Sài Gòn Phóng Xô Lếch Như Bay
Thi sĩ
Joseph Brodsky, đứa
con của St. Petersburg, khi được hỏi, ông cảm thấy thế nào, khi biết
tin thành
phố trở lại với cái tên lịch sử của nó; ông trả lời: tôi hạnh phúc quá
chừng,
quá đỗi! Tôi nói điều này với tất cả hân hoan, và không cần một chút dè
dặt,
mặc dù hoàn cảnh trớ trêu, có một thành phố St.
Petersburg
ở trong một Leningrad
Region... Nhưng đừng nghĩ tới chúng ta, mà hãy nghĩ tới những cư dân
hiện thời,
tới những người sẽ sinh ra tại đó. Họ sống trong một thành phố mang tên
thánh,
như vậy chẳng hơn là với một cái tên của quỉ. (Better they live in a
city that
bears the name of a saint than a devil.)
Khi được tin nhà thơ Nguyên
Sa mất, tôi bỗng nhớ đến câu thơ trên:
Sài-gòn phóng solex như bay.
Nhớ đến
J. Brodsky, và câu
thơ của ông:
Neither country nor
churchyard will I choose
I’ll come to Vasilevsky
Island
to die.
Xứ sở làm chi, phần mộ làm
gì,
Ta sẽ tới đảo kia để chết.
*
Nhớ đến thành phố mất tên.
Và tôi tự nhủ, câu thơ, và
tác giả của nó, đã nhập vào thiên tài của nơi chốn. Đã vĩnh viễn thuộc
về
Sài-gòn rồi.
Ở đây,
chúng ta hãy vượt lên
mọi oan khiên nhất thời, hoặc cuộc đối đầu quốc- cộng, và để ý đến một
điều:
cái tên gọi Sài-gòn, theo như người viết hiểu, không phải là một từ
tiếng Việt,
mà là gốc Miên, hoặc Chàm. Tổ tiên của chúng ta, những người mở nước,
đã biết
kính trọng điều gọi là thiên tài của nơi chốn, genius loci, và đã không
đặt tên
lại cho một vùng đất đã cưu mang họ, bằng một cái tên mang sẵn từ nhà,
từ một
vùng đất họ đã bắt buộc rời bỏ. Những Los Angeles, Mississauga,
Canada... những
địa danh ở Bắc Mỹ là một an ủi cho những người Âu châu, so với tất cả
những tội
ác đối với thổ dân da đỏ.
Tôi thích câu thơ trên, vì
Sài-gòn (lẽ dĩ nhiên). Và, vì còn là một Sài-gòn của riêng tôi. Sài-gòn
của tôi
chẳng bao giờ phóng solex như bay, nhưng mỗi lần nhớ đến, câu thơ của
Nguyên Sa
lại mới nguyên trong tôi, như một vài kỷ niệm còn sót lại, về cô bạn.
Về Nguyên Sa, còn một câu thơ nữa, mà tôi vẫn
rì rầm hát theo, cùng với nó, và mỗi lần như vậy, lại tự nhủ, nếu có
dịp gặp
ông, tôi sẽ hỏi, đâu là nguyên bản của nó. Câu thơ được phổ nhạc:
Trời chợt mưa, chợt nắng,
chẳng vì đâu.
Câu thơ nguyên bản, như sau
này tôi được biết:
Trời chợt mưa, chợt nắng, bởi vì đâu.
Nhưng tôi cứ rì rầm như vầy:
Trời chợt mưa, chợt nắng, chợt
vì đâu.
Và tôi cứ cố tình thích chữ “chợt” sau cùng.
Bởi vì, cứ khơi khơi, trời chợt mưa, chợt
nắng, cô bạn chợt phóng solex vào đời mình:
Chợt vì đâu, solex mãi trong
tôi...
Hoặc:
Chợt vì đâu xô lệch mãi đời
tôi...
*
Oan khiên nhất thời: so với
chiều dài lịch sử, cuộc chiến quả thật chỉ là oan khiên nhất thời. Giữa
thời
gian và những ký hiệu là những con chữ, hay như ở đây, một câu thơ, lại
là một
vấn đề lớn lao khác nữa:
Khi thành phố mà tôi vinh
danh, đã lụi tàn, mai một,
khi những con người bài thơ
tôi ca ngợi, đã chìm vào quên lãng,
những con chữ sẽ vẫn còn hoài
(Pindar)...
Câu thơ
cứ còn mãi, dù
Sài-gòn không còn phóng solex như bay....
*
Sài-gòn không còn phóng solex
như bay, thi sĩ càng biết rõ điều này hơn chúng ta.
Hãy đọc thơ ông, thay cho một
lời tưởng niệm:
Em gói câu thơ trong áo bay,
Ba phần gió thổi, một phần
mây,
Ngày sau hai đứa mình xa
cách,
Anh vẫn được nhìn mây trắng
bay.
*
Thi sĩ biết rất rõ, sẽ có một
ngày, người mà câu thơ ca tụng, sẽ cách xa, nhưng không hề chi, câu thơ
sẽ vẫn
còn mãi:
Anh vẫn được nhìn mây trắng
bay.
*
Không phải chỉ em, mà luôn cả
anh - nhà thơ, sẽ cách xa:
Nghệ sĩ phải làm cho hậu thế
tin rằng, anh ta đã không sống, Flaubert nói. (L’artiste doit faire
croire à la
postérité qu’il n’a pas vécu). Maupassant ngăn cấm chuyện chân dung ông
có
trong tuyển tập những nhà văn nổi tiếng: Đời riêng của một người, và bộ
mặt của
ông ta không phải là để chường ra cho thiên hạ thấy.
"Tôi ghét chuyện dí mũi
vào đời riêng của mấy ông nhà văn lớn, và chẳng có một cuốn tiểu sử nào
giọi
chiếu được một mẩu đời tư của tôi," Nabokov nói. Italo Calvino giải
thích
thêm: ngu gì mà nói cho bất cứ một ai, dù chỉ một lời, về đời tư của
mình!
Faulkner mong muốn, chỉ là một người bị huỷ bỏ (annulé), được lịch sử
gạch đi
(supprimé par l'histoire), chẳng để lại bất cứ một vết tích, ngoại trừ
những
cuốn sách đã được in. (Milan Kundera khi nhắc lại, đã gạch dưới hai chữ
sách,
in). Theo một ẩn dụ nổi tiếng, nhà văn phá huỷ căn nhà riêng của ông,
để, với
những viên gạch lấy từ đó ra, xây dựng một căn nhà khác: cuốn tiểu
thuyết của
ông ta. Khi mà Kafka được người đời chú ý đến, nhiều hơn là (nhân vật)
Joseph
K., tiến trình hậu - cái chết (mort posthume), của nhà văn bắt đầu.
*
Solomon Volkov, tác giả cuốn
Chuyện trò với J. Brodsky, có kể lại: một lần ông hỏi nhà thơ, về một
lời chỉ
trích ông, của một ký giả lưu vong. Ông này đã buộc tội nhà thơ leo lên
đỉnh
vinh quang, bằng cách đạp lên ngôn ngữ Nga (over the steps of the
Russian
language). J. Brodsky mặt đỏ bừng, tính xổ nho, nhưng đột nhiên ông bật
cười la
lên: Thú quá, Trời ơi! Làm gì có chuyện nào đẹp hơn, phải không? (Lord!
What
could be better, right?).
Trong quá khứ, đã có lần,
người viết gọi ông, nhà thơ Nguyên Sa, là một nhà văn dễ dãi, và sung
sướng.
Bây giờ chỉ xin đổi lại: Nguyên Sa là một con người dễ dãi, và hạnh
phúc.
Xin vĩnh biệt nhà thơ.
NQT
Note: 1998, Nguyên Sa mới
mất,
và Gấu lần đầu ghé Tiểu Sài Gòn là đúng tứ tuần của ông, và một văn
hữu, chẳng
hề biết chuyện đụng độ giữa NS và Gấu, đã nhân danh gia đình NS ngỏ lời
mời Gấu
tới, thắp một nén nhang cho nhà thơ, và NMG giật mình, nói, đâu có được!
Bài viết trên là nén nhang đó.
NQT