Một sự ngây thơ trọn vẹn - Trước một đứa trẻ chết đói, cuốn Buồn Nôn chẳng có ký lô nào cả  - Một bí mật nho nhỏ về Koba - Ngài Henry thân mế

Một sự ngây thơ trọn vẹn.
Phượng, tên một nhân vật trong phim gián điệp "Người Mỹ trầm lặng" đang được quay tại Sài Gòn, dựa theo tiểu thuyết của nhà văn người Anh, Graham Greene, bị một số báo chí Việt ngữ viết sai là Phương, trong khi chính tác giả đã giải thích ở trong truyện, đây là tên một loài chim quí, phượng hoàng"Phuong," I said – which means Phoenix, but nothing nowadays is fabulous and nothing rises from its ashes. "Phượng", tôi nói, "Phượng có nghĩa là Phượng hoàng, nhưng những ngày này chẳng có chi là huyền hoặc, và chẳng có gì tái sinh từ mớ tro than của loài chim đó": Câu văn như một "lời nguyền" cho một cuộc chiến sắp sửa tái diễn. Nhưng nói cho cùng, chẳng có chi là huyền hoặc, về chuyện người Mỹ sẽ hất cẳng người Pháp, và cuộc chiến sẽ biến tất cả thành tro than, và chẳng có gì mọc lên từ đó.
Lời đề tặng ở trang đầu, là dành cho một nhân vật Phượng "có thể" có thật ở ngoài đời:
"René và Phượng thân mến, Tôi xin phép được tặng cuốn sách này cho các bạn, không chỉ để tưởng nhớ những buổi chiều hạnh phúc mà chúng ta đã cùng trải qua tại Sài Gòn, trong hơn năm năm qua, nhưng còn bởi vì tôi cảm thật hổ thẹn đã mượn căn hộ của các bạn, làm chỗ trú ngụ cho một nhân vật của tôi, và tên của bạn, Phượng, để độc giả dễ dàng theo dõi, bởi vì đây là một cái tên giản dị, đẹp, và dễ phát âm, so với những tên đàn bà khác, của đồng bào bạn. Cả hai bạn sẽ nhận ra một điều, tôi còn vay mượn thêm chút đỉnh, nhưng chắc chắn không phải từ phía Việt Nam. Pyle, Granger, Fowler, Vigot, Joe – những người này chẳng có chút dây mơ rễ má với cuộc đời của Sài Gòn hay Hà Nội, và Tướng Thế thì đã chết: bị bắn từ phía sau lưng, như người ta nói. Ngay cả những biến động thực sự xẩy ra, cũng đã được dàn dựng lại, ít ra là trong một trường hợp. Thí dụ như vụ nổ lớn gần khách sạn Continental, đã xẩy ra trước những vụ nổ do bom cài trên những chiếc xe đạp. Tôi chẳng cần phải đắn đo, về những thay đổi nho nhỏ như vậy. Đây là một câu chuyện tiểu thuyết, chứ không phải là một mẩu lịch sử, và tôi hy vọng câu chuyện về vài nhân vật giả tưởng sẽ mua vui cho đôi bạn được một vài trống canh, trong một đêm nóng nực của Sài Gòn." 

Và đây là nhận xét của Fowler về đàn bà "Annamite", ngay ở đoạn mở đầu, khi anh ta đang chờ Pyle tại căn phòng của mình ở đường Catinat, rồi Phượng tới: "Ngủ với một người đàn bà Annamite là như ngủ với một con chim: họ líu lo và hát bên gối bạn." (To take an Annamite to bed with you is like taking a bird: they twitter and sing on your pillow).
Như lời giới thiệu ở trang bìa (nhà xuất bản Penguin): "Người Mỹ trầm lặng" là một bức chân dung đáng sợ về sự ngây thơ trọn vẹn. Trong lúc Quân đội Pháp tại bán đảo Đông Dương vật lộn với Việt Minh, ở hậu phương Sài Gòn, một người Mỹ trẻ, cao cả (high-minded) lo chuyện viện trợ kinh tế cho "Lực lượng thứ ba".
Cao cả, có thể như vậy chăng, khi người Mỹ thay chân người Pháp ở Việt Nam? Như nhân vật Fowler, người Pháp, một ký giả làm theo mùa, nhận xét: "Tôi chưa từng gặp một người nào có những động cơ tốt đẹp hơn, [nếu nói] về những rối loạn mà anh ta đã gây ra." Và khi rối loạn tiếp theo rối loạn, máu đòi máu, tay ký giả già thấy thật khó mà đứng bên lề, như một quan sát viên. Nhưng những động cơ của Fowler thật đáng nghi, đối với cảnh sát, với chính anh ta, và với độc giả: bởi vì Pyle, "người Mỹ trầm lặng", đã "chôm" mất người tình của anh Tây già.
"Ngay từ thời thơ ấu, tôi đã không hề tin vào một cái gì trường cửu, tuy nhiên tôi lại ước vọng nó. Luôn luôn, tôi sợ mất hạnh phúc. Tháng này, năm sau, Phượng sẽ rời bỏ tôi…

 -Tha lỗi cho tôi, vì đã đoạt cô Phượng của anh, giọng Pyle nói.

 -Ô, tôi không biết nhẩy, nhưng thích ngắm nàng nhẩy.

 Người ta luôn luôn nói về nàng, bằng ngôi thứ ba, như thể nàng không hề có ở đó. Đôi khi nàng có vẻ vô hình, như thanh bình."

 Anh Tây già nhận xét Pyle, người Mỹ trầm lặng, bằng những từ: "Tôi ngạc nhiên không biết hai người nói chuyện gì với nhau. Pyle thì rất hăm hở, và tôi đã đau khổ vì những bài thuyết trình của anh ta về Viễn Đông, mà vốn liếng của anh ta chỉ có chừng vài tháng, trong khi của tôi, hàng năm. Dân chủ lại là một đề tài hăm hở khác của anh – anh ta có những quan điểm thật quá khích về những gì Hoa Kỳ đang làm cho thế giới. Ngược lại, tuyệt vời thay, Phượng nàng chẳng biết gì hết: nếu Hitler tới, nhập vào câu chuyện, nàng sẽ chẳng bao giờ ngắt lời, để hỏi, ông ta là ai ("Người Mỹ trầm lặng", trang 12, ấn bản Penguin)….

 "Nếu Hitler tới nhập cuộc…", liệu câu này, giống như một thai đố, bao trùm lên cuộc chiến, với những tội ác của nó, thí dụ như vụ Thanh Phong đang nóng bỏng trên bàn tay bạn, qua tờ báo mới ra lò?

 "Thai đố", là được "gợi hứng" từ câu trả lời phỏng vấn của nhà đạo diễn điện ảnh Oliver Stone, tác giả một số phim nổi tiếng về Việt Nam, và cũng từng tham gia cuộc chiến tại đây, trên tờ Time số May 7, 2001: "Chuyện này (Thanh Phong) làm tôi nhớ rất nhiều tới những khó khăn của cuộc chiến, những hàm hồ của nó. Tôi đã ở trong những làng nơi người dân quê bị giết và bị lạm dụng. Giận dữ, sợ hãi, từ đó mà ra. Có những vụ hãm hiếp, đánh đập, và sát nhân. Tôi nghe được những câu chuyện [như vậy] từ những người thân cận với tôi. Bạn ở trong một vùng lửa đạn nóng bỏng. Một người dân làng tiến tới từ phía sau bạn, thí dụ như từ một đụn cát. Người đó đầu hàng, nhưng đôi khi, một kẻ nào đó nổ súng, và làm toi một mạng người.
Chuyện xẩy ra với Thượng Nghị Sĩ Kerry, đó là: liệu có tiếng súng bắn về hướng họ hay là không. Đây là câu chuyện (giống như trong phim) Địa Ngục Môn….". Đây là phim nổi tiếng của Nhật, câu chuyện về một cái chết của người chồng là một kiếm sĩ, qua lời kể của từng nhân vật liên quan. Mỗi người nói một cách, và cuối cùng chẳng biết đâu là sự thực.

Người viết làm quen với Greene những ngày học trung học, qua tác phẩm "Người thứ ba", câu chuyện về một người đàn ông truy tìm thủ phạm đã sát hại bạn thân của mình, rút cục khám phá ra, chính cái tay bạn thân của mình, đã dùng kế kim thuyền thoát xác, tức là giết địch thủ, rồi để lại giấy tờ của mình cho cái xác chết, và tiếp tục giết hàng triệu triệu trẻ em trên thế giới, qua trò sản xuất, và tung ra khắp thế giới, loại thuốc trụ sinh dởm…
Qua tin báo chí, viên tướng tình báo Cộng Sản, Phạm Xuân Ẩn, trước nằm vùng tại miền nam, có gặp gỡ phái đoàn quay phim, và cho biết, ông có chứng kiến vụ nổ bom trên, và cho biết thêm, ông biết nhà văn Graham Greene là gián điệp Anh. Điều này thế giới đều biết, vì Greene cũng chẳng giấu. Nhưng chi tiết trên chứng tỏ, Ẩn đã hoạt động gián điệp từ lâu. Và cái việc, vào giờ chót, ông ta đưa Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ thời ông Diệm, lên máy bay ra nước ngoài, chứng tỏ một điều: hai người có thể đã hiểu rõ nhau từ khuya! 

2. Trước một đứa trẻ chết đói, cuốn "Buồn Nôn" chẳng là gì cả.
Phụ trang văn học báo Thế Giới, số tháng Tư 2001, đặc biệt về triết gia người Pháp, Jean-Paul Sartre ("Người ta đã xong chưa, với Sartre?"), đã ghi lại câu trên, được phát biểu trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo này, vào năm 1964: "En face d’un enfant qui meurt, la Nausée n’a pas de poids": Trước đứa trẻ đang chết…. Nhưng cũng chính trong phụ trang văn học nói trên, trong cuộc phỏng vấn nhà văn Peru, Mario Vargas Llosa, câu trên lại là: "… La Nausée ne fait pas de poids ‘face à un enfant qui meurt de faim’: cuốn Buồn Nôn chẳng có ký lô nào ‘trước một đứa trẻ chết đói’.
Sartre đã ảnh hưởng tới "một vài" thế hệ những nhà văn, trong số đó, có Llosa. Khi được hỏi, phải chăng, "Sartre ảnh hưởng rất nhiều ở nơi ông, cả hai mặt tích cực và tiêu cực", Llosa đã trả lời, "Đúng như vậy, Sartre quan trọng số một trong thời trẻ của tôi, cho tới khi tôi dãn ra, tới độ phủ nhận ông…. Cú sốc đưa đến chuyện đoạn tuyệt vô phương hàn gắn, đó là từ câu tuyên bố của Sartre, trong cuộc phỏng vấn trứ danh trên tờ Le Monde và năm 1964, như trên. Sartre còn nói thêm, đối với những nhà văn thuộc thế giới thứ ba, họ nên từ bỏ viết, lo những công tác giáo dục hay chính trị. Đây đúng là một sự phản bội, từ một con người đã từng dậy tôi (Llosa) rằng, "những chữ là những hành động." (les mots sont des actes).

Thật khó mà nói, "đã xong rồi", với một tác giả khổng lồ như Sartre. Khổng lồ, cả về hai mặt vinh quang và lỗi lầm. Dấn thân hết mình, về cả hai mặt, sống và viết. Như câu tuyên bố của ông cho thấy, Sartre không tin tưởng cho lắm vào văn chương. Ở một chỗ khác, ông viết, "Ham viết, thèm viết, một cách nào đó, là chối từ sống." ("L’appétit d’écrire enveloppe un refus de vivre."). Tuy nhiên, số lượng tác phẩm của ông thật khổng lồ, hầu hết do Gallimard xuất bản: Tưởng tượng (L’Imagination, 1936); Buồn Nôn (1938) Bức Tường; Phác họa một lý thuyết về cảm xúc (1939); Giả tưởng (L’Imaginaire,1940); Những Con Ruồi (kịch); Hữu Thể và Hư Vô (1943); Phê bình lý luận biện chứng (1960)… Ông đã ảnh hưởng tới rất nhiều nhà văn của hậu bán thế kỷ 20, thường thường, lúc đầu họ đều mê ông, như trường hợp nhà văn người Peru kể trên. Hoặc như trường hợp nhà văn người Đức, Guenter Grass Nobel văn chương. Grass cho rằng, khi chọn Camus thay cho Sartre, một cách nào đó, ông đã đúng, ít ra là đối với riêng ông: như là một nhà văn. Llsosa, trong một bài tiểu luận nhan đề "Giữa Sartre và Camus", đã chọn Camus.

 Sau đây là một vài trích dẫn, từ những tác phẩm của Sartre.
"Phải viết cho thời đại của mình, như những nhà văn lớn đã làm. Nhưng điều này không có nghĩa, phải chết cứng ở trong nó. Viết cho thời đại không có nghĩa, phản ảnh nó một cách thụ động, mà là, mong muốn nắm bắt, hay thay đổi nó, và như vậy có nghĩa, vượt qua nó, về tương lai, và chính sự cố gắng muốn thay đổi thời đại đã làm cho chúng ta ngự trị sâu thẳm ở trong nó; bởi vì thời đại sẽ không còn giản lược về một tập hợp chết, của những đồ dùng hay tập quán, mà là chuyển động nó tự vượt nó, hoài hoài, hoà nhập trong nó là một hiện tại cụ thể và một tương lai sống động, của tất cả những con người làm nên nó."
(Thời Mới, tháng Sáu 1948).
"Mỗi lần tôi phạm lỗi lầm, đó là bởi vì tôi đã chưa đủ triệt để"
(Nhận Định X)
Trong những lỗi lầm của Sartre, có vụ liên quan tới cuộc khởi nghĩa Budapest của nhân dân Hungary, vào năm 1956. "Một ô nhục", theo một tác giả trên tờ Le Monde, vào năm 1996, khi Sartre "chấp thuận" (approuver) chuyện chiến xa Liên Xô đè bẹp cuộc cách mạng. Trên tờ L’Express số đề ngày 9.11.1956, Sartre, trong một cuộc phỏng vấn, trước tiên đã "kết án, không chút dè dặt", sự can thiệp của Liên Xô vào Hungary, coi đây là "một lỗi lầm không thể tưởng tượng được", "một tội ác"… nhưng cần phải đọc hết cuộc phỏng vấn.
Lẽ dĩ nhiên, quyết định của điện Cẩm Linh là "một lỗi lầm không thể tưởng tượng được", nhưng… "tất cả cho thấy rằng, cuộc nổi dậy "có chiều hướng phá huỷ toàn bộ hạ tầng cơ sở xã hội". Đó là "một tội ác", nhưng… "trong những nhóm người này, kết hợp nhằm chống lại những người Xô Viết, hoặc để đòi hỏi họ ra đi khỏi đất nước Hungary, người ta nhận ra, có những thành phần phản động, hoặc bị nước ngoài xúi giục"…. "sự có mặt (chứ không phải hành động can thiệp thô bạo) của Liên Xô là "một điều cần thiết"….
Lịch sử sau đó cho thấy, nhân loại đã biết ơn rất nhiều ở cuộc cách mạng Hungary vào năm 1956. Chính nhờ nó, mà Liên Xô nhận ra một điều, chuyện nhuộm đỏ cả Âu Châu, là một toan tính cần phải "xét lại". Ngay Sartre, trong cuộc phỏng vấn kể trên cũng phải công nhận, lần đầu tiên có một cuộc cách mạng không mang mầu đỏ của phe tả (pour la première fois… nous avons assisté à une révolution politique qui évoluait à droite).
Tất cả những khẳng định của Sartre đã được tờ Pravda đăng tải, cộng thêm những lời ca ngợi cuộc can thiệp của Hồng Quân, như của Janos Kadar, vào ngày 5 tháng 11. Một tháng sau đó, chúng trở thành những lời buộc tội những người cầm đầu cuộc cách mạng…
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã ca ngợi cuộc cách mạng Budapest bằng những vần thơ sau đây, được thi sĩ trước tác vào tháng 12 năm 1956:

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest

Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi
Hãy cho anh ngủ bằng trán em
Đau dấu đạn
Đêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
 

Cũng vẫn thi sĩ, trong một, trong những bài thơ đầu tiên, đã nhận ra sự "thất bại trong chiến thắng", của một miền đất:
Chúng nó làm phát xít
Chúng nó làm cộng sản
Chúng ta làm tù nhân
(Trích bài thơ Tù Binh, trong tập Tôi Không Còn Cô Độc, Sài Gòn, 1956)
(kỳ tới: Sartre và Việt Nam) 

3. Một bí mật nho nhỏ về Koba.
Vào năm 1915, một lá thư được tuồn qua khe cửa Tòa Lãnh Sự Nga tại Paris. Tác giả bức thư, một nhân viên mật vụ Okhrana của Nga hoàng; và có thể còn là đảng viên Bolshevik. Lá thư tiết lộ tin tức quan trọng về quan điểm của những người lãnh đạo Đảng, và tác giả bức thư cũng chẳng thèm giấu giếm sự thù hận dân Do Thái của mình.
Có điều người này không biết, Toà Lãnh Sự đã dời đi nơi khác. Không hiểu bằng cách nào, lá thư tìm ra con đường của nó, và tới tay Lênin, lúc đó ở Zurich. Phải tìm ra tên nằm vùng khốn kiếp này. Thoạt tiên Lênin nghĩ, có thể là "Koba" ở Siberia, nhưng lại không biết tên thực của Koba. Ông viết thư cho Zinoviev để hỏi. Koba là bí danh của Iosif Dzhugashvili, vào năm 1917, đã đổi thành… Stalin!
Koba là một trong rất nhiều tên cướp chuyên thực hiện những việc bẩn (dirty work) cho Lênin. Đã từng bị bắt (và được tuyển dụng) bởi Tiflis Okhrana vào năm 1906. Trong sáu năm tiếp theo, Koba đóng vai gián điệp hai mang, bán tin tức cho cảnh sát Nga hoàng, về những đồng chí trong Đảng. Tới năm 1912, Koba cắt đứt liên lạc với Okhrana. Lý do là Koba ghen tức với Roman Malinovsky, được Lênin cất nhắc lên hàng lãnh đạo Đảng, trong khi đây là một gián điệp của Nga hoàng. Malinovsky đã giữ vai trò chủ chốt, trong việc phân hóa nhóm Xã hội Dân chủ ở Duma, đây là một chiến thuật được dàn dựng bởi Okhrana (thành thử có thể nói, nhóm Bolsheviks là do cảnh sát Nga hoàng sáng tạo ra). Trong khi tìm mọi cách để trừ khử Malinovsky, Stalin (Koba) đã viết lá thư trên, cho viên Phụ tá Bộ trưởng Bộ Nội vụ ở Petersburg, một người mà ông đã từng cùng dùng cơm trưa. Stalin báo động, Malinovsky là một tên Leninist đến tận xương tuỷ; và để thay thế anh ta, là …. tui: trùm gián điệp giữa những người Bolsheviks.
Vào năm 1918, trái chanh Malinovsky cuối cùng cũng bị vắt cạn, và bị xử bắn, bởi Tòa án bí mật. Nhưng hồ sơ về Stalin vẫn được giấu kín trong đống thư khố khổng lồ của Okhrana tại St. Petersburg. Trong cuộc Cách mạng tháng Hai 1917, đám đông giận dữ đã nổi lửa thiêu rụi toà nhà cảnh sát, hồ sơ ở đây trưóc đó, được gói thành từng bó, phân tán vào trong những thư khố khác.
Bây giờ, câu chuyện trên đây là đề thú vị của cuốn "The Secret File of Joseph Stalin: a hidden life" (Hồ sơ bí mật của J. Stalin, một cuộc đời được giấu kín) tác giả Roman Brackman.
Theo Orlando Giges, giáo sư sử học tại Birkbeck College, London, người điểm sách trên tờ TLS số May 4, 2001, cái tựa có thể gây hiểu lầm, bởi vì Brackman đâu có kiếm ra hồ sơ thất lạc kể trên. Cho tới giờ, nó vẫn bị thất lạc, nghĩa là được đem ra khỏi điện Cẩm Linh, cất kín ở một xó xỉnh nào đó. Nhưng tác giả thật có công, trong việc sắp xếp những sự kiện, những thông tin, từ nhiều nguồn khác nhau, và cho thấy mức nguy hiểm "khủng khiếp", cho những ai đã "không may" nhìn thấy nó.
Từ thập niên 1940, người ta đã được biết những sự kiện cơ bản những năm khởi nghiệp của Stalin, nhưng ngay cả trước đó, những sự kiện như vậy đều bị nghi ngờ, ở cả Liên Xô lẫn Tây phương. Vào năm 1946, Thư Khố Bakhmeteff thuộc Đại học Columbia, đã mua tài liệu quan trọng nhất về hồ sơ Stalin, được lén lút "vượt biên" ra khỏi Liên bang Xô viết, qua một luật sư và còn là chỉ điểm viên thuộc cơ quan mật vụ NKVD, tên là Golovachev (tay này đã được Pasternak "hư cấu" thành nhân vật "như một loài chấy rận", Komarovsky, trong "Bác sĩ Zhivago"). Đó là một bản tóm tắt (memo), được viết bởi Alexander Eremin, Trùm Bộ phận Đặc biệt thuộc Cảnh sát Nga hoàng. Trong đó có một đoạn về sự nghiệp của ông trùm đỏ, khi còn phục vụ trong cơ quan Okhrana, từ năm 1906 tới 1912.
Tài liệu này sau cùng hoá ra là đồ dởm. Nó chỉ là "bản sao bậy bạ" của bản memo thứ thiệt, mà, than ôi!, đã được Stalin thu hồi, cùng với hồ sơ của ông, vào năm 1937 khi nhân viên NKVD lục lọi căn phòng của một sĩ quan Hồng Quân, trong khi sửa soạn tiến hành vụ án Tukhachevsky. Sợ rằng kẻ thù sẽ lợi dụng hồ sơ thật về đời mình, Stalin đã cho người ngụy tạo một hồ sơ dởm, như vậy mọi tố cáo của kẻ thù, nếu xẩy ra, sẽ trở nên vô hiệu.
Lo sợ hão. Chẳng ai dám tố cáo, cho dù nhìn thấy nó. Bởi vì, nó đã được tìm thấy vào năm 1926, khi được chuyển tới Moscow, từ Bộ Cảnh Sát cũ, và có một số người đã nhìn thấy nó. Phần cơ bản của hồ sơ sau đó được một thư khố viên can đảm, nhưng không có tên, thông báo cho David Shub, Chủ bút tờ nhật báo Menshevik ở Berlin; ông này sợ, không dám in ra, nhưng lại chuyển tới ký giả Mỹ, Isaac Levine (bản tiếng Anh của memo có thể tìm thấy tại thư khố Hoover Institution thuộc Đại học Stanford). Vào năm 1938, ngày thứ nhì của vụ án Bukharin, Levine viết một bài báo trên tờ American Journal, đưa ra gợi ý, rằng mọi sự trình diễn vụ án như trên, là do Stalin phóng ra, nhằm phủi sạch mọi dấu vết của cái quá khứ ô nhục của ông ta. Đây là khởi điểm của "giả thuyết" của Brackman: tất cả mọi người biết, hoặc có thể biết, về hồ sơ Stalin, đều bị thủ tiêu một cách tàn nhẫn, do những mệnh lệnh từ chính miệng tay đao phủ ở điện Cẩm Linh, truyền xuống.
Khi hồ sơ Stalin được phát giác lần đầu tiên vào năm 1926, nó đã được trao tận tay trùm mật vụ GPU, Dzerzhinsky. Trùm thì trùm, vẫn sợ đến té đái, và giấu biệt nó, trong những đống hồ sơ của ông ta. Hai ngày sau, ông trùm đi đời, ngay trong lúc đang đọc diễn văn tại đại hội Đảng. Brackman tin rằng ông ta đã bị đầu độc, bằng nước uống, ngay trong đại hội. Tuy nhiên chẳng có chứng cớ về việc hạ độc, cũng như về việc, rằng Stalin đã biết Dzerzhensky nắm được hồ sơ. Nó được tìm thấy trong ngăn kéo bàn ông Trùm và được trao tay cho người kế vị, Menzhinsky; ông này phân phát nội dung của nó, tới một số lãnh đạo Đảng và quân đội, trong đó có Thống tướng (Marshal) Tukhchevsky. Theo Brackman, họ đều dính vào một âm mưu nhằm huỷ diệt Stalin. Menzhinsky bị chết vì thuốc độc vào năm 1934. Tất cả những đồng tham dự trong âm mưu đều bị sát hại trong cuộc Khủng Bố, đỉnh cao của nó là vụ án Tukhachevsky 1936-38.
Giả thuyết của Brackman chỉ thuyết phụ được có một nửa. Dzerzhinvsky, đúng. Menzhinvsky, có thể. Tukhachevsky, may ra. Nhưng còn Kamenev, Zinoviev, và Bukharin? Chẳng lẽ tất cả những cuộc trình diễn vụ án như trên là để che giấu hồ sơ bí mật của Stalin? Liệu những người như Trotsky, Gorky, Mikhoels bị giết, là vì đã biết tới hồ sơ?
Sự thật là, có quá nhiều vụ sát nhân, vượt lên trên cơn hoang tưởng mà tác giả dùng nó như là một cái cớ để giải thích trọn cuộc đời của ông trùm đỏ. Những vụ sát nhân tập thể, lấy đi hàng triệu sinh mạng? Chẳng lẽ chỉ vì một hồ sơ nho nhỏ, về Koba?

4. Ngài Henry thân mến,
(Dear Henry,)
Henry ở đây, là Henry Kissinger, ông vua đi đêm, ảo thuật gia trong ngành ngoại giao. Nếu Stalin có một hồ sơ nho nhỏ, về những năm tháng còn mang bí danh là Koba, và đã tìm đủ mọi cách để cho nó ngủ yên, cùng với những người không may biết đến nó, sau đây người viết xin được cống hiến, khuôn mặt giấu kín của ông vua đi đêm, qua bài viết "Dear Henry", trên tờ "Người Quan Sát Mới" (Le Nouvel Observateur), số đề ngày 9 tháng Năm 2001. Theo tác giả bài báo, cần phải đưa Kissinger ra toà án quốc tế.
Bài báo là một trích đoạn, từ cuốn "Những Tội Ác của Ngài Kissinger" ("Le Crimes de Monsieur Kissinger", tác giả Christopher Hitchens, nhà xuất bản Saint-Simons, 206 trang, 99 F).

 Trong mười năm, từ 1969 tới 1977, Henry Kissinger là kiến trúc sư về đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ. Trùm Cố Vấn Quốc Gia về An ninh, và, từ năm 1972, Bộ trưởng Ngoại Giao, ông cho áp dụng lý thuyết về những liên hệ quốc tế, đã từng được ông điều nghiên và đem ra giảng dậy khi còn làm giáo sư môn khoa học chính trị tại đại học Harvard.

 Xuất thân từ một gia đình tiểu-trưởng giả (petite-bourgeoisie) Do Thái, tị nạn Nazi tại Mỹ vào năm 1938, con người - được coi là bộ não chiến thuật của Richard Nixon, và sau đó của Gerald Ford – đã từng say mê Metternich và "trật tự Âu Châu" nửa đầu thế kỷ 19. Viễn ảnh thế giới của Kissinger - ông ta đã cố gắng đem ra áp dụng, từ Việt Nam tới Cận Đông, từ Moscow tới Bắc Kinh – là một viễn ảnh dựa trên sự khinh miệt đối với những ý thức hệ, và một tiếp cận mang tính thực dụng, những tương quan quyền lực. Đi đêm với Bắc Kinh, kết quả, Hoa Kỳ công nhận Trung Quốc. Đi đêm với Lê Đức Thọ, kết quả, chấm dứt chiến tranh Việt Nam, người Mỹ ra đi trong danh dự; kết quả, đồng nhận giải Nobel Hòa Bình với họ Lê vào năm 1973. Luôn luôn đóng vai trò con người bình dị, khiêm tốn, trên chính trường quốc tế, nhưng đằng sau "Ngài Henry thân mến", là khuôn mặt giấu kín, sặc mùi máu. Chính bộ mặt này đã được ký giả Christopher Hitchens quan tâm. Dựa trên những hồ sơ mật tại Bạch Cung, tại Bộ Ngoại Giao, tại CIA, bây giờ đã được để cho công chúng coi, ông đã cố gắng chứng minh, thật khác xa con người được những kẻ ái mộ coi là một ảo thuật gia trong ngành ngoại giao, Kissinger đã chơi một trò chính trị mù mờ (confuse), không đem đến kết quả (inefficace), và mang tính tội ác (criminelle), và phải đem ông ta ra tòa án quốc tế.

 Bài báo trích dẫn, là về vai trò của Kissinger, trong vụ làm thịt tổng thống Salvador Allende của nước Chile, và kết quả là sự lên ngôi của nhà độc tài Pinochet.

 Từ năm 1962, tại Chile - cũng như tại Ý và một số quốc gia khác - CIA đã tài trợ những đảng phái "ngoan ngoãn". Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Chín 1970, ứng cử viên tả phái, Salvador Allende đã thắng thế. Chỉ nội tên Dr Salvador Allende không thôi, đã là một cái gai đối với những đảng phái cực hữu, những công ty đầy quyền lực như ITT, Pepsi-Cola, Ngân Hàng Chase Manhattan, và CIA.

 Cái gai chẳng mấy chốc làm "nhức nhối" tổng thống Nixon, gì thì gì cũng còn chút ân tình với Donald Kendall, chủ tịch hãng Pepsi-Cola, thời gian Nixon không thành công trong chính trị, "đành" gia nhập một văn phòng luật nơi Phố Tường. Mười một ngày sau khi Allende chiến thắng bầu cử, một chuỗi hội họp đã diễn ra tại Washington, số mệnh của ngài tân tổng thống tả phái, và tương lai chính trị xứ Chile đã được quyết định. Sau khi bàn bạc với Kendall, với David Rockefeller (Ngân Hàng Chase Manhattan), và với Richard Helms, trùm CIA, Kissinger cùng Helms tới Văn Phòng Bầu Dục tại Bạch Cung. Qua những ghi chú của Helms, Nixon chẳng úp mở gì, cho biết ngay "ao ước" của ông: Allende không được rớ tới cái ghế tổng thống (Allende ne devait pas occuper ses fonctions électives). "Bất kể những rủi ro có thể xẩy ra. Không được để dính dáng tới tòa đại sứ. Trước hết là 100 ngàn đô la tiền mặt, sau cần nhiêu chi nhiêu. Làm việc ngày đêm. Chọn toàn dân xịn, thứ cừ nhất mà chúng ta có. Chương trình hành động: 48 giờ đồng hồ."

 Những tài liệu bây giờ cho thấy, Kissinger, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, khi đó chẳng biết gì về Chile, một xứ sở mà ông ta mô tả, "mũi dao nhọn nhắm thẳng vào trái tim Nam Cực". Nhưng gì thì gì, Sếp muốn là Trời muốn. Một nhóm người được triệu tập tại đại bản doanh CIA ở Langley, và một kế hoạch "đòn kép" được đề ra: một đòn "dương", nghĩa là công khai, về mặt ngoại giao, và một đòn "âm": đòn đánh lén. Bộ Ngoại Giao và Đại Sứ Hoa Kỳ tại Chile coi như không biết tới đòn này. Mục tiêu: tạo bất ổn định, bắt cóc, ám sát…. nhằm đưa tới một cú đảo chánh bằng quân sự.

 Kế hoạch gặp một số trở ngại, ngắn và dài hạn, nhất là trước khi Allende làm lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Trở ngại dài hạn, là do truyền thống của đất nước Chile, quân đội vốn giữ vị trí trung lập, đối với quyền lực chính trị. Trở ngại ngắn hạn nhắm vào Tướng René Schneider. Với chức năng Tổng Tư Lệnh Quân Lực, ông công khai bầy tỏ sự chống đối, bất cứ một âm mưu dùng quân đội đảo ngược kết quả bầu cử. Chính vì vậy, sau một cuộc họp vào ngày 17 tháng Chín 1970, một quyết định được đề ra: phải cho ông Tướng đi chỗ khác chơi.

 Kế hoạch "đốt nhà" được giao cho những sĩ quan cực đoan, rồi đổ tội cho những phần tử tả phái, ủng hộ Allende, là "đích danh thủ phạm". Phải làm sao tạo được một sự hỗn loạn khiến quốc hội không chấp nhận Allende làm tổng thống. Tiền thưởng 50 ngàn đô sẽ chi cho một, hoặc một nhóm sĩ quan chịu chơi. Helms và viên phụ tá đặc trách chiến dịch đòn ngầm, Tomas Karamessines, giải thích cho Kissinger họ không được lạc quan về chiến dịch. Thành phần sĩ quan tỏ ra ngần ngại, hoặc chia rẽ, hoặc trung thành với Tướng Schneider và hiến pháp Chile. Như ghi chú của Helms cho thấy: "Chúng tôi cố gắng làm cho Kissinger hiểu chuyện thành công là rất mỏng manh". Kissinger ra lệnh thật là minh bạch cho Heilms và Karamessines, tiếp tục chơi, với bất cứ giá nào.

 Ngày 15 tháng Chín 1970, Kissinger được thông báo, đã kiếm ra viên sĩ quan chịu chơi, tướng (général) Roberto Viaux; tay này có những liên lạc mật thiết với nhóm cực hữu Patria y Libertad, bản thân ông ta cũng là một tay cực hữu. Ông chấp nhận lấy 50 ngàn đô để trừ khử tướng Schneider. Danh từ được sử dụng để chỉ viên sĩ quan chịu chơi là "kẻ bắt cóc", tuy nhiên lại có lệnh hãy cung cấp súng máy, và lựu đạn cay cho những cộng sự viên của Viaux, họ cũng chẳng hề hỏi lại đàn anh, sau khi bắt cóc tướng Schneider, thì phải cư xử ra sao với ông ta.

 Sau đây là trích đoạn, một "thông điệp mật" của CIA, đề ngày 16 tháng Mười, sau cuộc họp mật cấp cao của viên chức Hoa Kỳ, vào ngày 15 tháng Mười, nhằm kiểm tra đánh giá những hoạt động của bọn chủ mưu. Thông điệp này được coi là "hướng dẫn chiến dịch", gửi cho những nhân viên CIA ở Santiago:

 … Allende phải bị lật đổ bằng một cú đảo chánh… Tốt nhất là trước ngày 24 tháng Mười (ngày tổng thống chính thức nắm quyền). Nhưng những cố gắng nhằm đạt được mục đích vẫn tiếp tục sau thời hạn trên. Chúng ta phải tạo áp lực tới mức tối đa, sử dụng mọi phương tiện thích ứng.. Bắt buộc phải hành động trong bóng tối, phải làm sao cho chính quyền Hoa Kỳ không bị mang tiếng…

 [Viaux và đám đệ tử, theo như đánh giá sau đó, là không thể kiểm soát được, có thể gây phiền nhiễu cho CIA và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, cho nên bị loại bỏ, và kế hoạch Schneider được giao cho một bộ phận quân đội được kính trọng hơn, cầm đầu bởi tướng Camilo Valenzuela, sĩ quan trưởng đạo quân ở Santiago.]

 Chiều ngày 19 tháng Mười 1970, nhóm Valenzuela, được tăng cường bởi vài người thuộc nhóm Viaux, với lựu đạn cay do CIA cung cấp, đã toan bắt cóc tướng Schneider khi ông rời một bữa ăn tối. Thất bại, do Schneider không dùng công xa như thường lệ, mà lại dùng xe riêng. Sau cú bắt cóc hụt này, CIA Washington ra lệnh phải khẩn cấp hành động, bởi vì phải trả lời cấp trên vào sáng ngày 20 tháng Mười, và hai phong bì, mỗi cái 50 ngàn đô, được trao cho Valenzuela, và phụ tá chính của ông, với điều kiện phải thực hiện bằng được mục tiêu. Cú thứ nhì diễn ra vào chiều ngày 20 tháng Mười, nhưng cũng thất bại. Ngày 22 tháng Mười, những khẩu súng máy "đã được sát rrùng" (có nghĩa là không thể nào tìm ra xuất xứ), được trao cho nhóm Valenzuela nhằm thực hiện cho được âm mưu kể trên, nhưng trong cùng ngày, tướng René Schneider đã bị nhóm Roberto Viaux ám sát.

 Cuộc đảo chánh đẫm máu lật đổ tổng thống Salvador Allende xẩy ra vào ngày 11 tháng 9 năm 1973, trong lúc Ngài Henry thân mến đang điều trần trước Thượng Viện, trước khi được phong chức Bộ Trưởng Ngoại Giao. Ông ta đã nói dối, khi quả quyết chính quyền Hoa Kỳ không có mắc mớ gì tới chuyện làm thịt tổng thống Allende. Những hồ sơ bây giờ được cho công chúng coi, cho thấy ngược lại. Trong số đó, có một, của tùy viên quân sự (thuỷ quân lục chiến) Hoa Kỳ, Patrick J. Ryan. Viên sĩ quan này đã ghi lại từng chi tiết, những liên hệ chặt chẽ giữa ông ta với những viên sĩ quan phản loạn dính líu vào âm mưu lật đổ tổng thống Allende. Viên sĩ quan này đã coi ngày 11 tháng 9 năm 1973 là "Ngày J", tương tự như ngày đổ bộ Normandie của quân đội Đồng Minh chống lại Quốc Xã, và nhận xét một cách hoàn toàn thỏa mãn, là "cú đảo chánh tại Chile gần như hoàn hảo" ["le coup d’Etat (sic) au Chili était presque parfait).

 Jennifer Tran