TẠP GHI
|
Khu Chợ Đũi,
Huỳnh Phan Anh, và tôi
Hồi mới tới
Sài-gòn, nơi chốn đầu tiên mà tôi làm quen, là khu chợ
Vườn Chuối.
Chuyến đó ở
trên tầu Rắn Biển, Marine Serpent hơi lâu, vì phải đợi
ngài Hồng Y Spellman ghé thăm và ban phước lành cho đồng bào di cư.
Trong
khi chờ đợi, chẳng biết làm gì, họ kéo nhau lên boong, ăn hột vịt lộn
từ
mấy chiếc ghe nhỏ chuyền lên, ngắm thành phố, làm con tầu khổng lồ
nghiêng
hẳn sang một bên. Xưa quá rồi Diễm ơi, nhưng sao thỉnh thoảng vẫn mơ
thấy
những con sóng đuổi theo con tầu như cố níu kéo, mấy bà Bắc-kỳ hè nhau
mở
cánh cửa khoang tầu thay vì nhẹ nhàng vặn vô lăng, mấy đấng đàn ông
đứng
ngay trên boong "mở cửa sổ ngó xuống biển", gió tạt vào mấy anh lính
thuỷ
hạm đội 7 ở phía dưới. (A, thì ra đó là lý do tại sao nước biển mặn. Cả
triệu con người chứ ít ỏi gì! Nhân vật Nguyễn của nhà văn thèm giang
hồ, nhân một chuyến đi xa, đành soi gương, vuốt tóc, bằng bãi nước anh
ta vừa thải, đám di cư còn "cơ may" tới được Miền Nam, đâu có suốt đời
phải "phóng uế" nơi đất người; phải có "căn phần" mới được như Tôn Ngộ
Không đi khắp ta bà, tận cùng thế giới, tè một "phát" mà vẫn chưa ra
khỏi bàn tay của quê nhà, ôi cái
thú ăn, ngủ nơi quê hương, dân lưu vong dễ gì có được!)
Dải đất hình
chữ S xa xa, dọc theo con tầu, lúc ẩn lúc hiện...
Chuyến đó đi
một mình. Bà cụ cố vớt vát được đồng nào hay đồng đó,
ở những phiên chợ Trời mọc lềnh khênh suốt thành phố Cảng. Chúng mới
được di cư từ Hà-nội xuống. Thủ đô lúc này đã được tiếp quản, nhưng
Hải-phòng còn chút ân huệ 300 ngày.
Chả là, ông
anh rể lấy bà chị họ, làm nhân viên Nha Thông Tin, sở làm
ngay kế bên Bờ Hồ; khi xẩy ra vụ di cư, ông nhẩy qua quân đội, lãnh
chức sĩ quan đồng hóa, và lo việc tiếp rước đồng bào tại đầu cầu
Hải-phòng. Bà mẹ và đứa em ở lại đi chuyến chót, cùng ông anh. Cho
thằng em vào trước lo việc học.
Rời con tầu,
mỗi người được phát 300 đồng. Những chuyến trước, tiền di
cư "tính liền", nhưng chuyến đó, chỉ nhận được một mẩu biên nhận, mấy
ngày sau tới Tổng Uỷ Di Cư, ở đường Trần Hưng Đạo đổi lấy tiền mặt. Nếu
không đến nhà bà chị ở khu Vườn Chuối, biết đâu lại có dịp tái ngộ
người bạn Hà-nội, Đỗ Tiến Đức ở Nhà Hát Lớn thành phố, hoặc quen Viên
Linh ở khu lều di cư Phú Thọ, ngay khúc trường đua. Xưa quá rồi Diễm
ơi.
Trường Nguyễn
Trãi khi đó bị xóa sổ. Đây là nói về trường Nguyễn Trãi
di cư, như Chu Văn An di cư, không phải trường Nguyễn Trãi sau này, ở
miệt Khánh Hội. Mò đến Hồ Ngọc Cẩn; thầy giám thị phán, "mê Hà-nội vào
trễ,
học lại lớp cũ." Tiếc một năm đèn sách, đành nhẩy ra trường tư. Ngày
ngày
lãnh trách nhiệm xách một thùng nước cho bà chị có sạp bún chả tại chợ
Vườn
Chuối, rồi băng con hẻm cắt ngang Phan Đình Phùng, Trần Cao Vân, Hồng
Thập
Tự. Trường Văn Lang của thầy Nguyễn Khắc Kham nằm trong một con hẻm ở
đường
Ngô Tùng Châu, kế nhà thờ Huyện Sĩ. Nhà của Huỳnh Phan Anh nằm ngay đầu
con hẻm ăn ra đường Hồng Thập Tự, Khu Chợ Đũi. Nhà "cô bé" cũng kế đó.
Gần
ngã tư Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng. Trường học của cô bé, trường Kiến
Thiết cũng kế đó, cách con hẻm "Huỳnh Phan Anh" vài chục bước chân. Khu
này vốn nổi tiếng vì mấy tiệm sách cũ, Huỳnh Phan Anh và tôi đã từng
lục lọi những số báo nrfẠ, những cuốn tiểu thuyết đen, série noire. Ít
người Sài-gòn
quên được món cơm xá xíu ngay đầu con hẻm Kiến Thiết. Mấy đứa em của
Huỳnh
Phan Anh có đứa học chung với cô bé. Đó là những chuyện sau này.
Tôi ở khu chợ
Vườn Chuối tới năm học Đệ Nhị, rồi qua Thủ Thiêm trọ
học, nhờ bà cô mỗi tháng từ Pháp gửi tiền về, cộng thêm tiền làm nghề
"trợ
giáo". Mãi sau này, khi quen cô bé, tôi mới lại lảng vảng ở khu đầu
đường
Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng. Rồi khi quen Huỳnh Phan Anh, mới trở
lại
con hẻm cũ.
Tôi "biết"
Sài-gòn, phần lớn là qua "ông thầy" Huỳnh Phan Anh. "Thằng
chả" dậy tôi chơi banh bàn, bi da. Quán bi da nổi tiếng mà lâu ngày tôi
quên mất tên, ở khu Ngô Tùng Châu, gần trường Nguyễn Bá Tòng, là nơi
hai đứa nhiều ngày đứng suốt buổi, khi ra khỏi quán hai chân rã rời,
kéo nhau băng qua đường, leo lên gác xép ngủ. Nhà Huỳnh Phan Anh là nơi
lần đầu tiên tôi nhìn thấy cái bàn ăn "dã chiến", khi ăn mở ra, ăn xong
xếp lại. Đứa em trai nói ngọng. Mấy chị em là nguồn kinh tế của hai đứa
chúng tôi. Rồi thằng chả dậy tôi "xóm" nghĩa là gì.
Sau này học
trò vượt ông thầy. Tôi sa xuống mãi đáy Sài-gòn, những
nơi chốn mà bạn tôi đã từng căn dặn chớ mò tới. Cái trò đọc sách trong
một quán chệt, chỉ cần một ly cà phê túi, hoặc ly hồng xà (hồng trà),
rồi
cứ thế ngồi suốt buổi, là cũng do anh truyền cho tôi. Và hai đứa chia
nhau
kinh nghiệm đọc, nhờ nó. Có lần anh kể cho tôi nghe, bữa trước đọc Buồn
Nôn, La Nausée, tới đoạn Roquentin đi trong thành phố Bouville, "một
mình
mà như cả một đoàn quân đang xuống phố"; "đọc tới đây, thú quá tao cũng
bỏ
ra ngoài đường lang thang một hồi...", và có lần cũng cảm thấy, như
Roquentin, "tương lai đang chờ đợi ở một ngã tư đầu đường". Tôi cũng có
những kinh
nghiệm y hệt như vậy.
Qua anh tôi có
được quá nhiều bạn: Dương Văn Ba, Nguyễn Xuân Hoàng,
Nguyễn Đồng, Hoàng Ngọc Biên, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật... Có
thời gian tôi "cộng tác" với báo Điện Tín, là do anh. Thân nhất, có lẽ
là lúc anh đang học Sư Phạm Đà Lạt. Tuần nào tôi cũng nhận được thư.
Anh vốn là một con người rất cứng rắn, "dur", ít khi bộc lộ tình cảm.
Những lá thư là một Huỳnh Phan Anh "đích thực", đối với tôi.
Lần đầu tiên
tôi biết Đà Lạt là lần lên thăm anh. Đúng vào dịp Giáng
Sinh, với một người bạn. Cả ba đi lang thang ngoài đường đến gần sáng,
say, hát, la, rống dọc theo những con dốc. Lần đó, tôi có cảm tưởng
sống
lại Hà-nội, và mơ hồ hiểu được tâm trạng của những người lính lê dương
nhớ nhà, say sưa giữa thành phố, giữa cuộc chiến "không phải của họ".
Với Huỳnh Phan
Anh, tôi chỉ ân hận một điều, anh dậy tôi nhiều quá, còn
tôi, chỉ có một bài học, đúng ra là một kinh nghiệm, mà không làm sao
nói lại cho anh hiểu: tại sao bỏ vào Nam.
Nhưng câu hỏi
đó, cho đến nay tôi cũng vẫn chưa trả lời được, cho chính
tôi.
Cuốn truyện
đầu tay của tôi là cuốn mở đầu nhà xuất bản Đêm Trắng do
anh chủ trương. Thoạt tiên "gạ" ông Nguyễn Đình Vượng, nhưng gặp Trần
Phong Giao cản đường. Của đáng tội, thư ký tòa soạn báo Văn không tin
cuốn
sách sẽ bán được. Tác giả cuốn sách cũng nghĩ vậy. Huỳnh Phan Anh
"xúi",
thì bỏ tiền ra in, tao làm nhà xuất bản. Anh nhờ Nguyễn Đồng làm bìa.
In
2000, đến nhà phát hành Sống Mới, gặp ngay Nguyên Vũ, hình như đang là
tác
giả có sách bán chạy nhất lúc đó. Anh nói vô, ông chủ mua cho 300 cuốn.
Còn
lại bán lai rai, cũng thu đủ vốn. Khi đọc tên tác giả, tác phẩm: đứng
hàng
thứ bẩy, trong danh sách 12 nhà văn phản động đồi truỵ, trên báo Tin
Sáng,
ngay sau khi Việt Cộng vào Sài-gòn, (đây là danh sách đầu tiên, sau
được
bổ sung thêm, thành 19, rồi cả Miền Nam, trừ mấy anh nằm vùng, tất
nhiên),
tôi sợ, (có), hãnh diện, (có), nhưng thật sự ngạc nhiên. Bởi vì tôi
không
thể tin, cuốn sách được mấy ổng chiếu cố kỹ đến như vậy. Tôi không tin
cuốn
sách còn, nếu có chăng, may ra ở trong thư viện.
Đã bao lần tôi
cầu mong nó quên tôi, như tôi quên đã quên nó.
Chú thích: Hình trên,chụp tại một quán
thịt cầy dưới chân cầu Thị
Nghè, nhân chuyến trở lại Sài Gòn tháng Sáu 2001. Phía sau hai bạn
nhậu, là bình rượu thuốc
Minh Mạng "nhất dạ lục giao sinh ngũ
quỉ, hoặc lục tặc"!
NQT
|