Thư Gửi Bạn Ta
3 

[Gửi bác sĩ BXN. NQT]

"Nhà văn nào nổi bật nhờ sự khác biệt của chế độ chính trị thì thường không bền...".
Nguyễn Mộng Giác
[trích bài viết Tản mạn, của Nguyễn Khắc Phê, trên talawas]

Bền, chịu được sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, theo một nghĩa nào đó, có nghĩa là trở thành cổ điển.
Nhưng thế nào là đương thời, thế nào là cổ điển?

-Là một nhà văn đương thời, có nghĩa là, sẽ có hai nhà phê bình, nếu ngồi cùng bàn, một khen hết lời, một chê chẳng kém, cuốn sách bạn vừa mới xuất bản, trong khi cả hai đều mê Truyện Kiều của Nguyễn Du, hay gần hơn, tuỳ bút  Nguyễn Tuân.
Tôi không dám nghĩ tới trường hợp, cả hai ông đều chửi um lên!]
- Cổ điển, có nghĩa là sống sót được cả hai thằng cha phê bình đó!

Ý trên, mô phỏng Virginia Woolf, trong How it strikes a contemporary. Riêng về cụm từ "chê chẳng kém", bà nữ sĩ Anh này cay độc hơn nhiều: cái thứ đó chỉ đáng giấy chùi đít (waste paper), và nếu lửa đốt không cháy, thì phải dí vào tận đáy lò.

Ý dưới, từ Coetzee, trong What is a Classic?
Nhà văn Nam Phi này nhắc tới một bài diễn thuyết cùng tên, của T.S. Elliot, vào tháng Mười 1944, tại London, khi Đồng Minh đang quần nhau với Nazi tại đất liền (Âu Châu). Về cuộc chiến, ông chỉ nhắc tới, bằng cách xin lỗi thính giả, rằng chỉ là tai nạn của hiện tại (accidents of the present time), một cái hắt hơi, xỉ mũi, đối với cuộc sống của Âu Châu, và nó làm ông không thể sửa soạn chu đáo cho bài nói chuyện. 

"Nhà là nơi một người bắt đầu" [Home is where one starts from], "Trong cái bắt đầu là cái chấm dứt của tôi" [In my beginning is my end], nhà thơ [Eliot] cho rằng, để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta phải trở lại với nhà thơ lớn lao nhất, "cổ điển của chính thời đại của chúng ta" (the great poet of the classic of our own times), tức nhà thơ Ba Lan, Zbigniew Herbert.

Với Herbert, đối nghịch Cổ Điển không phải Lãng Mạn, mà là Man Rợ. Với nhà thơ Ba Lan, viết từ mảnh đất văn hóa Tây Phương không ngừng quần thảo với những láng giềng man rợ, không phải cứ có được một vài tính cách quí báu nào đó, là làm cho cổ điển sống sót man rợ.

Nhưng đúng hơn là như thế này: Cái sống sót những xấu xa tồi tệ nhất của chủ nghĩa man rợ, và cứ thế sống sót, đời này qua đời khác, bởi những con người nhất quyết không chịu buông xuôi, nhất quyết bám chặt lấy, với bất cứ mọi tổn thất, (at all costs), cái mà con người quyết giữ đó, được gọi là Cổ Điển.

Như vậy, với chúng ta, cuộc chiến vừa qua, cũng chỉ là một cái hắt hơi của lịch sử. Không phải viết từ những đối nghịch chính trị, như một hậu quả của cuộc chiến đó, mà trở nên bền. Muốn bền, là phải lần tìm cho được, cái gọi là nhà, liệu có đúng như Eliot nói đó không: Nhà là nơi một người bắt đầu.
Hay nhà là nơi cứ thế sống sót những xấu xa của chủ nghĩa Man Rợ, đời này qua đời khác, bởi những con người nhất quyết không chịu buông xuôi, nhất quyết bám chặt lấy, với bất cứ mọi tổn thất...
Câu trên, Nhà là nơi một người bắt đầu, có vẻ như áp dụng cho một nhà văn Việt nam ở hải ngoại.
Câu dưới, có vẻ như dành cho nhà văn trong nước.


Xa quê, nhớ nhà.

Christine Brooke-Rose, trong bài viết Exsul, được in trong cuốn Lưu Vong và Sáng Tạo [Exile and Creativity, nhà xb Duke University, 1998], kể về thời thơ ấu của bà, tại Brussels. Được nuôi dưỡng trong khí hậu nhị-ngôn, Pháp-Anh, bà cứ nghĩ, exile  là ex-ile, nghĩa là do chữ “đảo”, ile, tiếng Pháp, mà ra. Bà chắc chắn như vậy, không phải vì Quần Đảo Anh, là chốn bà con họ hàng nơi thường xuyên lui tới của bà, nhưng còn vì, đối với một đứa trẻ, những hòn đảo thật diệu kỳ: nào là Đảo Kho Tàng, Đảo Lỗ-bình-sơn, miền đất không bao giờ-không bao giờ của Peter Pan (Peter Pan’s never-never land)... Lưu vong như thế có nghĩa là một ốc đảo cô đơn, một nơi chốn mà đứa trẻ, với cuốn sách, tập làm quen với nỗi cô đơn, thèm được ở mãi trong đó, và sẽ hết sức bực dọc nếu bị đuổi ra...

Nhưng không phải vậy.

Exile  (La-tinh exilium, trước đó exsilium; exul, exsul, một người bị bỏ, bị biếm), từ lâu vốn được coi như liên hệ với solum, đất (soil), nhưng bây giờ (coi tự điển La-tinh, E.A. Andrews biên soạn, nhà xb Harper, 1987), gốc rễ của nó là sal, tiếng Sankrit sar (đi, to go), L. saline/saltare;  và L. exsilio có nghĩa là ‘nhẩy lên’ (spring from). Nhưng sau đó, trong tiếng Pháp Cổ, exilier  hay essilier có nghĩa là ‘to ravage’, ‘to devastate’, dây mơ rễ má của nó còn nhận thấy qua từ exterminate, nghĩa đen là ‘vượt quá biên cương, bờ luỹ’.

Thành thử ngoài nỗi đau khổ vì bị biếm, còn chuyện lao tới một cuộc đời mới, vượt ra khỏi những lũy tre làng thân quen (vượt ra khỏi những biên cương của một cái đảo tự mình tạo ra cho chính mình). Thí dụ như, “Ý đại lợi, thiên đàng của lưu đầy”, Shelly viết, năm 1818.

Đây là nghĩa “đẹp” của nó.

Còn nghĩa ‘đau thương’ thê thảm của nó, thì có,  thí dụ như, lời nói chót của Đức Giáo Hoàng Gregory VII: “Tôi yêu sự chính trực, điều phải, thù ghét sự bất công, cho nên tôi phải chết trong lưu đầy.”

Vẫn theo tác giả, ngày nay, không một nhà văn nào thực sự xứng đáng là một lưu đầy xứ người, so với những chính trị gia. Nhưng bởi vì là nhà văn, nên họ thường đưa ra được nhiều vấn nạn hơn là những khuôn mặt chính trị. Và được kể là những khuôn mặt chính trị, theo tác giả, có những thường nhân, thí dụ như một người nướng bánh, một ông thợ mộc...


Như đoạn viết trên cho thấy, ngày nay, nhà văn thua nhà chính trị, nếu nói về lưu vong. Những nhà văn đi về cùng một nghĩa như nhau, lại càng thua những nhà chính trị, nhất là những ông, sau khi cho in sách một cách rất ư là tự do, bèn đưa sách về nhà để xin được kiểm duyệt.
Thành thử, nhà văn thua thường dân xa, bởi vì thường dân, vẫn còn coi họ là lưu vong, hơn cả nhà văn, như trong bài viết trên cho thấy.


Tôi đã hân hạnh được quen một ông, một vị bác sĩ. Ông già của ông, ở Việt Nam, nằm hấp hối ở bệnh viện. Ông về, suốt thời gian, ở bên giường bệnh của ông cụ, ở bệnh viện, sau đó, ở bên quan tài của ông cụ, khi ông cụ mất. Đưa ông cụ về với đất, là ông đi trở ra ngoài này liền. Ông nói, tôi muốn làm khác đi, cũng không được.
Theo tôi, ông bạn của tôi được hưởng cả hai cái sướng, của cả hai câu ở trên, một, “Ý đại lợi, thiên đàng của lưu đầy”, của Shelly viết, năm 1818, và một, “Tôi yêu sự chính trực, điều phải, thù ghét sự bất công, cho nên tôi phải chết trong lưu đầy”, của Đức Giáo Hoàng Gregory VII.

NQT