*

TẠP GHI




Bạn đã đọc Don Quixote chưa?


Đối với độc giả Tây-phương, một câu hỏi như vậy có thể làm họ bực mình. Nhưng số phận của Cervantès cũng giống như của Homer, Dante, hoặc Goethe: họ vừa nổi tiếng vừa bị lãng quên, như thể hào quang của tác phẩm làm cho độc giả (phải) bỏ chạy!

Một nghịch lý đáng yêu như thế đã khiến nhà xb Seuil đưa ra một bản dịch mới nhất tác phẩm khổng lồ này (nữ dịch giả Aline Schulman, 1997).

Đi trước Tartarin de Tarascon của Alphonse Daudet, Don Quixote đã từng võ trang đến tận răng để chiến đấu với mấy con sư tử... ở trong chuồng. Cũng may sư tử không thèm chấp mấy trò trẻ con; khi cửa chuồng mở ra, con vật hào hoa phong nhã, được "ăn học" đàng hoàng (le noble animal, fort bien élevé) nhìn ngang, nhìn dọc rồi quay đít về phía Don Quixote tiếp tục dỗ giấc ngủ trưa của nó. Và Don Quichotte đáng yêu của chúng ta quay qua Sancho, người hầu: Tới Madrid, nếu Đức Vua có hỏi tên ta, mi hãy nói, ta là Hiệp Sĩ Sư Tử, không còn là Hiệp Sĩ Mặt Buồn nữa.

Tạp chí Văn Học Pháp, Magazine Littéraire số Oct, 1997, đặc biệt về Cervantès: Don Quixote hay là sự phát minh tiểu thuyết hiện đại. Có Carlos Fuentès, một nhà văn lão thành người Mexico, với bài viết: Cervantès hay là phê bình việc đọc sách. Liên hệ giữa tác giả và đất nước Tây-ban-nha, là đầy trăn trở, xung đột: "Họ là kẻ khác, của chính chúng tôi. Tây-ban-nha, mặt trời và bóng đêm, nửa yêu thương nửa hận thù. Gọi một tên thôi: Đam mê". Trả lời câu hỏi: liệu Don Quixote chết cô đơn? Ông nói: Marthe Robert đã đưa ra câu trả lời chung quyết: Don Quixote chết ngay khi anh ta trở thành có lý... nhưng cuốn sách của anh ta không chết, nó tiếp tục sống, như một bảng chỉ dẫn, tham khảo về những điều khả thể... Lần đầu tiên trong lịch sử văn chương, một nhân vật biết (rằng) người ta đang viết (về anh) cùng lúc anh sống những cuộc phiêu lưu giả tưởng. Đây là một nạn nhân kép: Don Quichotte mất lý trí, không phải một, mà tới hai lần; lần đầu, khi anh ta đọc, lần thứ nhì, bị đọc.

Juan Benet, một tác giả khác, trong cùng số báo cho rằng, Cervantes quyết định tự ban cho mình một huyền thoại riêng, không vay ai, không mượn lịch sử, truyền thuyết, tôn giáo, huyền thoại học... Nói ngắn gọn: ông ta phát minh ra cái gọi là: Phát minh văn chương.

Trong những hiện tượng Don Quixote tiếp theo (xin coi hồi sau sẽ rõ), có một, thật đáng yêu: Từ trưa 23 đến trưa 24 tháng Tư, năm 1996, nhân Ngày Hội Sách, hàng ngàn người, giầu cũng như nghèo, ngoại quốc cũng như bản xứ, đã tụ họp tại Madrid để nghe đọc Don Quixote.


Sự bắt chước Đức Ông Don Quixote của chúng ta, là nhan đề bài viết của Simon Leys trên tờ Điểm Sách Nữu Ước, NYRB, 11 June 1998. Theo ông, qua những cuộc tranh luận này nọ, từ quixotic gần như có nghĩa, một sự sỉ nhục, và điều này làm ông ngỡ ngàng. Cung cách mọi người khi nhắc tới, làm cho bạn tự hỏi, không hiểu người đó đã (thực sự) đọc tác phẩm hay chưa. Thật cũng thú vị, nếu có ai đó bỏ công tìm hiểu, Don Quixote có được đọc một cách đại trà, như tính bình dân của nhân vật này. Nhưng chớ đụng đến những con người có học, bởi vì theo họ, có một số tác phẩm mọi người (phải) đọc, đây là một bổn phận, do bắt buộc của tri thức. Leys thú nhận, chỉ đọc vì thích thú.

Theo ông, người ta có cảm tưởng những nhà phê bình thực sự không thích văn chương: họ không "enjoy" cái thú đọc sách. Tệ hơn nữa, họ thường tỏ ra nghi ngờ, nếu không muốn nói là dè bỉu, những cuốn ăn khách. Dưới mắt họ, cái gì vui, gây cười thường không quan trọng, hoặc không nghiêm túc. Buồn một nỗi, thái độ của họ đã tiêm nhiễm vào chúng ta, một cách vô thức, đưa đến hậu quả: chúng ta quên đi rằng, cho tới nay, những đại tác phẩm đều được viết ra, cho đại chúng, và để mua vui cho họ: Từ Rabelais, Shakespeare và Molière của thời cổ điển tới những tiểu thuyết gia khổng lồ thế kỷ 19 - Balzac, Dumas, Hugo, Dickens, Thackeray - quan tâm chính của những nhà sáng tạo văn chương không phải là để được sự chấp nhận của giới kinh viện, của những chuyên viên thưởng ngoạn, (một việc làm tưởng khó tuy dễ), nhưng mà là để sờ mó tới người ngoài phố, làm cho anh ta cuời, khóc, và đây là một nhiệm vụ khó khăn vô cùng. Nhìn theo cách đó, Don Quixote đã đạt tới mức tối hảo, của thể loại văn chương cổ điển: viết cho nhiều người đọc, càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Và nếu thu được lợi nhuận, càng nhiều bao nhiêu, càng vui bấy nhiêu!

Bản thân Cervantes chẳng có gì làm người đọc liên tưởng tới những nhà sáng tạo đại tác phẩm. Nguyên là một anh lính quèn, bị thương và trở thành đồ bỏ; bị hải tặc tóm, đem bán làm nô lệ ở Bắc Phi, cuối cùng lê về được cố hương Tây-ban-nha, chắc chắn chỉ để chết trong nghèo khổ. Đã từng nếm mùi nhà tù vài lần, đời ông đúng là một cuộc tranh đấu để sinh tồn. Đã từng đòi phen viết lách để kiếm ăn, nhưng không thành công: nào kịch, tiểu thuyết đồng quê, hầu hết đã mất dạng, chút còn lại cũng chẳng ghê gớm gì. Chỉ đến gần chót đời, khi đã 59 tuổi, với Don Quixote, xuất hiện vào năm 1605, ông mới vớ trúng mỏ vàng: liền lập tức, cuốn sách là một best seller. Tác giả của nó chết, một năm sau khi phần nhì, và là phần cuối của cuốn sách được xuất bản (1615).

Tìm hiểu động cơ khêu gợi trí tưởng tượng của Cervantes, chúng ta ngỡ ngàng: ông đã coi cuốn sách, như bộ máy chiến tranh (une machine de guerre), nhằm chống lại nền văn chương hiệp sĩ, vốn thời thượng lúc đó, và đã dồn hết cả sức lực vào mục tiêu này. Như chúng ta biết, toàn thể cấu trúc của cuốn sách thật giản dị, và được đề ra ở ngay vài trang đầu, Chương Một; hàng ngàn trang tiếp theo, chỉ lập đi lập lại những ứng dụng của nó, vào trong những tình huống khác biệt; hàng trăm biến điệu (variations), cũng một đề tài. Tác giả, một trưởng giả nhà quê, tốt tính, khôn ngoan, có học, có ít tiền, nhưng thừa thì giờ, cho nên đã mắc nghiền văn chương hiệp sĩ lang thang, như lời ông nói: "Ông ta chẳng việc gì để làm, đành chúi mũi vào văn chương hiệp sĩ lang thang, nó làm ông say mê, quên cả việc săn bắn, chăm sóc nhà cửa, đến nỗi cứ bán dần cơ ngơi để mua sách... (cuối cùng) chết đắm chết đuối trong mớ sách vở, đọc đêm quên ăn, ngày quên ngủ, não bộ khô kiệt, mất luôn sự hiểu biết, túi khôn.. Rồi ông quyết định, biến chính mình, thành một hiệp sĩ lang thang, quên một điều, thời đại hiệp sĩ lang thang đã qua từ lâu rồi. Sau cùng, ông thức giấc, từ cơn mộng, khám phá ra rằng, tất cả những cuộc phiêu lưu tận cùng bằng thất bại, chúng biến ông thành nạn nhân của sự độc ác; điều ông săn đuổi như một chủ nghĩa anh hùng phi lý, thật sự chỉ là ảo mộng! Khám phá sau cùng là tận cùng của thất bại: ông chết vì vỡ tim".

Cái chết của Don Quixote ở trang cuối là tuyệt đỉnh, của không khí toàn câu chuyện. Tôi (Leys) đố bạn đọc đến đây mà không rớt nước mắt. Điều làm ông ngạc nhiên, một tác phẩm lớn lao như thế, tại sao lại bắt nguồn từ một thông điệp chật hẹp như vậy: viết chỉ để chống lại thứ văn chương kiếm hiệp ba xu, rẻ tiền? Và Leys nhớ đến câu chuyện về Hemingway, khi trả lời một ký giả, về những thông điệp trong tác phẩm của ông: Chẳng có thông điệp nào ở trong đó. Khi cần gửi thông điệp, tôi tới Bưu Điện.

Sẽ có người bực mình thốt lên: Sao? Không có thông điệp trong những tác phẩm lớn của văn chương thế giới? Lẽ dĩ nhiên, nhiều nhà văn, thi sĩ nghĩ rằng, họ có những thông điệp để truyền đi, nhưng thường thường, sau cùng họ đều nhận ra: những thông điệp như thế chẳng quan trọng chi, như thoạt đầu họ nghĩ. Hầu hết những độc giả bây giờ chẳng thèm để ý đến thần học thời Trung Cổ, khi say mê Dante. Và đây là lời khuyên của D. H. Lawrence: Đừng bao giờ tin tưởng nghệ sĩ. Hãy tin câu chuyện kể. Chức năng chính hiệu của một phê bình gia, đó là cứu vớt (save) câu chuyện, ra khỏi nghệ sĩ, kẻ tạo ra nó.

Một trong những phê bình gia bị dội, khi đọc Cervantes, đó là Nabokov. Thoạt đầu, khi phải soạn cours, ông tính dựa vào hồi ức khi còn trẻ, ông rất mê cuốn sách. Nhưng ông thấy cần phải trở lại với bản văn. Và ông hết sức phẫn nộ, về những sự độc ác, tàn nhẫn, dã man của cách kể chuyện. Ông so sánh sự độc ác dã man với sự sỉ nhục Christ, với những trò tra tấn bách hại của những mật vụ nhà thờ người Tây-ban-nha (Spanish Inquisition), với trò đấu bò hiện đại. Ông tỏ vẻ hết sức thích thú, khi kể tội Cervantes, làm thịt cuốn sách, trước thính giả là những sinh viên của ông; khiến đồng nghiệp bực mình, và cảnh cáo: Harvard nghĩ khác. Vài năm sau, ông xin chân giảng dậy, bị bác đơn, ông cảm thấy thật cay đắng, chua chát vì cái tát gió này. Chắc còn nhiều nguyên nhân, nhưng không thể loại trừ thái độ của ông đối với Cervantes. Trong những nghiên cứu của ông về tác phẩm, có một, thật thú vị: Nabokov chứng minh rằng, giải pháp cho từng cuộc phiêu lưu của Don Quixote, là gần như không thể tiên đoán được; ông còn so sánh những cú làm bàn và bị ghi bàn - những chiến thắng và thất bại của Don Quixote - với trò chơi quần vợt, thật nghẹt thở: 6-3, 3-6, 6-4, 5-7. Nhưng ván chót chẳng bao giờ xẩy ra: Cái chết đã xóa sạch tất cả.

Sự ghê tởm đã khiến ông nghỉ chơi với cuốn sách trong suốt thời gian dậy đại học Cornell: ông không dám đề cập tới nó nữa. Nhưng thái độ thù nghịch này, thực ra là do sự ngưỡng mộ đối với nhân vật của Cervantes, như đoạn cảm động sau đây: (Don Quixote) đã rong ruổi 350 năm xuyên qua những rừng rậm, những hoang địa khô cằn, là tư tưởng nhân loại; và anh ta đã có được sự sống động, và phong thái. Chúng ta đừng cười anh ta nữa. Huy hiệu của anh ta, đáng thương, lá cờ của anh, đẹp. Anh ta là hiện thân của tất cả những gì dịu dàng, trinh nguyên, không một chút vị kỷ, và tính nịnh đầm.


Theo Kundera, Nabokov đã đưa ra một nhận định tiêu cực, đầy tính gây hấn về Don Quixote: quá lố, ngây ngô, lập đi lập lại, đầy những sự độc ác không thể chịu nổi, không thể tin được; cuốn sách cay đắng, chua chát, dã man nhất cho tới nay đã được viết ra. Nhưng chúng ta không ở trong thế giới của Zola, khi một hành động độc ác nào đó, được miêu tả thật tỉ mỉ, trở thành một tài liệu chính xác của thực tại xã hội. Don Quixote bị chèn ép, trở nên không thể hiểu được, khi đụng phải tinh thần Zola, hoặc Mỹ học Lãng mạn, vốn đòi hỏi sự xác tín.

Trong những tác giả tắm đẫm văn hóa Tây-ban-nha là nhà văn Pháp, Henry de Montherlant; ông sống ở đó, rành rẽ ngôn ngữ Tây-ban-nha, và đã từng học nghề đấu bò. Ông đọc đi đọc lại bốn lần nguyên tác, và rất khó chịu vì sự thô bỉ của Cervantes, khi ông đụng tới một nhân vật cao cả, kiểu thánh nữ của tiểu thuyết lãng mạn. Ngoài ra theo ông, cuốn truyện quá dài, nhiều câu chuyện diễu vô vị, và độc ác. Phản ứng của ông tương tự như của Nabokov, và điều ông bực nhất, đó là Cervantes chẳng hề đưa ra một lời cảm thông nào cho nhân vật, cũng chẳng hề kết tội, về những trò độc ác nhắm vào anh. Nhưng đây chính là nghệ thuật của Cervantes: Những điều chỉ trích ông chính là sức mạnh nghệ thuật của ông: sự bí mật của cái điều giống như chính cuộc đời: Ai trong số chúng ta dám tin rằng cuộc đời vốn thiện vốn mỹ, vốn không hề có sự độc ác? Chúng ta càng thù tác giả bao nhiêu, chúng ta càng tin vào thực tại thế giới của ông, và những nhân vật ông tạo ra.

"Ông chủ hãy coi kìa," Sancho nhắc đi nhắc lại, "những vật trông giống như những người khổng lồ ở dưới kia thực sự không phải là những người khổng lồ, nhưng mà là những cối xay gió." Nhưng ông chủ của anh không nhìn: Don Quichotte đọc, và cái đọc của anh nói rằng, đây là những người khổng lồ. Cuốn sách đưa ra một vấn nạn, về tác phẩm lớn: lớn là lớn với đời sống, hay với những cuốn sách?


Trong những ngụ ngôn về Quixote, có một của Jorge Luis Borges: Một Bài Toán. Sau đây là tóm tắt:

Chúng ta hãy tưởng tượng, người ta tìm thấy ở Toledo một bản văn bằng tiếng Arabic, được coi như thủ bản của Cide Hamete Benengeli, tác phẩm của Cervantes đã thoát thai từ đó. Qua bản văn chúng ta đọc thấy vị anh hùng (vốn nổi tiếng, đã lang thang khắp xứ Tây-ban-nha, trang bị với cây gươm và ngọn giáo, gặp ai cũng thách đấu, chẳng cần lý do gì hết), vị anh hùng khám phá ra rằng, sau một trong những cuộc chiến đấu như thế, anh ta đã giết chết một người.. Tới đây bản văn đứt đoạn, và bài toán đặt ra là: hãy thử đoán coi Don Quixote sử sự ra sao?

Theo như tôi được biết, có thể có ba câu trả lời. Câu đầu có tính tiêu cực, nghĩa là, chẳng xẩy ra chuyện gì hết; bởi vì trong thế giới hoang tưởng của Don Quixote, cái chết cũng tầm phào như chuyện huyền hoặc, và sự kiện giết chết một người chẳng làm phiền cá nhân đang chiến đấu, hoặc tin rằng anh ta đang chiến đấu, với những quái vật huyền hoặc, và với đám phù thuỷ. Câu trả lời thứ nhì thuộc về bệnh lý.

Don Quixote không hề bao giờ quên một điều, anh ta chỉ là phóng bản của Alonso Quijano, độc giả của những chuyện huyền hoặc; sự kiện nhìn thấy cái chết, hiểu rằng giấc mơ đã đẩy anh ta tới tội ác của Cain, điều này đã đánh thức anh ta, có lẽ hoài hoài, ra khỏi cơn điên khùng.

Câu trả lời thứ ba có lý hơn cả. Một khi người đàn ông chết, Don Quixote không thể cho rằng hành động giết người ghê tởm chỉ là sản phẩm của cơn điên rồ... thế là Don Quixote không làm sao ra khỏi cơn điên của anh.

Câu trả lời chót lại đẩy chúng ta trở về điểm xuất phát: thế nào là tác phẩm lớn? Lớn là lớn với văn chương, hay với cuộc đời?

NQT