Thất Hiền
4
Một lần tôi đọc, hoặc có thể, nghe,
Mai Thảo viết hoặc kể,
về một hình ảnh, mà ông bảo là bạn ông, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, đã
dùng nó, để
diễn tả cái gọi là quá khứ, là hồi ức, ở trong mỗi chúng ta:
Bạn hãy cầm một cây lao, và bất thình lình, quay ngược lại
phiá sau lưng, lấy hết sức bình sinh lao cây lao, nó tới được chỗ nào,
thì đó
là quá khứ là hồi ức của mình, tới được.
Tôi cũng có của riêng tôi, cái hình ảnh trên, mà cũng
là của
Thanh Tâm Tuyền.
Một lần, ngồi ở Quán Chùa, nhân chỉ có hai anh em, tôi bèn
‘phê bình” thơ của anh, khi nhắc tới kinh nghiệm, và gần như là một
thói quen,
hoặc thói xấu, của cái gọi là hồi ức, trí nhớ của tôi.
Tôi bảo ông anh, trí nhớ của em về thơ, nó rất ư là bất trị,
nghĩa là cứ cố tình đọc sai, nhớ sai, đọc lộn, thơ của người khác.
Tôi nhắc tới cái lần đọc lộn, và nhân đó, khám phá ra chất
hung bạo ở trong thơ của ông anh.
Kể lể toàn chuyện tình tuyệt vọng
Với một mình cào lấy tóc mình
Trong khi thực sự như vầy:
Kể lể toàn chuyện tình vô vọng
Với một mình cấu lấy tóc mình.
Ông cười, nhân đó, kể lại một mẩu
chuyện, khi dậy học.
Lần đó, ông đang giảng bài, một anh học trò thuộc loại ngỗ
nghịch, dữ dằn nhất lớp, chẳng thèm để ý đến thầy giáo, thản nhiên chọc phá mấy người bạn ngồi gần. Như
chúng ta đã từng đi học đều biết, mấy ông tướng này là chuyên ngồi ở
cuối lớp,
tức thuộc xóm nhà lá. Bực quá, nhà thơ vo tấm khăn lau bảng thành một
cục, và
thẳng tay ném tới tận cuối lớp, rồi hét: Mang nó lên đây cho ta!
Anh học trò ngỗ nghịch ớn quá, líu ríu nhặt cái khăn, mang
lên cho ông thầy.
Tôi nghĩ, hình ảnh
ném lao, chắc là được gợi hứng từ chính kỷ
niệm một thời làm thầy giáo của nhà thơ.
Hình ảnh thì quá đẹp,
nhưng về già, khi nhớ lại, Gấu mới
nhận ra một điều, quá khứ, hồi ức của một con người, nó kỳ cục lắm. Như
cây lao
của nhà thơ, cây lao đó cố tình chọn chỗ nào, nơi nào, năm tháng nào,
điểm nào,
để mà ngưng lại, ở trong quá khứ một đời
người.
Với Gấu tôi, đó đúng là năm học Đệ
Nhất Chu
Văn An, năm học tuyệt vời làm quen với Chất, em nhà thơ, và qua anh,
Thất Hiền.
Ôi, ôm Em trong tay mà đã nhớ Em ngày
sắp tới" (Thơ Thanh Tâm Tuyền). Hãy cho tôi thăm lại con phố Bonnard
(?), nơi có bót Hàng Ken (1), chú bé di cư ngày nào ngơ ngác rụt rè làm
quen, tự mình khám phá Sài Gòn.
Bót Hàng Ken, là nhớ lộn, [do Hành Xanh mà ra]. Bạn Thảo Trường mới
mail, chỉnh lại: tên nó là bót Lê Văn Ken. Ôi chao, tôi có bao nhiêu kỷ
niệm với cái bót cảnh sát này, những ngày đầu mới vô Sài Gòn.
Gấu tôi bị bắt bỏ bóp Lê Văn Ken vào đúng ngày hôm trước, hôm sau đi
thi Trung Học Đệ Nhất Cấp kỳ I.
[Tại sao bị bắt, Gấu tôi đã kể trong Lần Cuối
Sài Gòn].
Không phải có phải là hậu quả của vụ bị bắt bỏ bót hay không, nhưng Gấu
thi rớt kỳ đó. Ba tháng hè cầy mệt nghỉ, trong khi bạn cùng lớp học hè
Đệ Tam, tới năm học vô luôn Đệ Nhị, tức học nhảy.
Đậu kỳ 2, Gấu nghe bạn xúi, mà hơn nữa, học Đệ Tam một mình thì buồn
quá, bèn theo bạn học luôn Đệ Nhị, mượn sách vở, vừa làm thầy, vừa làm
trò, cầy hai job, theo như ngôn ngữ thời kỳ hậu hiện đại.
Ôi chao, bạn phải học theo kiểu 'mình ên' như thế mới hưởng hết
được cái thú của mấy trò chơi của năm Đệ Tam, như là 'xét dấu tam
thức', 'giải phương trình bậc hai'.... thí dụ vậy.
Gấu có thói quen tự biên tự diễn như vậy, khi học toán, cho nên sau
này, khi đổi món, từ toán sang văn, thường ít khi tin vào những
lời phán của mấy đấng phê bình.