*
 
Tạp Ghi




 

Nếu Đi Hết Biển

IX
Nhưng làm sao, có cách nào đi...  hết biển?
Có theo dõi những bài viết của anh về Nếu đi hết biển...
Anh viết quá nhẹ nhàng với tác giả [của nó]...
Một độc giả
Một bữa ở Luân đôn, sương mù dầy đặc, đến nỗi, bạn xòe tay ra ngay trước mặt mà cũng chẳng nhìn thấy nó, có một người đàn ông nhận được một cú điện thoại, nói ông ta phải tới liền một bệnh viện ở mép bờ phiá bên kia của thành phố, vì đứa con của ông, bị bệnh nặng và đã được chở vô đó. Người đàn ông mở cửa, chạy ra đường, và trước mặt ông là một khối đen kịt. Ông kêu cứu, nhưng chẳng xe cộ, mà cũng chẳng bộ hành.
Bất thình lình, một bàn tay từ đâu đặt lên vai ông, và một giọng nói vang lên: "Tôi sẽ dẫn anh tới đó."
Và thế là người lạ kia dẫn người cha xốn xang lo lắng xuyên qua thành phố Luân đôn sương mù đen kịt, thỉnh thoảng nhắc nhở, này coi chừng chỗ này, coi chừng chỗ kia, này quẹo trái, này quẹo phải...
Khi tới được bệnh viện, người cha hỏi, làm sao mà ông lại có thể đi xuyên qua biển sương mù dầy đặc như thế, con người tốt bụng kia trả lời:
"Đêm tối, sương mù chẳng thể nào làm phiền nổi tôi. Vì tôi là một người mù."
Amos Oz: Dưới Ánh Sáng Chói Chang.

-Tôi hỏi thật ông, ông có ngại khi chứa VC trong nước qua không?
-Nếu ngại, đã chẳng mời. Tôi không thích theo đuổi cuộc chiến nhãn hiệu. Tôi chơi hoặc không chơi với con người cụ thể.
Trần Văn Thuỷ phỏng vấn Hoàng Khởi Phong.

Câu hỏi, tôi đã nghe hơn một lần, và tôi nhận ra, cuộc chiến vừa qua nó làm cho con người ngu đi nhiều, nhất là trong phép xã giao, trong cách đối xử giữa con người với con người.
Trên một diễn đàn nọ, tôi đọc được một câu cảm thán, nhân một ngày 30 tháng Tư: Liệu có một gia đình nào ở Tiểu Sài Gòn dám mời một ông nón cối vô nhà không?
Cụ thể hay không cụ thể, nón cối hay không nón cối, khi bạn mời một người nào vô nhà bạn, bạn tin rằng, người đó là bạn mình.
Nhưng qua gợi ý của một bạn văn, câu hỏi trên không phải của TVT, mà là của HKP.
Bởi vì, ai đời, mình đã mời nó vô nhà mình, mà nó còn thọt lét mình một cú đau hơn hoạn như thế, thì thật không phải phép xã giao một chút nào hết!
Hay là ở nơi đó, người ta quên mất phép xã giao?
Tôi không tin.

Để ý, những người được Trần Văn Thuỷ phỏng vấn, đều là người đã 'chứa chấp' ông.  Đây là thất bại lớn của cuốn sách.
Thất bại của nó, còn là những nhận định được lập đi lập lại quá nhiều lần, ở những người được phỏng vấn.
Người ta đã được nghe hơn một lần, những dè bỉu của, hoặc Nguyễn Mộng Giác, hoặc Nguyễn Thị Hoàng Bắc, về văn học hải ngoại. Theo tôi, những nhận định như vậy đều không có cơ sở, đều do thành kiến, hoặc thói quen.
Bởi vì, nếu có bệnh biểu diễn lập trường, thì cũng chỉ ở một số người, thường là đại diện cho một cộng đồng trong một cộng đồng nào đó. Không phải ở nhà văn.
Nói rõ hơn, mấy ông bà này lầm một bài diễn văn ở một cuộc họp đoàn thể 'cựu' VNCH nào đó, với một tác phẩm văn chương. Lầm hiện tượng xã hội, thường xuyên xuất hiện ở bất cứ một cộng đồng di dân -  với những con người không làm sao quên quá khứ, cuộc sống cũ, và rơi vào "hoang tưởng", "vĩ cuồng"... - với hiện tượng nhà văn lưu vong. Người ta đánh đồng một dúm người, trong bất kỳ một cuộc biểu tình chống cộng nào đều có mặt, với cả một chế độ VNCH đã mất. Tiếu lâm hơn, người ta phong cho những con nguời của đường phố này, là những nhà văn đang biểu diễn lập trường!
Hơn nữa, khi bạn đưa ra một nhận định, một phát biểu nào, là phải chứng minh.
Với Nguyễn Mộng Giác, tôi sợ ông không đọc những tác phẩm văn học. Bởi vì nếu đọc, ông không thể coi những tác phẩm, thí dụ, của thân hữu của tạp chí Văn Học, như Trúc Chi, Tạ Chí Đại Trường, Lâm Chương chẳng hạn... là những tác phẩm biểu diễn lập trường?
Không lẽ những tác phẩm của Thảo Trường, là biểu diễn lập trường?
Không lẽ ông không cho phép một người đi tù cải tạo như Lâm Chương chẳng hạn, nói, tôi thù ghét chế độ đó, chế độ cộng sản?
Còn một thất bại nữa, của cuốn sách của Trần Văn Thuỷ, là, những người được phỏng vấn, có vẻ như đều không ưa chế độ VNCH, mà họ từng sống. Tôi có cảm tưởng, họ đều thù hận nó.
Tôi nhắc lại, đụng vào những vấn đề có tầm vóc lớn lao, mang tính biểu diễn lập trường vĩ đại, như "vẽ lại" khuôn mặt người Việt lưu vong, là phải coi chừng, là phải cẩn trọng, là phải nghiên cứu, tìm hiểu. Và nhất là, phải thực sự sống nó, chứ đừng giả đò sống, rồi tuyên bố bậy bạ, tào lao.

Trong một kỳ trước, tôi có đưa ra nhận xét, những người đầu tiên lên tiếng giao lưu hòa giải, đều là những người quan tâm tới chế độ VNCH, theo nghĩa, họ có mắc míu với nó, cách này hoặc cách khác.
Nhân vật Khánh, trong truyện ngắn Có Yêu Em Không, là một mẫu lính VNCH điển hình. Cái nhân vật đeo lỗ tai người như vật trang sức của NMG cũng là một anh lính, hoặc sĩ quan VNCH một trăm phần trăm. Theo nghĩa: họ hành động tự phát, rất ư là người, theo cảm tính, theo bản năng... trong khi không thể  có một ông bộ đội nào ba gai như vậy. Những nhà văn, đẻ ra những nhân vật như thế, họ cố gắng mô tả một người lính VNCH rất người, và vì rất người, nên cũng rất gần với... thú, tuân theo bản năng, nếu xấu thì đành vậy, còn nếu tốt, thì cũng được thôi.

Khánh có người bạn đồng ngũ. Anh này có cô em gái, thương bạn của anh. Thuơng em, thuơng bạn, anh tìm cách cho hai người  lấy nhau. Nhưng anh tử trận, và hai người còn sống đó đã thực hiện cái việc vợ chồng, trên căn gác xép, trong lúc cỗ hòm của người anh thì còn ở bên dưới, mọi người đang xì xụp lễ bái, khóc lóc.
Bảo rằng hành động đó là thú cũng được, nhưng bảo rằng chỉ có con người mới làm được, bằng vô thức, thì có lẽ đúng hơn.
Tôi nghĩ truyện ngắn trên nó nằm chung vào một dạng, là, chỉ vào những phút chót như thế, hành động mới bộc phát. Tôi có cảm tưởng đôi trai gái, trong khi làm việc đó, là để thay cho một lời khấn: Anh muốn tụi em thành vợ thành chồng, thì vào giờ phút này, nếu linh hồn anh chưa kịp bỏ đi, xin anh chứng kiến chúng em hoàn thành lời hứa chưa kịp hứa với anh, khi anh còn sống.
Cái hành động xin nếm một muỗng nước mắm của một nhân vật tu hành suốt đời, đến phút hấp hối lại thèm đồ mặn, của Thuỵ Vũ, theo tôi, cũng là những hành động rất người, bộc phát trong lúc hấp hối, vì biết rằng, không thể có một cơ hội nào khác nữa, để làm người.
Hay là hành động lấy chiếc kính chiếu yêu ra, ngó bóng mình, trên mặt suối, của một nhân vật của Nhất Hạnh.
Hay là hành động của một người đàn bà, cởi áo ra, để lộ đôi vú, và vắt sữa nhỏ vô miệng một anh lính đang ngáp ngáp những cái ngáp cuối cùng của cuộc đời này, là cũng cùng một truyền thống như vậy.
Sự thù hận của những nhà văn như KT, như NMG, đối với tầng lớp lính tráng VNCH, theo tôi, là phản ứng rất người, và cũng rất cá nhân: Chúng mày ngu quá, không hiểu tao, thì tao theo thằng VC!

Những hành động, cung cách, sử sự  như trên, có một ông nhà văn chuyên viết truyện điệp viên James Bond, không phải Fleming, mà là người kế thừa, đã mô tả, là hành động cứu nguy, chỉ phút chót mới xuất hiện, khi James Bond bị đẩy vào cửa tử, và  trong một sát na, anh tìm ra sinh lộ!
Thí dụ như cảnh này: Khi cách mạng Hung xẩy ra, James Bond được biệt phái sang Budapest để cứu một điệp viên nằm vùng. Một cô gái. Bị KGB gài bắt, và trước khi bỏ đi, nhốt cả hai vào chuồng dã nhân ở Sở Thú. Mấy con vật lúc này cũng phát khùng, vì chung quanh chúng, chỗ nào cũng có lửa cháy. Chúng  cứ thế lao tới hai người. Và James Bond đột nhiên nhớ ra rằng, loài khỉ hay bắt chước. Anh và cô bạn lùi dần đến bên chấn song sắt, hú lên những tiếng hú man rợ, và làm bộ bẻ cong những thanh sắt....
Thế là những con dã nhân làm theo, chúng bẻ cong chấn song vọt ra bên ngoài. Hai điệp viên chỉ việc chui theo.

Nhìn theo tinh thần đó, cái hành động rất thú của Khánh, lại là hành động "cứu nguy"!
Chính hành động đó, làm cho anh lại là người!
Anh là người nhờ hành động tưởng là thú đó!

Bởi vì con người có còn là người hay không, là ở vào những sát na "sợi tóc", những giây phút ngất ngư giữa đôi bờ "ta là thiên thần hay là quỉ sứ", là như thế đó.

Tôi cho rằng, hành động nhét gì gì đó, của nhân vật Nguyễn Huệ của Nguyễn Huy Thiệp, vào miệng đám sĩ phu của một miền đất, là hành động 'sáng tạo tuyệt vời nhất', và cũng 'cứu nguy' nhất, cho một miền đất.
Sau cú đó, mà nó vẫn chưa tỉnh, thì đành ô hô ai tai mà thôi!

Những ông bộ đội Cụ Hồ, có thể có những người có hành động tương tự, nhưng những ông nhà văn của họ, còn lâu mới được phép viết ra.
Hành động người nhất, của lính cụ Hồ, được Bảo Ninh mô tả, trong Nỗi Buồn Chiến Tranh: Trước giờ đụng trận, nhân vật của ông, sợ chết quá, teo chim lại, và phải phi cần sa [một thứ cỏ tên là hồng hoang thì phải, ép phê như cần sa] cho đỡ sợ. Hành động dã man nhất, độc nhất xẩy ra, theo nghĩa, độc nhất lọt ra thế giới văn minh của con người, là hành động phăng đầu một ông xã làng, rồi để cái đầu dằn cái án tử, lên bụng người đã chết, trên bìa tờ báo Time ngày nào, khiến cả thế giới bữa đó không thể nhâm nhi ly cà phê buổi sáng.

Ở trên, tôi có nhắc lại hành động của Nguyễn Huệ của Nguyễn Huy Thiệp, là vì nó có liên quan tới một bài viết của Trương Vũ, một trong những người đã tham gia vào cuộc chơi Nếu Đi Hết Biển, do Trần Văn Thuỷ khởi xuớng.
TV đã từng tự hỏi, tại sao lại mô tả một nhân vật NH như thế, và ông cho biết ông không thể hiểu nổi.
Và tôi có thử tìm cách trả lời TV, trong một bài viết về NHT.

Lần tái ngộ ông, tại Hà Nội, nghĩa là đã qua những thủ tục xã giao lần đầu, khi nghe ông nói, chưa từng đọc tôi viết về ông, tôi có kể lại cách tôi giải thích những hành động độc ác, thô bỉ của nhân vật NH khi ra bắc, của ông, ông giật mình, nói:
-Ông mà viết như vậy, là tụi nó làm thịt tôi đấy.
Tôi nhớ là, NMG cũng đã từng nói với tôi như vậy, khi tôi viết về những nhà văn ở trong nước.

Và như để chứng minh, NHT rút từ trong túi ra một tờ giấy, nói:
Đây là cái thư mời ngày mai đi dự Ngày Báo Chí, [hình như vậy,nếu trí nhớ của tôi không lầm lộn], nhưng tụi nó đã phải trao cho anh công an khu vực đích thân tới tận nhà, đưa cho tôi, bắt tôi ký nhận.
Và ông nói, như để 'từ chối" cách giải thích văn của ông, của tôi:
-Thì cũng chỉ vì thương mình, thương người mà viết, chứ có ghê gớm thần thánh gì đâu.

NQT