*
 



 

Đọc thơ Joseph Huỳnh Văn, 1975

Và thơ Akhmatova, 1917

 

Thơ Joseph Huỳnh Văn

 Mùa Cầm Xanh 

1. Cầm Dương Xanh

Ôi khúc cầm dương sầu quí-phái
Đàn ai
ngăn ngắt trời tây-phương
Người lắng
mơ lên chiều
xanh vương...
Hồng tuôn thanh-thót suốt đêm trường. 

Hồng tuôn. em trắng muốt dương tay
Thôi đã nghìn xưa hương khói bay
Đàn im. tôi biết làm sao thấy
Đêm qua tôi chết quá ngất ngây
Đêm qua tôi chết quá không hay
Đàn im, tôi biết làm sao thấy
Réo rắt. em tinh-khiết buông tay
Réo rắt. em trong suốt như mây 

Ôi khúc cầm xanh sầu quí-phái
Đàn ai. ngăn-ngắt trời tây-phương
Xanh đóa hồn tôi xanh lá lệ
Trong vườn tôi xanh đẫm tinh-sương.
Ôi khúc cầm xanh
sầu quí-phái
Mưa trầm xanh cầm mộ ngát xanh
 

2. Cầm Nguyệt Xanh 

Ai cầm dưới nguyệt, ai như mây
Có hoa rất lệ ngát. hiên tây...
Ai xõa tóc xanh, ai đầm áo
Nửa đêm ngất tạnh.
Cầm buông dây...
Ôi nửa đêm sầu
sầu ngất tạnh
sầu như cầm. nguyệt tàn về đâu... 

Em hỡi! khi tay ngà rỏ máu
thì mộ lòng tôi  cỏ xanh rồi
Cô cho tôi đắm thuyền năm ấy
Về đầm đìa ngực mà ngất say
Một đêm. tôi uống hết sông đầy
Một đêm. tôi khóc hết thơ ngây
Không rượu tôi về trên bến vắng
Một đêm. tôi ngắm hết mùa trăng
Không rượu tôi về trên bến vắng

Suốt đêm nằm nuối tóc tơ nàng

Hồ như
cầm dứt dưới trăng tàn
Ai xé lòng như nguyệt thấm mênh mang...
 

3. Cầm Hồ Xanh Trầm Mình 

Rất xanh, tóc mới chấm ngang vai
Âm u, chiều tới bên hồ đắm
Muôn trùng thăm thẳm em ngát xanh
Xanh mi. xanh mắt.
và xanh tóc...

Nàng ơi xanh đắm đuối thiên thanh.

Trong xanh ai đắm chiều tê tạnh
Chảy khắp dòng em rực ánh hồng

Nhương sao trong buổi xuân xanh ấy
Xuống tóc. em trắng xóa theo mây
Theo mây....
rồi biết dạt phương nào
Lòng ta rồi sẩy bước nơi nao
Con trăng thơ dại chưa đầy tuổi
Đêm qua tự vẫn đáy sông Hằng.

Ôi một chút chiều rất mong manh
Một chút chiều xao xuyến đáy thiên thanh. Cầm hồ...

(Cầu mong con trăng thơ dại kia xanh mai mãi
trong đáy nước xanh) 

Tặng Nguyễn Đạt - đã lưu giữ cho tôi những vần lặng lẽ này. 

30.8.1970


Em đẹp như cách mạng

Vành khăn tang thắm đỏ giữa chiều vàng
Em đẹp như nát tan
thuở bình minh, rạng rỡ xa nhau
ôi vầng dương vầng sầu
Em đẹp như hoàng hôn đổ máu
thầm giấu tên chúng ta

như một chuyến đi xa
người về dưới chân sao lặng lẽ
đẹp nghẹn ngào
tên của người trong trắng biết bao
ôi vì sao ở cuối trời ly cách
Em đắm đuối
như chuỗi đời không gặp gỡ
đẹp bơ vơ


như giấc mơ vội vàng tảng sáng
đẹp muộn màng
ôi những người kiêu hãnh chẳng ngày mai
đẹp tàn phai
vì lòng hoài cách mạng

1972
Joseph Huỳnh Văn


Cây đa bến cũ hồn ta 

Em ạ, mười năm xa bến cũ
Lòng ta vẫn ủ bóng trăng xưa
Nắng mưa thuyền đã sang dòng khác
Câu hát ngày thơ trót chạnh sầu 

Nắng xế ngang đầu đôi sợi bạc
Tình ơi tan tác thuở ngang vai
Thương nhau nhớ lại lời năm ấy
Mà thấy vầng trăng cũng nghẹn ngào 

Màu áo hoàng lan hương kiếp trước
Giữa đời ngước mắt dõi chiêm bao
Muối mặn chưa trao ngày nhạt nắng
Miếng gừng cay đắng tới ngàn sau 

Gạo sầu đắm đuối nuôi nhau
Cắn đôi hạt lệ lòng đau hỡi lòng 

Bạn vắng đường xa chiều đứng bóng
Đôi lòng chung mộng một đời ai 

Cầm tay muốn hỏi người sơ ngộ
Ngập ngừng nông nỗi áng mây trôi 

Thôi thế tình sau thương ý trước
Đoạn trường nước mắt lẫn mưa rơi

Trắc ẩn nụ cười tan tác lệ
Núi sông xương máu một câu thề 

Người đi đi mãi chưa về
Cây đa bến cũ hồn quê đợi chờ

Chút tình tự thuở ngây thơ
Phất phơ mái tóc nguyệt mờ trăm năm

1975  

 

Thơ  Akhmatova 

Your spirit is clouded by arrogance
Your spirit is clouded by arrogance
And that's why you can't see the light.
You say that our faith is - a dream,
and a mirage - this capital.
You say my country is sinful,
and I say your country is godless.

If the blame were ours -
everything could be redeemed and repaired.
All around - water and flowers.
Why bother with this poor sinner then?
I know why you are so terribly sick:
You are seeking death and you fear the end. 

Tâm linh bạn bị kiêu hãnh che mờ
Nên không thấy được ánh quang minh
Bạn nói rằng niềm tin của chúng tôi chỉ là - mơ hão
và ảo ảnh - kinh đô
Bạn nói đất nước tôi là tội lỗi
Tôi nói đất nước của bạn là vô đạo
Nếu chúng tôi đáng trách
Mọi sự vẫn có thể cứu chuộc và chấn chỉnh
Toàn cảnh - nước và hoa
Vậy sao lại lo cho kẻ tội lỗi nghèo khổ này?
Tôi biết vì lẽ gì bạn lại bệnh hoạn ghê gớm đến thế
Bạn đang tìm cái chết và sợ hồi chung cuộc.
Jan, 1917
Akhmatova 

Có một giả tưởng quái đản cho rằng có đau khổ mới có nghệ thuật lớn, Đau khổ làm cho người ta mù lòa, điếc lác, tàn hại, và thường khi, sát nhân. [It’s an abominable fallacy that suffering makes for great art. Suffering blinds, deafens, ruins, and often kills]. Osip Mandelstam là nhà thơ vĩ đại “trước” cách mạng. Cũng vậy, là Akhmatova. Cũng vậy, là Marina Tsvetaeva. Họ sẽ vẫn là họ, đếch cần đến cái cuộc cách mạng đó, đếch cần dù chỉ một biến cố lịch sử đó giáng lên đầu dân Nga: Bởi vì họ là thiên bẩm [gifted]. 

Cơ bản mà nói, tài năng đếch cần lịch sử.
Joseph Brodsky: Ai điếu Nadezhda Mandelstam [1899-1980].

Cơ bản, tài năng đếch cần lịch sử. [Basically, talent doesn’t need history]. Hãy nhớ lại những tài năng tiền chiến, đếch cần tới Mùa Thu Lịch Sử sau đó. Thê thảm hơn, họ bị nó nghiền nát bấy, biến thành, hoặc đao phủ hoặc nạn nhân. Người đọc chẳng đã sửng sốt vì những cái độc cái ác đầy rẫy ở trong sổ Ghi của Trần Dần, chúng đâu làm cho tài năng của ông lớn thêm lên đâu? Một cách nào đó, phải coi hành động tiêu diệt nhóm Nhân Văn Giai Phẩm như là một hành động sát nhân. 

Chúng ta hãy so sánh những bài Mùa Cầm Xanh, của thi sĩ Joseph Huỳnh Văn, được làm vào thời kỳ miền nam tương đối thanh bình, với những bài sau này, như Em đẹp như cách mạng [1972], hay Cây Đa Bến Cũ Hồn Ta [1975], là thấy rõ.
Những bài Mùa Cầm Xanh, giống như một cõi Thiên Thai của Văn Cao. Hai bài sau, đã nhuốm mùi trần tục: Thi sĩ sửa soạn, dọn mình, để cùng đau với cả một miền đất, với bạn bè của ông.
Mùa Cầm Xanh  làm năm 1970, như để chào mừng Tập San Văn Chương, tờ báo của đám bạn, với ông là Tổng Thư Ký!
Ông, và đám bạn của ông có thể tự hào, Tập San Văn Chương [1972-1974?] là "đỉnh cao" cuối cùng của văn học miền  nam, trước khi được dán nhãn phản động đồi trụy tuốt luốt.
1972, nghĩa là, sau Mậu Thân 1968?
Đúng như vậy, và do đó, theo tôi, có lẽ phải đọc Mùa Cầm Xanh  theo dòng của Tống Biệt,"suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi", "mấy năm năm tiên cảnh [1954-1975], một bước trại giam".
Muối mặn chưa trao ngày nhạt nắng
Miếng gừng cay đắng tới ngàn sau
Và đây là cảnh chia ly, ‘bước chân xuống thuyền nước  mắt như mưa”:
Khuya nức nở những cõi lòng không ngủ
Đợi vì sao dậy sớm tiễn người đi
Nguyên bài thơ trích dẫn ở trên, của Akhmatova, là được viết cho một người bạn sắp sửa bỏ nước ra đi, nhưng như Dmitri Segal chỉ ra, Akhmatova gọi xứ sở của bà là tội lỗi, theo nghĩa, [nó đẻ ra những tên như] Rasputin và sự thoái hóa sa đọa của chính thế hệ của bà.
Và còn điều này, bài thơ được làm vào tháng Giêng 1917, đây là thời kỳ đầu cách mạng Nga, và tội lỗi, vô thần [godless], là có liên quan tới đám người Bôn-sê-vích.

Bài thơ trước đó, Prayer, mới thật bảnh. Xuất hiện lần đầu trên nhật báo Pravo naroda [Quyền của Nhân Dân], vào ngày 9 tháng Chạp. Nguyên được viết như là một nguyện cầu về cuộc chiến 1915; nhà thơ nói, ta sẽ ôm trọn mọi khổ đau mà ông Trời giáng xuống, "So that the stormcloud over darkened Russia/Might become a cloud of glorious rays",  [Để cho đám mây bão phủ trên nước Nga tối xầm/Có thể thành áng mây dương quang chói lọi], nhưng qua nội dung, đây là nhằm tố cáo đám người Bôn sê vích, mà vào lúc đó, không ai nghĩ có thể nắm quyền lực. Bài viết đi kèm bài thơ trên nhật báo nói thẳng ra điều trên: "Đám Bôn sê vích đã có tiếng nói của họ. Bây giờ, là tiếng nói của nhân dân."
[Akhmatova, thi sĩ, nhà tiên tri. Roberta Reeder. Nhà xb Picador USA. NY].

 Hơn ai hết Akhmatova hiểu rằng ý thức hệ Bôn-sê-vích chống lại mọi biểu hiện tôn giáo. Dưới mắt những tín đồ, những người Bôn sê vích sẽ là những kẻ huỷ diệt linh hồn Chính Thống Giáo của Nga. Bà hiểu rất rõ, những dòng thơ của bà mang tính tố cáo chính trị. Bà biết mình đang đóng vai trò của Cassandra, mà chồng bà đã tiên đoán về bà, số phận của Cassandra là người nhìn thấy tương lai, nhưng chẳng ai thèm nghe.
Với riêng tôi, bài thơ của Joseph Huỳnh Văn, Cây Đa Bến Cũ Hồn Ta, là cũng được làm theo tinh thần của bài thơ của Akhmatova, nhưng nhẹ nhàng hơn, thi sĩ chỉ nhớ tiếc:
Giữa đời ngước mắt dõi chiêm bao. [J. Huỳnh Văn]
Bạn nói niềm tin của chúng ta  - mơ mộng hão [Akhmatova]
Liệu câu thơ, "Núi sông xương máu một câu thề", là nhắm nhắc tới câu: "Thề phanh thây uống máu quân thù", của Văn Cao?
Ngay giữa bạn thân của thi sĩ, chỉ mới đây, khi biết, bài thơ làm khi nào [1975] ẩn dụ của nó mới lộ ra.
Cũng như bài Em đẹp như cách mạng, 1972, tức là phải sau Mậu Thân, sau Mùa Hè Đỏ Lửa, mới làm được.

Nếu bài thơ của Akhmatova, là giữa một kẻ sắp rời bỏ đất nước, và người ở lại, bài thơ của Jopseph Huỳnh Văn, cuộc bắt tay lịch sử 30 tháng Tư 1975:
Cầm tay muốn hỏi người sơ ngộ
Thôi thế tình sau thương ý trước
Nhưng trước đó, trước 1975, thi sĩ đã nhìn ra được cuộc chia ly, giữa bạn bè:
Khuya nức nở những cõi lòng không ngủ
Đợi vì sao dậy sớm tiễn người đi.
Giấc mơ về cuộc bắt tay lịch sử giữa kẻ đi người ở sau 1975: Và nếu trách cứ là về phần chúng tôi, những người ở lại, If the blame were ours - thì mọi chuyện vẫn còn có cơ cứu rỗi, và chấn chỉnh:

Người đi đi mãi chưa về
Cây đa bến cũ hồn quê đợi chờ.

[Tưởng niệm Joseph Huỳnh Văn Hiến, mất ngày 20/2/1995 tại Sài Gòn. Bạn có thể đọc thơ Joseph Huỳnh Văn trên báo Văn, số Tháng Hai & Ba, 2004. Hoặc trên tanvien.net].

NQT