*





Thất Hiền

3 

Trong Thất Hiền, Cẩn là người bỏ học sớm nhất, đi làm, và làm ra tiền sớm nhất, trong đám tụi tôi.

Sau anh, tới tôi.

Anh cũng là người thân nhất với Gấu, theo nghĩa, hai thằng hay tâm sự, đều mê đi xóm, và đều coi, mỗi lần đi như vậy, là rất đỗi thiêng liêng, giống như đi hành hương, trở về cội nguồn.

Và, đều rất nhớ Hà Nội.

Rất nhiều chi tiết về Hà Nội, trong tập truyện ngắn đầu tay của tôi, Những Ngày Ở Sài Gòn, là của anh.

Hình ảnh một thằng bé nhà quê Bắc Kỳ, được gia đình cho ra Hà Nội học, tới khi hiệp định Genève ký kết, dân Hà Nội ùn ùn kéo nhau vào Nam, thằng bé bèn xách cái rương quần áo, sách vở về quê, đứng bên này sông nhìn về hướng làng, nơi có mấy cay cau cao cao, bất giác hú lên mấy tiếng, như một con thú bị thương, rồi bỏ vào Sài Gòn, của tôi, là ‘thuổng’ và sau đó, cường điệu thêm ra, từ nhân vật Phạm Năng Cẩn có thật ở ngoài đời: Anh đã trốn nhà đi vào Nam, vì cứ nghĩ, hai năm sau, khi tổng tuyển cử thống nhất đất nước là lại 'được', hay 'bị', trở về, hay trả về Bắc?

 

Thí dụ như những trích đoạn sau đây.

Trong “Chuyện Hai Thành Phố.”

“Năm mười bẩy tuổi, khi biến cố quan trọng xẩy ra, Nguyên trốn gia đình vào Nam, một thân một mình, mang theo hai rương nhỏ chứa đầy quần áo, sách vở, những cuốn tiểu thuyết Khái Hưng, Nhất Linh, Lê Văn Trương, trinh thám Phạm Cao Củng…”.


Nguyên, tức Cẩn ở ngoài đời. Hai cái rương, có thực, nhưng không của anh, mà là của Gấu. Đó là gia tài của Mẹ, của Đất Bắc, Gấu vác lên tầu Rắn Biển, thuộc Đệ Thất Hạm Đội của Mẽo, mang vô Sài Gòn.

 

Hay như đoạn sau đây.

“Trong những năm học chật vật, sống nhờ ông anh ruột, Nguyên quen Phượng… Một hôm chàng bị gọi xuống văn phòng vì chưa thanh toán học phí, và trở khi trở lại lớp, mắt vẫn còn đỏ hoe. Giờ ra chơi vô, Nguyên ngạc nhiên thấy tấm biên lai đã trả học phí trong một cuốn vở. Những lần sau, Phượng bọc tiền vào khăn tay rồi bỏ vào túi áo Nguyên khi cả hai cùng đi uống giải khát. Thường ra, thế nào cũng có dư, và Nguyên lại rủ Tuấn [tức Gấu], hoặc Khải, đi ciné. Luôn là rạp bình dân, cả hai vừa, coi vừa bắt chước lũ trẻ đập chân lên thành ghế rầm rầm. Trong những lần đi ciné như vậy, Tuấn được Nguyên tâm sự về mối tình đầu với Phượng của anh.

Nhưng đó có thể gọi là mối tình đầu?

Tuấn hỏi lại Nguyên những ngày sau đó, khi Nguyên đã bỏ học, đi làm xa thành phố. Tuấn đã ra trường… Những lần về Sài Gòn, Nguyên kéo Tuấn vào mãi tận Chợ Lớn, kiếm một căn phòng nhỏ, ở khách sạn Tầu, và một em. Chương trình, bài bản đã thuộc nằm lòng. Cả hai sẽ thức suốt đêm ôn chuyện cũ, và cùng tự hỏi, phải bắt đầu từ đoạn nào, nếu muốn trở về Hà Nội, [phải bắt đầu từ đâu, trên con đường chỉ có trong tưởng tượng]. Nguyên đề nghị, nên bắt đầu bằng lần hành hương thứ nhất trong đời, rồi anh bật cuời kể lại, lần đó, sau khi hành sự xong, mà có biết gì đâu mà hành sự, nhưng được cái, cô gái làng chơi chỉ bảo anh thật là tận tình, anh quay ra ngủ thật ngon lành, tới sáng, tỉnh dậy, Nguyên thấy mình rúc vào nách cô gái, y hệt những ngày còn nhỏ tí nằm với mẹ.

 

Bởi vì anh là người đi làm trước Gấu, và làm có tiền,  thành thử, những lần tới xóm đầu tiên trong đời Gấu, là đều do Cẩn bao! Trừ lần đầu rất đầu, the very first, Gấu không phải đi với Cẩn, mà là với đám bạn bè văn nghệ người miền nam. Đây mới là những ông thầy đích thực dẫn Gấu về cội nguồn.

 

Với mấy ông bạn miền nam, chuyện lần đầu, là thuộc về thời kỳ tiền sử, hoặc chậm lắm, thời kỳ đồ đá, của một trăm năm một đời người [Chắc là vào cái  “Tuổi mười lăm gấp sách lại… ”, và thay vì “đứng nghe”, thì là bèn… “lên xóm”!].

 

Khi còn là học sinh, cả đám đã lo ‘làm văn nghệ’, và được tay Trịnh Vân Thanh giao cho phụ trách trang Văn Học Nghệ Thuật cuối tuần của tờ tuần báo Mã Thượng. Chính trên trang báo này, Huỳnh Phan Anh và Dương Trần Thảo, tức Dương Văn Ba, đã viết lá thư gởi nhóm Sáng Tạo, để bàn về thế nào là văn chương hậu-Tự Lực Văn Đoàn, thế nào là văn chương “thế đấy” [tạm dịch từ Tel Quel của Tây].

Trong một bài tạp ghi, tôi đã kể lại, lần đầu tiên lãnh tiền nhuận bút trang Văn Học Nghệ Thuật, cả đám kéo nhau lên xóm. Hai ông thần kia, chắc là nghĩ Gấu đâu có lạ lẫm gì nơi chốn này, bèn cứ thế đi vô phía trong, rồi ở luôn trong đó, bảo Gấu trơ trọi ở bên ngoài, cho tới khi má mì hỏi, cậu có đi không, Gấu đâu có biết đi nghĩa là gì, lại tưởng bà ta biểu, có về không, thế là Gấu lắc đầu, nói, còn chờ mấy người bạn!

Nhưng sau đó, thì quá quen.

Nhất là thời gian mới ra trường, có tí tiền lương.

Nói có tí tiển lương, là nói một cách khiêm tốn!

Bởi vì lương của Gấu hồi đó, là năm ngàn hai trăm đồng, tiền thời ông Diệm. Gấu nhớ, vàng lúc đó, đâu chỉ chừng hai ngàn một lượng. Lương thợ chưa tới một ngàn. Lương lính còn ít hơn. [Gấu ra trường, đi làm năm 1960, năm 1963, ông Diệm bị đệ tử làm thịt]

NQT

tanvien.net