*





 


Đọc cọp Bếp Lửa trên vỉa hè Sài Gòn, thời 1950's

2.

Vạn sự là do cái duyên. 

Tôi đọc cọp cuốn Bếp Lửa luôn một mạch, ngay trên vỉa hè Sài Gòn.
Cuốn sách mỏng, chừng trăm trang, và tôi đã luyện cho mình một cách đọc sách thật nhanh, ngay từ những vỉa hè ở Hà Nội. 

Hồi đó, mê đọc truyện kiếm hiệp, thời của những Long Hình Quái Khách, Bồng Lai Hiệp Nữ, Người Nhạn Trắng… Tôi còn nhớ, chúng được xuất bản thành từng tập, và tôi đã quen với cái thú chầu chực ngay ở tiệm sách, khi tập mới vừa ra lò, chụp liền và cứ thế vừa đi vừa đọc, chưa về tới nhà là đã ngốn gọn nó. Có khi mê mẩn quá, sợ đụng người đi đường, thế là tì người vào một cột điện, và cứ thế ngốn!
Đó là thời gian được bà cô nuôi, cho ăn học. Hiệp định Genève, cô theo chồng về Pháp, thằng bé xuống tầu vào nam, tới mãi năm 2001 mới gặp lại, ở Sài Gòn, khi bà về dự đám tang người em trai, tức Chú Thanh của tôi, cũng là lần đầu tiên Gấu trở lại đất bắc, rồi sau đó, vô Sài Gòn gặp bà.
Đang còn choáng váng với Bếp Lửa, bạn Nguyễn Hải Hà dí vào tay tờ Sáng Tạo.
Sau này, tôi vẫn thường tự hỏi, bạn tôi gần như suốt một đời sau đó, không hề tỏ ra là một con người say mê văn chương, vậy mà tại làm sao lại biết đến tờ Sáng Tạo, trong khi tôi mù tịt. Chỉ có thể trả lời, là tại tôi không một xu dính túi, giả như có nhìn thấy tờ Sáng Tạo thì cũng đành đứng nhìn!
Rồi thi đậu Tú Tài I. Trường tư lúc đó chưa có lớp Đệ Nhất, thế là được vô học Chu Văn An, khi trường này mở thêm xóm nhà lá, ở kế bên trường Pétrus Ký, khu đất sau thành Trung Tâm Học Liệu, khi trường Chu Văn An dọn về cơ sở khang trang trong Chợ Lớn [ở Sài Gòn lâu như thế, vậy mà Gấu vẫn không biết, nó nằm ở góc nào?].
Thế là gặp cả một lô bạn mới, từ các trường tư khắp nơi tụ lại. Thế là quen Phạm Dzư Chất, em trai nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.
Chất học Hồ Ngọc Cẩn, trước tôi một lớp thì phải, anh rớt Tú Tài I, phải ra trường tư học, đậu năm sau, nhờ vậy mà tôi trở thành bạn của anh, cùng học lớp B.8, ngay cổng ra vào của khu xóm nhà lá.
Qua anh tôi quen thêm một số bạn, lập thành nhóm Thất Hiền, trong có Phạm Năng Cẩn, cũng dân Hồ Ngọc Cẩn, nhưng bỏ ngang, đi tìm việc làm.
Chất đưa tôi về nhà. Tới lúc đó tôi mới biết anh là em trai của anh Tâm, tức nhà thơ Thanh tâm Tuyền.

nha_ttt
Căn nhà, nơi bà cụ TTT hiện ở, vẫn như ngày nào...
[hình chụp năm 2001]
cuchat
Chân Dung cụ [Ngọc Dũng vẽ, 1962], và hình NQT chụp năm 2001

Giả như tôi không đọc Bếp Lửa thì cái sự gặp nhà thơ, nhà văn TTT chắc cũng bình thường giản dị, như mọi chuyện bình thường giản dị ở trên đời. Giả như tôi không nhớ Hà Nội đến điên cả người chắc gì tôi đã may mắn được gặp cuốn Bếp Lửa, mà như chính tác giả nói về nó, trong bài viết Thơ Giữa Chiến Tranh Và Trại Tù: “… miêu tả không khí Hà-nội trước 1954; đi và ở đều là những chọn lựa miễn cưỡng, chia lìa hoặc cái chết. Lập tức có phản ứng của những nhà văn cách mạng. Trong một bài điểm sách trên Văn Nghệ, một nhà phê bình hỏi tôi: "Trong khi nhân dân miền Bắc đất nước ra công xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhân vật trong Bếp Lửa đi đâu?". Tôi trả lời: "Anh ta đi đến sự huỷ diệt của lịch sử," mỗi nhà văn là một kẻ sống sót”. 

Tôi đọc Bếp Lửa vào lúc lớ ngớ nhất. Còn con nít nhất, và nhớ Hà Nội theo kiểu con nít. Tôi vô Nam cũng không hề theo cái kiểu của TTT nhận định, ‘đi hay ở đều là những chọn lựa miễn cưỡng’. Sau này nghe Cẩn kể lại, anh bỏ đi vào Nam, vì cứ ngỡ, đi ít lâu rồi lại về, giống như một chuyến liều lĩnh trốn nhà đi chơi xa. Có thể, tôi cũng có cùng một tâm trạng như vậy, nhưng ẩn sau tâm trạng liều lĩnh trốn nhà đi chơi xa, còn có những hình ảnh, đo đọc một số truyện ngắn của Tô Hoài, về một nước Sài Gòn không hề có mùa đông, không hề có đói khổ. 

Thời gian học trung học, mỗi lần ghé quán cơm xã hội, mua một tí đồ ăn, còn cơm thì tha hồ, mặc sức mà đớp, Gấu tôi lại nhớ đến cái lý do bỏ bắc vào nam, thật là đơn giản như vậy.

Chẳng có chọn lựa miễn cưỡng chi hết.

NQT