jen 
Tạp Ghi




 

Tìm được ân nhân sau 14 năm thất lạc


dtliem
                                                        Dương Thanh Liêm & Gấu                                                        
@
 Nhà Hát Le Petit Trianon Theatre, San Jose
Tháng Tám, 2004

Thursday, December 30, 2004    Mai Thượng

Tất cả chuyện may mắn bắt đầu từ sự “vô tình” thiếu trách nhiệm của hãng điện thoại ở Pasadena đã đưa tên Megan lên danh bạ điện thoại trong vùng. Cô Megan cũng không hề biết và yêu cầu chuyện đó. Nhưng nhờ đó, một sự gặp mặt may mắn mới xảy ra.

Bị bắt cóc 

Năm 1990, anh Dương Thanh Liêm cùng con trai tên Adam, 13 tuổi, vượt biên bằng đường bộ qua biên giới Cămpuchia rồi sang Thái Lan. Họ là một số rất ít những người vượt biên bằng đường bộ vì nghĩ rằng sẽ an toàn hơn. Nhưng hoàn toàn không hẳn vậy, qua biên giới cả hai bố con anh Liêm đã bị quân Miên (thuộc tổ chức Chính Phủ Miên Tự Do) bắt cóc để đòi tiền chuộc từ các thân nhân ở nước ngoài. Hai bố con anh không phải là những người duy nhất bị bắt cóc để đòi tiền chuộc như vậy. Anh Liêm cho biết, có nhiều người đã bị giết vì lý do không có tiền chuộc hay vì nhiều lý do không thể giải thích được. Hai bố con anh Liêm thuộc vào nhóm những người may mắn.

Lợi dụng sự sơ hở của lính canh, anh Liêm bỏ chạy ra ngoài. Trong khi lính tìm đuổi theo anh thì Adam chạy theo hướng khác, đến gần nhà thờ và kêu cứu. Adam gặp được cảnh sát và được đưa vào trại. Sau đó anh Liêm bị bắt lại, bị đem dấu vào trong rừng sâu với sự canh gác của lính Miên. Nhờ sự thông báo của Adam, các đại diện của Liên Hiệp Quốc được thông báo tìm kiếm. Người ta đưa Adam vào trại và gặp được Megan tại đây. Trong thời gian bị giam và bị dấu trong rừng, anh Liêm đã gặp rất nhiều may mắn nên vẫn thoát chết và còn sống. 

“Ai cũng có số của mình,” Anh Liêm kể lại chuyện tại sao anh trốn thoát và sống đến ngày nay. “Hôm đó, tôi được đám lính rủ đi xem video. Trong cả đám người, bỗng có một lính Miên hỏi tôi có phải là ông sĩ quan Việt Nam tên thế này không vì họ nhận được thông báo của Liên Hiệp Quốc đang tìm kiếm. Tôi trả lời và ngay sau đó được dẫn đến gặp một nhóm sĩ quan người Miên. Từ đó, tôi được chuyển sang nơi khác, bị giam lỏng tiếp tục nhưng có vẻ được đối đãi tử tế hơn. Nhưng vẫn không được trả lại cho Liên Hiệp Quốc.”

 Anh Liêm phỏng đoán, lý do tại sao nhóm lính Miên vẫn giữ anh dù biết nếu trao trả lại Liên Hiệp Quốc họ sẽ được lợi và một số tiền. Anh nói: “Có thể đám sĩ quan Miên muốn giữ anh thật lâu và dụ anh tham gia vào quân đội của nhóm đó vì lúc đó họ rất cần các sĩ quan. Nhiều người Việt đã làm như vậy.”

 Sau đó anh Liêm nối kết với một lính Miên tìm cách trốn. Ngày hôm sau, người lính đó bị bắt giải đi và anh bị lôi lên tra hỏi: “Tại sao chúng tôi đối xử tốt với ông vậy mà ông lại tìm cách trốn đi?” Sau khi anh giải thích, cả toán bị bắt cóc được trả đưa vào trại tị nạn. Anh Liêm được “cất giấu” trong sở chỉ huy trung tâm cảnh sát của trại tị nạn vì sợ bị trả thù và có thể bị giết.

 Từ đó anh Liêm được sự bảo vệ của Ủy Ban “Protection” những trường hợp có thể nguy hiểm. Ủy ban này có quyền hạn không nhỏ, họ có thể điều động cả cảnh sát và các nhân viên của trại để bảo vệ an toàn tính mạng cho những người trong hoàn cảnh nguy hiểm. Anh Liêm được giữ tại trại cảnh sát và sau chuyển qua những chỗ khác an toàn hơn. Chỉ đến khi cảm thấy tính mạng của anh an toàn họ mới chuyển anh về trại. Trong những ngày nguy hiểm đó Megan là người trực tiếp làm việc và lo lắng cho sự an toàn của hai bố con anh Liêm.

 Cùng làm việc tại Side Two còn có cô Claudia Fisher, người Ðức, làm công việc security cho trại (cùng một agency với Berthold, “United Nations Relief Operation”. Người này đã bảo vệ các gia đình Việt Nam, đặc biệt là gia đình anh Liêm. Anh Liêm kể lại, khi Claudia đi nghỉ, anh Liêm nhận được trát ra tòa. Ðến nơi anh bị đòi $3,000. Anh không có tiền trả và đã nói: “Tôi không nợ ai. Nếu ở tù, xin cứ cho ở tù. Tù ở đây giống thiên đường so với tù Cộng Sản tôi đã quá quen.”

 Một trong những điều nghịch lý trớ trêu nhất là khi rời khỏi trại, anh Liêm nhận ra một trong những kẻ thuộc nhóm đã “bắt cóc” anh đang ngồi trên bàn với cương vị thành viên của Ủy Ban Bảo Vệ Nhân Quyền.

 Vào thời gian đó, Megan làm việc cho “Catholic Office For Emergency Relief for Regufees” (được tài trợ bởi các NGOs địa phương cùng các tổ chức quốc tế) để cung cấp các trị liệu tinh thần và cả thể xác cho những người chạy trốn, bị tra tấn... Ðồng thời họ nghiên cứu về các ảnh hưởng xã hội của những nạn nhân bị tra tấn. Hiện nay Megan vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về Cộng Ðồng Miên tại Long Beach.

 Megan đã học tiếng Việt trong thời gian làm việc tại Trại Palawan, Philipine. Cô học với nhiều người Việt Nam khác nhau vì những người này đến rồi đi. Ngoài ra, cô còn học tiếng Việt với cả một người Miên lai. Cô nói tiếng Việt khá tốt bằng giọng Bắc.

 Megan đã làm việc 2 năm rưỡi tại Palawan. Megan đến Thái Lan 2 năm sau khi cô học xong bằng Master lúc vừa mới 27 tuổi.

 Tháng Tư, năm 1991, Megan đi Việt Nam lần đầu tiên, mang theo tin tức của anh Liêm và Adam cho chị Hạnh vợ anh Liêm đang còn ở Việt Nam. Chị Hạnh đã làm tourguide nhưng không biết tiếng Anh, và cô Berthold Megan buộc phải nói tiếng... Việt.

 Megan đã trở thành ân nhân của gia đình anh Liêm dù cô chỉ làm việc 6 tháng tại trại Side Two (Thái Lan) nhưng vào đúng lúc anh Liêm đang ở trong tình trạng nguy hiểm nhất. Sau đó cô sang làm việc tại Palawan, Pillippine, hai năm rưỡi.

 Cô có một con gái đỡ đầu lai Việt Nam và rất thích ăn bánh cuốn (cô phát âm rất rõ ràng và chính xác). Tuy sinh ra ở Vermont nhưng phần lớn thời gian, học và làm việc Megan đều ở California.

 Tìm lại ân nhân

 Ngay sau khi sang được Mỹ và đoàn tụ lại cùng gia đình, anh Liêm đã nhiều lần tìm cách kiếm lại ân nhân của mình và gia đình. Bằng mọi cách khác nhau, thậm chí anh đã đến tận Pasadena tìm đến ngôi nhà cô Megan đã từng ở và để thư nhắn lại. Nhưng rất lâu, rất lâu không hề có hồi âm. Cô đã chuyển ra khỏi ngôi nhà đó và không quay lại. Cô Megan kể: “Quả thật tôi rất thường xuyên chuyển nhà. Khi đó tôi đã chuyển nhà khỏi Pasadena về Los Angeles nhiều năm và cũng không hề để tên trên các danh mục điện thoại. Hơn nữa, rất ít người biết tên đệm của tôi.”

 Năm 2002, gia đình anh Liêm nhờ người tìm trên internet qua chương trình Who's Where trong địa phận Pasadena. Tất cả đều tình cờ. Megan tình cờ chuyển về lại Pasadena để sống. Hãng điện thoại “tình cờ” đưa tên Megan lên danh bạ điện thoại, là điều mà cô không cho phép và cũng không biết. Trước đó, không ai biết được điện thoại Megan.

 Rồi một ngày kia, cô Megan nhận được một cú điện thoại bất ngờ. Cô rất ngạc nhiên và xúc động. “Adam thay đổi quá nhiều. Năm 1990, không nói được tiếng Anh. Bây giờ đã nói tiếng Anh theo đúng giọng Mỹ,” Megan cho chúng tôi biết khi tất cả cùng ngồi trong nhà hàng Seafood ở Little Saigon. Cô còn là ân nhân của nhiều người khác mà có thể sau bài báo này họ mới biết. Ðó là những người đã vô tình góp công xây dựng lên cộng đồng người Việt ở Mỹ.

 Cho đến nay, Megan vẫn tiếp tục làm công việc cô đã làm từ những ngày tháng năm 1990 đó. Công việc hiện tại của Megan vẫn là: giúp đỡ trị liệu về tinh thần và thể xác cho những nạn nhân bị tra tấn và trốn được đến Hoa Kỳ xin tị nạn. Cung cấp tất cả dịch vụ di trú, y tế, tư vấn, thuốc men hoàn toàn miễn phí. Gần 50% số “client” của cô là người Châu Phi. Còn lại là từ các nước Sô Viết cũ và Trung Ðông.

 “Tôi rất mừng khi gặp lại gia đình anh Liêm và đặc biệt khi thấy tất cả mọi người đều an toàn và đoàn tụ hạnh phúc,” cô Megan không giấu sự mãn nguyện. Cô nghĩ cô chỉ làm công việc của mình và có thể không ý thức rằng chỉ điều đó thôi cô đã cứu giúp cuộc sống và sự tồn tại của ít nhất một gia đình Việt Nam. Ðất nước và những con người ở đây đã bao dung những người tị nạn và không ít người do sức ép của cuộc sống quá căng thẳng hàng ngày và tác động của thời gian đã quên, đã nhiều lúc quên điều rất nhỏ nhưng quan trọng đó.

[Trích Người Việt online]