Alexsander
Wat,
Thi sĩ và
Nghi lễ trừ tà của thế kỷ
"Tại nhà ga Saratov, nơi cả đám chúng tôi ngồi trong
những thùng chứa con-te-nơ, đợi giờ đi, cửa bỗng mở, và mấy người ngồi
kế bên đã xúm nhau kéo lên xe một người đàn ông. Anh ta cố gượng đứng,
nhưng quá yếu lại té xuống sàn. Người đàn ông với áo lông, chiếc khăn
choàng da rái cá, và chiếc nón quả dưa, trông thật chẳng giống ai..."
Thời gian, cuối năm 1941. Chàng sinh viên Do thái-Ba lan vừa được thả
từ một trại tập trung. Hitler tấn công Liên-bang Xô-viết, tháng Sáu.
Theo một thỏa ước giữa Stalin và chính quyền lưu vong Ba-lan, cái đế
quốc khổng lồ, gồm những trại lao động khổ sai và những nhà tù, lừ đừ
nhả ra một số "cư dân" của nó, trong có chừng hai triệu người Ba-lan,
những lưu đầy biệt xứ sau khi đất nước của họ bị xâm lăng và sát nhập
vào Liên xô, tháng 9 năm 1939. Hướng tới của đoàn xe, Alma-Alta. Tại
vùng Á châu thuộc Xô-viết, người ta đồn, những chiếc xe chở thực phẩm.
Tại đó, những bộ xương được "vỗ béo" cho đến khi họ có thể cầm nổi khẩu
súng.
Người đàn ông với chiếc khăn choàng da rái cá, chiếc nón quả dưa là
Aleksander Wat, nhà văn-nhà thơ Ba-lan, một người mà "thế giá" của ông
chỉ đến bây giờ mới được Tây-phương biết tới. Hình ảnh "siêu thực" kể
trên là một trong chuỗi dài, gần 7 năm, giữa nhà tù Xô-viết, lưu đầy
biệt xứ tại Kazakhstan, trước khi ông trở về Ba-lan vào tháng Tư, năm
1946.
"Đêm đó,", sau ông ghi lại, "trong lúc đi trong bóng tối nhà ga, tôi
thấy một người đàn bà bị hiếp." Nhà ga rất rộng. Chẳng ai để ý đến
chuyện đó, tuy loanh quanh "hiện trường" cũng có một vài người, kể cả
Wat. Chỉ mấy tháng trước, ông cải đạo trong phòng giam, từ một gia đình
Do-thái qua Thiên-chúa giáo. Nhưng cảnh một số người hãm hiếp một người
đàn bà, không ai đứng ra can thiệp, cho dù người đàn bà đó có kêu la,
gào thét, chẳng làm ông cảm động. "Trong phòng giam nhà tù Saratov, tôi
đã có một viễn ảnh về một nước Nga khổng lồ, với sự bành trướng của nó,
với triệu triệu những thảm kịch của con người... Và trước mắt tôi, thảm
kịch bằng xương bằng thịt của một nước Nga đang bị hãm hiếp... Những gì
mà tôi trải qua ở Saratov như đạt tới cõi sâu thẳm trong tôi; nhưng
thật mỏng manh, lớp bụi mờ nó để lại. Tôi không cảm động trước cảnh
tượng này; tôi đã nhìn những người đó như phân người".
Ông đang trên đường về phương nam tìm vợ, Olga, và con, Andrzej. Họ đều
bị bắt, và đã 18 tháng trời, ông không biết số phận họ. Trong một trại
tập trung tại Kazakh, vợ con ông cố gắng để đừng bị chết đói, ngoài
những giờ lao động khổ sai, bán quần áo vật dụng của họ, hoặc ăn cắp
chút bột mì. Vào tháng Hai, 1942, Olga gặp chồng ở Alma-Alta.
Bà kể lại: "Một ông lão ngồi trên chiếc ghế đẩu... hướng cái đầu về
phía phải, và Aleksander đang đứng ở giữa một căn phòng khác, lúi húi
viết. Anh cũng không nghe thấy tôi bước vô. Lần chót chúng tôi nhìn
nhau, đó là khi anh bị bắt. Lúc đó, anh 40, khoẻ mạnh, tóc đen nhánh,
cặp mắt sáng. Đây là một người đàn ông già khằn, ốm nhom, cùng kiệt".
Ông nhớ lại: "Andrzej trông như một đứa trẻ từ một ghetto Warsaw. Nó
bắt đầu có triệu chứng ho lao. Olga bao nhiêu rồi nhỉ? Cô ta mới 30 mà
sao trông như một bà già 60".
Lần chót nhìn nhau không phải là lần chót xa nhau. Vài năm sau, cả hai
lại bị bắt vì từ chối thông hành Xô-viết. Olga bị đánh đập, đối xử tàn
nhẫn bởi đàn bà Nga, trong nhà giam. Họ được đoàn tụ, để "được" lưu
đầy, tại Kazakh, gần biên giới Trung-hoa. Nhưng những đồng hương không
quên họ: sau chiến tranh, nhờ sự can thiệp của những nhà văn Ba-lan,
sau cùng họ đã được thả, vào tháng Tư 1946.
Chuyến xe lửa ngừng giữa một cánh đồng, cách đó vài dặm là những hoang
tàn đổ nát của thành phố Warsaw ngày nào, và nhả ra "ông bà" Wat, với
những cái bị đầy những lon gô, dĩa nhôm, mẩu bánh mì khô, rẻ rách...".
Họ đi nhờ xe, cuối cùng hoảng sợ khi biết tài xế là mật vụ. Nhưng anh
ta không lấy tiền: "Tôi không đòi tiền công, từ đám tuẫn nạn".
Những gì mà bây giờ chúng ta được biết về cơn hỗn loạn chính trị của
lịch sử Ba-lan thế kỷ thứ 19, một phần lớn là nhờ cuốn băng hồi ký lạ
thường, của A. Wat: "Thế kỷ của tôi: Cuộc phiêu lưu của một trí thức
Ba-lan". Người đẻ ra ý nghĩ, ghi âm hồi tưởng của một thi sĩ Ba-lan,
bệnh hoạn và quá đau đớn không thể viết, cư dân Berkeley từ năm 1964,
là Gregory Grossman, thuộc Trung tâm nghiên cứu Slavic và Đông Âu, tại
Berkeley. Ông giao trách nhiệm cho Czeslaw Milosz, (thi sĩ, Nobel văn
chương). Wat nhận ra ở Milosz, một người nghe lý tưởng, và có cảm
tưởng, những lần họ ngồi chung, Milosz đang làm một nghi lễ trừ tà ở
nơi ông.
"Thế kỷ của tôi" - Milozs gọi là những "buổi gọi hồn", trong đó, ông
vinh dự được phục vụ như là một "phương tiện" - không chỉ là một công
trình lớn lao của riêng người nghe, cũng không hẳn là di chúc của người
kể. Cùng từ một nền, Milosz hiểu ngay lập tức, điều nhà thơ đang nói,
và những gì bạn mình cảm thấy khó khăn, để nói ra. "Tôi nhận ra liền,
một điều chi độc nhất vô nhị, đang diễn ra giữa chúng tôi. Không hẳn
chỉ là vấn đề, tôi, một cá nhân riêng lẻ, khác, trên mặt đất, một kẻ
cũng đã từng kinh qua thế kỷ và có cùng ý nghĩ về nó, như Wat. Ở đây,
chẳng có chi mắc mớ đến sự độc ác tàn nhẫn, của số mệnh, hay của lịch
sử. Hàng triệu triệu con người đã đau thương, cay đắng vì nó, còn hơn
Wat. Không, vấn đề ở đây là "một tính khí", (a cast of mind), một văn
hóa... đặc biệt văn hóa của tầng lớp trí thức Ba-lan.
Những cuộc ghi âm bắt đầu bằng cuộc đời chính trị, văn chương của Wat,
trong những năm trước chiến tranh tại Ba-lan, và bất thình lình bị ngắt
quãng ở khúc Kazakhstan. Milosz phải rời Paris, (cuộc ghi âm được thực
hiện, năm 1964 tại Berkeley, và tại Paris, năm 1965), và không một
"phương tiện" nào thỏa đáng có thể thay thế ông.
Khúc ngắt quãng cận kề thời điểm gia đình ông trở lại Ba-lan: Những năm
tù đầy, cuộc hành trình tinh thần của Wat, tới với chủ nghĩa CS, rồi từ
bỏ nó quay về niềm tin tôn giáo, và nỗi đớn đau vì tội lỗi, và sự hối
hận, vì đã có lần "tán trợ" một ý thức mà sau ông coi là "quỷ ma"
(satanic). Nhưng đây chỉ là một phần, chuyện của Wat.
Khi Wat còn sống, một nhà phê bình Balan đã tuyên bố: "Chẳng có gì ở
trong tác phẩm của ông, họa chăng, những dở dang". Mười ba năm, sau khi
những cuốn băng được thực hiện, Tomas Venclova, thăm viếng Berkeley, và
"lại khám phá ra" thi ca của Wat. Trước sự ngỡ ngàng của ông, đây là
một nhà văn hàng đầu của thế kỷ 20, chưa từng được khám phá, tại
Tây-phương. Hai mươi năm sau, mặc dù hai tác phẩm bằng Anh ngữ của Wat,
thơ ca và truyện ngắn (Lucifer Thất nghiệp), và "Thế kỷ của tôi", đã
được xuất bản, nhà văn "lập dị", nhà trí thức Wat vẫn gần như "vô
danh", và không được "đánh giá cao", tại xứ sở của ông. Những dở dang.
Cuốn sách của Tomas Venclova (Aleksander Wat: Life and Art of an
Iconoclast, nhà xb Yale University Press, 1996), là một cố gắng bổ sung
những thiếu sót đó. Tác giả là nhà thơ, nhà phê bình người Lithuanian,
hiện đang giảng dậy tại Yale.
Theo ông, Wat là một trong số ít người đã thực sự đồng nhất, với những
"hoài vọng, những ngây thơ vụng về đến trở thành ngớ ngẩn, mù loà, và
cuối cùng là những ảo tưởng bị tan vỡ", của những thời kỳ hiện đại.
Wat sinh vào May Day, 1900, tại Warsaw. Gia đình Do-thái trung lưu. Cha
mẹ là những người Ba-lan ái quốc, tuy ngôn ngữ thứ nhất của họ là tiếng
Nga. Một trong những hình ảnh mà ông còn nhớ được về người cha, và một
trong những người chị, là bữa họ trở về, thân thể bầm nát, đầy máu me,
sau một cuộc biểu tình chống Nga-xô, vào năm 1905. Những năm sau,
thường xuyên bị tra vấn, ông nghĩ sao về chính mình, Do-thái hay
Ba-lan, "phần nào nhiều hơn", Wat coi câu hỏi là "phiến diện": "Tôi
không bao giờ cảm nhận về mình, là Dothái-Balan hay Balan-Dothái... Tôi
luôn luôn thấy tôi như là một Dothái-Dothái, và Balan-Balan. Ông tin
tưởng trách nhiệm đạo đức chính của ông là "đưa ra một giải đáp triết
học về hiện tượng quyết định bước đi của thế kỷ bị đọa đầy, qua những
phương tiện "nguyên sơ đến ngỡ ngàng, hoảng sợ". Wat mong muốn, ông
giải thích, "nhẩy múa trên những điêu tàn... chà sát ngôn ngữ thành
mùn, để tạo từ; như vậy những âm tiết của chúng sẽ làm nên một "idiom"
mới, cho làn da trần trụi, của một người. Bài thơ xuôi dài Dadaist của
Wat, "Me from One Side and Me from the Other Side of My Pug Iron
Stove", khi Wat mới 18 tuổi, được Venclova coi như "cuộc chiến của ông
chống lại nghĩa" (his war against sense), và là một trong những bài
viết tiền phong, cơ bản nhất thời kỳ này, xác nhận đánh giá của
Vladimir Mayakovski: Wat là một "Nhà thơ Vị lai bẩm sinh."
Nhưng Chủ nghĩa Vị lai Ba-lan, tự thân, chẳng mấy chốc bị nhận chìm bởi
những ảnh hưởng từ bên ngoài. Một trong những ảnh hưởng đó, là trò thờ
phụng, sùng bái mang tính thời thượng, sự hung bạo. Ở Tây-phương, ảnh
hưởng này đẩy các nhà thơ tới chủ nghĩa phát xít. Ở Ba-lan, nó được đại
diện bởi những trò ác độc, tàn nhẫn của Cách mạng Bolshevik. Các nhà
thơ bắt đầu nghiêng về phía tả, vào những năm 1920. Jasienski là một
trong những người đầu tiên: "Chúng ta sẽ dí nát mọi thứ dưới đôi bốt
của chúng ta, (kể từ khi chúng ta) đẹp, bao la như trời biển, và mang
chất người." Ông di cư sang Liên-xô, và cùng với rất nhiều bạn thân của
Wat trong phong trào CS Ba-lan trước chiến tranh, bị sát hại bởi
Stalin.
Chính Wat cũng bị mê hoặc bởi ý tưởng "Sự hung bạo thanh hóa" của Cách
Mạng, và giấc mơ về một nền văn học mới, vô sản. Nếu ông, sau cùng
không gia nhập đảng CS (thẻ đảng viên chính thức của ông cho đến giờ
vẫn là một nghi vấn), cho dù vậy, ông đã là một bạn đường nhiệt thành -
một tâm hồn bị vây khổn, "captive mind", theo nghĩa được diễn tả bởi
Milosz.
Vào cuối thập niên 1920, Wat là một khuôn mặt nổi tiếng ở Warsaw. Ông
đã cho xuất bản "Lucifer Thất nghiệp", và đã kết hôn với Paulina Lew
(Olga). Bà là nguồn an ủi, và hỗ trợ ông suốt cuộc đời còn lại. Năm
1929, ông là chủ biên tờ báo CS mới "Literary Monthly". Mặc dù khuynh
hướng sùng bái chủ nghĩa Stalin, tờ báo rất được ưa chuộng giữa đám trí
thức căn bản Ba-lan. Đây là những năm hạnh phúc của Wat, với Olga, với
công việc làm. Ông càng cảm thấy mình "thành công", khi tờ báo trở
thành một "điểm nóng" đối với nhà cầm quyền, nhưng chẳng được bao lâu,
Wat và cả đám bạn bè bị tống vào tù vì phơi bầy chuyện tra tấn trong
những nhà giam Ba-lan. Họ trở thành anh hùng. Trong nhà tù, Jan Hempel,
bạn của Wat, mắt sáng rỡ khi loan tin: "Anh biết không, hai lò luyện
sắt bị cháy hôm nay, ở Magnitogorsk!". (Vài năm sau, đến lượt ông ta,
bị bắn trong nhà tù Xô-viết).
Rồi tờ báo bị đình bản, liên hệ của Wat với Đảng CS yếu đi dần. Chi
tiết về sự vỡ mộng của ông không rõ rệt. Nhưng trên hết, Wat chắc hẳn
đã được biết, và lúc đầu chắc chẳng muốn tin, trong thời gian 1937-38,
khi cuộc thanh trừng lên đến cao điểm, Stalin đã hạ lệnh tàn sát tập
thể chừng 5,000 đảng viên CS Ba-lan bị lưu đầy tại Liên-xô, trong có cả
tầng lớp lãnh đạo, và rất nhiều bạn thân của ông. Wat càng trở nên "u
ám" hơn, vì chính sách của Xô-viết với nước Đức của Hitler, trước khi
hiệp ước bất tương xâm được ký kết vào năm 1939.
Khi Hitler xâm lăng Ba-lan, vào tháng Chín 1939, Wat chạy thoát tới
Lwów, với Olga và con trai Andrzej. Lwów trở thành thủ đô của "Western
Ukraine", chẳng mấy chốc bị sát nhập vào Liên-xô, trong khi Hitler và
Stalin tuyên bố xóa sổ nhà nước Ba-lan. Tiếp theo đó là "tận điểm"
trong đời Wat. Lwów tràn ngập những gia đình tị nạn Ba-lan, trong có
nhiều nhà văn, nhà báo Warsaw. Những ông chủ mới Xô-viết chơi trò mèo
vờn chuột với tầng lớp trí thức Ba-lan, ép buộc họ thừa nhận và hỗ trợ
chính quyền mới. Một số, tuyệt vọng vì sợ, chịu theo. Một số khác, nhìn
ra "số phận sau cùng của chuột", từ chối. Wat, cùng với một số nhà văn
nổi tiếng như Tadeusz Boy-Zelenski và Wladyslaw, đã ký vào một bản
tuyên bố "nhục nhã", và bằng lòng làm việc cho "Băng Đỏ", một tờ báo
Ba-lan của chính quyền. Venclova cho chúng ta thấy một đoạn trong bản
tuyên bố: Nhân dân thợ thuyền Tây-Ukraine, đã từng rên xiết bao thập kỷ
dưới sự áp bức của đám chủ đất Balan và bọn tư bản, chỉ còn một quyết
định độc nhất. Với hăng say, và niềm tự hào, họ tuyên bố ước muốn của
họ, được sống dưới Định Chế của Stalin, trong gia đình hợp nhất, cùng
nhân dân Xô-viết hạnh phúc! Nỗi tủi hổ về những tháng đó đã bao trùm
lên hết suốt quãng đời còn lại của ông. Và niềm ăn năn về tội lỗi.
Sau đó là bắt bớ. Trường hợp bị bắt của ông y hệt như một xen kịch,
khủng khiếp và "tiếu lâm", kiểu Shakespeare. "Bạn" của ông, Daszewski,
mời ông và Olga đi ăn tối, tại một nhà hàng với một số nhà văn Ba-lan.
Một người lạ bước tới bàn, được chủ nhân giới thiệu, đây là "nhà sử học
về nghệ thuật Xô-viết". Tới một lúc nào đó, nhà "nghệ sử" túm lấy một
thực khách, và tung hê bàn ăn. Một bầy côn quang, côn đồ vạm vỡ từ đằng
sau những bức màn túa ra tấn công những người khách khác. Wat bị kéo ra
xe, khi đó ông đã gần như bất tỉnh. "Bạn" của ông len lén "chuồn" mất.
Olga nhìn thấy cảnh sát dẹp đường cho anh ta.
Gần hai năm, bà không nhìn thấy mặt chồng. Trong mấy tháng đầu, Wat bị
nhốt, chen chúc với 28 bạn tù khác, trong một phòng giam nhỏ hẹp tại
nhà tù Lwów. Vào mùa thu năm 1940, ông bị chuyển tới nhà tù Lubyanka, ở
Moscow. Tại đây, ít ra ông cũng được ăn uống ra hồn, và được hỏi cung
đàng hoàng. "Tội ác" của ông sao chẳng rõ, số phận của ông cũng vậy.
(Theo Susan Miron, tác giả bài điểm sách của Venclova, trên tờ Partisan
Review, số 1, 97, ông bị tố cáo là Zionist, Trotskyite, và cho đủ bộ,
"điệp viên" của Vatican!).
Sau khi Hitler xâm lăng Xô-viết, nhà tù được di tản vào tháng Bẩy 1941,
và một lần nữa Wat lại thấy mình ở trong nhà tù chính Satarov. Tình
trạng của ông lúc này thật thảm hại, đói, bịnh, và chỉ mong quân đội
Đức tấn công đưa tới chuyện mật vụ Nga, cơ quan NKVD sẽ bắn bỏ tất cả
những tù nhân, trước khi bỏ chạy.
Chính tại đây, ông đã cải đạo.
Wat đã cố gắng giải thích cho Milosz về chuyện này: Một đêm, yếu như
sên, và lên cơn sốt do viêm ruột, ông nghe thấy Quỷ cười vang, bên
ngoài hành lang nhà tù. Một tiếng cười lớn, thô, tới rồi đi, rồi tới
gần hơn nữa. Sau đó Satan đi vào phòng giam của ông, "một con quỷ có
sừng, con quỷ từ opera". Wat hiểu "đại khái", đây là "quỷ lịch sử" (the
devil in history), nhưng "tôi cảm thấy một điều gì khác nữa. Uy nghi
của Chúa (God) đang trải dài lên lịch sử... Trần nhà giam được nâng
bổng và trên cao kia, trên tất cả, là Chúa". Sau đó, ông nhận ra là do
ông mê sảng, và tiếng cười, thực sự chỉ là tiếng còi báo động phòng
không của một con tầu tuần hành trên sông Volga. Nhưng mặc khải, và
niềm tin, từ đó không rời ông.
Ít lâu sau, ông được tha, rồi tái hợp với Olga và con trai. Sau tới
thời gian ở Alma-Alta, và lần giam giữ sau cùng, ở Kazakh. Nhưng ông
bắt đầu viết lại. Vào năm 1942, tháng Giêng, ông làm bài thơ "Những cây
liễu ở Alma-Alta". Bài thơ không hiểu sao "trôi dạt" về tới quê hương
Ba-lan, được in lại trên báo chí "dưới hầm", thời gian Nazi chiếm đóng.
Mặc dù những chi tiết, những references riêng tư, thế hệ trẻ Ba-lan đã
vồ lấy nó, và thuộc lòng:
Liễu, ở đâu mà chả có liễu
Đẹp như thơ như tranh
Ôi liễu, ở đây, Alma- Alta.
Nhưng làm sao tôi quên được,
liễu chết, nơi phố xưa, Rozbrat,
Liệu liễu xinh, mượt tay tôi,
làm quên liễu chết.
Núi, ở đâu mà chẳng có núi
Trước mặt tôi, Thiên Sơn giương cánh buồm,
tím, chút ánh sáng phù du, đá mầu,
nhạt nhòa dần rồi biến mất
Nhưng làm sao tôi quên được đỉnh Tatry,
xa quá là xa
Ôi dòng suối Biala,
tôi và con từng tưởng tượng
những chuyến giong buồm rực rỡ
Hai cha con đều được chúc phúc
bằng nụ cười thầm lặng của vị nữ chủ tốt lành của chúng tôi -
hãy để tôi biến thành đá núi Tian Shan
Làm sao quên bạn, nơi đây,
làm sao quên chốn xưa,
Ôi, quê hương của tôi
Đêm Warsaw,
mưa, cổng về,
người ăn xin vươn dài tay qua cổng,
con chó cắn rách áo
Hãy ngủ đi Jedrus...
Tôi vươn tay sầu muộn
như liễu khóc Ba-lan...
Làm sao quên Warsaw, chiến đấu
Ôi Warsaw, tạo bằng máu
If I forget Thee
If I forget Thou
"Đằng sau sự bệnh hoạn của tôi, là con quỷ CS chủ nghĩa", Wat đã từng
tuyên bố với Milosz. Nhà phê bình Stanislaw Baranczak nhìn ở ông như sự
nhập thân hiện đại của Job, "không phải bởi vì ông đau khổ hơn hàng
triệu nạn nhân khác, nhưng bởi vì ông khăng khăng tìm cho ra nguồn cơn
nỗi đau của mình". Như nhận ra, bằng tính cách tiên tri, chức năng thi
ca của ông, trong "Thế kỷ của tôi", Wat giải thích, "làm một thi sĩ
không có nghĩa là viết nên những câu thơ, mà là một cách thế đặc thù
"kinh nghiệm toàn-kinh nghiệm", trong đó bao gồm những việc làm của
lịch sử...
"Chính trị", ông than thở, "là số mệnh của chúng ta. Trong cơn bão tố
chính trị, chúng ta trú ẩn ở mắt bão, trên chiếc thuyền mỏng manh là
thi ca...".
(Theo bài viết của Neal Ascherson, trên The New York Review of Books,
Nov 28, 96, và bài viết của Susan Miron, tạp chí Partisan Review, số 1,
1997).
Nguyễn Quốc Trụ