nqt
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

TẠP GHI


Dấu chân của một cái bóng.

 "Tôi chẳng là cái quái gì
Tôi luôn luôn chẳng là cái quái gì
Tôi muốn là cái quái gì cũng không được
Nhưng tôi có trong tôi tất cả những giấc mộng của thế gian…"

Fernando Pessoa

"Đám đông độc giả" có lẽ chỉ biết tới tên nhà thơ Fernando Pessoa, lần đầu tiên, qua Saramago. Khi được giải Nobel văn chương (1998), ông cho biết, đây là tác giả ruột của mình. Nhưng phải đợi tới khi Cao Hành Kiện vinh danh nhà thơ người Bồ đào nha, trong bài diễn văn nhận giải Nobel văn chương (2000), "Lí do của văn học", "nhà thơ thâm trầm nhất của thế kỉ 20 là Fernando Pessoa", thiên hạ mới tá hỏa!

Tá hoả, đúng như vậy, không chỉ với Đông phương mà luôn cả Tây phương, nhất là cõi văn viết bằng tiếng Anh. Eugénio Lisboa, một trong hai người biên tập cuốn "Fernando Pessoa: A Centenary Edition" (nhà xb Carcanet, Manchester) ghi nhận: khi Harold Bloom cho xuất bản cuốn "Cõi Văn Tây" (tạm dịch từ "The Western Canon", 1949), và để Pessoa vào trong danh sách 26 tác giả hàng đầu, một tay điểm sách trên tờ Time, (vì lịch sự, W.S. Mervin, tác giả bài viết về Pessoa, "Dấu chân của một cái bóng", trên tờ Điểm Sách New York, số đề ngày 3.12.1998, đã không nêu tên), đã "bực mình" cho rằng, vị giáo sư đáng nể này chiều theo sự yếu đuối riêng tư, khi tự cho mình có cặp mắt tinh đời, nhận ra được những tác giả hũ nút mang tính hàn lâm.

 Hơn sáu chục năm sau khi ông mất, bẩy tác phẩm của ông, hoặc của thiên hạ viết về thơ ca của ông, đã được xuất bản, bằng tiếng Anh, ở cả hai bờ Đại Tây Dương, liên tiếp trong cùng một năm (1998): "Trăm năm Pessoa", Eugénio và L.C. Taylor biên tập; "Thơ Pessoa", dịch thuật và biên tập: Edwin Honig và Susan M. Brown, nhà xb City Lights; "Fernando và Công ty: Tuyển tập thơ" (biên tập, dịch thuật: Richard Zenith, nhà xb Grove); "Luôn luôn ngỡ ngàng: Tuyển tập văn xuôi" (biên tập, dịch thuật, giới thiệu: Edwin Honig, nhà xb City Lights; "Người Chăn Cừu", Fernando Pessoa, dịch giả: Edwin Honig và Susan M. Brown, nhà xb The Sheep Meadow Press; "Dẫn vào Fernando Pessoa: Chủ nghĩa hiện đại và những nghịch lý về nguồn gốc tác giả", Darlene J. Sadlier, nhà xb Đại học Florida; "Sự hiện diện của Pessoa: Những đáp ứng văn học Anh, Mỹ và Nam Mỹ", George Monteiro, nhà xb Đại học Kentucky.

"Hôm nay, tôi bị đánh gục, như thể tôi biết được chân lý
Hôm nay, tôi sáng suốt, như thể tôi sắp lìa đời"
Fernando Pessoa

 Vào năm 1935 khi Pessoa qua đời, thực sự, ông ít được biết tới, tuy đã cho xuất bản chừng 300 bài thơ, 130 mẩu tản văn trên những tạp chí định kỳ, và một tập nhỏ những bài thơ đầu đời bằng tiếng Anh (ông song ngữ, và đã trải qua những năm học tại Nam Phi). Một vài nhà phê bình Bồ đào nha đã ca ngợi ông như là kẻ tiên phong của chủ nghĩa hiện đại về ngôn ngữ. Ông mất khi được 47 tuổi, do bệnh gan (cirrhosis), theo L.C. Taylor, trong bản in Carcanet nói ở trên, nhưng theo Honigh, trong "Luôn luôn ngỡ ngàng", ông nhập viện là do viêm gan (hepatitis). Thi sĩ, còn là chiêm tinh gia, ông tin rằng mình còn hai năm nữa mới lìa đời. Và ông hy vọng dùng hai năm đó để sắp xếp cái rương gỗ chứa 25 ngàn mẩu tản văn của mình.

Miguel Torga, vào lúc đó là một y sĩ, và kể từ đó, trở thành một trong những khuôn mặt văn chương sáng giá ở Bồ đào nha, đã viết trong nhật ký như sau:

"Fernando Pessoa đã mất. Vừa nghe tin trên báo, tôi đóng cửa phòng bệnh, và chui rúc vào vùng núi. Giữa rừng cây và đá tảng, tôi khóc cái chết của thi sĩ vĩ đại nhất thời đại chúng ta. Bồ đào nha nhìn con người nằm trong cỗ quan tài, trên đường tới bất tử, và chẳng thèm hỏi, con người đó là ai." Người thi sĩ "cô đơn, nghèo, chẳng được biết tới", chỉ có được vinh quang, sau đi đã rời khỏi nơi này.

Pessoa đã từng viết về sự nổi tiếng:

"Đôi khi tôi nghĩ về những con người nổi tiếng, và cảm thấy tất cả nỗi phiền hà vì nó. Nổi tiếng là chuyện tầm phào. Nó gây tổn thương tới cảm tính của bất cứ một ai…. Một người trở thành nổi tiếng là mất tiêu luôn cuộc đời riêng tư của mình… Những bức tường bảo vệ sự riêng tư biến thành những tấm gương… Một khi trở thành nổi tiếng, là mất tiêu luôn cơ may trở lại với cõi u tối. Nổi tiếng là hết thuốc chữa. Như thời gian, làm sao có chuyện đảo ngược?"

Pessoa, tiếng Bồ đào nha có nghĩa là "person" (con người). Trong cõi trăm năm chỉ còn bốn mươi bẩy đó, "con người" được gọi là Pessoa hóa ra là một chuỗi "personae", một vòng tròn nội tại, và những khuôn mặt ở bên ngoài vòng tròn này, là những phóng chiếu, hoặc bị phóng chiếu, của chính Pessoa, cho dù khuôn mặt đó là của bất cứ ai. Vào năm 1910, khi 22 tuổi, ông viết, "Trọn cái tinh anh của tôi, chỉ là ngần ngại, nghi ngờ. Chẳng có gì là rõ rệt ở nơi tôi, mọi thứ đều giao động quanh tôi, và tôi với chúng, một bất chắc ở trong tôi."

Cùng năm, ông viết:

"Thơ ca là ngỡ ngàng, là chiêm ngưỡng, như một sinh vật rớt từ những cõi trời, biết rõ rằng mình đang rớt, và ngỡ ngàng về mọi điều mọi chuyện."

Chẳng có gì ngạc nhiên khi con người mà chúng ta gọi là Pessoa trung tâm (the central Pessoa) cứ chúi mãi vào cõi u tối. Chẳng có gì ngạc nhiên, khi chúng ta nhìn lại thuở còn là học sinh trung học ở Durban High School (Nam Phi), chàng thi sĩ đã chọn cho mình bút hiệu Alexander Search [search: tìm kiếm, truy lùng], khi viết những bài thơ tiếng Anh, và đây có lẽ là một trong những tự-phóng (self-projections) đầu tiên, mà ông gọi là những "heteronyms" [đồng âm dị nghĩa, thí dụ như lead, dẫn dắt, và lead, chì, một thứ kim loại], tập thể "môn phái" của mình. Gần cuối đời, ông viết cho Adolfo Casais Monteiro:

"Từ ấu thơ, tôi đã có khuynh hướng tạo ra chung quanh tôi một thế giới giả tưởng, bao quanh chính tôi bằng những bạn bè, những thân quen chẳng hề hiện hữu. (Tôi không hiểu, lẽ dĩ nhiên, họ, hay là chính tôi, không thực sự hiện hữu)."

Vào năm 1913, sau một thời kỳ viết như vũ như bão những cuốn sổ ghi (notebooks), đôi khi viết nhanh đến nỗi sau đó ông không làm sao "giải mã" được những từ của chính mình, trong khi cùng lúc, ông không làm sao giữ liên tục việc viết (work), và ông bắt đầu điều ông gọi là "Book of Disquietude", (Cuốn sách của sự bất an), gồm những mẩu đoạn dài ngắn không đều nhau, một số sau được in trên những tạp chí. Trong cùng năm ông viết cho Mário Sá-Carneiro:

"… Tôi đang trải qua một trong những cơn khủng hoảng như trong nông nghiệp người ta thường gọi… khủng hoảng bội thu… những câu thơ bằng tiếng Anh, tiếng Bồ đào nha, những suy tưởng, ý nghĩ, dự phóng, mẩu đoạn, mà tôi chẳng hiểu gì hết, ngoại trừ sự hiện hữu của chúng, những con chữ chẳng bắt đầu mà cũng chẳng chấm dứt, những lóe sáng phê bình, những thì thầm siêu hình… Trọn một nền văn chương, Mário thân mến của tôi ơi, đến từ một cõi mù sương, đi qua một cõi sương mù, biến mất vào trong cõi mù mù…"

Trong cùng năm, tính đùa cùng người bạn nói trên, Pessoa viết cho ông ta, ông đã tạo ra (make up) một "thi sĩ đồng quê thuộc loại rắc rối", mà ông muốn trình diện thi sĩ này, như là một người thực; và trước đó, ông đã dự định viết một vài bài thơ "ngoại đạo" theo cung cách mà ông muốn gán cho một "đồng âm dị nghĩa" của mình [có tên là] "Ricardo Reis"

Thiên hà nho nhỏ [được gọi là] Fernando Pessoa, xẩy ra trong năm tiếp theo (1914), là một "trở thành hiện thực gây chấn động"; ông mô tả nó, trong thư gửi Casais Monteiro, và đây không chỉ là dấu ấn trong đời ông, mà còn của cả lịch sử văn học Bồ đào nha hiện đại:

"Một bữa – đó là ngày Tám tháng Ba, 1914 – tôi tới một giá sách cao, lấy một mẩu giấy, và cứ thế đứng viết, như tôi thường làm, khi có thể. Và tôi viết chừng ba chục bài thơ, bài nọ tiếp bài kia, như trong tình trạng lên đồng, hay gì gì đó, mà tôi không thể nào định nghĩa nổi. Đây là một ngày hiển hách của đời tôi… Tôi bắt đầu với tựa đề "O Guardator de Rebanhos" (Người chăn cừu). Điều xẩy ra tiếp theo, là sự xuất hiện một người nào đó ở trong tôi, liền lập tức, tôi cho người đó cái tên Alberto Caeiro. Hãy tha thứ cho tôi, [về] câu văn ngu ngốc này: Trong tôi xuất hiện sư phụ của tôi… Vừa mới viết xong ba mươi bài thơ kỳ cục như vậy, tôi lấy thêm giấy và lại viết không ngừng, sáu bài thơ tạo thành "Chuva Obliqua" (Mưa nghiêng), bởi Fernando Pessoa…. Đây là sự trở về của Fernando Pessoa với Fernando Pessoa chính hắn… Một khi Alberto Caeiro xuất hiện, âm thầm, theo trực giác mách bảo, tôi cố gắng kiếm những đệ tử cho sư phụ. Từ tính ngoại đạo dởm của ông thầy, tôi làm bật ra đệ tử tiềm tàng của ông là Ricardo Reis… Cứ thế tôi tạo ra một môn phái không hiện hữu. Tôi lôi ra, nào là những ảnh hưởng, những liên hệ; tôi lắng nghe, ở bên trong tôi, những cuộc thảo luận, những khác biệt về chuẩn mức, và trong tất cả môn phái, hình như tôi, kẻ sáng tạo ra, lại mờ nhạt hơn hết…."

Môn phái trên đây ở với Pessoa, hay "là" Pessoa, trọn cuộc đời còn lại của ông. Lá thư được viết 21 năm sau khi "biến động" xẩy ra, và chỉ vài tháng, trước khi ông mất.

Hãy mở giùm tôi cánh cửa này...(1)

 Vào một ngày thứ Năm, tháng Mười, một người đàn ông tên là Sture Allen sẽ cử hành một nghi lễ nho nhỏ. Liền sau buổi trưa, ông ngồi trước cái bàn thời Louis thứ XV, trong một văn phòng với những đồ vật vốn thuộc hoàng gia Thụy-điển. Và khi chiếc đồng hồ bằng vàng của ông gõ một tiếng, ông mở cánh cửa thông qua Đại sảnh, Viện Hàn Lâm Thụy-điển.

 "Năm nào tôi cũng chỉ làm như vậy". Ông mở cửa bước vào Đại sảnh, gặp gỡ báo chí. Họ đang đợi ông. Sự thực họ đang chờ thông báo, ai là người trúng Nobel văn chương, từ người thư ký thường trực của Hàn Lâm Viện. Allen, năm nay 69 tuổi, chẳng phải học giả, thi sĩ hay văn sĩ. Ông chỉ là nhà ngôn ngữ học được huấn luyện để làm việc với những chiếc máy tính (computer), nhưng chức vụ "người truyền giao thông điệp" của ông là một ân sủng đối với đồng sự. Và thông đìệp của ông, thời giá của nó: trên một triệu đô-la.

 "Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc"... là giới báo chí lại xôn xao, xì xào, ai sẽ là người được Nobel văn chương.

 Thường là đoán trật. Năm nay (1998), những tên tuổi được nhắc nhở, là Bei Dao, nhà thơ lưu vong Trung-hoa. Hugo Claus, người cùng chạy đua với ông, là một thế giá từ bấy lâu nay của nền văn chương viết bằng tiếng Flemish. Còn hai cột trụ của văn chương Bồ-đào-nha hiện đại, một là José Saramago [giải thưởng sau cùng vào tay ông]; cuốn tiểu thuyết "Năm Từ trần (The Year of the Death of) của Ricardo Reis" của ông được coi như một đại tác phẩm; người kia là Antonio Lobo Antunes, một nhà tâm thần học, tác phẩm của ông dựa trên kinh nghiệm khi ông làm việc với Quân đội Bồ-đào-nha tại Angola vào những năm 1970.

Chưa nhà văn viết bằng tiếng Flemish đoạt Nobel. Cách đây ba năm, Claus đã tưởng rằng (mistakenly told), ông là người đầu tiên được vinh dự này. Michael Specter, tác giả bài viết tóm tắt ở đây (Hội chứng Nobel, the New Yorker Oct 5, 1998), kể lại, hai năm trước, ông viếng thăm nhà văn người Estonian, Jaan Kross. Ông này đã từng nghe xì xào nhiều lần, và đã một lần được báo trước (advance warning) rằng, lần này đúng là ông đấy! "Người ta bảo tôi đừng rời máy điện thoại. Ôi chao chuyện đó dễ ợt! Thời giờ cứ thế trôi, rồi tôi hiểu ra, chưa tới lượt mình. Cũng chẳng sao, nhưng đã có đôi lúc, tôi mơ màng sờ được nàng!"

Người mơ sờ được nàng, lâu nhất, qua những nét chữ bằng vàng trước tên mình: FNPW (Famous Nobel Prize Winner, Nhà văn đoạt giải Nobel nổi tiếng), có lẽ là nhà văn người Mỹ, Norman Mailer. Sau hai mươi mốt năm lăn lộn với tình, giữa chốn giang hồ, ông như có một cái máy dò Geiger, ở trong đầu, về những đợt phóng sạ, từ những giải thưởng này nọ. Nhưng ông không phải là nhà văn Hoa-kỳ độc nhất, ôm ấp giấc mơ tuyệt vời như vậy. Khi tôi (M. Specter) gọi điện thoại cho Joyce Carol Oates, cách đây không lâu, để hỏi bà có ý nghĩ gì về giải thưởng, bà hào hển: "Sao, sao, ông nghe thấy gì?"

Danh sách chót, thường là năm người, năm nay sáu. Những tờ thăm được bỏ vào một chiếc lọ cổ bằng bạc.

Cuộc chiến đấu giữa mấy ông hàn, cũng gay go ngoạn mục vô cùng. Nhất là trong việc gạt bỏ một số thế giá văn chương dư sức đoạt giải, thí dụ như Jorge Luis Borges. Ông không được, chỉ vì lý do: Borges đã từng được (nhà độc tài) Pinochet ban giải thưởng, như một ông già (as an old man). Vậy là đủ để gạt nhà văn vĩ đại nhất của Mỹ-châu La-tinh, vĩnh viễn, khỏi giải thưởng.

Tuy thường được giải thích, cuộc chiến đấu giữa mấy ông mang tính hàn lâm, nhưng thực sự chỉ là cá nhân. Họ bị cấm không được xì ra cho báo chí, nhưng giả sử cho phép, họ cũng chẳng có thì giờ, vì còn quá bận rộn lo cấu xé lẫn nhau!

Giải thưởng, lẽ dĩ nhiên, đã được trao cho một số tác giả thật tuyệt vời của thế kỷ chúng ta: Yeats, Mann, Faulkner, Hamsun, và Beckett, nhưng không phải như thế là đủ. Joyce, và Nakokov, thí dụ vậy, đã chẳng được vinh dự này, và người "vừa đập cánh cửa vừa khóc", chắc phải là nhà văn Nga, tác giả cuốn sách, và cuốn phim đã và đang gây chấn động, Lolita. "Vladimir Nabokov có lẽ là người than van nhiều nhất, về chuyện hụt giải" (one of the most-lamented non-laureates, The New Yorker). Khi Nobel về tay Solzhenitsyn, ông tức giận tuyên bố, đại khái, cái trò "chống Cộng đầu tiên" phải thuộc về tôi. Hai người từ chối, một, Pasternak, là do chính quyền Xô-viết làm áp lực. Còn người kia là Jean-Paul Sartre. Ông từ chối, vì theo ông, "vô nguyên tắc". (Sau khi ông mất, 'hậu duệ' của ông đã nài nỉ mấy ông hàn cho lại họ nhưng bị từ chối).

Omerta, luật là vậy, nhưng đôi khi cũng đến tai công chúng. Người đầu tiên phạm luật là Artur Lundkvist; gà của ông là nhà thơ Neruda. Ông đã thề sống dai hơn nhà văn Anh, Graham Greene, chỉ để gạt tên ông này ra khỏi Nobel. Ông cũng là người không chịu William Golding, Nobel 1983, "một hiện tượng Anh nho nhỏ, chẳng có chi đặc biệt". Tuy nhiên chuyện thực sự xấu xa xẩy ra vào năm 1989, khi Ature Allen, lấy quyền thư ký thường trực, ngăn chặn Viện Hàn Lâm tỏ thái độ, khi cái đầu của Salman Rushdie bị ra giá, qua vụ Quỉ Thi. Việc này đã làm hai ông hàn "quit job". Chủ tịch PEN Thụy điển tuyên bố: "Chuyện quá đơn giản. Một quốc gia lớn kết án tử một nhà văn chỉ vì dám bầy tỏ quan điểm của mình, vậy mà một trong những thế giá văn chương lớn lao nhất thế giới như Nobel đã chẳng dám lên tiếng. Bởi vì Mr. Allen là một tay thư ký bàn giấy. Sau việc này, uỷ ban Nobel chỉ là một trò hề đối với tôi."

Thành lập năm 1786, thời gian bốn mươi năm đầu, chỉ có hai người, ở bên ngoài Âu và Mỹ-châu được giải, nhưng từ Cuộc Chiến Lớn II, được nới rộng. Năm 1968 về tay nhà văn Nhật Kawabata; Nigeria: Wole Soyinka (1986); Ai cập: Naguib Mahfouz (1988); Nam Phi: Nadine Gordimer (1991). Toni Morrison, nhà văn Mỹ gốc Phi châu đầu tiên được giải (1993), nói với tác giả bài viết: Nếu một người da trắng được giải, họ sẽ không nói, đây là chính trị. Bởi vậy tôi chẳng để tâm đến chuyện phê bình. Giả dụ một nhà văn Mỹ gốc Phi, hay một người thuộc Thế Giới Thứ Ba - một người không ở Mỹ, trung tâm của vũ trụ - được giải, vậy là có vấn đề chính trị. Chính trị là một từ thực, nó có một cái nghĩa. Nhưng dùng ở đây, nó chỉ là một từ phân biệt sắc tộc.

Trường hợp nhà thơ CS Neruda, cũng có nhiều điều thú vị, qua kể lại của Per Wastberg, người năm ngoái được bổ sung, khi có hai ghế trống. Ông năm nay 64, tiểu thuyết gia, nhà phê bình, vốn được coi như nhà ngoại giao, hoạt động nhân quyền, và cũng là nhà văn Thụy điển đầu tiên công khai lên tiếng yêu cầu nhà nước rút đại sứ ra khỏi Iran, khi xẩy ra vụ Rusdhie.

"Là một người Thuỵ-điển cũng căng lắm," ông nói, "Đi bất cứ nơi đâu, khi được giới thiệu đây là nhà văn Thuỵ điển, thế là mọi người nhẩy bổ lên!", ông nói, không hoàn toàn có vẻ diễu cợt. Ông kể lại lần gặp gỡ đầu tiên với nhà thơ ý thức hệ lớn CS Pablo Neruda: Tôi gặp ông ta vào năm 1965, tại Bled. Khi biết tôi là một người Thuỵ điển, ông liền mời dùng cơm. "Nhà thơ nhà nước" CS này sống như một ông hoàng xa xỉ. Ông ta hoàn toàn bị Nobel hành, và luôn nghĩ, ông có một địch thủ, ở trong uỷ ban, qua Gunnar Elelof. Ông này tin rằng Neruda có một vai trò, trong chuyện thủ tiêu Trotsky. Neruda khi đó là lãnh sự tại Mexico, đã lên tiếng phủ nhận. Có lần ông nói, ông nguyện sống dai hơn Elelof, để được giải. Và lời nguyện của ông đã thành!

Thành viên Hàn Lâm Viện luôn nhấn mạnh, Nobel không dính dáng gì đến chính trị, nhưng chạy trời không khỏi nắng. Nhà văn Phần-lan Frans Eemil Silanpaa được Nobel năm 1939, chỉ vì Liên bang Xô viết có dự định xoá sổ xứ sở này. Milosz ăn giải 1980, cùng năm với sự ra đời của công đoàn Đoàn Kết. Trường hợp Borges: một điều không thể tha thứ được, theo nhiều người. Lẽ dĩ nhiên có chính trị ở đây. Hãy coi danh sách những người đoạt giải. Nếu bạn tôn vinh Stalin ở Thuỵ-điển, chẳng sao, bạn có thể được Nobel. Nhưng nếu bạn lỡ mặc bộ đồ đồng phục Nazi, khi còn là một đứa bé, như vậy là kể như xong.

Chú thích:

Hãy mở giùm tôi cánh cửa này, tôi đập, và khóc ròng.
Ouvrez-moi cette porte où je frappe en pleurant.
Thơ Apollinaire
 

Jennifer Tran