Mất Vịt Không "Chưởi".
Giải
thưởng Goncourt 1997 của Pháp về tay một
nhà văn chuyên môn “bắt chước” người khác: Marguerite Duraille, tức
Patrick Rambaud. Marguerite Duraille, là từ
Marguerite Duras, một nhà văn nữ nổi tiếng của Pháp. Tác phẩm
của ông vua ăn trộm này cũng từ Duras: Mururoa mon
amour (Hiroshima mon
amour). Chúng ta tự hỏi, chuyện “mô phỏng” trong văn chương, là do quá
say mê thần tượng, hay là do thiếu khả năng sáng tạo. Dù thế nào, thì
đây cũng là một dòng văn chương hoàn toàn riêng lẻ, với những đại gia
như De Reboux, Eco... Một trong những cuốn sách của Eco, riêng tựa đề
thôi, đã là một xúc phạm tới những đầu óc nghiêm túc: Làm thế nào dạo
chơi với một chú cá hồi. Tác phẩm nổi tiếng của
nhà văn này, Tên của bông hồng, là một món dựa mận, nào Conan Doyle,
Borges, cùng với cả lô tác giả thời trung cổ. Mộc tồn hai lửa mới ngon, dân nhậu chúng ta đã có kinh
nghiệm về chuyện này rồi. Nội từ mộc tồn không thôi, là đã trải qua mấy kiếp mô
phỏng; mộc tồn=cây còn= con cầy.
Đây
là một câu chuyện nghiêm túc: Những giáo sư trường Mỹ Nghệ, khi bắt học
trò tới cọp dẽ những họa phẩm tại Louvre, tại Sorbonne, đã coi mô phỏng
là bài tập bắt buộc, không thể thay thế được. Nhiều
nhà văn, trước khi nhẩy xuống nước, đã phải học bơi ở những tiền bối.
Trước khi vào trận với “Đi tìm”,
Proust đã tam kiến thảo lư hàng lô Khổng Minh. Đề tài mà ông
quan tâm: một chuyện ăn trộm (escroquerie) làm say mê dư luận. Và ông
đã thử kể, cùng một câu chuyện, bằng 9 cây viết khác nhau: Renan,
Sainte-Beuve, anh em nhà Goncourt, Michelet, Saint-Simon, Balzac... Trong khi hì hục mô phỏng như vậy, ông trở thành ngang
hàng với họ.
Patrick
Rambaud, Goncourt 1997 với cuốn Trận đánh, La Bataille (nhà xb
Grasset), rất say mê mấy trò mô phỏng của bậc đàn anh Proust. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ Đọc (Lire), ông
phân biệt giữa mô phỏng (pastiche), và nhại (parodie). Giữa say
mê, ngưỡng mộ, và chế nhạo. Cùng với chế nhạo là sự độc ác, ở một mức độ nào đó.
Là một độc giả trung thành của Reboux và Muller, qua cuốn Phỏng theo... (A la manière
de...), ông tự hỏi, liệu có thể tái tạo kinh nghiệm này với những
tác giả đồng thời. Và sau đó, với sự cộng tác của một người bạn,
chừng 40 tác phẩm nhạo, nhại đã ra đời, như “Roland Barthes, dễ thôi”
(R. Barthes sans peine); Francois Sagan: Một con tầu trong mắt em
(nhại Một chút mặt trời trong nước lạnh). Simone
de Beauvoir La Farce (Chuyện hề) des choses (La Force des choses).
Rồi Aragon, de Gaulle, Phillipe Sollers, André Malraux... Những nạn nhân phản ứng ra sao? Họ đau, đau lắm. Nhiều người
giận điên lên. Theo ông, kẻ bị nhại càng
lớn đầu, càng dễ đập, niềm vui càng kéo dài. Thí
dụ như M. Duras. Bà ta quá gồng mình, quá tự mãn đến nỗi, chẳng
khó khăn gì, tôi có ngay hai tác phẩm: Virginie Q. và Mururoa mon amour, cùng ký tên M. Duraille.
Ở Việt Nam, Xuân Sách cũng thật sắc sảo trong trò chơi mô phỏng
mấy đàn anh văn nghệ. Nghe kể lại, có những bậc trước khi nhắm
mắt, còn ân hận, không được ông chiếu cố! Đến đây,
tôi lại nhớ đến nghệ thuật chửi, của mấy bà già nhà quê. Chửi cũng là một hình thức lập lại, những câu chửi có
sẵn trong nhân gian, rồi thậm xưng, sáng tạo thêm. Trong những câu chuyện chửi tốt, có một, từ Liêu Trai,
sau được Hiếu Chân mô phỏng. Đó là câu
chuyện mất vịt không chửi. Đại khái như sau: một bà già nhà quê
có một bầy vịt, cứ hao hụt dần. Nhưng chẳng bao giờ bà ra đầu ngõ,
chổng mông, vén váy tố “mả cha, mả bố thằng nào, con nào bắt trộm của
bà...”. Anh chàng hàng xóm khoái món thịt
vịt luộc chấm mắm gừng, một bữa thức dậy, bỗng thấy lông vịt mọc lên,
trước còn ít sau cứ thế lan khắp người! Hoảng quá, lên chùa, cầu cứu Phật. Phật nói, muốn
hết bệnh, phải đến nhờ bà cụ mất vịt chửi cho! Chửi đến đâu, lông vịt
rụng tới đó!
Nhìn theo kiểu mô phỏng, “xỏ
xiên” như vậy, chúng ta mới thấy giá trị của những lời “giải oan” của
dòng văn chương “phản kháng”: giả sử không có những lời “chanh chua”
của một Phạm Thị Hoài, thí dụ vậy, không hiểu lông vịt sẽ còn tràn lan
tới đâu, trong thế giới toàn trị đó! Trường hợp
của Xuân Sách, và những bài thơ của ông, khác với tác giả ăn giải
Goncourt là vậy. Nhân đây cũng nên tụng
thêm một vài lần, đôi ba vần thơ của ông.
Về Chế Lan Viên:
Điêu tàn ư? Đâu chỉ có điêu tàn
Về Huy Cận:
Các vị La
hán chùa Tây phương
Các vị gầy
quá, còn tôi béo
Năm xưa tôi
hát vũ trụ ca
Bây giờ tôi
hát đất nở hoa
Tôi hát
chiến tranh như trẩy hội
Không nên
xấu hổ khi nói dối
Việc gì mặt
ủ với mày chau
Trời mỗi
ngày một sáng có sao đâu!
Trang
đầu cuốn tiểu thuyết Trận Đánh, là những lời đề tặng, cũng hơi khác
thường: Gửi Bà Pham Thi Tieu Hong với yêu thương,
Cô Xuan với cảm mến, Ông de Balzac với những lời xin lỗi của tôi. Tại sao lại có những lời xin lỗi ở đây? Tác giả
giải thích:
"Tôi
muốn dẫn các bạn tới tất cả những kinh tởm, tất cả những vẻ đẹp của
chiến trường; trận đánh
của tôi, đó là trận Essling. Cuốn tiểu thuyết này,
Balzac đã tính viết, ông nghĩ về nó, ông đi thăm những nơi chốn, gặp gỡ
những nhân chứng, ghi chú. Ông tuyên bố ý định của mình, trong
một lá thư dài, gửi bà Hanska, nhưng bị chi phối bởi cả ngàn dự án này
nọ, ông chẳng bao giờ cho chúng ta được đọc cuốn sách đã ám ảnh ông.
Tại
sao Balzac muốn kể lại (trận đánh) Essling? Tại sao ông muốn đưa chúng
ta tới ngưỡng cửa thành phố Vienne, vào năm 1809, cùng với Nã Phá Luân?
Tại sao không phải (là những trận đánh khác): Marengo, Aboukir,
Austerlitz, hay Wagram? Tại sao chỉ nội trong hai ngày trời tàn khốc
này, khi con người chẳng còn ham muốn chém giết nhau, vậy mà con số nằm
xuống cánh đồng lúa mì là 40 ngàn người? Để tìm hiểu, chỉ còn mỗi một
cách là, đến lượt tôi vượt sông Danube, phi ngựa cùng Lames và Masséna,
ngửi mùi lửa cháy, run sợ cùng những tiếng đại bác của quân Áo... Thoạt
đầu, chỉ là một tra vấn, tiếp theo là tò mò, sau đó là ham muốn, và sau
cùng, là một cần thiết."
"Nào
lên ngựa!"
NQT