Tạp Ghi
|
Nếu
Đi Hết
Biển
X
Quá khứ là
không xác thực, bởi vì chúng ta không thể nào xác định được,
thực sự, quá khứ nó ra làm sao, nó như thế nào, cho dù cố gắng cách
mấy. Hơn nữa, ngay cả sự kiện 'thực' mười mươi, ở trong cuộc đời, khi
được một nhà văn lôi vào trong tác phẩm, lập tức nó biến thành giả
tưởng. Đây là một trong những tính chất thật hàm hồ, và cũng thật đáng
yêu của văn chương. Bởi vậy, nhà văn Nabokov đã từng phán, coi giả
tưởng là sự thực, là làm nhục cả hai. Sự kiện, lính VNCH đeo tai người
đi 'shopping', như được miêu tả trong tác phẩm của NMG chẳng hạn, phải
được coi là giả tưởng.
Vấn đề ở đây,
là, một sự kiện giả tưởng như thế, khi được đưa vào trong
một tác phẩm văn học, là phải có một mục đích nào đó. Và cái mục đích
này, thường liên quan tới cái tâm của người viết. Quá hơn, nó đưa
ra viễn ảnh của nhà văn, và quá nữa, nó tiên đoán một kết thúc
nào đó, cho một giai đoạn lịch sử. Tôi thí dụ, khi một ông nhà văn đưa
vào tác phẩm sự kiện rất đỗi bình thường là, hồi này lính Mẽo ưa ca bản
Tôi để trái tim của tôi ở Cựu Kim Sơn, là người đọc biết, Yankees sắp
sửa go home. Mật hiệu là "Cái Gân Gà" thì thu xếp quân trang, sửa soạn
về nhà "mi" [kiss] vợ, mi con là vừa rồi. Liệu chúng ta có thể coi "Cái
Tai Người" là một mậu hiệu của cuộc chiến, giống như "Cái Gân Gà", của
Tào Tháo? Và NMG bị "làm thịt", vì cái tội đã tiên đoán ra được cái thế
"tất thua" của miền nam?
Nếu không phải
ác quỉ, thì Thượng Đế, nằm ở trong cái chi tiết, cái sự
kiện của một nhà văn. Nếu cái mũi của người đẹp Cleopatre nhỉnh thêm
lên một chút? Tại làm sao mà ông vua kinh dị lại chú ý đến cái tất rách
của Ngài Bí Thư Khruschchev trong một buổi họp quan trọng như thế tại
LHQ?
Nietzsche cho
rằng, chẳng có sự kiện, chỉ có dẫn giải, theo nghĩa, tại
làm sao mà
bạn đưa sự kiện này, vào trong cuốn sách của bạn, mà không phải là sự
kiện nọ? Theo tôi, cái chi tiết tai người tiên đoán một sự thực, không
phải về cuộc chiến, mà về mãi sau đó. Theo kiểu, một bên thì 'cứt đái'
gì cũng phô ra, còn một bên thì giấu cái ác của mình như mèo giấu cứt.
Thành thử, nó giải thích, không chỉ tại sao miền nam thua trận, mà luôn
cả, cuộc bỏ chạy tán loạn của cả hai miền nam bắc. Chính vì vậy, mà tôi
tưởng tượng ra rằng, ông nhà văn than, tụi mày ngu quá, không hiểu tao,
thì tao đành theo VC vậy!
Người ta
thường cắt nghĩa sai câu của Nguyễn Du, chữ tâm kia mới
bằng ba chữ tài. Câu này phải được hiểu là, cái tâm chính là cái tài,
nhưng được nhân lên gấp ba. Phải hiểu như vậy mới hiểu được câu châm
ngôn, vỉa hè địa ngục làm bằng thiện ý của những thằng cha bất tài mà
cứ muốn làm trời. Cái tâm [của một nhà văn], bằng ba lần cái tài là
vậy. Mấy ông nho nhoe có được tí tên, trong số tí độc giả, thường là
thân quen
bằng
hữu, tưởng rằng mình có tài, bèn quẳng mẹ cái tâm, là ô hô ai tai!
Bởi vì, chỉ
một khi bạn luyện cho cái tài làm sao tăng lên gấp ba để
được gọi là cái tâm, thì tới lúc đó, văn của bạn mới ngửi được.
Hiểu rộng ra,
đây còn là giấc đại mộng của Marx, về một thiên đường
nhân loại: một bên là lý thuyết, một bên là thực hành, làm sao cho cả
hai
quyện vào nhau, triệt tiêu lẫn nhau, để có được con người hoàn toàn.
Làm sao cho
nhân vật của mình đeo cái tai người, mà lại lộ ra được cái
tâm bồ tát của người viết, ấy là đạt vậy!
Nhưng một khi
mô tả một nhân vật y chang một nhân vật có thực ở ngoài
đời, rồi sau đó, bị chính người đó chất vấn, lại trả lời là tôi hư cấu,
chỉ nội chi tiết đó, là để lộ ra cái tâm của người viết rồi. Sartre đã
từng phải lên tiếng xin lỗi, vì tên một nhân vật trong một vở kịch của
ông trùng với tên một con người có thực ở ngoài đời. Một khi bạn cố
tình nhập nhằng giữa giả tưởng và sự thực, là vứt đi. Theo tôi đây mới
là thất bại lớn của cuốn tiểu thuyết. Chỉ một chi tiết như vậy làm đổ
cả một tác phẩm văn học. Bạn có nói gì
thì nói, độc giả sẽ không tin bạn nữa, vì bạn đã vi phạm một trong
những giao ước quan trọng giữa người đọc và người viết, giữa giả tưởng
và sự thực.
Theo nghĩa đó,
Kafka cho rằng, kỹ thuật chính là linh hồn, là cái đạo,
của văn học. Mà đạo còn có nghĩa là đường, thành thử viết văn là cứ
phải học hoài, theo nghĩa, làm sao cho cái tâm của mình sáng ra, đừng
tối
om om, là ô kê.
***
Đoạn mới viết
đây [Nếu Đi Hết Biển 9, và 10], người viết có gửi cho một
diễn
đàn bạn, và nhận được reply như sau:
Không thể
đăng. Đụng nặng. Nặng lắm. Đăng, gặp nhau, làm sao chào hỏi?
Nhưng một độc
giả, khác, lại cho rằng, viết quá nhẹ nhàng về Trần Văn
Thuỷ.
Trong bài viết
Sách
Quí, Gấu có đi một
đường cám ơn đất nước Canada đã
cưu mang Gấu, đực, cái, và con, từ trên mười năm nay, kể từ ngày rời
trại tị nạn Thái Lan, vào tháng 11 năm 1994. Tôi có đưa ra câu
chuyện làm mồi, về một cô gái câm, đã dành những âm thanh đầu
tiên của
mình, để cám ơn vị bác sĩ chữa cho cô hết câm, và nuơng vào đó mà nói
lên, những lời cám ơn muộn
màng của một kẻ
gần đi chót đời của mình, tới quê hương thứ nhì, tức xứ Canada, cái tâm
của nó gấp ba cái tài [vặt], cái tai [ác] của quê hương thứ nhất, là
nước Đại Cồ Vịt.
Ở vào cái tuổi
gần kề miệng lỗ như thế, mà lại viết những bài khiến cho
một bạn văn phải từ chối không đăng, và còn mắng rằng thì là, anh viết
như vậy là đụng, đụng nặng, nặng lắm, tôi không đăng, vì nếu đăng, thì
làm sao tôi ăn nói với họ. Làm sao chào hỏi nhau, hở ông Gấu? Anh không
sợ, lâu lâu có dịp qua đây, bạn bè bọc lá chuối vào gót chân, đá cho
anh một cú văng về Canada?
Xin thưa, Gấu
cho rằng, trước khi rời bỏ cái cuộc đời tuyệt vời này,
thì cũng phải dọn dẹp sạch sẽ cứt đái mà mình, và bạn bè của mình, văng
ra. Cái việc viết như thế, là chỉ nhắm một mục đích như thế. Viết như
thế để còn gặp nhau, còn cười nói, chào hỏi nhau. Để thưa với bạn rằng,
đống cứt đó đó, Gấu tôi đã dọn sạch rồi.
Đó là tâm của
Gấu, khi viết loạt bài này.
Lợn lành thành
lợn què, viết
để làm cho cái tâm sáng ra, làm sao trở nên tối mò mò thế này hở
giời?
Lần đụng nặng
nhất, là khi Gấu tôi viết về nhân vật Nguyễn Huệ của
Nguyễn Huy Thiệp.
Ông cũng bị
trong nước lôi ra làm thịt vì những lời báng bổ những nhân
vật lịch sử, những anh hùng dân tộc.
Nhưng tại sao
ông ta lại làm như thế. Tôi cũng có cùng thắc mắc như tác
giả Trương Vũ, và cố gắng tìm cách trả lời.
Cái độc, cái
thâm, nhất là ở trong văn chương, là cái thật là
thiếu vắng trong văn chương miệt vườn miền nam. Đây là một nét phân
biệt rất rõ, hai dòng văn chương.
Tôi còn nhớ,
một anh bạn thi sĩ, gốc bắc, đã có lòng tốt chuyển một số
bài viết của tôi, tới một người viết ra đi từ miền bắc, chưa từng đọc
"Gấu". Đọc, ông ta phán: Thằng cha này, chém chết cũng là Bắc Kỳ!
Ngay trong bài
giới thiệu Nơi Dòng Sông Chảy Về Phía Nam, Phan Tấn Hải
cũng đưa ra nhận xét, về văn của Gấu: Với ngôn ngữ rất là Bắc Kỳ, và gần suốt
một đời trưởng thành và sống tại Miền Nam, văn của NQT đã trở nên đa
dạng và phức tạp hơn hầu hết những người cầm bút cùng thời.
Cái anh bạn thi
sĩ gốc bắc ra đi từ miền bắc đó, cũng đã nhận xét những gì tôi viết về
NH của NHT: Anh viết như vậy, đến tôi cũng thấy đau!
Bài đó, lần đầu đăng trên mục Tạp Ghi, báo Văn Học cũng nhận được hồi
đáp từ phía những
người, có thể là những cán bộ ở trong nước được phái ra hải ngoại.
Xin trích lại đoạn viết về NHT, trong bài tản mạn về truyện ngắn, tình
yêu và chiến tranh.
Trên
Hợp Lưu, 6/92, sau khi đọc Mùa Mưa Gai Sắc, của Trần Vũ, và Phẩm Tiết,
của
Nguyễn Huy Thiệp, Trương Vũ đã đặt câu hỏi, tại sao phải là Nguyễn Huệ?
"Hai truyện ngắn đó là những sáng tác phong phú, xuất sắc, cá biệt.
Những
sáng tác 'không' và 'không thể' "bôi nhọ anh hùng dân tộc". Người đọc
tinh ý thừa sức thấy rõ điều đó. Chẳng những vậy, nhân vật được gọi tên
là
Nguyễn Huệ được xây dựng với những nét rất sắc, rất mạnh, và rất độc.
Nhưng
người đọc cũng 'táng đởm' vì những nét đó. Không vì đó là những nhân
vật a-b-c
của truyện, mà vì đó là một nhân vật có thật và có như mọi người được
biết. Ở
đây, người đọc không thấy được sự công bình cũng như không hiểu được sự
gán
ghép để có một cách hư cấu như vậy. Câu hỏi do đó, vẫn là: Tại sao phải
là
Nguyễn Huệ?"
Đụng vào một nhân vật lịch sử cỡ như Nguyễn Huệ, không phải chuyện
chơi! Ngoài
lý do như Trương Vũ đưa ra, "mà vì đó là một nhân vật có thật, và có
như
mọi người được biết", còn một lý do liên can đến cả một thời thơ ấu của
mỗi con người. Joseph Brodsky, trong bài viết "Homage to Marcus
Aurelius", kỷ niệm lần đầu ông tới Rome, pho tượng vị hoàng đế La Mã
làm
ông nhớ đến cô giáo dậy môn sử, và cùng với cô giáo, những âm thanh
huyền hoặc
Caesar, Augustus, Flavius... toàn những âm thanh có thể đánh thức quỉ
sứ dưới
địa ngục! Đó là lý do, theo ông, trẻ con mê môn sử. Một Nguyễn Huệ, áo
bào còn
đen kịt, sặc mùi thuốc súng, vào Thăng Long đúng ngày Tết, sông Hồng
nghẹt xác
giặc, đã ăn sâu vào bộ óc non nớt của chúng ta, không dễ gì bôi xoá. Và
cái
trách nhiệm "trồng người" không dễ dàng, khi cố tình xuyên tạc lịch
sử. Cho dù vậy, đây là "nhiệm vụ" của nhà nước, không phải của nhà
văn.
Theo
chân C. Lévi-Strauss, người viết xin mượn ý tưởng của T. Tolstaya, để
khai mở
"huyền thoại" Nguyễn Huy Thiệp. Trong bài viết "Những Thời Ăn
Thịt Người" (Thế Kỷ 21, bản dịch), bà cho rằng, Á Châu sống bằng lịch
sử,
trong khi Âu Châu, bằng văn minh. Có thể vì sống bằng lịch sử, cho nên,
những
nhân vật từ đời thuở nào vẫn "bị", hoặc "được" đội mồ sống
dậy, nhập thân vào những anh hùng, cha già dân tộc. Có thể cũng vì vậy,
câu nói
"sĩ phu Bắc Hà chỉ còn có tôi", của Nguyễn Hữu Chỉnh, và hình ảnh một
Nguyễn Huệ tới Thăng Long, làm tan hoang phủ Chúa, cung Vua, rồi bỏ đi,
vẫn
"nhức nhối" cho tới bây giờ. Tôi cũng cố tưởng tượng ra một Nguyễn
Huệ "của tôi", và tôi nghe Người vừa lắc đầu, vừa lẩm bẩm, khi đứng
trước những miếu đền, những ngàn chương sử nay chỉ là một đống tro tàn:
"Ta tìm gì ở đây?" "Nơi này, ta không sinh ra, và cũng chẳng hề
muốn sống ở đó".
Hình
như có một tác giả ngoại quốc đã để những truyện ngắn của Nguyễn Huy
Thiệp kế
bên một số truyện của Borges. Trong bài viết "Chuyện Nghề" (The
Writer's Apprenticeship), Borges viết: Nghề văn, nghề thơ, là một nghề
kỳ cục.
Chesterton có nói: "Chỉ có một điều cần - tất cả mọi điều." Với một
nhà văn, tất cả mọi điều là một từ không chỉ có nghĩa "bao gồm"; phải
hiểu theo nghĩa đen của nó. Thí dụ, một nhà văn cần sự cô đơn, và anh
ta được
chia phần, của nỗi cô đơn. Anh ta cần tình yêu, anh ta được chia, và
luôn cả,
tình yêu không được chia. Theo một nghĩa nào đó, nhà văn là một kẻ
mơ-ngày, một
kẻ sống cuộc đời kép. Anh ta bắt đầu viết, bằng cách bắt chước những
nhà văn mà
anh ta thích. Đó là cách nhà văn trở thành chính mình, bằng cách làm
mất bản
thân - cung cách kỳ cục của một cuộc sống kép, sống hết mình trong thực
tại
này, cùng lúc, trong thực tại khác - thực tại mà anh ta sáng tạo ra,
thực tại
"của những giấc mơ". Trường hợp Nguyễn Huy Thiệp, tôi nghĩ, thực tại
"thực" của ông, một "nhân sĩ Bắc Hà", và một trong những
thực tại "mộng", của ông: Nguyễn Huệ. Có thể, theo ông Thiệp, cái
cảnh Nguyễn Huệ "nhét" gì gì đó, rất cần cho sự sống lại của
"tinh thần Bắc Hà", không phải theo kiểu, "chỉ còn có tôi"
của Nguyễn Hữu Chỉnh, hoặc "tôi nhét điếu thuốc vào mồm tên giặc
lái", của Nguyễn Tuân. Tại sao lại là Nguyễn Huệ?
Bởi
vì còn bao nhiêu kẻ muốn bắt chước ông, "chỉ có một nửa": tới Thăng
Long rồi ở lì lại. Phải chăng, chính vì vậy mà đã xẩy ra cơn xuất huyết
não,
hiện tượng chất xám thiên di vào Nam, hoặc ra hải ngoại, theo kiểu "cái
cột đèn đi được nó cũng đi", hoặc, "Tôi ở đâu, văn chương Đức ở
đó", của Thomas Mann, khi bỏ nước Đức qua Hoa Kỳ, hoặc "Nước Nga bây
giờ ở ngoài nước Nga", của Solzhenitsyn, khi bị bắt bí, "Đi thì đi
luôn, đừng trở về", mà nhà nước Xô viết đã từng "hù dọa", và đã
thành công, với Pasternak.
Câu
hỏi, tại sao phải là Nguyễn Huệ chỉ có thể giải đáp, cùng một lúc, với
câu hỏi,
tại sao lại là Nguyễn Huy Thiệp? Trong bài viết, "Tác giả là cái gì?"
(bản dịch tiếng Anh: What Is an Author?), M. Foucault, cho thấy, ý niệm
tác giả
xuất hiện vào một thời điểm đặc biệt của quá trình "cá nhân hóa"
(individualization), trong lịch sử tư tưởng, tri thức, văn chương,
triết học,
và khoa học. Những bản văn, những cuốn sách, những bài viết/nói bắt đầu
có tác
giả... khi họ trở thành những mục tiêu để trừng phạt. Tác giả được nêu
tên, khi
cần một ai đó, để buộc tội! Ông viết thêm, trong văn hóa của chúng ta,
(và chắc
là trong nhiều văn hoá), thoạt kỳ thủy, bài viết/nói (le discours),
không phải
là một sản phẩm, một món hàng, mà thiết yếu là một hành động, được đặt
trong
"trường nhị cực" (bipolar field), một đầu là sự thiêng liêng, đầu kia
là sự báng bổ. Theo tính cách lịch sử, đây là một động tác đầy rủi ro.
Nhìn
theo quan điểm đó, chúng ta mới thực sự thông cảm, hành động "đầy rủi
ro", của Nguyễn Huy Thiệp. Trong thế giới toàn trị, văn chương bắt đầu,
khi có kẻ dám nói "tôi", thay vì "chúng ta", khi có kẻ dám
nghi ngờ, điều thiêng liêng chưa chắc đã thiêng liêng, và tin rằng,
điều báng
bổ có khi thật cần thiết...
[Truyện ngắn, tình yêu và chiến tranh]
Như
đã chót có lần khoe khoang, theo
NMG, khi viết cho Văn
Học qua mục Tạp Ghi, tôi là người đầu tiên, vừa mới "tái" xuất giang
hồ,, là đã có "tiếng vọng" từ phía độc giả.
Và trong số độc giả, có người, theo tôi, có thể là cán bộ
trong nước, có nhiệm vụ tại hải ngoại.
Họ đã thư cho NMG hỏi, một số chi tiết liên quan tới gia
đình, bà con của Gấu tui, hiện sống tại miền bắc.
Rồi tới bài viết về Nguyễn Huệ của Nguyễn Huy Thiệp.
NMG nhận được thư của mấy ngưòi anh em trong nước này. Thư
đại ý, thời gian qua, chúng tôi về thăm quê hương, tình cờ biết được
tin buồn,
là, nhạc mẫu của nhà văn NQT mới mất tại Hưng Long, Cai Lậy.
Chúng tôi gửi kèm theo đây, một số tiền nhỏ, nhờ quí báo
đăng giùm vài lời phân ưu.
Ký tên [ ba người, hình như vậy].
Thư
cũng đưa ra nhận xét sau đây:
Về trường hợp NHT, vết thương đã lâu rồi, NQT còn chọc ra,
nhưng hy vọng nhờ vậy, nó sẽ đóng sẹo, và lành hẳn.
Cái vụ việc
"Cái Tai Người" cũng đã
lâu rồi. Cho
phép tôi mượn lại ở đây, niềm hy vọng, trên, của mấy người anh em ở
trong nước,
liên quan tới trường hợp NHT.
|
|