*

TẠP GHI




Vườn Thú Tuổi Thơ 

Ông Hồ muốn trong thơ phải có thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong. Sau khi lấy được Miền Nam, những người Cộng Sản đã từng lên lớp về thái độ an phận thủ thường, chỉ muốn làm một phó thường dân của những nhà văn Miền Nam. Bây giờ trong số người viết ở trong nước, có người đã bằng lòng với vai trò khiêm tốn, làm một nhà văn bình thường.
Những bài viết ngắn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, trên tuần báo Thanh Niên, cho thấy một văn tài, nhất là khi ông trở lại với tuổi thơ của ông.
Bài viết ngắn, về những đồ chơi con nít bằng tre, bằng đất; dưới con mắt trẻ thơ của ông, chúng thật tuyệt vời, chúng đẩy trí tưởng tượng non nớt tới những vùng trời xa lạ. Miền của những giấc mơ mà loài người có lẽ còn lâu lắm mới thực hiện nổi. Nhưng buồn thay, chỉ chơi được một chốc một lát là chúng bị gẫy, bể. Tôi không hiểu khi viết như vậy, ông có muốn ám chỉ những giấc mộng lớn mà những người như ông đã từng theo đuổi, cuối cùng vỡ ra như những thứ đồ chơi con nít. Những giấc mộng càng lớn lao bao nhiêu, càng phù du bấy nhiêu. Chúng bắt buộc phải như thế, để cho nhân loại cứ trẻ thơ mãi, về những giấc mơ chẳng bao giờ đạt được.
Hay là ông tự trách móc những con người như ông đã không đủ khả năng tạo ra được một thiên đường bền vững ở trên trái đất này.
Tôi vẫn nghĩ, nếu có một thành quả nào đó, của việc "giải phóng" Miền Nam, đó là nó đã cho chúng ta được đọc những trang sách như của Hoàng Phủ Ngọc Tường, về vườn thú tuổi thơ của ông. Hoặc của một số người viết ra đi từ Miền Bắc, về một Hà-nội giấu kín tận đáy sâu tâm hồn những đứa con của nó, không phải chiến thắng Miền Nam, mà chính những đợt bom B. 52 đã khui quật lên.
Tôi đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường rất ít, trước và sau 1975. Cũng lại do thành kiến. Hoặc do kỷ niệm một lần đọc Vũ Hạnh. Một truyện ngắn đăng trên Bách Khoa, kể chuyện một người làm công cho một ông chủ ở thành phố. Nhân dịp nhà nước phát hành giấy bạc mới, người làm công xin phép ông chủ về quê chơi, thăm bà con họ hàng, và xin chủ cho mượn tờ giấy bạc mới đó. Về nhà, ông cho con chơi, như một bức tranh con gà con chó, cho phép con mang khoe với con ông địa chủ kế bên, nhưng không được đổi lấy bất cứ một thứ gì.
Đến đây, chắc độc giả nhận ra ẩn dụ độc địa của câu chuyện: ông địa chủ, do biết giá trị của tờ giấy bạc, xúi con đổi đủ loại đồ chơi cho thằng nhỏ hàng xóm nghèo.
Trở lại thành phố, ông làm công trả lại chủ, kèm theo lời kết luận: giấy bạc mới ra, ở nhà quê chẳng ai biết, cứ tưởng là đồ chơi con nít; ông chủ đất kế nhà tôi cũng lầm.
Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường, tình cờ qua bài viết kể trên, tôi nhớ đến tuổi thơ của tôi và những món đồ chơi đầu đời của một đứa con nít nghèo nhà quê. Trong đó, có cây viết chì mầu. Ôi chao, lần đầu tiên, tôi thấy được cây chì mầu, vẽ hình con gà, con chó lên giấy, nó khác hẳn cái mầu đen của cây viết chì tôi vẫn có. Bởi vì cây viết chì mầu là của một ông cậu tôi, bà ngoại tôi đi tận Hà Nội mua về. Thấy tôi năn nỉ mãi, nhìn cặp mắt thèm thuồng của thằng cháu, rốt cuộc ông cậu nói, thôi tao cho mày, nhưng giấu kỹ đi, kẻo mẹ tao nhìn thấy.
Kỷ niệm về cây viết chì mầu, tôi nhớ lại, khi đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đọc Rushdie, và giấc mơ về một quê hương, một thành phố Bombay mầu Cinémascope, Technicolor của ông.
Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường tôi còn nhớ đến Vũ Hạnh. Và André Gide. Nhà văn Pháp này, sau khi đi Liên-xô về phang một câu: Tất cả những tình cảm tốt đẹp chỉ đẻ ra một thứ văn chương tồi. (C’est avec les plus beaux sentiments qu’on fait de la mauvaise littérature). Đúng là một lời trù ẻo văn chương hiện thực xã hội. Có một thời gian dài, tôi tâm đắc với câu văn, nhưng dần dần, theo tuổi đời, sau bao giấc mộng, bao tình cảm đẹp hao hụt dần, tôi nhận ra một sự thực cay đắng: câu của Gide không phải trù ẻo văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa không thôi, mà là tất cả những tình cảm tốt đẹp của con người.
Đặt ngược lại vấn đề, với câu chuyện của Vũ Hạnh làm một cái cớ, chúng ta có thể hỏi: ai cho phép anh nhân danh những tình cảm đẹp để quyết định số phần của cả một đất nước? Và liệu có phải đó là những beaux sentiments thực sự không?
Ai cho phép anh... Solzhenitsyn cũng đã từng đặt câu hỏi như vậy, trong Khu Ung Thư. Nhân vật của ông được một bác sĩ hết lòng chữa trị, nhưng anh ta cứ lắc đầu bai bải, không được, không được. Con người tôi có đây, là nhờ một tí bịnh, một tí xấu đó. Nó là một phần thân thể của tôi. Chữa hết bịnh rồi, tôi làm sao sống, tôi ở với ai.
Đọc những tác phẩm hậu-Solzhenitsyn, từ một nước Nga rã rời sau Cách Mạng, chúng ta mới cảm thấy sự trớ trêu, mà chủ nghĩa Cộng Sản bầy ra cho toàn thể loài người: Chưa có một chế độ nào lại đẩy con người tới một mức thoái hóa thê thảm như chế độ toàn trị.
Chủ nghĩa CS, và những trại cải tạo của nó, là thử nghiệm tối hậu về đạo đức con người. (Tzvetan Todorov).

NQT