*



Tởm

Người ta đã nói nhiều về những tội ác của chế độ cộng sản. Ít ai cho biết, tôi đã tởm chế độ đó đến mức như thế nào. Câu chuyện sau đây là của nhà văn, nhà thơ lưu vong người Balan, Czeslaw Milosz, Nobel văn chương 1980, trong tác phẩm Milosz's ABC's.

Disgust

Józef Czapski là người kể cho tôi [Milosz] câu chuyện sau đây, xẩy ra trong thời kỳ Cách Mạng Nga.

Tại một tiệm ăn ở một ga xe lửa, có một thực khách, qua cách ăn mặc, dáng điệu cho thấy đây là người thuộc tàn dư chế độ, tức tầng lớp trí thức thời tiền chiến. Ông ta đang ngồi ăn tối. Sự hiện diện, cách ăn mặc, ăn nói theo kiểu tàn dư chế độ như thế của ông khiến một đám vệ binh đỏ [chữ của Milosz: đám du đãng] trong tiệm ăn để ý. Chúng kéo tới bàn ông, và bắt đầu diễu cợt, xỉ vả, bầy đủ trò khốn kiếp. Ông tàn dư chế độ cố coi như không, vẫn thản nhiên từ tốn ngồi ăn. Tới mức chúng nhổ nước miếng vào dĩa xúp. Ông tàn dư không tìm cách chống cự, hay là tự bảo vệ lấy thân, và cũng chẳng có ý định xua đuổi đám khốn kiếp. Chuyện cứ thế xẩy ra trong một khoảng thời gian.... Bất thình lình, ông tàn dư bèn đứng dậy, rút khẩu súng lục từ trong túi ra, và đưa ngay mõm súng vào trong mõm mình, và đoàng một phát.

Hiển nhiên là, mức tởm lợm tràn quá ly. Chẳng nghi ngờ chi, ông ta là một thứ người mảnh mai, được giáo dục, dậy dỗ, và trưởng thành trong một môi trường mà một con người như thế dư sức sống, và sống thật là đầy đủ cái phần đời của mình mà Thượng Đế cho phép, nghĩa là được bảo vệ để tránh xa khỏi thực tại tàn bạo được tầng lớp hạ lưu chấp nhận như là lẽ đương nhiên ở đời. Nếu không, Thượng Đế đâu có đẩy ông ta vào thế gian này?

Nhưng cuộc Cách Mạng Nga đã làm lộn tùng phèo hết tất cả, chính những cái độc ác tàn nhẫn của giai cấp hạ lưu lại trở thành khuôn mẫu của cuộc sống hàng ngày.

 

Tatyana Tolstaya, trong một bài người viết tình cờ đọc đã lâu, khi còn ở Trại Cấm [trại Sikiew, Thái Lan], và chỉ được đọc qua bản dịch, Những Thời Ăn Thịt Người (đăng trên tờ Thế Kỷ 21), cho rằng, chủ nghĩa Cộng-sản không phải từ trên trời rớt xuống, cái tư duy chuyên chế không phải do Xô-viết bịa đặt ra, mà đã nhô lên từ những tầng sâu hoang vắng của lịch sử Nga. Người dân Nga, dưới thời Ivan Bạo Chúa, đã từng bảo nhau, người Nga không ăn, mà ăn thịt lẫn nhau. Chính cái phần Á-châu man rợ đó đã được đưa lên làm giai cấp nồng cốt xây dựng xã hội chủ nghĩa. Bà khẳng định, nếu không có sự yểm trợ của nhân dân Nga, chế độ Stalin không thể sống dai như thế. Puskhin đã từng van vái: Lạy Trời đừng bao giờ phải chứng kiến một cuộc cách mạng Nga!

 

Bây giờ đọc lại Phan Khôi, liệu chúng ta có thể hiểu ông nhiều hơn, khi không giản lược câu chuyện ông kể, về Cỏ Cụ Hồ, chỉ là một cách xả xú báp của một vị thâm nho, trước chế độ độc tài, theo suy nghĩ châm biếm, hài hước là khí giới của kẻ yếu thế. Trong Nhân Văn Giai Phẩm, ông kể chuyện Điện Biên, và sự xuất hiện một thứ cỏ tại vùng này. Cỏ nở hoa, "không thể ngửi được". Người Miền Bắc gọi là hoa cứt lợn (heo). Nhưng người dân Điện Biên vì thấy cỏ xuất hiện cùng lúc với quân đội Cộng Sản, nên gọi là Cỏ Cụ Hồ.

 

Milosz, trong bài viết trên viết, chính sự tàn bạo, thiển cận, tầm thường, hạ cấp kia ăn ở dài dài với Cách Mạng Nga, trở thành mặt nổi, một tính chất của cuộc sống Xô viết. Vào năm 1939 dân chúng tại Wilno và Lwow đột nhiên khám phá ra cái vẻ xám xịt và xấu xí của cuộc sống này. Nhân đó, tôi bèn đưa ra một giả thuyết để cắt nghĩa sự tự huỷ mình của nhà văn Stanislaw Ignacy Witkiewicz. Ông tự tử, không phải vì bị khủng bố, nhưng mà là do quá ghê tởm về những gì mà ông biết rằng chúng sẽ xẩy ra y chang như thế, và đã được ông miêu tả nơi chương chót của cuốn tiểu thuyết Vĩnh Biệt Mùa Thu.

Nhà văn Anh, George Orwell, chắc chắn là chưa đọc Witkiewicz, nhưng miêu tả cuộc sống thường nhật dưới sự kiểm tra của “Luật Lệ Mới”, y chang như của Witkiewicz, trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng 1984.

Cái không khí xám xịt, bẩn thỉu, chán chường, cái mùi vị toát ra từ những quán cà phê rẻ tiền… Gọi đó là cảm tính “mỹ học” chẳng làm cho chúng ta rũ sạch nó. Tốt hơn, nên tự hỏi, tại sao thảm như thế, cái cuộc đời không làm sao mà chịu đựng nổi, và dưới những điều kiện như thế, con người rồi sẽ ra sao.

Từ đó, dẫn tới kết luận, điều cần thiết, là phải bảo vệ con người, và nếu quá ư khẩn thiết, đành phải cuộn cho nó vài ba cái vỏ, là những ảo tưởng.

 

Câu chuyện tởm mà Milosz kể trên cũng đã từng xẩy ra cho nhà thơ Vũ Hoàng Chương.

Nghe kể lại, Cộng Sản bắt ông, biết ông nghiền, không cho tiếp tế thuốc, tới lúc ông vật vã, không chịu nổi, chúng chìa thuốc ra nhử, nói, viết tự kiểm đi, là có liền. Ông tởm quá, cầm thuốc ném ra bên ngoài, rồi sau đó, lịm đi luôn.

Sau đây là một vài câu thơ của thi sĩ, sáng tác sau 1975.

Đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ

Mũ tai bèo che khuất tương lai.

 

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý

Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do.

 

Nhân đây cũng xin gióng tiếng chuông báo nguy, về tình trạng bịnh nặng của phu nhân nhà thơ, qua lời cầu cứu của người con trai của cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương.



Ghi Chú:
Không phải con trai thi sĩ VHC, mà là học trò của nhà thơ, lên tiếng kêu gọi cứu trợ.
Ông Vũ Hoàng Tuân, con trai thi sĩ Vũ Hoàng Chương, làm nghề thầy giáo, hiện phải nghỉ dậy học để lo cho mẹ, bà cụ bị ung thư nặng.
Địa chỉ:
Vũ Hoàng Tuân ngụ tại số 92/7H đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 21, Quận Bình Thạnh, TPHCM
.