ra một câu chuyện khác nhau. Maurice
Blanchot, như ở trên, đã nghĩ, mình tìm ra cái vô cùng của văn chương.
John Barth lại coi đây là sự kiệt cạn (épuisement) của nó. Nabokov coi
mê cung của Borges là cõi nhân gian bé tí, bé nhất nếu so với mê cung
của
Kafka, rồi tới mê cung của Alain Robbe-Grillet. Mê cung của Kafka vẫn
còn
có người, dù là "như một con chó". Mê cung của Robbe-Grillet chỉ còn đồ
vật.
Như một huyền tượng, ngay trong đời thường, trong những ngày cuối đời:
Khi Borges chọn Genève để chết, ông bảo Maria hãy kiếm một căn nhà tại
khu phố cổ của thành phố, nơi ông đã sống trong thời gian xẩy ra Đệ
nhất thế chiến, với cha mẹ và người chị (hoặc em). Mặc dù mù, ông vẫn
nhớ, và "nhìn ra" nơi chốn cũ, và bà vợ đã tìm được con phố, căn nhà
ngày xưa. Borges già gặp lại Borges trẻ, và cùng chết ở một nơi cả hai
đã từng sống.
(Về lễ hội Borges, theo báo Đọc, số tháng Năm, 1999).
Nguyễn Quốc Trụ