*
 
Tạp Ghi




 

Nếu Đi Hết Biển

IV 

Thế nào là bỏ chạy cuộc chiến?

[Nếu Đi Hết Biển 4] 

Có khi bạn sống ở Sài Gòn, trong những ngày tháng cay nghiệt như thế đó, mà vẫn chỉ là một thứ bỏ chạy cuộc chiến.

Linda Lê, rời Việt Nam năm 14 tuổi, mang theo được gì, từ cuộc chiến, từ cái gia tài của mẹ, vậy mà bà vẫn sống, tôi muốn nói, luôn đối đầu với Cái Chết Việt Nam? Bà lấy ở đâu ra, cái xác chết, là đứa trẻ Việt Nam, mà bà luôn cưu mang đó?

Cái xác chết, như tôi hiểu được, cũng là cái bản đồ Việt Nam tỉ lệ xích 1/1 rách nát, mà người Việt cố mang ra ngoài này để vá víu lại.

Văn chương Việt Nam hải ngoại, theo tôi, là một toan tính làm sống lại một đứa trẻ đã chết, mà Linda Lê luôn cưu mang ở trong bà.

Trường hợp những nhà văn hậu thuộc địa, và tiếp đó, thời toàn cầu hoá, như Linda Lê, như Salman Rushdie...  cho thấy, viết văn bằng ngôn ngữ vay mượn có lẽ là...  cách tốt nhất, để làm một nhà văn... bản xứ!

Đây là điều Kertesz nhận ra, khi cho rằng, bất cứ một nhà văn, đều là nhà văn của Lò Thiêu, một thứ cô hồn vất vưởng mong tìm nơi nương náu, ở nơi nao nếu không là ở trong tiếng nước người?

 ****

“Việc đánh cờ có ba điều kỵ: khai cuộc khi cờ chưa định, kỵ ở sự tham; vào đến giữa cuộc, sát khí đang vượng, kỵ ở chữ đấu; đến lúc cờ tàn, cái thế lớn đã đi rồi, kỵ ở ham được. Nay tiên sinh với ta đã cùng đường, miễn cưỡng cầm cự còn mong giữ được mình, hà tất phải mưu đồ gì chứ?”

“Thứ lỗi cho Tra mỗ thẳng lời, ván cờ vừa nãy thấy tiên sinh, sức cờ thiếu căng, trong lúc ứng đối lộ vẻ trì trệ. Tôi e rằng trong người tiên sinh có tật bệnh, mong hãy chữa trị sớm.”
[Đàm Ca: Tuyệt Kỳ

Câu trên, có thể áp dụng cho Nếu Đi Hết Biển của Trần Văn Thuỷ, nhất là nhận xét về thế tàn cuộc, của trận cờ, thì cứ tạm gọi là "quốc cộng":

Đến lúc cờ tàn, cái thế lớn đã đi rồi, tối kỵ là cái chuyện ham được.

Có hơn một ham được, của Trần Văn Thuỷ, ở trong Nếu Đi Hết Biển.

Ham rào đón, ham hỏi, ham “tháu cáy”, ham điều tra lý lịch..

Tôi nghĩ, chưa bao giờ, ông có được cái ý nghĩ, “hãy ham thua”, hãy đưa ngực mình ra chịu đòn, rồi sau đó, được thua, hạ hồi phân giải.

Chưa bao giờ TVT nghe được câu này: “Hãy thua, thua nữa, thua cho bảnh”. [Beckett].


”Nay tiên sinh với ta đã lâm vào tuyệt lộ... hà tất phải mưu đồ gì chứ?”
Xin thưa, "tản mạn này" chẳng mưu đồ gì.

 ***

Một cách nào đó, Gấu tui mới là người "đã đi hết biển", và đã được về lại nhà, quê hương đất bắc mà Gấu đã từng bỏ chạy nó, vào năm 1954.

Về để rồi lại đi.

Và cái chương trình của Trung Tâm William Joiner, Đại Học Massachusettes Boston, "một cách nào đó", Tin Văn đã thực hiện trước họ, với sự hiện diện của nó, trên không gian ảo.

 

Chuyện như thế này: Khi Gấu tui đề nghị chủ biên tờ Văn Học [NMG], một số bài dịch Steiner, từ cuốn Ngôn Ngữ và Câm Lặng, anh lắc đầu, "cao quá, không hợp với độc giả Văn Học".


Ý nghĩ, làm cách nào phổ biến những bài đó tới độc giả, nhất là độc giả ở trong nước - những người chưa từng nghe nói, hoặc chỉ nghe nói lơ mơ, về Lò Thiêu - là một việc làm cần thiết, đúng theo tinh thần Steiner diễn tả sau đây:

Tôi là một người của hồi nhớ. Ở trung tâm tác phẩm của tôi, là toan tính: tới sau Lò Thiêu, theo nghĩa văn học, dưới góc cạnh văn hóa, triết học. Được ở lòng vòng đâu đó, với tất cả những cái bóng, những hồn ma và tro than, những thứ đó thì đầy rẫy ở đây [Âu Châu].
G. Steiner: Trả lời phỏng vấn

Toan tính "tới sau Lò Thiêu", cũng là của Trần Văn Thuỷ, theo như tôi hiểu được, và tôi tạm gọi là, "toan tính tới sau Lò Cải Tạo", khi ông mở ra cuốn sách của ông bằng những dòng sau đây:

Tôi không biết trong lịch sử thịnh suy của đất nước tôi, có thời điểm nào, hoàn cảnh nào dẫn đến sự ly tán lòng người sâu thẳm, dẫn đến việc hàng triệu người chạy ra biển ly hương bất cần mạng sống đến thế không.

 Tôi đã hơn một lần, đụng một câu hỏi tương tự như vậy.

 Thí dụ như lần đi trình diện cải tạo, và được cán bộ hỏi:
-Nếu mấy người chiếm được miền bắc, mấy người sẽ đối xử như thế nào, với chúng tôi?
Thú thực, tôi ngớ người ra, khi được hỏi như vậy. Và tôi thử để ý, những người cùng số phận như tôi bữa đó, đa số đều ngớ người. Rõ ràng là, đa số chúng tôi không hề nghĩ đến chuyện, bị hỏi một câu như vậy. 

Và lần ở trại tị nạn, tình cờ đọc một  bài viết của nữ văn sĩ người Nga, T. Tolstaya, Những Thời  Ăn Thịt Người, trong đó bà cho rằng cái ác mà người ta "đổ vạ" cho chủ nghĩa Cộng Sản, thực ra là đã nằm ở dưới những tầng sâu hoang  vắng của lịch sử Nga, chủ  nghĩa Cộng Sản chỉ là một "dịp may" để cho nó trỗi dậy, vậy thôi.

Cũng cùng một ý đó, trước T. Tolstaya, Kafka, trong truyện ngắn Y Sĩ Đồng Quê, đã đưa ra nhận xét:
"Người ta chả biết, trong nhà của mình có gì".
Cái người ta có, mà chả biết, tui tin rằng, nếu TVT có tình cờ đọc bài này, có thể đoán ra được, và nếu không đoán ra được, thì đây là câu trả lời của Kafka, trong truyện ngắn trên:
Người ta không hề biết có cái ác, ở trong chuồng heo, bị bỏ quên bao năm tháng, và khi viên y sĩ đồng quê, trong khi nóng ruột, cần mấy chú ngựa, thắng vào cỗ xe, làm sao tới kịp bên giường một con bệnh ngặt nghèo, đã đá tung cánh cửa chuồng heo, và cái ác được xổng chuồng, vươn vai xuất hiện, lớn như thổi, "như một phù đổng".

Người ta, [ở đây là Trần Bạch Đằng] đã chẳng từng ví von, lính Cụ Hồ: lính Phù Đổng?

Tôi không hiểu Nguyễn Huy Thiệp có đau lòng vì chuyện này không, như nhân vật của ông đã từng đau lòng, vì được con cái, thế hệ hậu chiến tranh Việt Nam, chửi là ngu, và chăm sóc ông, một ông tưóng về hưu, bằng “cái ác chuồng heo”?


Và lần ở thư viện Toronto, Canada, tình cờ cầm cuốn Ngôn Ngữ và Câm Lặng của Steiner lên, đụng vào câu hỏi của ông:

"Thi sĩ phải thôi đi sao? Trong một thời đại mà con người bị khiến phải thổi kèn đồng [hãy nhớ những dòng thơ xưng tụng Stalin của Tố Hữu, chẳng hạn], hoặc tru tréo nỗi khổ đau của mình như sâu bọ, như lũ chuột, tiếng nói văn chương, thứ tiếng mang tính người nhất trong tất cả mọi thứ: liệu có còn được không?"
(Should the poet cease? In a time when men are made to pipe or squeak their sufferings like beetles and mice, is literate speech, of all things the most human, still possible?)

NQT