Thư Gửi Bạn Ta
4
.. Vào những ngày như thế này,
nhà văn thua nhà chính trị, nếu nói về lưu vong. Những nhà văn "đi
về cùng
một nghĩa như nhau", lại càng thua những nhà chính trị, nhất là những
ông, sau
khi cho in sách một cách rất ư là tự do, bèn đưa sách về... "nhà
mình", để xin
được "nhà nước mình" kiểm
duyệt.
Nhưng,
Gấu chính là người đầu tiên "suýt" mở ra cái vụ xin được nhà nước mình
kiểm duyệt tác phẩm. Nói rõ hơn, người đầu tiên được anh em trong nước
đề nghị in sách ở trong nuớc, là Gấu, trong chuyến trở về đất Bắc, lần
đầu tiên sau hơn một nửa thế kỷ.
Có thể do sách Gấu khó mà để nguyên con, cho nên cuối cùng,
cuộc bắt tay lịch sử này phải đợi tới những nhà văn khác, những tác
phẩm khác may mắn hơn.
[Ghi
chú bên lề: Vào
những giờ phút căng thẳng nhất, nhằm cứu vãn "đại cục", người bạn văn ở
trong nước đó đề nghị, anh cứ vờ đi, coi như thằng này đạo văn, nghĩa
là lấy bài từ trên net, đưa kiểm duyệt - cái mất thí cô hồn - cái còn
lại cho in... Cũng ông bạn này, đã đưa Gấu tới trụ sở Hội Nhà Văn, hình
như vậy, để gặp mấy ảnh, và trình bầy... Rủi quá, hoặc may quá, mấy sếp
lớn, bữa đó, đều vắng mặt! Sau, chắc là do thấy Gấu không mặn mà với
chuyện này,
anh cũng vờ đi. Nhân đây, cám ơn, không phải một, mà "vài bạn
ta". Nhất là ông bạn cho biết khí hậu Hà Nội không... đẹp như những
ngày anh về đâu!]
[Phần...
nhớ, thì để riêng ra rồi. Nếu Trời cho còn có ngày gặp lại, đòi cả lời
lẫn lãi! NQT]
*
Danilo Kis kể chuyện tiếu lâm, thời gian ở Paris, ông nhận "thư nhà",
từ Nam Tư, một phong bì dán tem, đóng dấu bưu điện hẳn hoi. Mở ra,
trang thư thứ nhất, là con dấu, với những dòng chữ như sau:
Thư này không bị kiểm duyệt.
Câu chuyện tiếu lâm, tưởng như đùa đó thực sự đã xẩy ra, với một ông
Danilo Kis mũi tẹt nào đó, trở về trong nước, và mang những trang sách
đã từng được xuất bản tại hải ngoại, và trình nhà nước, để được đóng
dấu chứng nhận:
Những trang sách này ở hải ngoại chưa "bị" đế quốc kiểm duyệt, nay xin
"được" nhà nước kiểm duyệt!
*
Nhà văn Mỹ mới mất, Susan Sontag có một bài viết về Danilo Kis rất cảm
động [Tên ông này, là từ tiếng Hung, bên trên con chữ s có một cái dấu
giống dấu mũ của tiếng Việt, nhưng đặt ngược]. Ông mất ngày 15 tháng
Mười, 1989, thọ 54 tuổi. Bài viết, 1994, có thể coi như là một bài
tưởng niệm.
Chết khi 54 tuổi, Sontag coi đây là một cái chết làm yểu mệnh văn
chương, chấm dứt một trong những cuộc hành trình quan trọng nhất
của văn học, được làm nên bởi bất cứ một nhà văn nào trong nửa sau thế
kỷ 20.
Tại sao thế?
Theo tôi, bởi vì Kis là từ cái lò Đông Âu mà ra, và như Sontag viết,
cũng trong bài về Kis:
Cái chuyện bạn kinh qua đủ thứ khổ đau trên đời, đếch làm cho bạn trở
thành nhà văn lớn đâu. (1) Có thể cần, nhưng chưa đủ. Nhưng địa lý là
định mệnh. Đối với Kis, không có chuyện rút dù, hay chối bỏ cảm xúc,
dấy lên từ mảnh đất chôn rau cắt rốn, và đáp ứng, hay là trách nhiệm
của nhà văn, đối với nó. Kis đến từ một xứ sở nhỏ bé, nơi nhà văn được
coi là quan trọng, trong cái tốt nhất, cũng như trong cái tệ nhất của
nó, và như thế, rất dễ trở thành tiếng nói đạo đức, và đôi khi, trở
thành chính trị gia, nhà lập pháp, thay vì chỉ là một nhà văn thường
thường bậc trung.
Nhận định của Sontag về Kis, làm Gấu tôi nhớ đến Võ Phiến, Nguyễn Mộng
Giác, những nhà văn của mảnh đất nhỏ bé, Bình Định, thí dụ vậy. Tác
phẩm của họ, không chỉ nhắm văn chương, mà còn cao hơn thế nữa.
Cao trong cái nghĩa tốt nhất, hoặc tệ nhất, là còn tùy vào hoàn cảnh,
thời đại, cơ may, và "cái tâm" của họ.
(1): Nguyên văn: Số lượng về lịch sử hay kinh hoàng mà một nhà văn phải
gánh chịu không làm cho người đó trở thành một nhà văn lớn. [The amount
of history or horror, a writer is obliged to endure does not make him
or her a great writer. But geography is destiny].
Địa Lý Là Định Mệnh, câu này gợi nhớ câu Địa Linh Nhân Kiệt của phương
Đông.