*







Chekhov: Cửa Vào Vĩnh Cửu

 

"Một trong những nhà văn 'phá hoại, lật đổ' sâu thẳm nhất từng có mặt trên cõi đời này": rất ít người, ngay cả trong số những độc giả ái mộ Chekhov, đồng ý với nhận định trên của Simon Karlinsky, người tuyển chọn, và bình luận một số thư từ của nhà văn Nga thường vẫn được coi là "hiền lành" này. (Anton Chekhov's Life and Thought: Selected Letters and Commentary, Michael Henry Heim và Simon Karlinsky dịch từ tiếng Nga, 494 trang, nhà xb Northwestern University Press, 1997).

Khác với tiểu thuyết của Dostoevsky: cơn lũ ma quái, của cái gọi là tâm lý con người, kịch và truyện của Chekhov là về những con người bình thường, với cuộc sống nhàm chán, vô vị của họ. Trong khi Tolstoy rao giảng chủ nghĩa vô chính phủ chống lại Nhà Thờ Nga, và Nhà Nước, Anton Chekhov lặng lẽ làm một ông thầy thuốc nhà quê, một ông chủ trại nho nhỏ, cho tới khi tình trạng sức khoẻ bắt buộc ông phải lui về sống những mùa đông ở Yalta. Một cuộc sống tránh né mọi vấn nạn nóng hổi của thời đại, cuối cùng cho thấy, sự thiếu vắng ý thức "dấn thân" như thế đó, đã làm cho những gì ông viết ra, đầy chất phá hoại (subversive). Thái độ diễu cợt khi đả động tới "cái đúng", "phải đạo", bây giờ mới cho thấy tính "tiên tri" của nó. Ông "coi thường" rất nhiều những "tín lý" của xã hội hiện đại, về tiến bộ, tự do, đạo đức cá nhân và (không như Tolstoy), ông đã không tìm cách thay thế những gì mà ông huỷ diệt, bằng những "huyền thoại" riêng của mình.

Xã hội thời đó trông mong ở những nhà văn của nó, như những người dẫn đường về ý thức hệ, đạo đức, trong cuộc chiến chống lại vương quyền. Trong khi những nhà phê bình cấp tiến đề cao những nhà văn "hạng nhì" như Zlatovrasky và Gled Uspensky, với những nhân vật đối nghịch: thầy tu, nhà buôn, sĩ quan (những nhân vật phản diện xấu xa)/những người dân quê, những con người trẻ tuổi lý tưởng (những nhân vật với trái tim trong trắng), Chekhov viết thư cho vị chủ báo bắt đầu in tác phẩm của mình: Tôi chẳng cấp tiến, chẳng bảo thủ, chẳng tu sĩ, chẳng dửng dưng. Tôi chỉ muốn là một nghệ sĩ tự do, và chẳng cần chi nữa... Thái độ đạo đức giả, sự ngu si đần độn, hành động hiếp đáp, cả vú lấp miệng em, bạo chúa... ngự trị không chỉ ở trong những gia đình con buôn, những trạm cảnh sát. Tôi thấy chúng ở trong khoa học, văn chương, thế hệ trẻ. Đó là lý do tại sao tôi chẳng trông mong gì ở đó... Điều thánh thiện nhất trong mọi điều thánh thiện, riêng với tôi, đó là thân thể người ta, sức khoẻ, sự thông minh, tài năng, hứng khởi, tình yêu và... tự do - thoát ra khỏi bạo lực và những điều dối trá - không cần biết hai thứ sau mang hình dáng nào."

Sự ghê tởm bạo lực và giọng ấm ớ đạo đức, Chekhov có rất sớm, ngày càng lộ rõ. Ông có lần nhận xét (nhân nói về thái độ lý tưởng của Tolstoy đối với dân quê Nga): "Tôi nhà quê ở trong máu, và tôi chẳng hề bị xúc động bởi những đức hạnh của họ."

Ông sinh năm 1860, được một tuổi là bãi bỏ chế độ nông nô. Ông nội, ông ngoại là nông nô. Ông già trút được lốt nhà quê khi chen chân làm chủ một cửa tiệm tại thành phố Taganrog ở phía Nam nước Nga. Là con trai thứ ba trong sáu người, ông nhớ hoài nguồn gốc nông dân, chế độ gia trưởng tàn bạo của ông bố mà ông và hai người em trai là nạn nhân, chưa kể những giờ dài đằng đẵng quì trên đá lạnh, hát thánh ca tại nhà thờ, dưới con mắt khắc nghiệt của ông thầy dậy nhạc. Mười sáu tuổi, bị bỏ lại ở Taganrog, tự lo thân, khi ông bố khánh tận phải đem gia đình về Moscow tìm việc làm. Trong ba năm vừa học vừa lo kèm trẻ, ông làm được điều Tolstoy suốt đời mơ ước nhưng không sao thực hiện được: tái tạo ra chính mình, một con người như một toàn thể đạo đức, thoát ra khỏi những biến dạng, bởi chế độ bạo chúa vốn đè nặng đời đời kiếp kiếp lên người dân Nga.

Ông trở thành đầu đàn trong gia đình, sự sống còn chỉ còn trông vào số tiền ông gửi về. Cùng thời gian, ông lo tự trau giồi bằng những giờ tại thư viện thành phố. Thành quả của những năm tháng cô đơn đó, chúng ta có thể nhìn ra, trong thư viết cho người em, Nicolai: "để vượt lên khỏi những ngọn roi khốc liệt thuở ấu thời, (em) phải làm sao tạo được sự kính trọng của những con người có nhân cách; phải tự kiềm chế trước hành động nông nổi, liều lĩnh, và lừa dối; không được ngừng đọc, nghiền ngẫm sâu xa, trau giồi ý nguyện của mình. Mỗi giờ là một hiếm hoi, quí báu." Vào năm ba mươi tuổi, ông đã chứng tỏ điều này, khi một nhà xuất bản coi ông là một nhà văn "vô nguyên tắc": "Tôi chưa từng nịnh bợ, nói dối, sỉ nhục bất cứ một ai", "chưa từng viết ra một dòng mà tôi cảm thấy nhục nhã vì nó."

Đời văn của Chekhov bắt đầu, là để giúp đỡ gia đình, khi ông được học bổng, và rời thành phố quê hương tới Moscow làm sinh viên Đại học Y khoa. Trước tiên là những bài viết nho nhỏ, gửi cho những tuần báo. Thành công đến nỗi, sau khi tốt nghiệp y khoa, ông "đành" phải chia thời giờ ra làm hai, "giữa y học... người vợ hợp pháp, và văn chương... người tình (bà vợ bé), của tôi."

Truyện ngắn của ông có một sắc thái riêng, đề tài đa dạng, trải dài toàn cảnh nước Nga với những con người của nó. Chưa tới ba mươi, ông đã là một nhà văn lớn. Năm 1887, vở Ivanov cho ông danh hiệu: người viết bi kịch. Nhờ nó, ông mua được căn nhà cho gia đình, thuộc vùng ngoại vi Moscow. Trở thành nhân vật trung tâm của giới văn nghệ thủ đô, và của phái đẹp; một số người tình (trước khi có vợ, vào năm bốn mươi) sau này trở thành bạn thân. Bạn trai cũng "mê" ông: Họa sĩ Konstantin Korovin mô tả bạn mình "cực kỳ đẹp trai", với đôi mắt dịu dàng, và một nụ cuời "e thẹn lạ chi đâu", "toàn vẻ bề ngoài gây một sự tin cậy đặc biệt". Niềm tin cậy đặc biệt này, là do tình nhân loại "chân trần", luôn luôn bám vào đất của ông. Chính nó đem đến cho ông "một cái mũi rất nhọn" chuyên trị mùi ghê tởm, của "thói đời".

"Tôi có niềm tin vào sự tiến bộ, ngay khi còn là một đứa bé, nhưng chuyện đó chẳng giúp tôi, khi không tin vào nó, bởi vì sự khác biệt giữa thời kỳ thấm đòn, và hết còn bị đòn, thật là lớn lao." Ông ngưỡng mộ thái độ lý tưởng của những người Nga cấp tiến, nhưng những lời hô hào của họ chỉ làm ông nhớ lại ấu thời: "Tôi quá ớn sự lạm dụng, bất kể nó nhắm vào ai." Ông buộc tội tầng lớp trí thức, do không tưởng nên bỏ qua những thành quả của zemstva - Những Thay Đổi Lớn, The Great Reforms, hay là những định chế mà chính quyền đưa ra vào thập niên 1860 - nhằm canh tân xã hội Nga. Về những tiến bộ trong ngành giải phẫu tại Nga trên hai thập niên trước đó, ông có lần đưa ra nhận xét, "nếu phải chọn lựa giữa không tưởng cấp tiến, được miêu tả như trong tiểu thuyết của Nicolai Chernyshevsky, What Is to Be Done?, nổi tiếng vào thập niên 1980, và bệnh viện tồi tệ nhất 'zemstvó, tôi chẳng do dự lấy một chút, khi ôm lấy bệnh viện."

Những nghiên cứu, ghi nhận riêng của ông, về "việc thiện", humanitarian work, thật đáng nể. Cuốn sách của ông về đảo tù Sakhalin (The Island of Sakhalin, 1893, dựa trên số liệu từ những cuộc thanh tra tình trạng y tế ở đó) đã bầy ra cho cả nước Nga thấy sự khủng khiếp, ghê rợn của hệ thống nhà tù. Những cố gắng của ông trong việc cứu đói tại vùng ông vào năm 1891-1892, được kèm theo bằng những chuyến đi mệt nhoài, thường lội bộ suốt vùng băng giá, như một ông thầy thuốc không được trả lương có nhiệm vụ ngăn chặn một trận dịch, bên cạnh một trận đói. Ông đã chữa trị hàng ngàn dân quê tại y viện địa phương, hoạch định, tham gia việc xây cất trường lớp, thư viện, đóng góp tiền bạc cho những công trình phúc lợi, trong đó có việc cứu trợ một tờ báo y học bị khánh tận; mua ngựa phân phát cho dân chúng, làm phương tiện chuyên chở lúa gạo. Chính thái độ lăn sả vào cuộc sống hàng ngày đã khiến ông trở nên khinh khi, những phương thuốc về một "ngày mai ca hát", hay rõ hơn, một cuộc cứu đói toàn cầu: nhân một chuyến thăm Venice, ông đưa ra nhận xét, một trong những niềm vui của "Đến thăm Venice rồi hãy chết": thành phố thiếu vắng hẳn, những bộ mặt làm ra vẻ quan trọng, của mấy ông Mác-xít. Khi đến thăm Hong Kong, ông nhận xét, so với người Nga, người Anh vậy mà đã nhiệt tình quan tâm tới những "người làm" (employees) của họ. Ông viết, tôi chẳng hề tin, vào tầng lớp trí thức "en masse"; ông đặt để niềm hy vọng của mình, ở nơi những cá nhân, bất kể trí thức hay nông dân, rải rác khắp nước Nga, chỉ có họ là đáng kể: chỉ với những hiểu biết, những cố gắng của họ mà xã hội từ từ biến đổi.

Đề tài trấn ngự, cơ bản của nghệ thuật "Chekhovian", là từ cuộc chiến đấu đầu đời, cộng với những thực hành, do nghề thầy thuốc mang lại: cuộc chiến đấu của những ước vọng con người, chống lại những hoàn cảnh "bất thuận lợi". Những năm tháng ở Taganrog đã dậy ông một điều: những cuộc chiến đấu quan trọng nhất, mang tính đạo đức, "được hay thua" không phải vào thời điểm căng thẳng, bi đát, mà thông qua một quá trình những chọn lựa chẳng có gì đáng kể, rất cá nhân. Chúng ta có thể nhận ra dáng dấp của "người hùng Chekhovian", qua lời khuyên của ông, gửi tới nhà xuất bản, và cũng là bạn, Aleksei Suvorin, khi ông này viết một bi hài kịch truyền thống: Bạn không thể kết thúc với những người theo chủ nghĩa hư vô. Với họ, chỉ có bão tố, hung bạo. Điều vở kịch của bạn cần, là một kết cục êm ả, trữ tình, cảm động... Nếu nữ nhân vật của bạn, sau cùng nhận ra, những con người quanh cô, đều làm xàm, vô dụng, xấu xa... điều này chẳng lẽ không "khủng khiếp", hơn cả chủ nghĩa hư vô, hay sao? Điều kỳ lạ, ở cái bình thường; thảm kịch, của điều "chẳng có gì bi thảm", đó là đề tài kịch Chekhov, cùng với nó là cuộc cách mạng kịch nghệ Nga, vào thập niên cuối đời ông. Vở kịch lớn đầu tay, Ivanov, vẫn còn giữ những yếu tố bi kịch truyền thống, đã được đón nhận khá nồng nhiệt; vở kế, The Seagull (trong đó, ông đưa ra kỹ thuật của mình, bỏ đi những "mưu đồ" kịch mang tính ước lệ), đã là một thất bại thê thảm, ngay đêm đầu được trình diễn, vào tháng Mười, 1896; nhưng lần trình diễn thứ nhì, tại Moscow vào năm 1898, đã được nồng nhiệt đón nhận, cũng như những vở kế tiếp: Uncle Vanya, Three Sisters, và vào tháng Giêng 1904, The Cherry Orchard. Sự kiện "chẳng có gì xẩy ra", ở trong kịch Chekhov, đã trở thành "dấu ấn" của ông, nhưng giới phê bình lại coi đây là khả năng tạo nên không khí, trạng thái kịch, chúng thường được cắt nghĩa như những gợi nhớ u buồn về một nước Nga tranh tối tranh sáng, khi những bậc trưởng thượng, đại diện cho giai cấp đang hấp hối, "nhìn ngắm những cuộc đời thừa thãi của họ."

Richard Gilman, trong "Kịch Chekhov: Cửa vào Vĩnh cửu" (Yale University Press, 261 trang, 1997), đả phá những nhận định "bản kẽm" như thế. Ảnh hưởng Francis Ferguson, khi coi The Cherry Orchard là "thơ-kịch của nỗi khổ đau, do tang thương dâu bể", Gilamn tiếp cận kịch Chekhov: "một điều giả dụ như là không-bi đát"; "miêu tả, không phải một hành động, nhưng một điều kiện"; nỗi thống khổ ở đây là do cảm nghĩ của chúng ta - những con người sinh tử lão bịnh - về thế gian; chúng ta: mồi ngon của thời gian, và của đổi dời. Khả năng của Chekhov - khi "bi đát hóa" nỗi "không-bi đát", thảm kịch của điều vô ích, của chuyện thường ngày - thật mãnh liệt, ở Three Sisters, trong đó, bước đi thời gian sói mòn dần mọi hy vọng về tương lai vẹn toàn, qua chuyến về thành phố, nơi đồng nhất với quá khứ lý tưởng của họ. "Nó đâu mất rồi? Đâu? Đâu? Chúng ta sẽ chẳng bao giờ trở về được Moscow, chẳng bao giờ... giờ này, tôi thấy rõ điều đó."

Như Gilman chỉ ra, rất nhiều nhân vật của Chekhov mong ước trở nên một người nào khác, ở một nơi chốn nào khác, "kịch" bắt họ trở về nơi chốn, con người, là họ hiện giờ. Nhưng ở đây không có vấn đề "số mệnh, căn phần". Diễn tiến đơn tuyến, ước lệ đưa đến nút mở chót, được thay thế bằng điều mà Gilman gọi là "trường bi kịch" (dramatic field): chuỗi phản ứng đưa đến cảm nhận về sự mất mát. Chúng ta chỉ nhìn thấy những nhân vật, một khi, bị giam cứng vào vùng ao tù đóng váng, họ chẳng còn chi để mà vui đùa, giải trí, ngoại trừ những câu nói dấm dẳn, những mẩu chuyện nhát gừng, đong đưa giữa hoài nhớ, và nhận thức, được đánh dấu bằng những trống vắng, bằng đột biến, từ khôi hài qua nghiêm trọng. Như Karlinsky chỉ ra, một trong những tư tưởng "chìa khóa" của Chekhov, là trong bản tự thuật tóm tắt (resumé), theo đó, tác giả khẳng định, nghề y của ông đã có một ảnh hưởng quan trọng đến sáng tác văn học. Ông nhấn mạnh, nhà văn phải trung thành với thực tại thực nghiệm, về thế giới, hành vi cư xử của con người; và đưa ra những nhân vật, với những cái nhìn "khách quan tuyệt hảo". Khi một truyện ngắn của ông bị coi là không có một thái độ rõ ràng về chủ nghĩa bi quan, ông trả lời: công việc của nhà văn không phải là giải quyết những vấn đề như là Thượng Đế, bi quan... nhưng ghi nhận, ai, trong điều kiện nào, đã nói, hay đã nghĩ thế này thế nọ, về Thượng Đế, về bi quan.

Trên tờ TLS, July 18, 97, John Stokes, khi điểm cuốn Anton Chekhov: A Life (Donald Rayfield, nhà xb HaperCollins, 674 trang, 1997), đã cho rằng chủ nghĩa nhân bản Chekhovian, vốn nhập thân vào những nhân vật thầy thuốc, mãnh liệt, vì nó kính trọng "tiếng hát nhân ngư" từ cõi tư riêng (the siren-songs of privacy), từ nỗi bầm rập, té lên té xuống, của con người. Những đức hạnh của con người, "chân thật nhất, hướng thượng nhất, nhưng cũng khó khăn nhất", có cội rễ ở từ "Sod", tên con mongoose, hay mangu, của Chekhov. Ông nói, những đặc tính của con vật, là "can đảm, tò mò, và rất mến con người". Con vật Sod tội nghiệp có cơ hội là bỏ chạy, cuối cùng chấm dứt cuộc đời, tại Sở Thú Moscow. Chủ của nó cũng chia sẻ với con vật thân yêu của ông, "đặc tính" chạy trốn đó, nhất là khi có đàn bà dính vô! Rayfield cho biết Chekhov sợ sex như sợ bệnh nghiền; nếu ông đầu hàng, nó sẽ tiêu huỷ tự do và tài năng sáng tạo của ông. Thù Zola, khi miêu tả những cuộc tình "nhà nghề, thô bỉ", ông đã viết về một gái điếm Nhật, "nghề riêng ăn đứt", đến nỗi "bạn cảm thấy không phải đang tình tự, mà là tham dự một lớp cao học, về nghệ thuật cưỡi ngựa." Tuy đẹp trai, nhưng qua cuốn tiểu sử của Rayfield, chúng ta thấy đây là một con người với những cuộc tình "bỏ đi". Thê thảm nhất là cuộc tình với "Lika" Mizinova, một người đẹp nghệ sĩ. Trong nhiều năm họ chia sẻ hoan lạc, hiến dâng, và sự lạnh lùng, dửng dưng.

"Tin tưởng vào Chúa, một chuyện quá dễ dàng. Đám "mật vụ" nhà thờ người Tây Ban Nha (inquisitors), tin vào Chúa. Không, bạn phải tin vào con người! Niềm tin này, chỉ có thể khả hữu, ở một số rất ít những con người hiểu và cảm thấy Christ.", một truyện ngắn Giáng Sinh của Chekhov đã kết thúc như vậy, nhưng đã bị kiểm duyệt đục bỏ.

 

NQT