Nơi người chết
mỉm cười
Ngày 1 tháng
Mười 1991, Leningrad chính thức trở lại với tên khởi thủy của nó,
Saint-Petersburg; chấm dứt cuộc tranh luận bắt đầu cùng với thời kỳ đổi
mới, glasnost.
Những người hô hào chuyện đổi tên, bị buộc tội còn nuối tiếc chế độ
quân chủ,
và thiếu lòng yêu nước (St. Petersburg đã ở trên bản đồ hành quân của
các tướng
lãnh của Hitler, người muốn đổi tên thành phố ngay khi chiếm được nó).
A.
Solzhenitsyn muốn thành phố mang tên Svyato-Petrograd. Solomon Volkov,
tác giả
cuốn St. Petersburg: Một Lịch Sử Văn Hóa (Antonina W. Bouis dịch, nhà
xb Free
Press, 598 trang, 1997), cho rằng nhiệt tình của dân Nga ở đây là do sự
quan trọng
mang tính biểu tượng của Petersburg, một thành phố gắn liền với những
thời kỳ hỗn
loạn nhất trong lịch sử Nga. Những người quốc gia coi Petersburg là một
toan
tính Âu châu hóa, nhằm cắt nước Nga ra khỏi những giá trị truyền thống.
Những
người chủ trương tự do, phe nhóm chính trị, coi đây là biểu tượng quốc
gia hồi
phục, sẵn sàng tiến lên, đúng như mong ước của những người đã xây dựng
thành phố,
"cửa sổ về phía Tây", "cánh cửa độc nhất tới Âu-châu".
Đối với văn
nghệ sĩ, trí thức thời kỳ tiền-cách mạng, Petersburg phản ảnh những
chia cắt đau
thương của linh hồn Nga. Việc đào xới những mâu thuẫn này của
Dostoevsky trong
Ghi Chú Dưới Hầm đã ảnh hưởng sâu xa tới thế kỷ chúng ta trong việc
giải thích
nỗi khó khăn, bối rối của con người, bị vò xé giữa những giá trị đối
nghịch và
phải đối đầu với sự phi lý, ở mỗi "bước ngoặt của lịch sử". Dưới chế
độ Xô-viết, số phận của thành phố đã là nguồn cảm hứng cho biết bao đề
tài,
nhưng chẳng mấy được xuất bản, trưng bầy hoặc trình diễn. Sự trở lại
với cái
tên của nó có thể sẽ tạo niềm hứng khởi cho những công trình văn học
nhằm cảm
thông, và chuyển hóa nỗi kinh hoàng gây ra bởi chế độ độc tài Stalin.
Trong Chuyện
Nghề, Nguyễn Tuân sau khi ca ngợi những trang viết của Nguyễn Huy
Tưởng, trong
Sống Mãi Với Thủ Đô, ông đã phàn nàn "chúng ta có quá ít những trang
sách
viết về Hà-nội". Chúng ta ở đây phải được hiểu, những nhà văn hiện thực
xã
hội chủ nghĩa. Cuộc chiến đấu của thành phố trong thời gian chiến
tranh, trong
một trận đánh được coi như "Điện Biên Phủ trên không" có thể là niềm
tự hào, không phải của riêng những người Hà-nội, nhưng cái cảnh "tôi
nhét
điếu thuốc lá vào mồm tên giặc lái" mà Nguyễn Tuân tả trong Hà-nội ta
đánh
Mỹ giỏi chỉ có thể được "giải trừ" bằng những tâm trạng, thí dụ như của
một người dân bên hồ Trúc Bạch, bao nhiêu năm sau, khi ôm hôn tên giặc
lái mà
ông đã từng nhào xuống hồ để cứu thoát: "Tôi không hiểu tại sao tôi làm
vậy,
lúc đó, và bây giờ, khi gặp lại ông, tôi đã hiểu ra rồi".
Theo một
nghĩa nào đó, Petersburg giống như những thành phố lớn khác. Xuyên qua
lịch sử
văn hóa Tây-phương, thành phố đứng sừng sững, như để chứng thực nỗi
hoang mang
của con người, về mối liên hệ giữa nó và cái thế giới do nó tạo dựng
nên:
Babylon, Babel, Rome, Sodom, New Jerusalem đã đem đến cho trí tưởng
tượng của
những người Thiên chúa giáo, những hình ảnh về quyền lực và sự ung
thối, sa đọa,
thiên đàng và địa ngục. Sự hủy diệt của những thành phố thường làm cho
con người
khiếp đảm.
Nhưng Paris
của Baudelaire, Prague của Kafka... là những thành phố không thực,
những thành
phố của trí tưởng, những chuyển hóa mang tính thấu thị của chuyện
thường ngày.
Trái lại, vẻ siêu thực của Petersburg đập ngay vào mắt du khách, như
Hầu tước
Custine: Một cái gì không thể nào diễn tả trọn vẹn bằng lời... Khu đất
thấp của
thành phố với những tòa nhà chạy dọc theo hai bờ sông Neva hình như lơ
lửng giữa
trời và biển, và du khách có lúc đã mong đợi nhìn thấy nó nhạt nhòa vào
một cõi
trống không... Có thể vậy chăng, đây là thủ đô của một Đế Quốc rộng
lớn, một
dúm đất chấp chới trên mặt nước, như bọt bèo bị cuốn theo cơn lũ; những
điểm
đen nhỏ nhoi, lộn xộn, thật khó mà nhận ra giữa mầu trắng của trời và
của nước?
Hay đây chỉ là một ảo tưởng thị giác? Đó là những cảm nhận của ông, vào
một
trong những đêm trắng của mùa hè phương Bắc, năm 1939, khi đứng trước
"sự
bí mật không thể hiểu được": sự hiện hữu của một thành phố như để thách
đố
trật tự đạo đức và vật lý của sự vật. Ý nghĩa biểu tượng của một thủ đô
nước
Nga tại bờ cõi phía Tây đã khiến cho Peter Đại Đế chọn lựa một trong
những
khung cảnh không một chút hứa hẹn mà còn là mồi ngon của ngoại xâm: Ông
đã muốn
thành phố mọc lên từ vùng đất hoang vu sũng nước trước mặt ông, như
thành quả của
một cố gắng nhằm biến đổi xứ sở thành một quốc gia hiện đại, Âu hóa.
Trong một
túp lều ở miệng Vịnh Phần-lan, là ý nguyện của một con người chống lại
sức mạnh
của thiên nhiên, kinh nghiệm lịch sử, và những hoài vọng của cả một
quốc gia.
Thành phố đã được dựng lên không phải vì dân chúng mà là để chống lại
họ. Nếu
Moscow là biểu tượng của truyền thống quốc gia, tôn giáo, thủ đô mà
người dân Nga
hằng gắn bó, Petersburg vốn được người dân Nga nhìn như một Phản-Ky tô,
Antichrist. Nỗi nôn nóng hoàn thành (thành phố đã được coi là tân thủ
đô của
Nga, 14 năm sau khi ngôi nhà thứ nhất được xây dựng, vào năm 1703), đã
lấy đi
không biết bao nhiêu mạng con người. Hàng chục ngàn công nhân chết vì
đói, bệnh
và kiệt sức trong những công việc làm nền, đóng móng, nhằm chống lại
nước, trên
đó, thành phố đã mọc lên.
Được thiết kế
bởi những kiến trúc sư Tây-phương, (một trong số họ bị Nga hoàng ra
lệnh đánh
chết), thành phố ngày một đẹp thêm cùng những triều đại kế tiếp. Kiến
trúc sư
Ý, Rastrelli, đã đem đến cho nó dáng dấp Baroque, và sau đó, dưới thời
nữ hoàng
Catherine, là những công viên, hệ thống kênh đào với những tòa nhà mang
vẻ đẹp
Tân-cổ điển. Custine viết, thành phố đã đón chào ông bằng dáng dấp cao
sang, đường
bệ, và đây là một trong những kỳ quan của thế giới. Nhưng du khách chỉ
cần đi hết
đại lộ Nevsky, nối liền trung tâm thành phố với khu ngoại vi, họ sẽ
nhìn thấy
những khu dân cư nghèo nàn, dơ dáy của một Nga-xô khác. Quá xa nữa là
hướng đi
của những chuyến xe thư, về những vùng Siberia, Kamchatka, Sa Mạc Muối
(the
Salt Desert), Bắc Băng Dương (the Glacial Sea).
Custine nhận
xét, trong thành phố đó, một thành phố không một gốc rễ với đất đai,
lịch sử,
luôn luôn bị đe dọa bởi thiên tai, hoặc sự trả thù của con người, "tình
trạng
vây hãm" là chuyện bình thường của nó. Kỷ luật nhà binh đè nặng lên
người
dân là một "sự êm ả ép buộc, một trật tự bề ngoài... khủng khiếp, đáng
sợ
hơn cả tình trạng vô chính phủ"... "Bạn nghĩ coi, những gì tôi nhìn
thấy lớn lao quá nên không thực, đây là một giấc mơ của một gã khổng lồ
tương
tư, được kể lại bởi một tên thi sĩ khùng." Và đây là cảm tưởng đầu tiên
của
du khách khi giáp mặt thành phố: một dàn dựng tuyệt vời, "chỉ để làm
sân
khấu cho một bi kịch thực, khủng khiếp."
Thành phố đã
từng chứng kiến những bi kịch như vậy. Năm 1824, nó trải qua một trận
lũ lụt
tàn bạo. Ngày 14 tháng Mười, năm sau, một nhóm sĩ quan làm cách mạng đã
làm mồi
cho pháo binh tại công trường Senate, nơi có bức tượng khổng lồ Peter
Đại Đế mà
nữ hoàng Catherine đã đặt nhà điêu khắc Pháp, Falconet, hoàn thành.
Đây là một
trong những "quái vật" của Petersburg. Bức tượng kỵ sĩ đồng đứng trên
một cái bệ đá nặng trên 15 ngàn tấn, hàng ngàn người đã mất 3 năm di
chuyển nó
từ một nơi cách xa thành phố 12 dặm. Đám sĩ quan nổi loạn tin tưởng khi
bắt buộc
nhà vua phải chia sẻ quyền lực, họ có thể làm cho Peter từ bỏ ý định Âu
hóa và
để ý đến những vấn đề ở trong nước. Biến cố này đã được Puskhin ghi lại
trong
trường thi Kỵ sĩ Đồng, 1833. Mở đầu là một ngợi ca vì vua và thủ đô của
ông,
bài thơ đột nhiên chuyển giọng, kể lại thảm kịch của một viên chức
nghèo,
Yevgeny, đã mất những người thân yêu trong trận lụt 1824. Như phát
khùng vì nỗi
nhớ thương, anh nắm chặt tay chỉ về phía bức tượng ông vua, người đã
xây dựng
thành phố trên mặt nước rồi bỏ chạy, bị dượt đuổi bởi chính "thần
tượng"
là mình! Cuộc dượt đuổi cứ tiếp tục hằng đêm, và tiếng vó ngựa khủng
khiếp vang
rền khắp những con phố hoang vắng. Khi anh tự hỏi, phải chăng anh đang
mơ, giấc
mơ kinh hoàng là trận lũ lụt tàn bạo, thi sĩ ngắt lời nhân vật của
mình: Phải
chăng đời sống chỉ là một giấc mơ rỗng tuếch, một màn kịch tiếu lâm,
được trình
diễn với phí tổn của trời và đất?
Theo một
nghĩa nào đó, Hà-nội và Petersburg có chung một (hay nhiều?) kẻ thù:
Xuyên qua
lịch sử của Hà-nội, kẻ thù của nó là những cơn lũ lụt khủng khiếp của
sông Hồng.
Vì đọc cũng đã lâu, lại không có văn bản trong tay, nhưng hình như
trong Hà-nội
trong mắt tôi của Phạm Xuân Đài, khi tác giả ngồi trên máy bay nhìn
xuống, dòng
sông đẫm mầu phù sa cho ông cảm tưởng đây là một khai mở, ouverture,
của một bản
giao hưởng. Khi viết như vậy, không hiểu tác giả có liên tưởng tới
những đoạn
nhạc hùng tráng của một trường ca sông Lô, sông Hồng thời kháng chiến
chống
Pháp, hoặc bản trường ca xuyên suốt lịch sử trong cuộc chiến chống lại
thiên
nhiên và con người. Nhưng hy vọng chăng, đây là một khai mở cho một
trường ca,
khởi từ tâm trạng "lúc đó, tôi không hiểu tại sao, nhưng bây giờ, tôi
đã
hiểu ra rồi".
Phạm Xuân
Đài có trong ông tất cả những huyền thoại về Hà-nội, và ông rất tự hào
về nó.
Hà-nội trong mắt tôi có thể coi như một nơi chốn, một không gian-thời
gian, khi
huyền thoại bắt tay thực tại. Cuộc hội ngộ không đến nỗi ngỡ ngàng, và
cũng thật
cảm động. Tôi nghĩ nếu Nguyễn Tuân còn sống, có thể ông cũng có phần
nào tự
hào: Trong Hà-nội... có chút thăng hoa của phở, của thể văn tùy bút.
Tatyana
Tolstaya, trong một bài người viết tình cờ đọc đã lâu, khi còn ở Trại
Cấm, và
chỉ được đọc qua bản dịch, Những Thời Ăn Thịt Người (đăng trên tờ Thế
Kỷ 21),
cho rằng, chủ nghĩa Cộng-sản không phải từ trên trời rớt xuống, cái tư
duy
chuyên chế không phải do Xô-viết bịa đặt ra, mà đã nhô lên từ những
tầng sâu
hoang vắng của lịch sử Nga. Người dân Nga, dưới thời Ivan Bạo Chúa, đã
từng bảo
nhau, người Nga không ăn, mà ăn thịt lẫn nhau. Chính cái phần Á-châu
man rợ đó
đã được đưa lên làm giai cấp nồng cốt xây dựng xã hội chủ nghĩa. Bà
khẳng định,
nếu không có sự yểm trợ của nhân dân Nga, chế độ Stalin không thể sống
dai như
thế. Puskhin đã từng van vái: Lạy Trời đừng bao giờ phải chứng kiến một
cuộc
cách mạng Nga!
Bây giờ đọc
lại Phan Khôi, liệu chúng ta có thể hiểu ông nhiều hơn, khi không giản
lược câu
chuyện ông kể, về Cỏ Cụ Hồ, chỉ là một cách xả xú báp của một vị thâm
nho, trước
chế độ độc tài, theo suy nghĩ châm biếm, hài hước là khí giới của kẻ
yếu thế.
Trong Nhân Văn Giai Phẩm, ông kể chuyện Điện Biên, và sự xuất hiện một
thứ cỏ tại
vùng này. Cỏ nở hoa, "không thể ngửi được". Người Miền Bắc gọi là hoa
cứt lợn (heo). Nhưng người dân Điện Biên vì thấy cỏ xuất hiện cùng lúc
với quân
đội Cộng Sản, nên gọi là Cỏ Cụ Hồ.
Petersburg
là một thai đố từ chối mọi soi sáng, từ bất cứ một chủ thuyết tiến bộ,
cho dù
phổ cập, thuần lý tới đâu. Những chủ thuyết trấn ngự thế kỷ 19. Chính
vì vậy,
nó hớp hồn hai trong số những nhà văn thuộc loại đả phá nhất thời đại,
Dostoevsky và Alexander Herzen.
Theo Herzen,
không có cách chi để giải mã sự hiện hữu kỳ bí của một thành phố được
xây dựng
trên một phần tử, phần tử này chắc chắn một ngày nào sẽ nuốt chửng nó.
Ông là đứa
con của Moscow, một thành phố bám rễ vào lịch sử, chẳng bao giờ phải âu
lo hay
thắc mắc về căn cước và những hoài vọng của nó. Petersburg, đứa con của
một ông
vua, người đã nhân danh văn minh để mà kìm kẹp xứ sở. Đây là niềm bí ẩn
bi đát
và cũng là đức hạnh của Petersburg: Không nơi nào hơn chốn này, để chìm
đắm suy
tư về tình trạng dở sống dở chết của con người hiện đại, bị vò xé vì
phải trung
thành với những lý tưởng không sao hòa nhập. Herzen tới để ôm lấy thành
phố,
"như thể tôi ngừng yêu Moscow, bởi vì nó không thể tạo nên thú đau
thương,
sự tra tấn, hành hạ".
"Thành
phố trừu tượng nhất trên toàn thế giới", đó là lời Người Dưới Hầm của
Dostoevsky. Thành phố không gốc rễ đã trở thành một miếng đất mầu mỡ
nuôi dưỡng
đám trí thức không gốc rễ, và Dostoevsky tin rằng ông là người đầu tiên
cảm nhận
được ý nghĩa này. Thành phố là nền cho rất nhiều truyện ngắn, tiểu
thuyết của
ông. Những nhân vật của ông, thường phải đối đầu với những cơn sốt mộng
mị, ảo
giác do cái không khí bệnh hoạn của vùng đất sũng nước, và họ cố tìm
kiếm một
cách vô vọng những lề luật mới cho hiện hữu đạo đức, xã hội, trong một
thế giới
mà những giá trị cũ không còn có thể áp dụng. Sống trong một tình trạng
mê sảng
cao độ như thế, họ bắt đầu thù ghét thành phố mà những mâu thuẫn kỳ cục
như tấm
gương phản chiếu phần âm u bên trong con người họ. Trong một buổi sáng
đầy
sương mù, nhân vật trong Đầu Xanh Tuổi Trẻ (A Raw Youth) bị săn đuổi
bởi một giấc
mơ kỳ lạ:
Nếu cái đám
sương mù này bốc hơi rồi thoát đi về mãi trên cao, nếu cả thành phố hư
ruỗng
này bốc lên theo với nó, rồi tan thành mây, thành khói, còn lại chăng,
chỉ là một
vùng đất sũng nước vốn xưa kia của Phần-lan, và để tô điểm cho khung
cảnh đó,
là gã kỵ sĩ đồng trên con ngựa mệt nhoài, hắt ra những hơi thở nóng
bỏng.
Những điều
quái dị thấm đậm chất tiên tri: Bi kịch cách mạng Nga sẽ diễn ra trên
đường phố
Petersburg. Vào năm 1881, Nga Hoàng Alexander II bị bom khủng bố sát
hại khi
chiếc xe ngựa của ông chạy qua thành phố. Ngày 22 tháng Giêng 1905,
trong lúc cả
nước Nga đang mấp mé bên bờ cách mạng, một cuộc biểu tình của công nhân
nổ ra tại
Cung Điện Mùa Đông. Binh sĩ đã nổ súng vào họ.
Phong trào
Tượng Trưng, thịnh hành giữa những năm cách mạng 1905 và 1917, bị chế
ngự bởi
tinh thần Slavic, và giọng khải huyền. Thi sĩ A. Blok, một đứa con của
Petersburg, trông chờ sự hủy diệt thành phố của ông và văn hóa ngoại
lai của
nó, như một sự tẩy uế quyết liệt, một sự trừng phạt do sức mạnh quần
chúng đòi
hỏi. Trong cuốn tiểu thuyết siêu thực của Andrei Bely, Petersburg,
tiếng tích tắc
của trái bom khủng bố bao trùm lên mọi động tác của cuốn truyện, và
thành phố
là một "chiều thứ tư" không hiện diện trên bất cứ một bản đồ nào.
Thực tại vượt
sức tưởng tượng thi ca. Chỉ vài tháng sau khi cuốn tiểu thuyết của Bely
xuất hiện,
Petersburg được đặt tên lại là Petrograd, để thỏa mãn tình cảm ái quốc,
khi Đệ
Nhất Thế Chiến bùng nổ. Hai năm sau, nó hết còn là thủ đô Nga. Thành
phố đổi
tên một lần nữa, cùng với cái chết của Lênin vào năm 1924. Việc đổi tên
lần thứ
nhì này được tầng lớp trí thức coi như là một toan tính nhằm xóa mọi
hồi tưởng
về sự độc lập mang tính truyền thống của họ. Stalin thi hành mọi biện
pháp để
hoàn tất, biến thành phố thành mục tiêu khủng bố số một của ông. Những
người sống
sót sau những đợt xử bắn, trục xuất hàng loạt của những năm 1930, trở
thành nạn
nhân của Đức Quốc Xã, trong cuộc vây hãm thành phố, dài nhất trong lịch
sử hiện
đại. Khi thành phố được giải tỏa 900 ngày sau, 3 phần 4 dân số bị huỷ
diệt.
Thành phố gần như không thể hồi sinh, một phần là do chính sách tiếp
tục trả
thù của Stalin, và do sự phản động của Đảng bộ địa phương. Nhưng vào
những năm
1960, thành phố nở rộ, phần lớn là trong tình trạng dưới hầm, những
hoạt động
văn chương, nghệ thuật. Không giản dị chỉ là nuối tiếc, hoài nhớ, nhưng
mà là
tìm kiếm những cội rễ văn hóa, gần như biệt tăm, bởi chủ nghĩa Stalin.
Cuộc tìm
kiếm vẫn tiếp tục, cho tới nay, trong những cuộc tranh luận về ý nghĩa
của quá
khứ thành phố. Cố tìm ra một văn hóa thực của Petersburg, khác biệt với
những
giá trị chỉ dính dáng tới chế độ quân chủ, nhiều nhà trí thức thành phố
hy vọng
tái xây dựng một ý nghĩa cho sự liên tục lịch sử, đồng nhất quốc gia, ý
hướng đạo
đức.
Năm 1918,
Blok xuất bản trường thi 12 Vệ Binh Đỏ, thô bạo và hung dữ, chỉ với một
ước muốn
trả thù tụi trưởng giả, đi giữa cơn bão tuyết trên đường phố Petrograd,
cướp và
giết, được dẫn dắt bởi một sức mạnh vô hình. Ở đoạn thơ cuối, bóng dáng
Jesus
Christ xuất hiện trong bộ đồ trắng dẫn đầu đám người hung bạo. Blok coi
việc
Bôn-sê-vích nắm quyền, được "chúc phúc" bởi Chúa. Nhưng ông là người
đầu tiên gục ngã vì thất vọng, chết năm 1921, vì "cơn suyễn tinh thần",
chữ của Andrei Bely. Cùng trong tháng, thi sĩ Nicolai Gumilev bị bắt về
tội âm
mưu chống Xô-viết, bị xử bắn cùng với 6 người khác, (bây giờ người ta
được biết,
hồ sơ vụ án hoàn toàn nguỵ tạo). Trong thập kỷ hậu-cách mạng tiếp theo,
thành
phố, đã từng hân hoan đón chào sự ra đời của chủ nghĩa hiện đại Nga,
lúc này chứng
kiến một cái chết kéo dài vì nghẹt thở, của nó. Mayakovsky, nhà thơ,
nhà tiền
phong, người cổ võ lớn lao nhất cho chế độ mới, tự sát bằng súng vào
năm 1930.
Năm trước đó, Bakhtin bị bắt, trong một toan tính của cảnh sát nhằm huỷ
diệt
các nhóm văn nghệ, triết học, tôn giáo dưới hầm tại Petrograd. Nhà văn
trẻ
Konstantin Vaginov, thuộc nhóm Bakhtin, kết luận: Đây là lúc để hạ màn.
Cuộc
trình diễn như vậy là xong. Trên sàn diễn chỉ còn sự lặng câm, ngu ngơ,
và
hoang vắng. Đâu là tình yêu đã được hứa hẹn, chủ nghĩa anh hùng, nghệ
thuật đất
hứa?
Đây là tiếng
nói của tinh thần Petersburg. Vaginov là một thành viên, trong dòng thử
nghiệm
văn xuôi, tác phẩm của ông đã xuất hiện vào đầu những năm 1920. Hầu như
cả đám
họ đều biết và học hỏi lẫn nhau. Có người đã từng là trại viên "Căn nhà
Nghệ thuật" do Gorky thành lập để giúp cho họ khỏi chết đói những năm
đầu
chế độ. Đề tài chủ yếu của họ là St. Petersburg - Leningrad. Họ tự đo
lường,
trước những bậc thầy của quá khứ. Trong số đó có cả "the Serapion
Brothers", một nhóm được thành lập vào năm 1921, một thành viên là nhà
châm biếm Mikhail Zoshchenko, người thừa hưởng được văn phong của Gogol
và của
Dostoevsky khi còn trẻ, đã dám mô tả con người mới Xô-viết, không phải
là một
anh hùng vô sản theo như huyền thoại học của nhà nước, mà chỉ là một gã
phàm tục,
vô học, ngang ngạnh, và tham lam. Những người thuộc dòng văn thơ xuôi
mới này
không cho phép những viễn ảnh hồng của tương lai che mờ nhận thức đạo
đức của
hiện tại. Yevgeny Zamyatin, trong một bài viết Tôi Sợ in trên một tờ
báo ở
Petrograd vào năm 1921, đã tuyên bố, cái chủ nghĩa hình thức bợ đỡ, xu
nịnh này
chỉ đẩy nhà văn tới sự im lặng. Văn chương thực, chỉ hiện hữu, khi
không do mấy
anh thư ký ăn lương nhà nước, sản xuất theo kiểu kỹ nghệ nhà máy, mà do
những
người điên, những thần bí gia, những kẻ dị giáo, những mơ mộng gia,
những người
nổi loạn, và những người bi quan yếm thế. Sự phản đối của ông thật đáng
kể, vì
thế giá cách mạng của ông, người đã từng là đảng viên Bôn-sê-vích.
Trong cùng
năm ông hoàn thành tác phẩm chống-không tưởng, Chúng Tôi, cuốn này đã
gợi hứng
cho 1984 của Orwell. Tác phẩm chỉ lưu truyền qua dạng bản thảo, và khi
nó xuất
hiện trên một đặc san lưu vong, tác giả không được phép in ấn gì nữa,
tại Nga.
Năm 1931, ông viết thư cho Stalin xin phép xuất ngoại, "như vậy tôi có
thể
trở về quê hương, sớm chừng nào tốt chừng đó, cho văn chương, để phục
vụ những
tư tưởng lớn lao, mà không phải bò trước những người nhỏ bé". Kỳ diệu
thay, đơn của ông được chấp thuận.
Pho tượng
Peter, và trận lụt khủng khiếp thường được sử dụng như những ẩn dụ
trong văn
xuôi những năm 1920. Trận lụt trước (1824) và trận lụt 100 năm sau đó,
trùng với
việc thành phố đổi tên cùng với cái chết của Lênin (1924), Volkov, tác
giả cuốn
sách đã nói ở trên đưa ra nhận xét, từ những mốc thời gian, biến cố lập
lại như
vậy, thành phố đã được miêu tả như một con thuyền của những người chết,
lang
thang vất vưởng giữa hai bờ tử sinh.
Herzen đưa
ra nhận xét, đại khái, Petersburg tẩm vào người dân của nó một "chất
độc",
gây cơn sốt thường trực, về thể chất cũng như về tinh thần. Một hiện
hữu nóng bỏng,
và cái giá của nó là một cái chết trẻ. Nhiều nhà văn của Leningrad đã
trả giá
như vậy. Người thì chết trong tù. Tình trạng bỏ chạy ra nước ngoài
không rầm rộ
nhưng âm ỉ kéo dài suốt những năm 20. Những người ở lại đã phải đối
diện với sự
chọn lựa giữa sự nghẹt thở về tinh thần hay huỷ diệt thân xác. Nhưng
một số
trong họ vẫn cố giữ nhân cách, sự trung thực, và cố ghi lại thực tại
quái đản
là "Cuộc Khủng Bố của Stalin". Chẳng có chi là trùng hợp, những người
nổi tiếng nhất trong số họ đều có gốc rễ văn hóa những năm tiền-cách
mạng tại
Petersburg. Nữ thi sĩ Akhmatova, và nhà soạn nhạc Shostakovich, đã biến
đổi
thành phố thành một biểu tượng cho số mệnh bi đát, và hy vọng hồi sinh
của nước
Nga.
Shostakovich
vào Viện Âm Nhạc Petrograd năm 1919 khi ông 13 tuổi, và là một trong
những học
trò xuất sắc nhất về soạn nhạc của trường Petersburg. Ông cũng đam mê
không khí
văn chương của thành phố. Vở opera đầu tiên của ông, Cái Mũi, dựa theo
một chuyện
kể phi lý của Gogol về cái mũi của một nhân viên, rời chủ của nó để
sống một cuộc
sống tự lập, cuối cùng bị cảnh sát bắt. Vở opera có thể được thưởng
thức như là
một câu chuyện châm biếm về quyền lực và nỗi sợ do nó gây nên. Vào năm
1936,
Stalin đi dự một buổi trình diễn vở opera của ông Phu nhân Macbeth ở
Quận
Mtsensk, và tỏ vẻ bực bội, dấu hiệu mở đầu chiến dịch dữ dội của Đảng
nhằm chống
lại mọi hình thức nghệ thuật đi ra ngoài dòng hiện thực xã hội chủ
nghĩa.
Leningrad trở thành mục tiêu đầu tiên của "Đại Khủng Bố". Sau vụ ám
sát Kirov, trùm đảng bộ Leningrad (1934), có thể là do Stalin, nhằm có
cớ cho
cuộc thanh trừng những phần tử đối lập trong thành phố, những cuộc bắt
bớ hàng
loạt đã diễn ra. Shostakovich đã khéo léo lắm mới thoát khỏi, và vẫn
giữ được sự
trung thực. Trong một cuộc phỏng vấn, ông tuyên bố Bản Giao Hưởng Thứ
Năm, được
trình diễn lần đầu, tháng Mười Một 1937, là về "một người đàn ông với
những
cảm nghĩ của anh ta", nhưng những khán thính giả cắt nghĩa, đây là một
tác
phẩm về Khủng Bố. Tất cả đều biết rằng, chỉ lát nữa sau khi ra khỏi
rạp, một
vài người trong số họ sẽ bị ném vào tù, hay bị xử tử. Bản Giao Hưởng
Thứ Bẩy,
viết để tặng những người dân thành phố bị quân đội Đức vây hãm, được
trình diễn
lần thứ nhất tại đây vào tháng Tám 1942, trước một đám thính giả, lả vì
đói và
lạnh. Được truyền thanh khắp nước Nga và được Stalin khôn khéo sử dụng,
như một
bằng chứng về tinh thần yêu nước của người dân Leningrad, nhưng tác giả
của nó
đã tâm sự với một số bạn thân, bản giao hưởng không chỉ là một cáo
trạng đối với
chủ nghĩa phát xít, mà đối với mọi chủ nghĩa đàn áp. Âm nhạc của ông đã
kết
tinh hình ảnh mới của thành phố, như là một nạn nhân. Đây là điều
Akhmatova đã
làm, trong những vần thơ dưới hầm của bà.
Akhmatova đã
nhìn Petersburg như Nữ Thần Thi Ca của bà, "được yêu bởi tình yêu cay
đắng".
Bà đã nhìn ra sự huỷ diệt văn hóa của nó sẽ dẫn tới sự man rợ. Tuy
nhiên bà
không chấp nhận chạy ra nước ngoài sau cách mạng, và đã có những lời lẽ
thật cứng
rắn đối với những người ra đi: "Tôi không về phía những người đã rời bỏ
đất
này/ để cho kẻ thù tàn phá/ Tôi không thèm để ý đến những lời ca ngợi
giả dối
nham nhúa của họ/ những bài ca của tôi không phải để cho họ". Nhưng
không
như Mayakovsky, bà cũng chẳng hề ngợi ca những người cầm quyền mới của
nước
Nga. Những Năm của Chúa, Anno Domini, tập thơ của thời kỳ 1917-1921,
ngoài những
bài nói về những biến cố lớn lao, còn đề cập tới những tình cảm riêng
tư - thảm
kịch tình yêu, ghen tuông, và phản bội - được phô bầy trong khi cả
thành phố
xôn xao vì những tin đồn ghê rợn, và thần chết có thể gõ cửa từng nhà
bất cứ
lúc nào. Bị hằn học chỉ trích là thiếu niềm "lạc quan xã hội chủ
nghĩa", Akhmatova đã rút lui vào im lặng trong nhiều năm. Theo đám phê
bình gia độc miệng, bà sinh ra quá trễ, và chưa (đủ) chết sớm. Nhưng bà
cảm nhận,
thời của bà chưa tới. Và bài thơ đầu của "thời của bà" gửi cho Những
Công Dân Bạn Bè Của Tôi đã tận cùng bằng những dòng: Một Thời Gian Khác
đang tới
gần/ trận gió của cái chết làm lạnh tim/ nhưng thành phố thiêng liêng
của
Peter/ sẽ là đài tưởng niệm không mong muốn của chúng ta. Mười năm sau
đó, bà
phá vỡ sự im lặng bằng những dòng Kinh Cầu Hồn. Đây là một tác phẩm
nghệ thuật
lớn lao vĩ đại nhất về Khủng Bố. Đề tài của nó là những năm tháng
Leningrad
"treo như một vật thừa thãi quanh nhà tù của nó", bên ngoài những bức
tường nhà tù, đàn bà xếp hàng dài mỗi ngày, hy vọng gửi đồ hoặc nhận
được tin về
số phận của thân nhân. Akhmatova đã từng đứng đó, trong 17 tháng trời
khi con
trai của bà bị bắt giữ và sau bị đầy đi trại cưỡng bức lao động. Như
một thi
sĩ, qua cái miệng bị tra tấn của người đó, hàng trăm triệu con người
than khóc,
bà đã ghi nhận chuyện từng ngày của những năm tháng khủng khiếp. Thật
nguy hiểm
khi viết ra bài thơ. Trên 5 năm trời, bài thơ được ghi vội vào những
mẩu giấy
nhỏ, được ghi vào ký ức của những người bạn tin cẩn, rồi đốt bỏ những
mẩu giấy.
Trở thành mục tiêu chiến dịch khủng bố mang tính ý thức hệ, do Stalin
đề xướng
vào năm 1946, bà bị đối xử tàn tệ đến khi Stalin chết.
Như tất cả
những tác phẩm lớn của văn hóa Petersburg, Kinh Cầu là sáng tạo của một
nghệ sĩ
mà sự đồng nhất với thành phố là tổng hợp của rất nhiều tình cảm hỗn
độn.
Joseph Brodsky, một đứa con khác của thành phố, đã có lần đưa ra nhận
xét,
Petersburg đẻ ra một nền văn chương được đánh dấu bởi sự "âu lo, như
thể
nó được viết ra từ mép bờ trái đất. Và nếu có thể đưa ra một quan niệm
chung, một
âm điệu nào đó, thì đó là sự vong thân".
Tôi trở lại
thành phố của tôi, thân quen với những dòng lệ,
với cơn đau
thịt thừa trong cổ họng thuở ấu thơ, và chứng chướng tĩnh mạch
Bạn đã trở về
đây - vậy thì hãy nuốt
dầu đèn phố
Leningrad
Hãy nhận ra
bây giờ ngày tháng Chạp mù sương...
Petersburg,
tôi chưa muốn chết
Tôi có số điện
thoại của bạn ở trong đầu
Petersburg,
tôi vẫn có những địa chỉ, tại đó, tôi sẽ tìm ra tiếng nói của những
người đã chết...
(Osip
Mandelstam, Leningrad)
Và Kinh Cầu
của Akhmatova tận cùng bằng những dòng:
...nơi tôi
kéo lê 300 giờ đồng hồ
sắp hàng trước
song sắt.
Và từ trong
hốc mắt bất động của tôi, có thể tuyết đông, như những giọt lệ,
từ từ nhỏ xuống,
một con chim
bồ câu nhà tù gù gù đâu đó, gù gù,
gù gù
trong khi những
con tầu từ từ xuôi dòng Neva.
Như một người
ghi lại Cuộc Khủng Bố, sự quan trọng của Akhmatova không phải chỉ vì bà
đã có
khả năng tạo nên lòng xót thương đối với những nạn nhân, nhưng, bằng
sức mạnh
mang chất Dostoevsky, bà đã sử dụng thực tại cụ thể của thành phố để
chuyên chở
sự tầm phào của cái ác (the banality of evil), một điều mà những bạn
đường của
bà cố gắng chứng thực, nhân danh những thành quả lịch sử lớn lao. Trong
một
thành phố, nơi người chết mỉm cười, sung sướng vì sau cùng đã được bình
an, nơi
người sống "hơi thở thua người chết, hình hài thân xác thua đám sương
mù
trên thành phố...."
NQT