Tôi trở nên khiếp đảm vì Nghệ Thuật
Đêm 23 tháng Chạp, năm 1985, cùng lúc
với ông Táo chầu trời,
trên một chiếc tầu vượt biển sắp sửa chìm gần ngọn hải đăng ở cửa biển
Vũng
Tầu, có một ông già bị cậu thanh niên đứng kế bên lầm là người yêu của
anh.
Quá khiếp đảm trước cái chết có thể
xẩy tới bất cứ lúc nào,
cậu thanh niên điên cuồng vò đầu, vò tai người yêu; lảm nhảm những lời
hoảng
loạn. Tuy đang bận tâm vì một chuyện khác, ông già vẫn nhận ra, nước
biển mặn,
lạnh buốt, còn nước mắt của cậu thanh niên, mặn, nóng hổi, rát hằn một
bên má.
Những cột nước như từ trên trời đổ mãi. Con thuyền chúi sâu xuống
khoảng không
đen, sâu thẳm, rồi bị đẩy bắn lên cao, chót ngọn sóng; ông đang nghĩ
tới những
lần chết trước.
Bẩy, tám tuổi, thấy bạn cùng lớp nhào
xuống ao, bơi lội ào
ào, cậu nghĩ, ai cũng làm được. Và cứ thế lao xuống. May có anh bạn lớn
tuổi,
nhảy vội theo. Khi ngơ ngác đứng trên bờ, cậu biết, đã trải qua tai
nạn, một
lần rồi. Đâu đó. Trước đó. Trong một giấc mơ, có thể. Có cảm tưởng, anh
bạn đã
"chờ", một việc làm như vậy. Rõ rệt nhất là lần chơi bắn bi một mình.
Nhà có một chiếc hòm (rương) lớn, chiếm cả một góc gian nhà chính, trên
là bàn
thờ ông bà, trong đựng lúa, đặt trên hai tấm mễ gỗ, thấp. Dân miền Bắc,
từ xa
xưa vẫn bị ám ảnh bởi những cơn lũ lụt, và những năm hạn hán. Hòn bi
lăn tít
vào gầm hòm. Cậu bò vào. Loay hoay cọ quậy, cả hai tấm con ngựa gỗ,
chắc quá
mục, cùng sập xuống. Như sống lại giấc mơ, cậu xoài người ra. Chiếc hòm
đè cậu
bẹp dí, may nhờ hai chiếc mễ chia giùm sức nặng. Lần đó, ba hồn bẩy viá
đi
luôn, mấy người lớn bắt ăn mấy vắt cơm để thu hồi lại.
Lớn lên, ông như mất dần khả năng kỳ
cục nhưng mơ hồ cảm
nhận - không tính lần suýt bị bẹp dí - có một điều gì liên can đến
"nước", trong những lần như vậy. Như thể gia đình ông bị trù yểm, bởi
nước. Ông già của ông bị đảng phái thủ tiêu, bằng cách cột đá vào người
bỏ
xuống sông. Đứa em trai, tử trận tại một khúc sông, do một viên đạn từ
bên kia
bờ bắn xuống nước dội lên. Bản thân ông đã từng bị thương nặng tại bờ
sông
Sài-gòn. Lần đó, đúng ra là đi luôn, nếu không có kẻ thế mạng: một
chuyên viên
Phi Luật Tân mới chân ướt chân ráo tới Sài-gòn. Nhưng được bỏ qua,
không có
nghĩa là được tha thứ.
Ông già thấy nhẫn nhục, cam chịu.
Đó là một chuyến đi được tổ chức rất
chu đáo. Và có lúc ông
già nghĩ rằng sẽ thành công...
*****
"Tôi
trở
nên
khiếp đảm bởi nghệ thuật", D. M. Dylan Thomas mở đầu "Hồi tưởng &
Hoang tưởng". Với ông, khả năng thấu thị, nhìn thấy cái chết, trước khi
nó
xẩy ra, ở một cậu bé, chính là "phép lạ" của nghệ thuật, (ở chúng
ta). Và ông trở nên khiếp đảm, bởi nó.
"Nghệ thuật là những ngã ba ngã tư tàn
khốc, mang tính
Oedipe. Nơi mộng mị, tình yêu, và cái chết gặp gỡ. Zhivago của
Pasternak chiêm
nghiệm một điều, rằng nghệ thuật luôn luôn là suy tư về cái chết, từ đó
sáng
tạo ra sự sống. Điều ngược lại cũng hoàn toàn đúng.
Cách đây vài năm, tôi đi thăm Lydia,
người chị/em gái, của
Pasternak. Một căn nhà từ hồi Victoria, ọp ẹp, tối thui. Chủ nhà, một
người bà
già nhỏ nhắn, rệu rạo, lưng còng, mang đôi giầy cụt lủn, lủng lẳng bị
chìa
khoá... Bà dẫn vào nhà bếp, mời dùng cà phê. Một cái hũ cà phê, loại
uống liền,
hai cái ly trắng, mẻ. Câu chuyện nhạt thếch. Tôi không làm sao liên hệ
bà với
Boris, người sáng tạo ra Zhivago, và Lara. Sau cùng, bà hỏi tôi có muốn
đi xem
mấy bức họa của ông thân sinh. Một cách biết ơn, tôi nói vâng. Tôi đi
theo đôi
giầy cụt ngủn, bị chìa khoá lên lầu. Bà mở cửa căn phòng. Một luồng mầu
sắc và
ánh sáng làm tôi chới với, nghẹt thở. Đúng là một phòng tranh tuyệt
vời. Tôi
nhận ra ngay Tolstoy, ở nơi Boris trẻ. Sàn ngổn ngang những khung, giá
vẽ.
"Tôi đang sửa soạn một cuộc triển
lãm", bà giải
thích.
Như một bóng ma, tôi đi theo, suốt căn
phòng rộng, uống từng
hớp thiên tài Leonid Pasternak. Có đến vài phút đồng hồ, tôi đứng ngẩn
trước
một bức họa. Chân dung một người đàn bà đẹp, dáng mơ mộng, đang chải
tóc. Tôi
yêu liền ngay nàng.
"Nàng là ai vậy ?"
Bà già còng nhún vai:
"Ôi dào, tôi đó mà".
Chẳng thèm để ý đến nỗi mất mát lớn
lao, là tuổi trẻ, và
nhan sắc, bà quay đi.
Chẳng có gì đáng kể, ngoại trừ thiên
tài bất tử của người
cha. Tôi có cảm giác những bức họa đã hút sạch bao nhiêu ánh sáng, bao
nhiêu
đời sống từ căn nhà của cô con gái.
"Tôi nghĩ chắc là bà đã có bảo hiểm
những bức
họa?"
"Không, nếu bị đánh cắp, cái gì có thể
thay thế?"
Trở lại bếp, bà cho tôi coi những bức
hình gia đình, hầu hết
là của Boris và con cháu của ông. Một trong những đứa cháu trai,
Lyovya, đã
chết trong những tình huống thật là kỳ bí, đáng sợ; bà bảo tôi. Chưa
tới 30,
đang khoẻ mạnh, nó lăn quay ra chết, vì đứng tim, ngay trên đường phố
Moscow,
đúng chỗ Zhivago bị bịnh tim quật ngã..."
Thomas
không thể
không nghĩ đến một điều, cái chết của nhân vật giả tưởng Zhivago đã
"ứng" vào người cháu trai. Thiên tài Pasternak đã biến đứa cháu thành
một cái bóng, y hệt như cô con gái Lydia đã trở thành cái bóng của nghệ
thuật,
của ông thân sinh. Liền đó, ông kể lại một kinh nghiệm của riêng ông,
trong một
lần đi trị bịnh. Bà bác sĩ tâm thần làm ông nhớ đến mẹ, và một lần
không vâng
lời bà. (Ở đây có một cái gì liên can đến mặc cảm Oedipe). "Thay vì đi
nhà
thờ, cậu đã tới một sex shop". "Đúng như vậy". "Rồi trí
tưởng của tôi đầy rẫy những hình ảnh chết chóc, của mẹ tôi, của bạn
bè... Bữa
sau, bà bác sĩ gọi điện thoại: "Tôi không thể gặp anh bữa nay. Tôi phải
đi
đám ma. "Oh, I am sorry, tôi mong không phải là một người thân của bà.
"Thảm thay, đúng như vậy, ông già của tôi."
Và Thomas kết luận,
đâu có gì là đáng
ngạc nhiên, nếu tôi
trở nên khiếp đảm vì nghệ thuật ? "Không phải cuốn sách của tôi là một
tên
sát nhân, nhưng đâu đó, từ những trang sách vang lên, tiếng cười sảng
khoái,
của quỷ...".
Chỉ là lộng giả thành
chân. Bóng ma
giả tưởng Zhivago kiếm
người thế mạng để đi đầu thai. Đó cũng là cảm giác ghê rợn, khủng khiếp
khi ông
già gặp lại cô bạn ở xứ lạnh. Như thể cuộc chiến lập lại, khi giả tưởng
"xuất hiện".
Chuyến đi "liên can"
tới lễ kỷ niệm 10
năm đại
thắng Mùa Xuân, của những người CS. Người bạn đi cùng ông già mang theo
những
danh sách, những bản tin, những tài liệu về miền Nam sau mười năm,
phóng sự về
những sĩ quan đi học tập, tình cảnh vợ con ở nhà, và ... MIA. Ông già
quen anh
bạn, những ngày cả hai cùng làm việc cho một hãng tin nước ngoài. Anh
là nhiếp
ảnh viên. Gốc "chệt", người nhỏ thó, tóc xoắn tít, có lần, trong lúc
hơi ngà ngà, anh tỏ ra tự hào về mấy quí tướng của mình. Ng. quả thực
rất khôn
ngoan. Nếu có gì đó, làm anh thất vọng về chính mình, có lẽ là, anh đã
không
theo đuổi nghề "phóng viên chiến tranh" cho tới cùng. Anh giải thích,
làm cho hãng tin Mỹ một thời gian, anh chuyển qua một hãng tin Nhật.
Ông già
không gặp anh từ dạo đó. Rồi bỏ nghề, về nhà đuổi gà cho vợ. "Mày có
nhớ
được bao nhiêu thằng tụi mình quen, đã tử mạng ? Ở
chiến trường, cái máy chụp hình trông xa
giống như khẩu súng. Còn chữ Press ở trên ngực, gặp VC tụi nó cũng
chẳng tha.
Sau Mậu Thân, bà vợ tao hoảng quá, không cho tao làm phó nháy nữa".
Cũng
có thể còn một lý do. Tuy nhỏ con, nhưng anh có một sức hấp dẫn đặc
biệt, với phụ
nữ. Anh vẫn mơ tưởng, ngoài người vợ anh đã ly dị, có với nhau một đứa
con
trai; ngoài bà vợ sau anh đang chung sống, có được một đứa bé gái - vì
mê bả,
anh giải thích, anh đã không bỏ đi, những ngày tháng Tư năm đó - còn
một việc
gì, chiến cuộc dành riêng cho anh, những kẻ bỏ cuộc hơi sớm. Như thể nó
cho anh
"hoãn dịch", để thực hiện sứ mạng này. "Tôi để dành tôi cho
tương lai", Phan Văn Hùm, (hay Tạ Thu Thâu ?), đã nói vậy, khi từ chối
làm
việc với những người CS. Một người quen của ông già cũng đã nói một câu
tương
tự, khi từ chối lệnh nhập ngũ.
Anh bạn phóng viên mơ
tưởng "làm một
việc, để trả ơn
nhân dân Mỹ," khi đem đến cho họ tin tức, về những "con mực",
mật ngữ của anh. Anh giấu kín những "tài liệu vô giá" đó, chỉ thêm
vào, một bức thư, bằng tiếng Anh, do ông già viết. Một thứ "bạch
thư", đại khái vậy. Thì cũng nhờ mớ tiếng Anh còn sót lại, ông già đã
được
"tổ chức", qua anh bạn phóng viên, chấp nhận.
(Sau này, bữa theo vị
linh mục người
Pháp, tới văn phòng
ODP, tại Bangkok, nằm trong building khổng lồ City Bank, ông thấy lại
tất cả
những đơn từ, thư viết tay, hình ảnh, hôn thú, giấy khai sinh..., tất
cả những
gì ông gửi từ Việt Nam, những ngày cực khổ, việc gửi thư là một xa
xỉ... Không
thấy bức "bạch thư". Như vậy, ông già nghĩ thầm, nó thuộc về một hồ
sơ khác, nằm ở Bộ Quốc Phòng, như Steel, nhân viên tại Toà Lãnh Sự Mỹ,
tại
Vientiane, nói. "Steel, như cái này này," anh giơ chân đập vào tủ sắt
kế bên. Trong bữa gặp gỡ, anh có nhắc tới Alan Dawson, một ký giả Mỹ
làm cho
UPI. "Ông ta là bạn tôi, hiện đang làm việc tại Bangkok. Các anh có thể
tới đó gặp ông ta. Nhưng tôi không thể giúp đỡ gì, trong việc này. Tôi
sẽ
chuyển bức thư đi, vậy thôi." Trước khi nói chuyện anh đã cẩn thận đóng
cửa văn phòng, không cho nhân viên người Lào tại sứ quán biết, về cuộc
gặp mặt
giữa những điệp viên CIA, hoặc MIA, "dởm". Sau khi đọc qua hồ sơ ODP,
nhìn hình hai người lớn, và mấy đứa nhỏ, vị linh mục người Pháp nói,
"Bây
giờ ta có thể giúp con được rồi. Ta sẽ đưa con tới sở cảnh sát Bangkok.
Họ sẽ
bỏ tù vợ chồng con mấy tháng. Sau đó, Cao Uỷ sẽ đưa các con tới trại tị
nạn."
Cũng lại một chuyến
vượt biên, nhưng
bằng đường bộ. Ông già
vốn không tin con đường Đức Thánh Trần chỉ bảo. Gia đình ông, bị thần
nước trù
yểm, kể từ thời Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, cũng nên. Quê ông vốn vùng núi
Tản, sông
Hồng).
Trên ghe, đa số là
người theo đạo. Khi
đã tuyệt vọng, họ hy
vọng vào Chúa. Tiếng cầu kinh nổi lên, lúc đầu còn rời rạc, nhưng dần
dần át
tiếng mưa bão. Phép lạ, phép lạ, ông già loáng thoáng nghe có người
suýt soa.
Vài phút trước đó, ông đã được anh thợ máy, sau khi thất bại không thể
làm cho
máy chạy, từ dưới hầm tầu bò lên, nhìn trời, ngó đồng hồ... Sau đó, anh
giải
thích, bão ven biển vốn vậy. Tới gần sáng là ngưng. Vả lại ghe chưa ra
xa bờ.
Nếu sửa cho máy nổ, chắc là tiêu rồi, anh vừa nhìn vào bờ vừa thẫn thờ
nói.
Trên bờ loáng thoáng những ruộng muối... Anh bạn đi cùng đã thả xuống
biển
những chứng tích cuối cùng, của chuyến đi...
NQT