Giới Thiệu
Những cuốn
sách được đưa lên bảng
phong thần cuối cùng, trước khi quăng vào lửa.
Dernier
inventaire avant liquidation
nhà xuất
bản Grasset 2001
Năm muơi
cuốn sách của thế kỷ, do bạn chọn, nhưng Frédéric Beigbeder: làm công
việc của Thánh Thán.
Đứng đầu
bảng là cuốn
Kẻ Xa lạ của Albert Camus.
Le n° 1 de ce classement des 50 livres
du siècle, choisis
par le vote de 6 000 Francais, n'est pas moi mais je m'en fous, même
pas vexé,
je serai dans le «Premier Inventaire » du XXI siècle, non ? Non plus ?
II faut souligner que notre grand
vainqueur rassurera les
paresseux : un roman très court (123 pages en gros caractères). Pas
besoin de
se fatiguer : on peut donc écrire un chef-d'oeuvre sans noircir des
milliers de
pages comme Proust. Chef-d'oeuvre que nous pouvons lire en une
demi-heure...
Cái ngôi vị số dzách, năm bơ oăn, của
Bảng Phong Thần Cuối
Cùng này, gồm 50 cuốn, thuộc về Kẻ Xa Lạ
của ông Tây thuộc địa Albert Camus, và là do 6000 độc giả Tây chọn. Tuy
không
được cái hân hạnh đó, nhưng tôi đếch cần. Cũng chắng vếc xê vếc xiếc gì
hết
trơn hết trọi. Biết đâu nhờ vậy, tôi sẽ có tên trong Bảng Phong Thần
Đầu Tiên
của thế kỷ 21. Tại sao không?
Phải nhấn mạnh một điều là kẻ chiến
thắng vĩ đại này rất
được lòng phái... nữ - ấy chết xin lỗi - mấy tướng đại lãn, hay nói
theo người
miền bắc, lười chảy thây ra: đây là một cuốn tiểu thuyết rất ngắn, 123
trang,
chữ bự tổ trảng... Đâu cần phải bôi đen hàng ngàn trang giấy mới đẻ ra
được một
đại tác phẩm, như Proust...
[Kẻ Xa Lạ đã đuợc Jennifer Tran giới
hiệu trên VHNT, qua bài
viết Bữa nay mẹ tôi mất]
Số 2: Đi tìm thời đã
mất của Proust.
Số 3: Vụ Án
Cuốn Vụ Án của Kafka
số 3, trong Bảng Phong Thần Cuối Cùng
trước khi dâng hiến tất cả cho lò thiêu. Đây là kết quả cuộc bỏ phiếu
của sáu
ngàn độc giả Pháp, lựa chọn 50 cuốn sách của thế kỷ vừa qua, và được
bình bởi
Frédéric Beigbeder.
Tại sao số 3?
Có lẽ vì tam sinh vạn
vật.
Frédéric Beigbeder
thì cho rằng, có lẽ tại tĩnh từ
“kafkaien” mà ra. Nó nói lên, phận người, tức nỗi sợ… sắp hàng tại một cơ quan nhà nước, thí dụ như phòng xuất
cảnh chẳng hạn, và khi tới lượt thì chẳng có tên mình:
-Sao, ông nói sao?
Tôi không phải số... 3 hả? Xin ông coi
lại hồ sơ giùm. Tôi số 3 mà, chắc chắn có sự nhầm lẫn ở đây, tôi chắc
chắn có
tên trong danh sách chuyến bay… HO này mà!...
Đó là nỗi sợ con quái
vật bàn giấy (angoisse
bureaucratique), là cái phận người tủi hổ “như một con chó”, “sự tủi hổ
sống
dai hơn tôi”, của Joseph K, nhân vật chính trong Vụ Án.
Joseph
K. là một nhân
viên nhà băng, ít nói, độc thân, cả đời chưa từng đòi hỏi ai bất cứ một
điều
gì, một bữa bị những nhân viên nhà nước ăn mặc đồng phục bắt. Họ nói,
anh sẽ bị
đưa ra tòa xử, Nhưng anh có làm chuyện gì đâu! Đâu cần làm, và thế là
cả thành
phố đều biết. Người ta thả lỏng anh, nhưng lúc nào cũng có người trông
chừng…
Liệu có thể coi, Vụ
Án là một thứ tiểu thuyết luận đề, chính
trị tố cáo chủ nghĩa toàn trị? Có thể, nhưng hơn thế, đây là một thứ
“chống lại
phận người”, theo nghĩa: vào đời nghĩa là vào với tra tấn và tử vong.
Vụ Án
chẳng tha một ai trong số chúng ta.
Trong một tác phẩm
mới đây, Pierre Dumayet viết, một cách ngồ ngộ, rằng “Với Kafka, sự
nhục nhã,
tủi hồ chính là ‘phong cảnh quê ta’ [“chez Kafka, l’humiliation est un
paysage”]. Nhưng, ‘may mắn thay’ với Kafka, còn là những câu chuyện
hài, và
chính cái hài này, “nó” cứu rỗi. [Ở Việt Nam, bạn có thể tìm thấy cái
chất hài
này, qua những câu chuyện có tí hiện thực ma tuý - huyền ảo thì cũng
rứa - thí
dụ như của Hồ Anh Thái, hoặc loại chuyện thiếu nhi dành cho người lớn,
như
truyện dài “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần, hiện
đang đăng
từng kỳ trên Talawas, hoặc thứ phê bình văn học kiểu cà chớn của Trần
Đăng Khoa
chẳng hạn]: nên nhớ, Kafka đã từng đọc bản thảo cho bạn bè nghe, và vừa
đọc,
vừa cười ngặt ngẽo [en hurlant de rire, chữ của Frédéric Beigbeder). Từ
đó,
chúng ta hiểu được, không phải Thượng Đế, mà là con người, bị kết án
phải cười.
Với Kafka, tất cả những câu chuyện buồn tủi nhục nhã khốn khổ của ông
(Vụ Án và
luôn cả Toà Lâu Đài, và Hoá Thân) đều là những câu chuyện tiếu lâm to
tổ bố,
grosses farces, vẫn chữ của Frédéric Beigbeder. Theo ông này, Kafka đi
trước
đám Tiểu Thuyết Mới ở Tây cả nửa thế kỷ, 12 chương của Vụ Án được viết
bằng một
thứ văn gẫy đoạn, người ta có thể nói, của Nathalie
Sarraute.
Vụ Án còn là một thứ
chuyện “Liêu Trai” có tính tiên tri (un
fantasme prophétique), như rất nhiều cuốn sách khác ở trong Bảng Phong
Thần
Cuối Cùng. Cuốn tiểu thuyết được in và xuất bản vào năm 1925, nhưng
Kafka đã
viết nó mười năm trước, tức là năm 1914, trước khi có cuộc cách mạng
Nga, Cuộc
Đệ Nhất Thế Chiến, chủ nghĩa Quốc Xã Nazi, chủ nghĩa Stalin: thế giới
được miêu
tả ở trong cuốn sách, chưa hiện hữu, chưa “đi vào hiện thực”. Vậy mà
ông nhìn
thấy! Liệu có thể coi ông là Ông Thầy Bói Nostradamus của thế kỷ 20?
Không phải
vậy: cái thế kỷ có tên là Goulag đó chỉ là một đứa trẻ ngoan ngoãn tuân
theo
lời phán bảo của ông thầy của nó, mà thôi.
Ở đây, là một giả
thuyết, nghe đến rởn tóc gáy lên được, và
cũng hoàn toàn có tính Kafkaien: Liệu tất cả những trò kinh tởm của thế
kỷ:
chiến tranh lạnh, những chuyện đấu tố, luôn cả bố mẹ, hiện tượng con
người có
đuôi, lò thiêu, trại tập trung cải tạo, Solhzenitsyn, Orwell…. tất cả
là đều
nảy sinh từ cái đầu của một anh chàng làm cho một công ty bảo hiểm ở
Prague?
Liệu hàng triệu triệu con người chết đó, là để chứng minh cho sự có lý,
của một
cái đầu chứa đầy những ác mộng?
Bông Hồng số 4.
Yêu không phải là
nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng.
Saint-Exupéry.
Le
sens
trop précis
rapture la vague litérature.
[Cái nghĩa quá rạch
ròi làm hại cõi văn mơ mòng] (1)
Nước
Pháp phát minh
ra tôi. Tôi đâu có hiện hữu. Caillois làm cho tôi được nhìn thấy. Than
ôi,
thiên hạ nhìn thấy ông ta rõ quá!
[Borges viết về Roger
Caillois, người giới thiệu ông với độc
giả Pháp và sau đó, thế giới].
Trong
bảng phong thần
cho những cuốn sách cuối cùng, trước khi cúng bà hoả [Dernier
inventaire avant
liquidation], tác giả Frédéric Beigbeder chỉ chọn được 50 cuốn. Đứng
đầu bảng
là cuốn Kẻ Xa Lạ của Camus. Ông Hoàng Nhỏ của Saint-Exupéry, số 4.
“Làm
ơn vẽ cho tôi
một đại tác phẩm. Làm ơn chỉ cho tôi số 4 trong Bảng Phong Thần Cuối
Cùng” là
cuốn nào?
‘Ông
Hoàng Nhỏ của
Saint-Exupéry [1900-1944] là câu chuyện thần tiên độc nhất của thế kỷ
20. Thế
kỷ 17 người ta có chuyện cổ tích của Perrault; thế kỷ 19, của Andersen.
Tới thế
kỷ 20, người ta có Ông Hoàng Nhỏ, một cuốn sách được viết bởi một ông
phi công
người Pháp lưu vong tại Huê Kỳ từ năm 1941 tới 1943. Cuốn sách được in
ấn tại
đó, trước khi được xuất bản tại Pháp vào năm 1945, một năm sau khi tác
giả mất.
[Do kỹ thuật in ấn của ông Tây quá tệ, bản tiếng Tây do đó đã phải giữ
y chang
những bản vẽ trong bản in lần đầu bằng tiếng Mẽo]. Từ khi xuất hiện
cuốn sách
có hình này đã trở thành một hiện tượng trong ngành in ấn, mỗi năm phát
hành
chừng vài triệu cuốn trên toàn thế giới.”
"Tại sao? Bởi vì,
không cố tình [làm ra vẻ ngây thơ]
Saint-Exupéry đã sáng tạo ra những nhân vật ngay lập tức trở thành
huyền tượng
[figures mythiques].”
Người
ta có thể cho
cuốn sách một cái tên khác, là, ‘Đi tìm một đứa trẻ thất lạc’, Frédéric
Beigbeder đề nghị. Bởi vì theo ông, “tác giả cuốn sách luôn nhắc tới
‘những
người lớn’ nghiêm túc, biết suy nghĩ điều hơn lẽ thiệt, và bởi vì cuốn
sách
không thực sự nhắm tới những đứa trẻ mà là tới những người tin rằng họ
không
còn trẻ nữa. Đây là một ‘pamphlet’ [bài văn đả kích] chống lại tuổi lớn
và
những con người hữu lý [rationnel], được viết bằng một thứ thơ ca dịu
dàng, một
minh triết giản dị [une sagesse simple] (Harry Potter, hãy về nhà với
mẹ của mi
đi!), và với một sự ngây ngô giả vờ, giấu ở bên dưới sự ngốc nga ngốc
nghếch
đó, là một cái hóm hỉnh và một nỗi buồn thê lương.”
Đi
tìm một đứa trẻ đã
mất. Khi đặt tên lại cho cuốn sách như trên, theo tôi [NQT], tác giả
Bảng Phong
Thần Cuối Cùng, bởi vì là người Pháp, nên đã “vơ vào”, nghĩa là muốn
nhắc tới
Proust, một ông Tây khác, tác giả Đi Tìm Thời Gian Đã Mất.
Nhưng còn một lý do
nữa, là chính cái chết của Saint-Exupéry
đã khiến bật ra cái tên thứ nhì này. Tác giả Phong Thần Bảng cho thấy,
như rất
nhiều nhà văn khác, thí dụ như Lewis Carroll, Saint-Exupéry thuộc thứ
tác giả
không chịu già: vài tháng sau khi Ông Hoàng Nhỏ được xuất bản, tác giả
của nó,
lúc đó 44 tuổi, bèn lên máy bay, làm một phi vụ thám sát [mission de
reconnaissance] bên trên vùng trời Địa Trung Hải, và biến mất như nhân
vật của
mình…
Saint-Exupéry là một
tác giả quá quen thuộc với những tác
giả, luôn cả độc giả, và luôn cả học trò người Việt: ở Sài Gòn, trước
1975 có
một trường học mang tên ông. [Tôi không hiểu bây giờ còn không.] Ở
ngoài bắc
không biết sao, chứ ở miền nam, không chỉ nhà văn, mà gần như tất cả
lớp tuổi
choai choai đều thuộc nằm lòng câu của Xanh Tếch: Yêu không phải là
nhìn nhau
mà là cùng nhìn về một hướng. Cả hai cuốn Ông Hoàng Nhỏ và Cõi Người Ta
của ông
đều được Bùi Giáng dịch. Chúng ta có thể đoán mò, rằng những người như
Xanh
Tếch, Bùi Giáng đều có một điểm chung,
là, trong con người của họ, có một phần nào đó nhất định không chịu ...
lớn, và
như thế, rất thích làm bạn với Ông Hoàng Nhỏ.
Trong lần về Việt
Nam, nói chuyện bên “chén riệu” [ly rượu]
với mấy anh em cũng dân viết lách, tại nhà một ông cũng “có một nỗi
buồn thê
lương”, nhân câu chuyện PXN còn nóng hổi, TTĐ gật gù, “Nhầm Ông Hoàng
Nhỏ với
Cõi Người Ta là một sơ suất nặng!”
Chúng ta tự hỏi tại
sao lại có sự lầm như thế.
Không lẽ cứ buông một
câu, tại dốt, tại không đọc!
Với một tác giả xa
lạ, có thể, nhưng với “Xanh-Tếch”, như
cách gọi thân mật của người Việt dành cho ông, ở một xứ sở tuy “người
Pháp đã
ra đi, nhưng nước Pháp ở lại" [Malraux], chuyện không đơn giản.
Vậy thì, tại sao?
******
Mất tích giữa những
vì sao
Antoine de
Saint-Exupéry thuộc thế hệ hào hùng của ngành
hàng không, và trong cuốn tiểu thuyết Bay Đêm, ông đã tạo ra huyền
thoại về nó.
Làm vậy, ông trở thành một huyền thoại, và có thể đây chính là điều ông
hằng
mong muốn, rằng cuộc đời của mình sẽ được như thế. Cuốn tiểu sử của
ông, do
Marcel Migeo viết, muốn tách người thực việc thực ra khỏi điều kỳ dị,
và tác
giả đúng là người làm việc này. Ông bạn của Saint-Ex, khi cùng học bay
tại
Neudorf, gần Strasbourg, hai năm sau khi Thế Chiến I chấm dứt. Thời kỳ
“giác
đấu” đã qua, và đây là thời đại dân sự, với những chuyến bay, tuy không
còn
mang tính giác đấu, nhưng cũng chẳng kém nguy hiểm: những chuyến thư
bay, như
tên gọi của một cuốn sách của Xanh-Tếch chỉ rõ: Chuyến Thư Miền Nam.
Thời kỳ
này còn bay bằng la bàn, bản đồ, và bằng… mắt, chưa có la-dô, vận tốc
tối đa là
100 dặm/giờ, và mỗi chuyến bay không quá ba giờ. Máy bay khởi động cứ
như hai
xe hơi đụng nhau. Mức độ thiệt hại, kể luôn mạng người, là “căng” lắm!
Xanh
Tếch, trượt École Navale, bèn nhẩy vô The Line, tiền thân của Air
France, khi
đó đang thực hiện những chuyến thư bay từ Toulouse tới Dakar, và tính
mở rộng
tới Nam Mỹ. Ông đụng một hiểm nguy khác nữa: phi cơ thường bị trục trặc
phải hạ
cánh nơi sa mạc, và phi công trở thành mồi cho những bộ lạc người Moor,
bị tra
tấn hành hạ, và sau đó, hoặc bị giết, hoặc trở thành con tin đòi tiền
chuộc
mạng. Chuyện xẩy ra thường xuyên đến nỗi phi công, thay vì kéo theo một
ông thợ
máy, bèn xin một thầy thông ngôn rành tiếng “mọi”! Sau một năm bay,
Xanh Tếch bèn
làm một ông trưởng đồn, ở giữa sa mạc, vừa lo việc đổ xăng cho phi cơ,
vừa giúp
phi công cái việc thông ngôn, chính vì vậy mà người Pháp thường so sánh
ông với
người hùng sa mạc Lawrence d’Arabia [T.E. Lawreence].
Saint-Exupéry là
“thứ” người gì? Huyền thoại thứ nhất về
ông, ở trong cuốn tiểu sử nói trên, theo đó, ông là một trong những phi
công
lớn lao, và là một người mà bay là một thiên hướng. Huyền thoại này thì
cũng dễ
“giải hoặc”, và là do thiên hạ quá mê những cuốn như Bay Đêm hay Chuyến
Thư Miền
Nam mà ra. Theo ông bạn của ông, tức tác giả cuốn tiểu sử, Xanh Tếch là
một phi
công nhà nghề, tài năng, nhưng cũng rất ư đãng trí, không khoái chú tâm
vào bất
cứ chuyện gì. Ông còn là một người không có chút ý niệm nào về thời
gian. Cẩu
thả nữa. Có lần, ông rời phi cơ, không đóng cửa phòng lái, và để gió
quất sụm
chiếc máy bay. Những chuyến bay dài của ông, từ Paris đi Sài Gòn, hay
từ Nữu
Ước đi Patagonia, do đó, thường không được sửa soạn chu đáo, và trở
thành thảm
họa. Ngồi trong phòng lái mà trí ông bỏ đi lang thang, Trước hết, và có
thể
trên hết, ông là nhà văn, và ông coi cái nghề bay, như là một cách vượt
ra cõi
đời thường làm ông chán ngán, bực bội. Bay là một giải phóng tinh thần
đối với
ông.
Dáng người cao và
thon, [bạn học gọi ông bằng biệt hiệu “Kều
Mặt Trăng”]. Dòng dõi quí phái, nhưng nghèo, bố mất sớm, nhưng không có
gì liên
quan tới huyền thoại tuổi thơ khó khăn vất vả. Họ hàng bà con giầu có
không bỏ
ông, ngoài ra còn bà mẹ mà trong nhiều năm, mà trong nhiều năm, ông tha
hồ nã
tiền, sống như một “ông hoàng nhỏ” [một số bạn coi ông là một tay
“snob”, những
ngày đầu học bay]. Nhờ ảnh hưởng của Henri Guillaumet, một phi công mà
ông coi
như là thần tượng, và nhờ “The Line”, tính
tình của ông thay đổi. Hết lòng với bạn bè, với
tinh thần của nhóm,
ông bắt đầu để tâm đến chuyện này chuyện nọ, và nhận ra ý thức về trách
nhiệm,
một sự bám trụ - a gravity – như thế là rất cần thiết cho trí tưởng
tượng bộc
phát.
Danh tiếng, như là
một nhà văn, cộng
thêm thành tích xây
dựng “cơ sở” cho hãng tại Nam Mỹ, ngần ấy thứ không thể cứu ông, bị đá
văng ra
khỏi “The Line”, khi nó sắp xếp, tổ chức lại công việc làm ăn, vấn đề
nhân sự.
Tuần trăng mật với bạn tình, tức phiêu lưu mạo hiểm, kể như xong. Ông
bèn bước
vào quãng đời mới tinh của mình, như là một tay nhà báo, nhà làm phim.
Ông gọi
đây là “thời kỳ xanh”. Người ta thấy “chàng” ngồi Quán Chùa - ấy chết
xin lỗi –
quán “Les Deux Magots”, hoặc Givral - ấy chết xin lỗi – quán Lipp, tại
đường Tự
Do, Sài Gòn - ấy chết xin lỗi - tại Paris; lơ đãng nhìn buổi sáng bắt
đầu, tự
hỏi không biết bữa nay cô bạn có giờ học ở Văn Khoa hay không, thỉnh
thoảng
loáy hoáy ghi sổ tay, tự nhủ thầm, mình
mới ba mươi tuổi, còn “xoan” chán!
Những
ghi chú nho nhỏ như thế,
những mẩu viết tình cờ như
thế, sau gom lại, biến thành “Những Ngày Ở Sài Gòn” - ấy chết xin lỗi -
biến
thành “Cõi Người Ta”, Terre Des Hommes, [hình như được dịch qua tiếng
Anh với
tựa đề Gió, Cát, và Những Vì Sao], một tác phẩm sáng chói, nhưng cũng
đầy những
nét làm dáng, đã đem đến cho tác giả giải thưởng của Viện Hàn Lâm, ấy
là ở Tây
Phương, còn ở Mẽo Phương, nó đem đến cho ông một tài sản (a fortune),
nhưng ông
đâu thèm quan tâm tới thứ đó! Thời gian này, ông lấy vợ, là một goá
phụ, người
Ác hen ti nà, xăng xái, sống động, như
một con chim, nhưng hoá ra là một người đàn bà đoảng đủ thứ, sau nhiều
cú
thượng cẳng chân hạ cẳng tay, theo kiểu yêu nhau lắm cắn nhau đau, họ
thường
xuyên xa nhau, [bài này dựa theo bài viết cùng tên của nhà phê bình
V.S.
Pritchett, trong The Complete Essays, nhà xb Chatto & Windus,
London, 1991.
NQT.] Như tác giả cuốn tiểu sử cho biết, nhà văn của chúng ta “cần” một
loại
hình đàn bà như vậy làm vợ, bởi vì một cuộc hôn nhân như thế thoả mãn
điều gọi
là nỗi âu lo, ngần ngại (inquiétude) của bất cứ một nhà văn!
Khi xẩy ra Cuộc Thế
Chiến Thứ Hai, Xanh Tếch xấp xỉ bốn
chục. Can trường, ông xung làm phi công lái máy bay thám thính, trên
những vùng
trời đang có những cuộc tiến quân của Nazi. Sau khi Pháp thất thủ, ông
tính qua
Nữu Ước. Trên đường bôn tẩu, khốn khổ thay, ông dừng lại Vichy, gặp một
tay
cộng tác viên với kẻ địch nổi tiếng, Drieu La Rochelle, và bị liên lụy
bởi rất
nhiều điều vu khống mà rất nhiều người Pháp đã gặp phải trong thời kỳ
nhiễu
nhương như vậy. Ông vốn không hẩu với tướng De Gaulle, mà ông nghĩ
rằng, đã kêu
gọi nước Pháp “làm một cuộc chiến tranh nồi da nấu thịt”, và ông bị
buộc tội là
một người theo Pétain [người cầm đầu nước Pháp theo Nazi lúc đó] Tác
giả cuốn
tiểu sử thuyết phục được người đọc, rằng làm gì có chuyện đó. Khi De
Gaulle từ
chối không giao cho ông bất cứ một nhiệm vụ nào trong thời gian có
chiến dịch
Bắc Phi, ông bèn theo lực luợng Hoa Kỳ vào Phi Châu, và sau khi chạy
chọt, được
thương tình giao cho trách nhiệm lái phi cơ thám thính chụp hình ảnh
bên trên
vùng trời nước Pháp bị chiếm đóng bởi Nazi. Tính không chú tâm vào bất
cứ
chuyện gì của ông thế tiếp tục, rất nhiều lần, ông quên không hạ thấp
máy bay,
trong một chuyến đi như thế, ông quên luôn cả chuyện trở về, và người
ta cho
rằng máy bay của ông bị bắn hạ ở giữa Nice và Corsia. Một nhân viên
tình báo
người Đức vốn rất mê Xanh Tếch cung cấp chứng cớ theo đó, máy bay của
ông bị
bắn hạ bên ngoài Corsia, nhưng M. Migeo [người viết tiểu sử ông] cho
rằng, có
hai người đàn bà nhìn thấy hai phi cơ bắn nhau trên vùng trời Nice, và
họ là
những chứng nhân tận mắt cái chết của ông. [Người viết bài này, cũng đã
lâu,
được đọc một bài báo, theo đó, người ta đã tìm thấy hài cốt của ông,
nhờ thẻ
bài, tại một bãi biển nào đó, nhưng đã sơ ý không ghi lại].
Số 6:
Đốt Đuốc Chơi
Đêm
Voyage Au Bout De La
Nuit
Đốt Đuốc Chơi Đêm,
hay là Cuộc Chơi Tới Tận Cùng Của Đêm
Đen, của Louis-Ferdinant Céline (1894-1961), là một đại tác phẩm mang
tính cách
mạng số một của thế kỷ chúng ta. Khi đem đến cho nhà xuất bản Denoel,
tác giả
tin chắc như bắp về tương lai huy hoàng của đứa con của ông: Nó sẽ đợp
giải
[văn chương số một của Pháp] Goncourt, và sẽ trở thành thức ăn cho cả
một thế
kỷ văn chương của chúng ta.
Chỉ đúng có một nửa.
Không ai dám cho nó giải thưởng văn
chương số một của Pháp cả. Như thể họ tiên đoán được số phận, không
phải của
tác phẩm, mà là của tác giả: một nhà văn phát xít, thù hận Do Thái.
Nhưng nhằm nhò gì ba
chuyện đời tư, ba chuyện chính kiến. Cứ
đốt đuốc chơi đêm cái đã.
[Gấu tôi sẽ để riêng
ra, và sẽ bàn sau, khi nào có dịp, về
tính”phát xít”, bài Do Thái của Céline. Và chỉ bàn về cuộc chơi suốt
đêm của
Céline]
Có
vài cuốn sách thật
khó giải thích, ấy là về chuyện, chẳng biết chúng từ xó xỉnh nào đột
ngột xuất
hiện. Nhưng khi đọc, độc giả thật tình muốn quì xuống mà cảm ơn số phận
may mắn
của mình, đã được đọc chúng, và tự hỏi, làm sao thế giới loài người này
có thể
sống được, nếu thiếu chúng?
Cuốn Chơi Tận Đêm
đếch để dư thừa một giọt nào, thuộc về một
vài cuốn hiếm hoi như vậy. Nó “khuynh đảo” cuộc đời tất cả những độc
giả của
nó. Thứ ngôn ngữ thô lậu [brute] thay
đổi hoàn toàn cách ăn nói, cách viết lách, cách đọc điệc, cách sống
xiếc, của
bạn. “Chỉ [có] âm nhạc [mới đúng] là thông điệp trực tiếp đi vô cái đầu
của
bạn, ba cái còn lại là toàn đồ tán phét hết.”
“Tôi viết để không ai
đọc được” [J’ai écrit pour les rendre
illisibles”], tác giả nói về “thông điệp văn chương” của mình. Nhân vật
chính ở
trong Chơi Tận Đêm, là một thứ fugitive, một kẻ trốn chạy, hậu duệ của
Ulysse,
ông tổ của Thế Hệ Beat, đi suốt cuộc chiến 14, xứ Congo, New York,
Detroit,
Paris, Toulouse, trở thành y sĩ ngoại ô Paris, rồi giám đốc một nhà
thương
điên. Có thể nói, Chơi Tận Đêm là cuốn tiểu thuyết đầu tiên, về toàn
cầu hóa,
nghĩa là trước đây 50 năm, Céline đã miêu tả cái trái đất của chúng ta
cứ thế teo
lại, cứ thế “một mầu đô la Mẽo”. Đâu đâu, cái nhân vật phản nhân vật
của ông
cũng chỉ gặp toàn là người chết, hoặc sắp sửa đi tầu suốt, Đâu đâu cũng
vẫn chỉ
là một xã hội chỉ mê giết và sắp thành khùng. Đây là một cuốn tiểu
thuyết
“phiêu lưu” (picaresque) đen tối ảm đạm nhất của Lịch Sử: bên cạnh nó,
Đông
Quixốt chỉ là một thứ phiêu lưu “tốt lành cho sức khoẻ”, une promenade
de
santé. Tôi viết để không đọc được: đây là một cuốn sách viết bằng mực
đen, trên
giấy đen, vậy mà vẫn đọc được!
Để “tạm” giải thích,
thái độ phát xít, bài Do Thái của
Céline, trong một tác phẩm viết sau cuốn trên 5 năm, “Bagatelles pour
un
massacre”, Frédéric Beigleder cho rằng, Bardamu [nhân vật chính trong
Chơi Tận
Đêm] một kẻ vô chính phủ [anarchiste] tìm [chercher] một tên thủ phạm,
và
Céline, đẻ ra anh ta, vốn bài Do Thái, kiếm thấy [trouver] một con dê
tế thần,
là chính mình!
Roger
Nimier nói,
thật vui, về Céline: “Ông Thiện và Ông Ác đánh nhau bể đầu, về thằng
chả này.”
[Le Diable et le Bon Dieu se disputent très fort à son sujet].
Jennifer Tran
Số 9: Anh Môn
Hà Nội là cái quái gì!
Tôi còn Mai
Thảo yêu
vỡ Hà Nội khi về
Thanh Tâm Tuyền
Le Grand Maulnes
(1913), Mặc Đỗ dịch tiếng Việt với nhan đề
như trên, là “bản gốc”, cho nhiều tác phẩm, cũng nổi tiếng chẳng kém.
Frédéric
Beigbeder, tác giả cuốn Bảng Phong Thần Cuối Cùng Trước Khi Cúng Bà
Hoả, tự
hỏi, liệu nhà văn nổi tiếng Mẽo, Scott Fitzgerald đã từng đọc Anh Môn,
trước
khi viết Gatsby? “Bạn nào biết, làm ơn viết thư cho tôi hay liền, bởi
vì những
tương tự giữa hai cuốn làm phiền tôi lắm lắm…”.
Nhưng đâu chỉ Anh
Môn, mà tác giả, Alain-Fournier
(1886-1914), cũng là bản gốc cho nhiều tác giả - nổi tiếng, lẽ tất
nhiên - thí
dụ như Fowles, nhà văn Hồng Mao có cả một câu lạc bộ riêng, gồm những
độc giả
mê ông. Với ông này, Anh Môn có tên là Miền Đã Mất, The Lost Domaine,
như một
tiểu luận của ông, mở ra bằng một câu trong một lá thư vào năm 1911 của
Alain-Fournier:
"Tôi
mê điều
huyền diệu chỉ khi nó bị thực tại ôm chặt không sao rứt ra nổi, chứ
không phải
cái thứ huyền diệu làm thực tại bực mình, hoặc tính chơi cha nó”.
[I like the marvelous
only when it is strictly enveloped in reality, not when it usepts or
exceeds
it].
Fowles viết: Tôi ngờ
rằng, Miền Đã Mất (Anh Môn) là một cuốn
sách hiếm, lạ, mà một độc giả sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều, nếu chỉ
đọc, mà
chẳng bao giờ tìm hiểu nó.
Đúng
là ao ước về một
độc giả lý tưởng, người yêu lý tưởng: Hãy chiêm ngưỡng, nhưng nhớ đừng
tra hỏi.
Như thể họ sợ rằng, “sờ” vào đó, hoặc quá nữa, mở nó ra, là một việc
làm báng
bổ, phạm thánh! Một cuốn sách như thế, một nhan sắc như thế, là để thờ
phụng
chứ không phải để sàm sỡ!
Tuy
nhiên, Fowles
nói, nếu độc giả Anh ngữ, muốn tìm hiểu, có thể đọc cuốn
“Anh Môn” của Robert Gibson, trong loại sách
hướng dẫn đọc những bản văn tiếng Pháp, của nhà xb Grant and Cutler,
London,
1986.
Le
Dur Désir De
Durer: Ao ước cương cứng được trường tồn.
Frédéric Beigbeder
truy tìm nguồn gốc từ ao ước: Désir.
“Dé”, là từ tiếp đầu ngữ “de”, “de” là từ tiếng Latinh “siderere”: ngôi
sao.
Như vậy ao uớc có nghĩa là ao ước một ngôi sao đã mất, một ngôi sao mà
người ta
chạy theo năn nỉ, “chờ tôi với”, nhưng chẳng bao giờ bắt kịp. Và đây
chính là
thông điệp của cuốn Anh Môn: Tôi không phải một cuốn sách. Tôi là một
giấc
mộng.
Như tác giả của nó,
đã viết cho bạn mình, là Jacques
Rivière, vào năm 1910: “Je cherche l’amour” [Tôi tìm tình yêu].
Ở
miền
nam, Anh Môn
có một vị trí giống như Hoàng Tử Nhỏ của Xanh Tếch [Saint-Exupéry]. Ông
bạn của
Gấu tôi, thi sĩ Joseph Huỳnh Văn mê cuốn này lắm. Nhưng cái ngôi sao
thất lạc
mà anh chẳng bao giờ bắt gặp, lạ một điều, lại chính là…. Hà Nội! Người
tình mà
bạn tôi tìm kiếm, là Hà Nội, theo như tôi hiểu được, qua lời kể của bà
xã của
anh, Chị Văn, qua một lần trò chuyện viễn liên, sau khi Gấu tôi được
tin anh
mất, và xin được số điện thoại của gia đình. Gia đình không còn ở con
hẻm đường
Trương Minh Giảng, gần cổng xe lửa số 6 nữa, mà rời về Phú Nhuận. Cô
con gái
lớn đã lập gia đình, và hiện đang ở Mỹ.
Chị
cho biết, thời
gian trước khi mất, anh Hiến [Joseph Huỳnh Văn] vui lắm, chứ không như
những
ngày đó đâu. Bạn nhiều lắm, nhất là mấy anh trẻ, rất mê thơ, và rất quí
mến anh
Hiến. Họ định ra một tạp chí Thơ, y như hồi các anh làm tờ Tập San Văn
Chương,
nghĩa là kéo nhau ra quán tối ngày. Anh Hiến mất cũng tại một quán cà
phê. Chị
bùi ngùi nói, anh có bịnh tim, đang ngồi nói chuyện gục xuống, giá mà
mấy người
bạn để anh nằm nghỉ thoải mái, và thoa bóp cho anh, thì chắc không sao.
Họ
cuống lên chở vội tới một tay bác sĩ, tay này sợ trách nhiệm, hối chở
ngay tới
bệnh viện, dọc đường anh mất… À, mà anh biết không, anh Hiến có một bài
thơ về
Hà Nội.
Tôi hỏi: Anh Hiến có
ra Hà Nội lần nào, chị nói chưa.
Hỏi bài thơ, không
có. Không có chứ không phải không còn. Và
nói có, thì bài thơ cũng chỉ ở trong đầu anh Hiến…
Chuyện
như thế này:
Vào những ngày anh
Hiến như sống lại, nghĩa là anh lại có
hứng làm thơ, anh cứ lẩm nhẩm ở trong đầu, một bài thơ về Hà Nội. Lâu
lâu, hứng
lên, giữa đám bạn bè mới quen, anh đọc một, hoặc hai câu. Nghe họ kể
lại, hay
lắm. Nhưng hỏi xong chưa, anh nói chưa xong, chưa được…
Rồi anh mất, và bài
thơ đi luôn cùng với anh.
Lạ một điều hỏi mấy
anh từng nghe anh đọc, một hay hai câu
mà họ nói là hay đó, chẳng ai nhớ, dù chỉ một từ, một hình ảnh….
Nghe
kể lại, tôi
biết, anh nhớ tới thằng bạn Hà Nội đã đi xa, và những ngày đầu hai đứa
quen
nhau, khi làm tờ Tập San Văn Chương.
Cũng là những ngày
hai đứa luôn nói về Thơ,
Và, lẽ tất nhiên, về
Huế.
Và Hà Nội.
Frédéric Beigbeder
viết: Có thứ tình kiểu cách, có thứ đam
mê lãng mạn. có thứ tình thăng hoa kiểu Stendhal; Alain-Fournier sáng
tạo ra cú
sét đánh một chiều (coup de foudre unilatéral). Ngay một khi hai chiều,
nó trở
nên chán ngấy! Yêu thì đẹp, nhưng trường kỳ được yêu, là không thể chịu
đựng
nổi. Trong một cặp như vậy, một người đau khổ, và một người buồn bực.
Tốt nhất,
nên làm kẻ đau khổ, nghĩa là kẻ đi tìm tình yêu, chứ đừng làm một kẻ
buồn bực.
Và như tất cả những
cuốn tiểu thuyết dành cho tuổi mới lớn:
chúng đòi hỏi một điều thật là ác nghiệt, rằng, những kẻ đẻ ra chúng
tôi, phải
chết trẻ. Kẻ Xa Lạ của Camus, Ông Hoàng Nhỏ của Xanh-Tếch, Boris Vian,
năm 39
tuổi, Raymond Radiguet, 20 tuổi… Alain-Fournier, trung uý, tử trận năm
28 tuổi,
tại khu rừng Saint-Rémy, ngày 22 tháng Chín năm 1914.
Fowles đọc Anh Môn
hồi còn trẻ, và sau này, ông viết cuốn
tiểu thuyết đầu tay của riêng mình, Magus, dưới bùa chú của Anh Môn
[“ảnh hưởng
rất nhiều bởi Anh Môn”: very much under its influence, như ông viết
trong tiểu
luận nói trên]. Hơn thế nữa, ông hành hương tới những thánh địa, của cả
hai,
cuốn sách và tác giả của nó. “Nói gắn gọn, tôi trở thành một cây si,
lúc nào
cũng cảm thấy mình gần gụi với Fournier hơn bất kỳ một tiểu thuyết gia
nào
khác.”
Cũng là thường tình,
theo ông, bởi vì đây là một khía cạnh
thuộc bùa chú của một cuốn sách mà bạn đọc vào lúc mới lớn, và bị nó
hớp hồn.
Sau này, cho dù bạn cay đắng khắc nghiệt hơn, trong cách đọc của mình,
nhưng
chẳng thể nào nặng lời với mối tình đầu tuyệt vời đó. Tôi nhắc lại, đây
chỉ là
một khía cạnh của bùa chú, bởi vì, trong rất nhiều trường hợp, khi đọc
lại một
cuốn sách mà hồi nhỏ bạn đã từng say mê, bạn ngạc nhiên về chính mình,
một cuốn
sách dở như vậy, mà cớ sao…
Con gái thấy chó đái
cũng cười: Vấn đề trên thực sự không
liên quan tới văn chương mà tới tuổi đầu đời, khi con người [còn] ngạc
nhiên vì
sự tự nhiên của sự vật: thời đại hoàng kim của nhà văn đếch cần văn
chương
[écrivain sans littérature]. Nếu ao ước có nghĩa là ao ước một vì sao
đã mất,
điều mà Fournier chỉ ra, chính là một trong những phát giác cay đắng
nhất của
tuổi trẻ. Cái cô con gái nhìn chó đái cũng cười, vào một buổi tắm sông,
cảm
thấy, rồi nhìn thấy một dòng nước nong nóng, hồng hồng chảy từ trong
mình xuống
hai bên đùi, biết rằng mình đã ra khỏi tuổi thơ, và biết thêm một điều,
về sự
mất mát do thời gian trôi qua đi và không hề trở lại, rằng không thể
tắm hai
lần trong một dòng sông… Đó là cái tuổi mà chúng ta biết rằng chúng ta
chẳng
thể làm mọi điều mà chúng ta mơ mộng, rằng nước mắt là bản chất của mọi
chuyện
ở trên đời, “buồn hay vui đều cần tới nó” như cô viết trong truyện ngắn
Những
Dòng Sông [Thảo Trần]…. Nói gắn gọn: đột nhiên, chúng ta nhận ra rằng
cái
nghịch lý đen thui, khốn khổ khốn nạn nằm ở ngay trái tim của phận
người: thoả
mãn ao ước là cái chết của nó [… that the satisfaction of the desire is
also
the death of the desire].
Em cứ hẹn nhưng em
đừng đến… nhé!
Như bài thơ mang theo
cùng chuyến đi sau cùng của bạn tôi.
Như Hà Nội chẳng bao
giờ tới được…
Merde!
Số 22: Đường tới 1984.
Hãy lấy trường hợp
Orwell. 1984 không phải là một ngụ ngôn
về chế độ toàn trị Stalin, Hitler, và Mao Trạch Đông như Ruhle khẳng
định. Luận
chiến của câu chuyện ngụ ngôn không nhất-tuyến (unilinear). Phê phán
của Orwell
cùng lúc là về nhà nước cảnh sát và xã hội tiêu thụ tư bản; với sự ngu
si về
những giá trị và những quy ước của nó. "Newspeak", ngôn ngữ cơn ác
mộng của Orwell vừa là một thứ tiếng lóng về chủ nghĩa duy vật biện
chứng, vừa
là một thậm xưng về quảng cáo thương mại, và mass-media. Sức mạnh bi
đát của
1984 là do sự từ chối nhìn sự vật đen ra đen, trắng ra trắng, của
Orwell. Cái
xã hội mang tính sở hữu của riêng chúng ta đã làm ông hoảng sợ. Ông
thấy ở
trong đó có những mầm mống của sự phi nhân có thể so sánh với những
chuyện
thường thấy trong chủ nghĩa Stalin. Orwell từ Catalonia trở về, với một
thứ
niềm tin u ám, khắc kỷ, vào chủ nghĩa xã hội người thương người; Đông
hay Tây,
chẳng bên nào chấp nhận nó, nếu có chăng là trong một phạm vi thật là
giới hạn.
Coi 1984 là một "cương lĩnh" (pamphlet), trong chiến tranh lạnh trí
thức, là đọc lộn, và bỏ qua nó. Câu chuyện ngụ ngôn thực về xã hội
Xô-viết, là
ở trong tác phẩm Trại Loài Vật của ông.
G. Steiner
Nhà văn và chủ nghĩa
Cộng Sản
********
Tờ Guardian, nhân dịp
kỷ niệm 100 năm sinh nhật của Orwell,
đã đưa ra 12 câu đố về ông, thí dụ như:
In Animal Farm,
Orwell's satire on Stalinist Russia, who
does the pig Snowball represent?
In Nineteen
Eighty-Four, what is the name of Goldstein's
book?
What did Orwell consider 'the great
enemy of clear
language'?
Which of these is NOT one of the 'four
bad habits' Orwell
listed in his essay Politics and the English Language?
.......
Khi bạn chẳng trả
lời, You scored 0 out of a possible 12,
Tờ báo đã khuyên bạn bằng câu sau đây:
"Man is not a kind of walking stomach;
he has also got
a hand, an eye, and a brain." We suggest you use more of the latter...
Con người không chỉ là một cái bụng bự
biết đi, mà còn là
cái tay, cái mắt, bộ óc.... Chúng tôi đề nghị bạn nên dùng thường xuyên tới bộ óc...
--------------------------------------------------------------------------------
Cuốn tiểu thuyết cuối
cùng của George Orwell, 1984, thường
được đọc như là sách chống cộng, và viễn ảnh đen tối ở trong đó: có
tính tiên
tri. Nhân kỷ niệm lần thứ 100 năm sinh của ông, Thomas Pynchon trên tờ
Guardian
đưa ra những cái nhìn khác, và một kết luận lạc quan về cuốn sách trên.
Một cách nào đó, 1984 là nạn nhân của
thành công trước đó,
của Trại Loài Vật, như thể người đọc cứ thế tiếp tục đọc nó, như là đọc
cuốn
trước đó, và như vậy, đây là số phận buồn thảm của cách mạng Nga. Vào
cái giây
phút mà bộ ria của Big Brother xuất hiện, nhiều người đọc đều có chung
một liên
tưởng, đây là của Stalin. Mặc dù bộ mặt của Big Brother chắc chắn là
của
Stalin, cũng như Emmanuel Goldstein, Trotsky, nhưng cả hai không hoàn
toàn
giống như Napoleon và Snowball trong Trại Loài Vật. Cuộc chiến Triều
Tiên
(1950- 53) làm nổi bật phương pháp “tẩy não”, dựa trên cách dạy chó của
I P Pavlov,
tương tự như phương pháp tẩy não trong 1984, thành thử chẳng có gì đáng
ngạc
nhiên khi người đọc coi đây là cuốn sách tố cáo sự độc ác của chế độ
Stalin.
Nhưng thật ra, đây
không phải là ý định của Orwell. Quan
điểm chính trị của tác giả cũng không phải là tả, mà là “tả tả” (the
left of
left). Ông đã từng tới Tây Ban Nha chiến đấu vào năm 1937, chống lại
Franco và
đám phát xít được Nazi hỗ trợ. Chính tại đây, ông hiểu ra sự khác biệt
giữa
chống phát xít thiệt, và dởm. “Cuộc chiến Tây Ban Nha và những biến cố
thời kỳ
1937-37”, ông viết 10 năm sau đó, “đã làm cho tôi nhận ra chỗ đứng của
mình.
Mỗi dòng chữ, của một tác phẩm nghiêm
túc, mà tôi viết ra từ 1936, trực tiếp hay gián tiếp, là để chống lại
chủ nghĩa
toàn trị, vì một chủ nghĩa xã hội dân chủ, như tôi hiểu nó.”
Ông nghĩ về ông, như là một thành viên
của cái gọi là “tả
phái li khai, chống đối” (dissident left). Ít hoặc nhiều, ông cảm thấy
có một
sự tương tự, giữa Đảng Lao Động của Anh và Đảng Cộng Sản dưới thời
Stalin, cả
hai, theo ông, đều tự coi là họ những lực lượng ủng hộ giới công nhân
chống lại
chủ nghĩa tư bản
--------------------------------------------------------------------------------
1984: Tại sao?
Chào Các Bạn, tớ đang
ở trong nhà các
bạn đây. Tớ đang theo
dõi từng động tác của các bạn… Và tớ nhìn thấy gì? Thấy số 22 của Bảng
Phong
Thần Cuối Cùng, là 1984, cuốn tiểu thuyết sau cùng của nhà văn Anh,
George
Orwell (1903-1950)
Bây giờ, chúng ta
đang ở năm 2001 [năm xb Bảng Phong Thần
Cuối Cùng của Frédéric Beigbeder]. Tức là 17 năm đã qua, từ 1984.
Nhưng tại sao lại
1984?
Tác giả của nó đã đảo
ngược con số của năm xuất bản cuốn
sách: 1948. Liệu Orwell có lầm không, như tác giả của những cuốn sách,
thí dụ
như New York 1997, Cosmos 1999, hay là 2001 Odyssée de l’espace, đã
lầm, khi mà
sự tình đã không xẩy ra như họ tiên tri “dởm”? Nếu Orwell không lầm,
thì cái
thế giới toàn trị mà ông tiên đoán đó, hiện đang xẩy ra tại… Việt Nam,
thí dụ
vậy, nơi mà mọi công dân của họ đều đuợc theo dõi bởi một màn hình
Télécran? Một xã hội mà quá khứ luôn
luôn, hằng hằng, được viết lại, ngôn ngữ được sửa đổi để có được ngôn
ngữ mới
[novlangue], nơi những cái sọ được rửa ráy sạch sẽ [tẩy não], cuộc sống
tình
dục được căn sẵn [réglementé], nơi người ta bóp nghẹt, nghiền nát những
công
dân của nó dưới những danh từ thật là ngon ngọt, thí dụ như là tình
yêu, hoà
bình, và khoan dung lẫn nhau [tolérance], cư xử sao cho đúng văn hóa!
Nơi mà mọi thứ đều
được “tổ chức” (organisé), nhằm ngăn ngừa
công dân suy nghĩ.
Nhưng không phải
riêng gì cái xứ sở Việt Nam khốn khổ như
vậy, mà nơi nơi đều như vậy, nhiều hoặc ít. Cuốn sách của Orwell được
đọc bằng
sự kinh hoàng, và ngấu nghiến! Trước ông, tương lai của thế giới, của
vũ trụ,
của loài người thì thật là trơn tru, nhẵn nhụi, nào là người hoả tinh,
nào là
đĩa bay… Sau Orwell, tương lai không còn như vậy nữa: một thế giới hỗn
mang,
ghê rợn, tối thui, như trong những phim Brazil, Blade Runner… Orwell đã
sáng
tạo ra cái mỹ học đó: tương lai như là một nhà tù goulag khổng lồ, mà
nhân vật
chính của nó, Winston Smith, đừng bao giờ mong thoát ra khỏi.
Số 13: Hữu Thể và Hư
Vô
Tout existant nait
sans raison, se prolonge par faiblesse
et meurt par
rencontre.
Sartre: La Nausée
Mọi hiện hữu đều vô
lý, kéo dài do yếu đuối, chết do tình
cờ.
[Cái sống nào mà
chẳng cứ thế lòi ra chẳng cần lý do,
cứ thế lòng thòng do
chết nhát, và chết đứ đừ, do ngẫu
nhiên.]
Sartre: Buồn Nôn.
Liệu có thể coi Hữu Thể và Hư Vô: một
cuốn tự thuật, về cuộc
tình của Sartre
và Simone
de Beauvoir: một là Hữu, một là Vô?
Tout anti-communiste
est un chien!
Mọi tên Chống Cộng là
một con chó,
[và khiến người ta
chỉ muốn sủa!]
Sartre
“Làm sao
bạn có thể
tin một gã trí thức,
mắt nọ ‘đ..’ mắt kia?”
[Comment voulez-vous
croire un
intellectuel
qui a un oeil qui
regarde à gauche et
l’autre qui regarde à
droite?:
Làm sao bạn muốn tin
một trí thức gia,
một mắt nhìn trái,
một mắt nhìn phải?
Đây là diễu Sartre
mắt lé (lác), nhưng
còn chửi ông mê Cộng
Sản.]
Sartre est un homme d' une totale
bonne volonté, et d' une
confusion fantastique.
Koestler
Sartre là một người
với một thiện ý
trăm phần trăm, và với
một cái lầm quái đản.
Con
số xui
xẻo rơi
trúng vào Sartre, và cuốn sách triết của ông, thường “bị” coi là thuổng Hữu thể và Thời Gian của Heidegger.
Cũng không oan lắm đâu, nhưng ngoài Heidegger, còn có [còn thuổng]
Husserl,
Kierkegaard, Jaspers, hay nói theo Frédéric Beigbeder, tác giả cuốn Bản
Phong
Thần Cuối Cùng: đây là một triết luận với một lối viết rất ư là nhọc
nhằn,
trong đó, Sartre xây dụng chủ nghĩa hiện sinh, “gợi hứng” [thuổng] từ
Husserl,
Heidegger, Kierkegaard và Jaspers. Và điều mà Sartre làm đối với
Heidegger ở
trong cuốn sách triết học của ông, giống y chang điều mà tôi
[Biegbeder] làm
với ông ta [Sartre], ở đây, ở trong cuốn Bảng Phong Thần Cuối Cùng: một
thứ
reader’s digest tản mạn, lan man, mô phỏng, bông phèng, để giải trí,
cho đỡ
buồn…
Nhưng tại làm sao sáu
ngàn độc giả
Pháp không chọn những
cuốn “dễ đọc” hơn của ông, thí dụ như Buồn Nôn, Những Chữ… mà lại chọn
Hữu Thể
và Hư Vô, cái tiểu đề của nó, nghe còn khó hiểu hơn nữa: Luận về bản
thể học
hiện tượng luận [Essai d’une ontologie phénoménologique]! Beigbeder tự
hỏi,
trong số những mấy ngàn độc giả chọn nó, có mấy ai đã từng đọc?
Điều đau hơn cả bị
hoạn, đối với
Sartre, là, bởi vì ông nổi
đình nổi đám với Hữu Thể và Hư Vô, trở thành giáo chủ của giáo phái
Hiện Sinh,
khiến người ta “quên”, ông là một… nhà văn! Tác
giả của một cuốn tiểu thuyết mà chắc chắn sẽ còn
sống mãi, sống dai
hơn Hữu Thể và Hư Vô, và sau này, chắc chắn, người ta còn khám phá ra
rất nhiều
điều tuyệt vời ở trong cuốn này: Buồn Nôn.
Đây cũng là một trong
những cuốn sách
đầu đời của Gấu tôi.
Còn nhớ, một lần ngồi
Quán Chùa, chỉ
có hai “anh em” là thi
sĩ Thanh Tâm Tuyền, và Gấu tôi, câu chuyện lòng dòng không biết sao dẫn
tới
Sartre. Ông bảo tôi, Sartre viết cuốn đó, bị nhà xb vứt vào thùng rác,
vì coi
đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết bình dân, lại còn thuổng của
Dostoievsky… Đây chỉ là viết theo trí nhớ
cuộc nói chuyện
không biết từ đời tám hoánh nào, thời cực thịnh của Quán Chùa, nhưng có
một chi
tiết thật tuyệt vời mà ông kể lại cho thằng em. Ông bảo: Sartre khi
viết cuốn
đó, lúc nào cũng cảm thấy cua bò trên lưng!
Tôi nói:
-Em mê cuốn này lắm!
Ông trợn mắt:
-Cậu hiểu “nó” hả?
Tôi thu hết can đảm,
nói “xưng xưng”:
-Em nghĩ là em hiểu!
Ông nói:
-Vậy là cậu hơn tôi
rồi!
Ông nói một cách thật
lòng. Tôi tin
như vậy.
Và bao nhiêu năm sau
này, mãi đến bây
giờ, tôi vẫn tin như
vậy.
Như thể cùng với niềm
tin của ông anh,
về chuyện đọc, và
hiểu được cuốn Buồn Nôn, ông còn tin tôi, có thể đọc tiếp được nhiều
cuốn Buồn
Nôn khác nữa. Còn tiếp tục viết nữa. Và biết đâu, trong những tác phẩm
chưa có
đó, sẽ có một cuốn, cũng có tên là:
Buồn Nôn.
Nhưng,
như
Beigbeder
viết, trích dẫn một tay “diễu cợt gia”: “Làm sao bạn có thể tin một gã
trí
thức, mắt nọ ‘đ..’ mắt kia?” [Comment voulez-vous croire un
intellectuel qui a
un oeil qui regarde à gauche et l’autre qui regarde à droite?”
Nghe
cứ
như chửi… Gấu
tui!
NQT