TẠP GHI
|
Một người anh
Gửi MH và
"Thất Hiền"
Tặng Dương Nghiễm Mậu
Khi về già,
Giambologna thường kể cho bạn bè nghe, lần đầu ông tới gặp
Michelangelo với tác phẩm đầu tay, hoàn thành với "tất cả hơi thở" của
mình. Michelangelo cầm lên coi, rồi đập bỏ, và nặn lại. Tác phẩm sau đó
hoàn
toàn khác hẳn với cái đã bị huỷ bỏ. Ông thầy nói: Hãy đi đi, và học
nghệ
thuật nắn tượng, trước khi học nghệ thuật hoàn thành.
Ngoài chuyện
học nắn tượng trước khi học hoàn tất, còn một bài học cay
đắng hơn, tàn nhẫn hơn nhiều: Hãy coi ta huỷ diệt tham vọng, và luôn cả
khát vọng của mi. Ta cho mi thấy tác phẩm của mi non nớt như thế nào,
so với của ta, để coi mi có dám "bước qua bực thềm", có dám vượt ta hay
không. Thus I destroy you!
Có dám vượt
thầy hay không, liệu có khác thầy được chút nào không, cá
nhân người viết cũng đã có những băn khoăn tương tự như vậy, những ngày
đầu mơ tưởng viết.
Năm đó học Đệ
Nhị. Chung với Nguyễn Hải Hà, Ngô Khánh Lãng... Cùng một
đám vừa thi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp, học ba tháng hè chương trình lớp
Đệ Tam, rồi vào niên học nhẩy lên Đệ Nhất với thầy Đoàn Viết Lưu, khi
thầy vừa mở trường Hồng Lạc ở đường Sương Nguyệt Anh. Việt văn, thầy Vũ
Hoàng Chương. Pháp văn, thầy Roch Cường, và cuốn đắc ý nhất của thầy,
Le Petit Chose, của A. Daudet. Hà và tôi cùng có chung đam mê Toán. Có
điều tôi không biết là bạn mình còn mê văn chương, và sau này khi đi
cải tạo về, chỉ còn một đam mê, vẫn từ thuở còn đi học, nghe đâu, nhờ
nó mà anh vượt qua được những ngày tháng khó khăn sau đó: sưu tập tem.
Một bữa anh
đưa tôi tờ báo Sáng Tạo, hình như bộ cũ, lâu quá tôi không
còn nhớ rõ. Và đột nhiên tờ báo làm sống lại nỗi đam mê thầm kín từ
ngày còn nhỏ, bấy lâu bị nỗi đam mê Toán nhận chìm.
Trong đám bạn
học chung, có lẽ tôi là đứa cực nhất. Ngày đi học, tối
làm bồi bàn tại tiệm chả cá Thăng Long, chỗ quen biết, "gởi gấm" của
ông anh, Nguyễn Hoạt.
"Chả là" ông
anh quen, và còn là "đồng chí" của Như Phong. Tiệm chả
cá Thăng Long lại là chỗ bà con của "Cô Thần" (bút hiệu của Như Phong
khi viết mục Tin Miền Bắc, trên nhật báo Tự Do, những ngày đầu di cư),
tức gia
đình Thạch Lam.
Một lần, tôi
đang lúi húi đổ xoong mỡ sôi lên dĩa chả cá, đang "say
mê" nghe tiếng mỡ reo "xèo xèo", bỗng ông khách vỗ vai tôi, nói:
"Hừ...".
Hoảng quá, tôi ngẩng lên nhìn, thì ra là thầy Đoàn Viết Lưu, cùng đi
với
bà xã. Từ đó, thầy không lấy học phí của tôi nữa. Đó là kỷ niệm êm đềm
nhất mà tôi còn giữ được, của một thuở bồi bàn.
Rồi thi đậu Tú
Tài phần một. Khi đó trường tư chưa có Đệ Nhất. Tôi được
vào Chu Văn An, hiệu trưởng là thầy Trần Văn Việt, khi nhà trường còn
nằm nhờ phía sau trường Pétrus Ký. Học chung với đám dân trường tư,
trong có Chất, em anh T. Qua Chất, tôi có thêm một số bạn, Cẩn, Quốc,
Sủng, Luận,
Tín. Đúng 7 đứa. Nhà bà cụ Chất là nơi chúng tôi thường tụ họp. Ngay từ
những
ngày đầu tới chơi, thấy anh T. ngồi co cả hai chân lên ghế, trước một
cái
bàn nhỏ ở góc nhà, tôi đã tưởng tượng, phải nói là đã mơ ước, tương lai
của
mình sau này rồi sẽ y hệt như vậy.
Tôi đã đọc Bếp
Lửa, khi cuốn sách "xuống đường". Tôi vẫn nghĩ, nếu cuốn
sách không được nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng quyết định đem ra bán
"xôn", liệu nó có tìm ra những độc giả của nó hay không. Tôi muốn nói,
tôi đã
đọc cuốn sách vào đúng lúc mà, như Paul Nizan đã nói giùm: Tôi năm nay
hai mươi tuổi và không cho phép ai được nói, đó là tuổi đẹp nhất trong
một đời người. Tam Ích có lần than thở, tuổi trẻ của ông thật không
may,
vì đúng vào lúc mơ mộng nhất, ông lại vớ phải những cuốn sách viết về
những
lò thiêu người của Đức Quốc Xã. Có lẽ tôi chỉ may mắn hơn ông một chút
xíu.
Sau Bếp Lửa là
Kẻ Xa Lạ, của Camus, rồi Bức Tường, Buồn Nôn, của
Sartre.
Bếp Lửa làm
tôi nhớ Hà-nội, cùng nỗi đam mê viết về tuổi thơ, về đất
Bắc. Trên hết, và sau hết vẫn là câu hỏi, nhức nhối đến tận bây giờ:
Tại sao bỏ vào Nam.
Kẻ Xa Lạ là
cơn choáng váng về phận người, cho dù không có cuộc chiến
đang chờ đợi: Suy nghĩ coi cuộc đời có đáng sống hay không.
Năm đó, cả bọn
thi rớt khóa một. Chất, Quốc và tôi được bà cụ thương
tình cho đi Nha Trang tắm biển. Cuộc đi chơi do sở Hỏa Xa tổ chức cho
con em, gia đình nhân viên. Tụi tôi được đi ké, nhờ bà Thừa là bạn bà
cụ Chất, đứng ra tổ chức.
"Villa trông
ra biển. Tường phía trước thấp...", truyện ngắn "Những
con dã tràng", truyện đầu tay của tôi được viết ra từ cát, biển Nha
Trang,
nhưng thực ra là từ cái không khí "chết người" của Kẻ Xa Lạ, của Buồn
Nôn:
Tôi tự hỏi cớ sao lại sợ hãi một thế giới bình thường như
vậy...(Sartre.
La Nausée).
Khi đó Dương
Nghiễm Mậu, với truyện ngắn "Rượu chưa đủ", đăng trên Sáng
Tạo bộ mới đang là một xôn xao trong đám chúng tôi, những đứa trẻ vẫn
mơ hồ hy vọng, con đường độc nhất để thoát ra khỏi cuộc chiến, để đừng
bị nó huỷ diệt một cách tức tưởi, chỉ là con đường văn chương. Khi tôi
viết "Những con dã tràng", chủ yếu là để giải tỏa cơn đau do Kẻ Xa Lạ
gây nên, và tuy hứa với lòng mình, đó là con đường phải chọn, nhưng
chưa phải lúc này. Tôi vẫn nghĩ, phải học đã, rồi muốn gì thì muốn. Vả
lại khi đó đam mê đọc mạnh hơn nhiều. Đọc hối hả, đọc ngày, đọc đêm,
đọc bất cứ cái gì vướng vào mắt. Đọc như để chạy đua với chiến tranh.
Hơn nữa, sách tiếng Pháp loại bỏ túi, chương trình Thông tin & Văn
hóa, IC (Information & Culture), được chính phủ Pháp tài trợ cho
nên giá rất rẻ, để "cạnh tranh" với văn hóa Mỹ, theo suy nghĩ của A.
Malraux: người Pháp đã ra đi, nhưng nước Pháp vẫn ở
lại (Anti-mémoires).
Viết xong, tôi
gửi thẳng tới tòa soạn, hình như ở đường Cô Bắc, hay
Cô Giang [đúng ra là đường Ký Con]. Vài hôm sau, một buổi tối, bà cụ
Chất hỏi tôi: "Mày viết truyện hả?. Tôi ngớ người. Bà cụ cho biết, anh
T. có nói tôi viết "được" và tiên đoán, tôi có thể "đi xa".
Anh đọc truyện
đoán ra được tác giả, cũng dễ vì chuyện đi Nha Trang
mới đó. Và trong truyện thấp thoáng bóng cô Hà, "Hà cóc khụ" như bà cụ
vẫn thường gọi đùa, cô gái út của bà Thừa. Bây giờ tôi vẫn nghĩ, đã có
thời tôi say mê cô Hà, như một cái gì không thể vươn tới được. Tôi vốn
có
mặc cảm con nhà nghèo, và qua đó, tôi vẫn nghĩ những cô gái nhà giầu
không
thuộc về mình, lý do là mình không thể chấp nhận. Yêu là một chuyện
khác,
lấy nhau lại là một chuyện khác. Tôi không thể tưởng tượng, một thằng
con
trai nhà nghèo, cố ăn học, rồi từ bỏ giai cấp của mình. Ấu trĩ phải
không
các bạn. Có người quen còn đổ diệt, bản chất tôi là một VC thâm căn cố
đế, còn hơn chất Bắc kỳ di cư rất nhiều!
Trở lại chuyện
cô Hà. Có lần tôi viết cho cô một lá thư, đại để: Đây là
lá thư thứ nhì, bởi vì lá thư thứ nhất kể như không có. Kể như là
chuyện anh yêu em, em đã biết rồi, và đã được em chấp nhận. Sau bức
thư, một buổi sáng tôi cuốc bộ đến trường Thánh Mẫu ở khu Hoà Hưng chờ
đón cô tan học
về. Ngày trọng đại, hút đâu cỡ chừng cũng cả gói thuốc lá. Khi tan
trường
ra, trông thấy tôi, chắc cô cũng có chút bối rối, nhưng thản nhiên kêu
xích
lô đi một mách, ra ý, ngay cả một bức thư tỏ tình mà anh cũng không
viết
nổi, nói chi đến chuyện yêu thương, khoan nói chuyện ăn đời ở kiếp.
Cát, biển, Nha
Trang làm nên truyện ngắn, nhưng cử chỉ đi không thèm
nhìn lại có thể ảnh hưởng tới số phận tác phẩm, và luôn cả tác giả.
Sáng Tạo, qua bà cụ Chất cho biết, tính đăng, nhưng liền sau đó đóng
cửa. Rồi tình cờ tôi thấy tên tôi trong mục hộp thư của báo Văn Nghệ.
Tôi nghĩ chuyện của tôi đã được anh T. chuyển qua. Không thấy được
đăng, tôi cũng bỏ luôn chuyện viết lách, lo học hành, thi đậu Tú tài
hai, vô Đại học Khoa học, rồi vì không có tiền theo đuổi, nhân trường
Bưu Điện vừa mới mở, tôi thi vô. Rồi
ra trường, đi làm. Thời gian Huỳnh Phan Anh học Đại Học Sư Phạm Đà Lạt,
làm tuyển tập văn nghệ, lấy đăng.
Bài học anh T.
dạy tôi không xuất phát từ chuyện tôi viết "được", còn
có thể "đi xa", điều này chỉ cho tôi thêm an tâm trong việc lựa chọn
một cuộc đời "trăm năm rách nát", nhưng từ một kinh nghiệm, chắc là của
riêng anh: Hãy đọc thật nhiều, rồi một ngày nào đó, sẽ tìm ra dòng văn
chương
thích hợp. Truyện đầu tay của tôi được viết ra chỉ để giải tỏa một ẩn
ức
nhất thời hơn là một ám ảnh văn chương. Sau này tôi học ở Faulkner cách
sử
dụng mạch ngầm, mạch rẽ. Đây là một phá thể, phá văn mạch cũ của văn
chương
Việt Nam, vốn trọng cách viết câu ngắn, sáng sủa, rành mạch, kiểu "Tự
Lực
Văn Đoàn". Một cách chủ quan, tôi vẫn nghĩ cách viết đó quá tù túng,
không
thể diễn tả nổi tâm trạng phức tạp của ý thức, của tiềm thức. Hơn nữa
theo
tôi, cái dấu chấm rất nguy hiểm, nhiều khi cho người đọc hơn là cho
người
viết. Các cụ ngày xưa không chấm câu, cũng không khen văn chương rành
mạch,
sáng sủa, mà chỉ nói, hơi văn mạnh hay yếu. Có khi hơi văn, khi đọc, bị
chặn
lại, chỉ vì một dấu chấm, khi viết. Bởi vì người đọc là một đồng-tác
giả,
đối với tác phẩm.
Phải tìm một
cách viết mới và từ đó, văn chương sẽ đổi khác. Chỉ mãi
sau này, vào năm 1965, khi tôi bị tai nạn phải nằm trong nhà thương
Grall, đúng lúc đó tôi đọc một bài thơ của một người bạn, Cao Thoại
Châu, trên tuần báo Nghệ Thuật. Bài thơ như tạo hứng cho tôi, thế là
tôi lôi mớ bản thảo cũ, sửa lại, gửi đi. Đó là truyện "Những ngày ở
Sài-gòn" đăng trên Nghệ Thuật số 9, cùng với truyện ngắn cũng đầu tay,
chắc vậy, của Cung Tích Biền: Ngoại ô Dĩ An Và Linh Hồn tôi. Lần đó tôi
nhờ Quốc, khi anh tới thăm tôi tại nhà thương, đưa cho anh T. Tên
truyện lòng thòng: "Những ngày JL và SR ở Sài-gòn". JL và SR là tên
tắt, dùng trong nghề nghiệp khi phải liên lạc trên mạch viễn ký, của
hai chuyên viên Phi Luật Tân, Limchoc và Soriano, tới Sài-gòn giúp Bưu
Điện thành lập mạch viễn ký dành cho báo chí, thông tấn ngoại quốc, sau
chết tại nhà hàng nổi Mỹ Cảnh. Anh T. rút ngắn tên truyện và sửa giùm
tôi một lỗi nặng: khi đọc Faulkner, tôi đã lầm lẫn hai từ "climatique"
(khí hậu) và "climatérique" (khổ đau). Truyện ngắn kết thúc bằng những
dòng chữ: "Tôi mơ ước khi đứng trước cổng nhà thương Grall nhìn ra
ngoài đời và
lúc đó chiến tranh đã hết." Khi viết câu đó, trí tưởng tôi hoàn toàn bị
chế ngự bởi hai câu thơ của Cao Đình Vưu, tức Cao Thoại Châu: "Xin lấy
máu
làm dầu thắp sáng. Cho con cháu mình soi tỏ mặt nhau".
Sau khi ra nhà
thương, anh T. nhắn tôi xuống tòa soạn lấy tiền nhuận
bút. Tôi xuống, gặp Mai Thảo, Thanh Nam, và Viên Linh. Rồi sau đó, khi
Viên
Linh thế Thanh Nam làm Tổng Thư Ký tòa soạn, anh đề nghị tôi viết
thường
trực cho Nghệ Thuật. Tôi áp dụng một bài học khác của anh T. dạy tôi,
qua
kinh nghiệm của Nguyễn Đình Thi khi viết Triết Học Nhập Môn: Học, đọc
tới
đâu, viết giới thiệu với độc giả tới đó. Tôi giới thiệu Beckett, nhóm
tiểu
thuyết mới, bàn về thế nào là văn chương dấn thân... Sau này khi viết
Tạp
Ghi cho Vấn Đề, tôi tiếp tục giới thiệu những "ông thầy" của tôi như
Lévi-Strauss, Roland Barthes...
Cuốn "Độ không
của cách viết" (Le Degré Zéro de l'Écriture) của R.
Barthes và những bài viết Essais Critiques của ông đã cho tôi thấy rõ
lằn ranh
phân biệt văn chương và cuộc đời, giữa thực tại văn chương (réalité
littéraire), hay thực tại giả tưởng (fictional reality) và thực tại đời
sống (réalité vécue). Nó là một nhưng không phải là một. Ai đã học qua
Toán Đại Cương, hoặc có nghiên cứu về ngành Tân Toán Học, chắc biết ý
niệm isomorphisme. Tôi
xin trình bày sơ qua đây, để bạn đọc có thể nhân đó phân biệt hai thực
tại
trên.
Chúng ta đều
biết con số vô tỷ, hay căn số (root). Thời Pythagore, con
người chỉ có thể giải thích nổi sự hiện hữu của các số chẵn, lẻ, thập
phân. Theo truyền thuyết, khi có người cắc cớ hỏi, làm sao giải thích
nổi chiều dài đường huyền một tam giác vuông cân có cạnh bằng 1, các đệ
tử của Pythagore đêm đến được lệnh thầy cho người đó đi mò tôm, bởi vì
nếu bí mật về một con số vừa chẵn lại vừa lẻ, tức căn số (Muốn chứng
minh, đặt a/b= căn của 2), lọt ra ngoài thì tan tành học thuyết
Pythagore, theo đó, thế giới được tạo dựng từ những con số.
Mãi đến cuối
thế kỷ 19, Toán Cổ điển mới giải thích nổi bài toán nhức
đầu này khi đưa ra ý niệm về sự chia cắt (notion de coupure), chia đoạn
thẳng ra từng lớp (classe) những con số. Tân Toán học lại giải thích
bằng
ý niệm về sự trương nở (extension) của các thể (corps). Thành thử có ba
con số căn: Một có thực, ở ngoài đời, một, trong Toán Cổ điển, và một
trong
Tân Toán. Chúng là những isomorphismes. Trong thế giới của ngôn ngữ,
một
sự thực ngoài đời, khi đem vào trong văn chương, phải được hiểu như là
một giả tưởng. Căn số theo Toán Cổ điển, được "bịa đặt" ra nhằm giải
thích sự hiện hữu của một con số, "giống hệt như nó", ở ngoài đời,
nhưng quan trọng hơn, nhờ ý niệm về sự chia cắt, toán học nhận ra sự
uyển chuyển của những con số, mở đường cho toán vi tích phân. Như vậy
nó đáp ứng một nhu cầu
trí tuệ, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, của con người. Cũng vậy văn chương
chỉ là dối trá, bịa đặt, nhưng qua đó, nó biểu lộ một sự thực, "thực"
hơn cả đời sống.
Sở dĩ mượn
toán học như một cái cớ, để đưa ra một giải đáp cho một câu
hỏi mang tính nhị nguyên, văn chương là thực hay là ảo, chỉ vì nỗi đam
mê từ hồi còn cắp sách đến trường, và cũng để tạ lỗi cùng nàng tiên
toán học, cõi tưởng tượng của mọi cõi tưởng tượng, nỗi đam mê ngoài đam
mê.
Sau này, khi
đọc Michel Foucault, tôi cũng thấy ông nói tới
"déchirememt entre la vie et l'oeuvre", "la grande coupure
épistémologique" (1) và nhận ra isomorphismes giữa những cơn điên khùng
và những dòng thơ của Holderlin.
Qua đây, đọc
"Tổng quan Văn học" của Võ Phiến, thấy ông phàn nàn, Miền
Nam không có những nhà phê bình như Vũ Ngọc Phan của thời tiền chiến.
Riêng tôi, khi đi vào phê bình, lúc đầu thực sự chỉ nghĩ, như là một
cách giới thiệu với độc giả Việt Nam những khuynh hướng, trào lưu văn
học mới, làm sao đưa quan niệm thưởng ngoạn của độc giả lên ngang tầm
với thời đại, xoá bỏ mặc cảm chậm tiến, thân phận da vàng, nhược tiểu
trong văn chương, trong cuộc đời và trong cả cuộc chiến, giúp người đọc
và luôn cả người viết có một số dữ kiện qua đó có thể thẩm định sức
đọc, tiềm năng văn chương, và nhận ra vóc dáng của đứa con tương lai.
Tôi vẫn nghĩ, văn học Việt Nam lúc đó cần sáng tác hơn là phê bình. Và
nếu cần, thì là một thứ phê bình khác, không như quan niệm cũ về nó,
kiểu đánh giá, khen chê, ngự sử văn đàn.
Hiểu như vậy, Miền Nam cũng có những phê bình gia "nhà nghề" nhưng
không
như Vũ Ngọc Phan, thí dụ Đỗ Long Vân. Phê bình đối với Đỗ quân, là sáng
tác. Là sáng tác của sáng tác. Là thơ. Và trên cả thơ, đó còn là con
đường
tìm lại một nền văn minh, thí dụ như "con đường tơ lụa" mà Đỗ Long Vân
đã
nhận ra khi đọc (hoặc ngắm) Kiều. Bạn đọc vài trang viết về Truyện
Kiều,
về Nguồn nước ẩn trong thơ Hồ Xuân Hương, sẽ thấy tham vọng của họ Đỗ,
muốn
tìm dấu chân của con người qua dấu ấn ngôn ngữ. Quan niệm phê bình của
ông
có vẻ như muốn tin rằng có văn chương rồi mới có con người! Sau này,
những
nhà phê bình thuộc trường phái cơ cấu đã chủ trương khai tử tác giả,
chỉ
giữ lại văn bản, là vậy. Tương lai chúng ta cũng sẽ vẫn có những nhà
phê
bình, những người bỏ công sức, thời giờ, tiền bạc và luôn cả tài năng,
làm
công việc vô vị mang nhiều phiền toái là công việc sắp xếp khuynh
hướng, thời
đại, tác giả, tác phẩm... nhưng có được một Đỗ Long Vân, thấy còn nhờ
may
mắn.
Bao nhiêu năm
nhìn lại, tôi nhìn ra thất bại của bản thân, khi tìm cách
thay đổi văn mạch cũ của văn chương Việt Nam. Sự thất bại không phải vì
dòng văn chương mới mẻ đó không thích hợp với quan niệm thưởng ngoạn
của
đa số độc giả, mà là: Tôi quá bị ám ảnh bởi vấn đề kỹ thuật. Một cách
nào
đó, tôi đã không lãnh hội được bài học của Kafka, khi ông cho rằng, kỹ
thuật chính là hữu thể (être) của văn chương. Rõ ràng, câu văn bị kỹ
thuật non nớt, sự vụng về, tham vọng làm mới văn chương... tàn phá, trở
thành vụn
nát. Nhưng lối viết đó không phải là một thất bại. Theo tôi, trong cuốn
"Cây gậy làm mưa", Đỗ KH. cũng đã thử nghiệm một lối viết mới "na ná"
như
vậy, và hơn thế nữa, tác giả đưa luôn những mạch văn "ngoại lai", những
ngôn
ngữ " quốc tế"... vào trong văn mạch Việt Nam.
Bao nhiêu năm
nhìn lại, tôi vẫn thèm không khí gia đình, những ngày
quây quần dưới gối bà cụ của Chất. Cụ tiên đoán về tôi, rồi mày sẽ y
hệt
ông S. thôi. Cụ đã tiên đoán đúng, nhưng có một chút sai về cuối đời
tôi.
Có thể vì tôi may mắn được anh T. xem như là đứa em ruột, hơn là một
đàn
em văn nghệ. Chẳng bao giờ anh phê bình chuyện viết lách hay dở của
tôi,
ngoài những lời tôi nghe qua bà cụ, về truyện ngắn đầu tay. Anh thường
nói
chung chung, đại khái, nhà văn Việt Nam thường "chết non", cứ viết xong
thời
thanh xuân là hết. Tôi nghĩ, anh muốn khuyên tôi, hãy cố gắng viết, từ
những
dòng chữ cuối cùng của cuộc đời, khi mà những hào quang rơm, hoặc rởm
đã
tắt lịm. Hay như bài học của Michelangelo, hãy lo viết chứ đừng lo kết
thúc
nó.
Bài học của
Michelangelo theo tôi còn liên quan tới khoảng cách giữa
người viết và người đọc. Viết là phần của tác giả. Kết thúc là thuộc về
độc giả. Hiểu như vậy, nhà văn chỉ viết cho chính mình. Khi viết xong,
tác
phẩm hết còn là của người đó. Khi bị tra vấn, nếu cần, người đó lại
viết
một cuốn sách khác.
NQT
Ý niệm "coupure
épistémologique" (đứt đoạn tri thức
luận), được Gaston Bachelard đưa vào nghiên cứu "triết học của khoa
học", sau được Althusser sử dụng khi đọc Marx. (Chú thích của John
Johnston, khi dịch
sang Anh ngữ bài phỏng vấn M. Foucault, "The discourse of History", in
trong tập "Foucault Live" nhà xb Semiotext(e) Foreign Agents Series,
Columbia
University, 1989).
|
|