*
Nguyễn Quốc Trụ
trước giờ thanh lọc,
trại Sikiew, Thái Lan,
khoảng năm 1990
[ngưòi cầm dù, là ký giả Hồ Ông]

TÁC GIẢ / TÁC PHẨM

Grass 1








Gunter Grass
Ngày mai là ngày hôm qua 

Đó là câu mở đầu một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đức, "Gặp gỡ ở Westphalie". Sau cuộc Chiến Tranh Lớn 1939-45, những gì còn lại đối với nước Đức của ông chỉ là những mảnh vụn, và một nền văn chương đã phát sinh từ đó: văn chương của những mảnh vụn, những điêu tàn.
Đề tài của Grass: phản ứng của những nhà văn như ông trước những mảnh vụn. Sau sự tận cùng, là ngôn từ: làm thế nào, sau Hitler, những ngòi bút Đức viết lại sự sống, "Vũ trụ luận"? Làm thế nào họ phá huỷ, rồi tái tạo ngôn ngữ; làm thế nào họ sử dụng ngôn từ để tấn công, lột trần, chấp nhận, cưu mang, rồi tái tạo; làm thế nào con chim phượng hoàng thò cái mỏ của nó ra khỏi biển lửa?
Heinrich Boll, nhà văn Đức cùng thời với ông, Nobel văn chương, đã viết: Chúng ta chẳng có bất cứ một lý do gì để hổ thẹn về một nhãn hiệu như thế... Chúng ta nhìn sự vật như chúng là, với con mắt trần tục, thường không hoàn toàn khô, và cũng không hoàn toàn ướt, nhưng mà là ẩm, bởi vì chúng ta đừng quên, từ la-tinh diễn tả "ẩm", là humor (diễu cợt).
Nếu Grass hay "chọc quê" những đồng bào của ông, ngược lại, ông ít chú ý đến chuyện, ông là mục tiêu "tàn sát" của giới phê bình. Gần như cuốn nào của ông cũng bị "làm thịt". Cuốn mới nhất, "Tất cả câu chuyện" (Ein weites Feld), cũng chẳng tránh được điều này. Đề tài của nó: chuyện thống nhất nước Đức. Đó là năm 1989, bức tường Bá Linh vừa sụp đổ. Hai nhân vật kỳ cục, Theo Wuttke, biệt danh Fonty, nhân viên cơ quan chuyên việc tư hữu hóa kinh tế Đông Đức, và còn là một "tái đầu thai" của nhà văn Đức Theodor Fontaine (1819-1898), và cái bóng của ông ta, Hoftaller, "đời đời" mật vụ Stasi. Cả hai, những khi ngừng tranh luận, lại đưa mắt nhìn công cuộc tái thống nhất, trong lúc những người chuyên bán kỷ niệm rao to món hàng là những mảnh vụn của bức tường.
Bị coi như một pamphlet chống lại việc thống nhất, cuốn sách vừa ra lò đã bị chỉ trích nặng nề tại Đức, vào năm 1995. Trong một số báo Spiegel, trên trang bìa là hình Marcel Reich-Ranicki, được mệnh danh là "giáo hoàng của giới phê bình". Hình chụp giáo hoàng đang xé bỏ cuốn sách, và bằng một giọng "buồn phiền giả đò", ngài phán: đây là một cuốn tiểu thuyết thất bại, chê trách Grass lại một lần nữa "quay lưng" với chuyện thống nhất đất nước. Chiến dịch của giới báo chí và phê bình chẳng làm nản lòng ngượi đọc, ngay từ những tuần lễ đầu, hàng trăm ngàn ấn bản đã được bán ra. Nó đã nổi tiếng, tại Pháp, trước khi được dịch.
Nhân dịp nhà xuất bản Seuil tung ra bản dịch tiếng Pháp, "Toute une histoire", tờ báo Đọc, Lire đã phỏng vấn Grass. Về chuyện báo chí, giới phê bình tấn công cuốn sách, ông cho biết, họ đã có định kiến về ông, trước khi có cuốn sách. Nhưng ông không nghĩ họ "sa đọa" đến mức trương ra tấm hình "xé sách" như trên. Tuy nhiên, thành công, và những lợi khích lệ ông là từ phía độc giả và giới phê bình phía đông nước Đức. 

Nhưng tại sao lại có sự hung bạo đến như thế? 

Lý do là, "người ta" thường viết dưới quan điểm của những người thắng trận, còn ông chỉ muốn đụng vào đề tài cấm kị (tabou). Trong cuốn "Cái Trống" của ông, cũng tình trạng như vậy: tác giả đã đập nát hình ảnh về một thời đại huy hoàng, thay vào đó, là cái nhìn của một đứa trẻ ba tuổi. Trong "Tất cả câu chuyện" là một chủ nghĩa tư bản buông xuôi, ba vạ, một chủ nghĩa tư bản mà chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội đã bị bắt buộc phải chứng tỏ là nó (tư bản) văn minh hơn họ. Một chủ nghĩa tư bản sau khi đã thắng trận rồi, cảm thấy rằng đâu có cần phải tỏ ra văn minh, và lúc này có thể quay về với chủ nghĩa tự do man rợ.
Chuyện đó cũng chẳng mới mẻ gì. Mới mẻ là chuyện, mọi người tỏ ra muốn làm một điều gì đó, để thay đổi tình trạng này. Và đó là lý do ông viết "Tất cả câu chuyện". 

Về câu hỏi quan trọng, tại sao cuốn sách bị chụp mũ "chống thống nhất", ông trả lời: chuyện thống nhất đất nước đúng ra là đã có thể xẩy ra vào năm...1975 -  ấy chết, xin lỗi - vào năm 1989. Chính vì vậy nên đây là một câu hỏi "đau thương, nhức nhối". Thống nhất đã khả hữu mà chẳng cần đến một phát súng. Tất cả đã "ngon lành", rồi đùng một cái, mọi chuyện rối tung lên, hỏng bét. Đến lúc đó, tôi đưa ra lời giải thích, rằng chẳng có chi là bình thường, chuyện Tây Đức tự coi mình như là một sức mạnh thực dân, chiếm cứ cả đất nước, rồi hè nhau nắm trọn mọi chức vị quan trọng, mọi trách nhiệm. Người ta còn đổ lên đầu một "phía dân", gánh nặng cuộc chiến mà đáng lẽ cả dân tộc phải cùng chịu đựng. 

Liệu có thể có một "thống nhất" khác?

Theo ông, điều này phải dựa trên một cơ bản vững chắc, đó là chế độ liên bang. "Cơ cấu xã hội chúng tôi không như Pháp: Paris ở một phía, phía kia là tỉnh lỵ. Chúng tôi không có thủ đô: ngay cả Berlin cũng không "sáng ngời" như Paris, Luân đôn, hay Varsovie. Chúng tôi có quá nhiều thủ đô, quá nhiều trung tâm; đó là tình trạng chia cắt của nước Đức sau cuộc chiến 30 năm. Đây cũng là sức mạnh của chúng tôi. Nhưng khi chúng tôi muốn bắt chước những nước láng giềng, cũng muốn một chủ nghĩa trung tâm (centralisme), câu chuyện đã không xuông xẻ. Bismack, rồi Hitler là những toan tính, cuối cùng là thảm họa. Tôi tin rằng những quốc gia láng giềng, vốn đã đau khổ vì nước Đức, họ sẽ được yên tâm hơn, nếu 80 triệu dân Đức cứ tiếp tục con đường liên bang của họ. Nhưng chẳng ai chịu nghe tôi cả!"

Đức quốc là như thế nào đối với ông? Một dân tộc, một quốc gia, một văn hóa?
Vấn đề này thật phức tạp. Dây liên lạc bền nhất, theo tôi, là ngôn ngữ, tiếng Đức. Nhưng tiếng nói này không liên can tới một dân tộc. Người Áo cũng nói tiếng Đức. Tôi không sống như một nhà văn Đức, nhưng như một nhà văn của tiếng Đức. Nếu chỉ nói chuyện nhà văn, thế hệ của tôi không làm chủ những lựa chọn của mình: những đề tài của tôi đã có sẵn, đã được "chỉ định": chế độ Nazi, những hậu quả của nó. Tôi phải viết những cuốn sách như thế, dù muốn dù không: Cái Trống, Những Năm Chó (Les années de chien). Những đề tài này vẫn còn đó.
Phải chấp nhận thực tế hiển nhiên là chúng tôi đã gây chiến, phạm những tội ác và phải trả giá. Nói gì thì nói, đối với một nhà văn, mất mát luôn luôn là thu nhập, là cái có được (gain). Chính nó đem đến cho anh ta ám ảnh, sức mạnh viết, làm bật ra những gì mất mát, để tái tạo lại.
Tương quan giữa tôi và nước Đức là như vậy. Nó là tổ quốc làm tôi đau, đau nhiều lắm. Theo nghĩa đó, tôi hiểu câu nói của Adorno, "Sau Auschwitz mà còn làm thơ thì thật là dã man". Đây không phải là chuyện ngăn cấm làm thơ, mà chỉ là một cảnh cáo, một hăm dọa mang tính tiên tri, giống như câu đã được viết trên tường Babylon, một "Mane, thecel, pharès" (1), để cho ai cũng phải nhìn thấy. Vẫn phải tiếp tục viết, nhưng sau Auschwitz, người ta không làm những bài thơ như trước nữa.
Tôi còn nhớ, vào năm 1990, có một đường hướng văn nghệ chủ trương hãy trở về với "không giờ" (heure zéro), hãy lên tiếng, đây là cáo chung của văn chương dấn thân, hãy trở lại với thẩm mỹ học thuần tuý. Khi đó, tôi có đưa ra nhận xét, trong một buổi nói chuyện: kẻ nào muốn thống nhất nước Đức, kẻ đó phải ôm diết lấy Auschwitz.
Ông là một người bi quan?
-
Một kẻ hồ nghi, chứ không phải bi quan. Đó là nguyên tắc của Sisyphe. Hồi trẻ, tôi bị ảnh hưởng bởi Camus. Sisyphe chẳng còn chút hy vọng, anh ta biết hòn đá lại rớt xuống, nhưng anh ta không thể bi quan.

 NQT
(1): Tiếng La tinh, có nghĩa là đếm, cân, chia. Đây là những chữ được ghi trên tường Babylone, tiên đoán số phận của Balthazar, vị vua cuối cùng của Babylone.
Nhà tiên tri Daniel đã giải thích, [bản tiếng Pháp]: Tes jours sont comptés ; tu as été trouvé trop léger dans la balance ; ton royaume sera partagé.

Những ngày của mi đã đếm được. Mi quá nhẹ trên bàn cân. Vương quốc của mi sẽ bị chia sẻ.
Đúng đêm đó, thành phố “được giải phóng” [bị chiếm đóng], nhà vua Balthazar bị làm thịt, vuơng quốc Babylone bị cưa đôi, giữa dân Perses và Mèdes.
Đây là Grass cảnh cáo dân Đức, đừng bao giờ quên số phận của họ.