*
 
Tạp Ghi




 


Nói chuyện dịch, ở trong nước.


Tiếp theo phê bình, dịch thuật hiện đang là đề tài "hot" ở trong nước. Nào là dịch dở, dịch sai, dịch xô bồ, "đạo dịch", thảm họa dịch
Tất cả những khuyết điểm đó, theo tôi, chưa đáng sợ, so với thứ này: Những tác phẩm "nhạy cảm", của những nhà văn "nhạy cảm", đều bị thiến, hoặc được chích thuốc miễn nhiễm, được khử trùng... trở thành "bất lực" "vô hại", trước khi đến tay độc giả Việt Nam.
Nhưng đâu phải chỉ ở trong nước.
Tạp chí Hợp Lưu, ở Cali, số mới nhất, Gấu tui đọc trên lưới, có một bài viết về nhà thơ Nga Anna Akhmatova, [ĐÀO TUẤN ẢNH: Một thế kỷ thơ Anna Akhmatova, Hợp Lưu số tháng 6 & 7, 2004. Người giới thiệu - xin lỗi nếu Gấu tui bói nhầm, là một người ở trong nước - nhấn mạnh đến khiá cạnh tình yêu trong thơ Anna Akhmatova, theo cái kiểu nhà thơ Bùi Chí Vinh đã từng định nghĩa:
"Cái gì không địch không ta/ Xét ra thì nó chính là tình yêu". (1).

Nghĩa là "thiến" [đàn bà mà cũng bị thiến] gần như toàn bộ thi ca của bà.
Hai ông chồng của bà đều bị nhà nước làm thịt, thằng con trai độc nhất bị nhà nước cho đi cải tạo mút mùa lệ thuỷ, vậy mà bà chỉ làm thơ ca ngợi tình yêu, "Thơ tình yêu là một bộ phận 'máu thịt' trong toàn bộ sáng tác của Akhmatova."

Thơ Akhmatovam, quả là có nói về tình yêu, nhưng tình yêu ở đây, là kinh cầu, là hồi ức, theo nghĩa Brodsky sử dụng, trong bài Ai Điếu Nadezhda Mandelstam: If there is any substitute for love, it's memory. Nếu có gì thay thế được tình yêu, thì đó là hồi ức.
Là Kinh Cầu, cho những người thân yêu đã bị nhà nước sát hại.
Người giới thiệu, tuy cũng nói nói sơ sơ tới phần "nhạy cảm" trên, nhưng nói theo kiểu đó, thà thiến luôn đi cho rồi.

Tôi nghĩ, những người làm công việc giới thiệu, dịch thuật như thế, là tự sỉ nhục họ, là đã tự thiến chính họ, để trở thành hoạn quan, đúng như Steiner phán:
Khi ngoái lại, nhà phê bình [nhà dịch thuật, nhà giới thiệu] thấy cái bóng của ông quan hoạn, ở ngay sau lưng!

(1) Trích bài phỏng vấn BCV trên talawas.Bùi Chí Vinh: Tôi sẽ không ngừng thí nghiệm mình cho đến khi chết. Lê Hồng Lâm thực hiện.

Trong bài viết "Hãy Bước Qua Lằn Ranh Này", Rushdie trích "Ghi chú về dịch thuật" của Nabokov, qua đó, nhà văn Nga này cho rằng, có "ba bậc quỉ ma" [three grades of evil], trong thế giới lạ kỳ dịch thuật.
Bậc thứ nhất, không đến nỗi tà ma cho lắm, là do thiếu hiểu biết, hiểu sai. Cái này tha thứ được. Vì làm người có nghĩa là phải có lỗi lầm.
Bậc thứ nhì dẫn tới Địa Ngục, "The next step to Hell", là thiến vô tư, thoải mái những chữ, những đoạn, mà dịch giả không hiểu nghĩa , hay cảm thấy, chúng  có vẻ mù mờ, tối tăm, hay thô bỉ, dơ dáy, tục tĩu đối với những độc giả mà người dịch mường tượng ra ở trong đầu.
Bậc thứ ba, tội ác tệ hại nhất trong dịch thuật, là dịch giả muốn "làm tốt", sửa đổi, improve, nguyên tác, "đánh bóng, minh họa" nó, sao cho tác phẩm đi đúng luồng, phục vụ yêu cầu của nhân dân [to conform to the notions and prejudices of a given public: phù hợp với quan niệm và định kiến của một tầng lớp công chúng nhất định].

Mới đây, qua một nhà văn nữ nổi tiếng, từ hải ngoại về thăm quê hương, cho biết, bà được mấy em sinh viên thỏ thẻ tâm sự, sao đọc truyện dịch thấy thua truyện Việt Nam, thua cả truyện của tụi em!

Đi tìm một câu trả lời cho "thai đố văn học" trên, có thể viện ra những lý do sau đây.

Về phía dịch.
-Dịch quá dở.
-Dịch sai. Hiểu sai.
-Thiến quá nhiều.

Về phía độc giả.
-Trình độ đọc quá thấp, vớ phải cuốn quá cao.
-Cách đọc không hợp với cuốn sách được dịch.
-Chỉ đọc được những cuốn mà mình thích đọc. Gặp cuốn lạ, là chê....
-Chỉ đọc được những cuốn nặng về nội dung, tải nhiều vấn đề...
-Quá quen với món ăn trong luồng, gặp thứ lạ chịu không nổi...