*

TẠP GHI



Chữ người tử tù

Nhà văn Isaac Bashevis Singer, khi phải lựa chọn một số truyện ngắn, để làm một tuyển tập, ông nói đùa, mình đúng là một đấng "quân vương", với ba ngàn cung tần mỹ nữ, và hàng lô con cháu. Chẳng muốn bỏ đứa nào!

Ông sinh năm 1904, tại Ba Lan, di cư sang Mỹ năm 1935, và một thời gian làm ký giả cho tờ báo cộng đồng Jewish Daily Forward, tại New York City. Chỉ viết văn bằng tiếng Iddish, và được coi như nhà văn cuối cùng, và có lẽ vĩ đại nhất của "trường" văn chương Iddish. Vĩ đại hơn, ông là nhà văn Iddish đầu tiên, sống nhờ viết văn. Chúng được dịch ra tiếng Anh, rồi ông được trao tặng Nobel (1978). Là một trong số những dịch giả truyện của mình, với ông, tiếng Anh còn là ngôn ngữ mẹ đẻ thứ hai, nhưng ông thú nhận, ông viết bằng tiếng Iddhish, vì đây là "tử ngữ', và truyện của ông là để cho những người đã chết, đọc.

Trong Nhà Văn Hiện Đại, khi Nguyễn Tuân mới xuất hiện, Vũ Ngọc Phan đã tiên đoán, văn tài của ông sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới lớp sau. Có thể mượn nhận định của Sartre, về chủ nghĩa Mác-xít: tùy bút của Nguyễn Tuân quả đã "không thể vượt được", nhất là chất khinh bạc của nó, đã "di truyền" mãi mãi về sau này. Như nhìn ra "phần số khắc nghiệt", để bù lại, trong truyện ngắn, Nguyễn Tuân thường viết về những người đã chết. Ở đó, chất khinh bạc mất hẳn, hoặc được ngôn ngữ kỳ diệu của ông đẩy tới tột cùng, biến thành lòng nhân hậu.

Cảnh Huấn Cao viết bức tranh chữ cuối cùng của đời mình rồi quay sang nói với viên cai ngục, hãy kiếm một nghề khác mà nuôi thân, (con người như ông, những chữ như thế này phải tìm đất khác để mà tụ lại): chẳng đợi người cai tù nói hết câu: xin bái lĩnh, ông đã nhập vào những chữ chưa khô mực. Khó mà thấy cõi lòng nhân hậu đó, của Nguyễn Tuân, ở trong những trang tùy bút tuyệt vời như Chiếc Lư Đồng Mắt Cua, Nguyễn... kể cả sau này, trong những bài ký thời chống Mỹ cứu nước, như thể ông càng đi nhiều, càng gặp người (sống) nhiều, tài hoa, lòng nhân hậu của ông càng hao mòn dần...

Chữ người tử tù: lý tưởng một đời người, ý nghĩa của chữ. Trên đỉnh non Tản: hiện thực huyền ảo. Non Tản: Cái nôi, chốn hành hương, cội rễ nhà trời, nơi trời Việt, đất Việt gặp gỡ...

Cá nhân người viết làm quen với Nguyễn Tuân rất sớm, phải nói là quá sớm. Mới biết đọc, biết viết, "thằng bé" đã nghe đọc văn ông, ở những bậc cha chú trong gia đình. Người bác trong lúc tâm đắc với một người bạn về những viên ngọc vương vãi, trên con đường từ giếng trời trở về trần, vô tình để mãi những viên ngọc trong trí tưởng của đứa cháu. Thế đấy, cậu bé đã dùng những viên ngọc như vậy để đánh dấu những trang sách hồng, Ông Đồ Bể, Cái Ấm Đất, của Khái Hưng. Đánh dấu những trang sách của một chuyện tình (chúng làm cho những lần chia ly bớt thê thảm đi một chút); của cuộc chiến: như những viên đất ném theo, ném theo mãi, xuống lòng huyệt...

Nhận xét của họ Vũ về thể văn tuỳ bút, ở Nguyễn Tuân, không ngờ đầy chất tiên tri. Những bài viết của ông sau này, là ký, không còn là tuỳ bút.

Với tuỳ bút, cái "tôi" rất quan trọng. Cá nhân người viết, khi đọc "Những essays hay nhất trong năm của Mỹ", The Best American Essays, thấy chúng rất giống thể văn tuỳ bút, ở tính tự thuật, ở chất hồi tưởng, và nhất là ở tấm lòng của người viết, khi chuyện trò với những hồn ma. Tuyển tập Những bài essay hay nhất (hàng năm) của Mỹ, có một đặc biệt: mười hai năm hiện diện cho tới nay, mỗi năm mời một tác giả làm "guest editor", thường là những khuôn mặt "đang lên": Joyce Carol Oates (1991), Susan Sontag... Gần đây nhất là Jamica Kincaid (1995), Geoffrey C. Ward (1996).

Tuyển tập 1997, với Ian Frazier lo việc in ấn và viết lời giới thiệu, có bài viết của Lê Thị Diễm Thúy, The Gangster We Are All Looking For. Qua phần ghi chú tiểu sử, chúng ta được biết, bà là một nhà văn, và nghệ sĩ trình diễn đơn (solo performance artist). Sinh tại Việt Nam, lớn lên tại miền Nam California, hiện cư trú tại phía tây Massachusetts. Đã từng đoạt giải thưởng 1997 Bridge Residency của Headlands Center for the Arts. Văn xuôi và thơ của bà đã xuất hiện trên The Massachusetts Review, Harper's Magazine, và Muae. Tác phẩm trình diễn: "Red Fiery Summer" và "the bodies between us". Hiện đang viết cuốn sách với nhan đề nêu trên, sẽ do Knopf xb.

Đọc Gã Găng-tơ Tất Cả Chúng Ta Tìm, chúng ta sẽ thấy hậu quả của cuộc chiến đè nặng lên những nhân vật trong truyện, và thật khó mà nghĩ rằng, nó đã chấm dứt, không phải với chúng ta, mà với những thế hệ tiếp theo. Câu chuyện bắt đầu bằng một tấm hình đen trắng: Việt Nam là một tấm hình đen trắng, chụp ông bà tôi ngồi trên những chiếc ghế tre... Khi nhìn bức hình ông bà tôi, ở những năm cuối đời của họ, tôi cứ muờng tượng ra một sự khởi đầu. Khởi đầu cho cái gì, và ở đâu, tôi không biết, nhưng luôn luôn là một sự khởi đầu... Ký ức của bà mẹ truyền lại cho người con (nhân vật xưng tôi): Mẹ tôi có nghe một câu chuyện về một cô gái bị chết vì bom na-pan, khi xuống bãi dúng chân vào nước cho mát. Người ta kiếm thấy cô nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Chất lân tinh của trái bom trùm lên thân thể cô, khiến nó lập lòe như một ngọn đèn...

Trên nói tiên tri, đối với cả thể văn tùy bút, lẫn con người Nguyễn Tuân. Một cách nào đó, khi ông phải "từ chối" tác phẩm (Những tác phẩm viết trước cách mạng như Tàn Đèn Dầu lạc, Chiếc Lư Đồng Mắt Cua, hoặc sau đó, như Phở chẳng hạn), tôi nghĩ, có thể ông tin rằng, tuy ông bị ở lại, nhưng thể văn tuỳ bút, và con người Nguyễn Tuân ở trong đó, đã "vượt thoát". Đã sống sót, ở một số nhà văn sau ông. Thí dụ như Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo... Có điều, cả Nguyễn Tuân lẫn Vũ Ngọc Phan không thể ngờ, thể văn tuỳ bút lại trở thành một địch thủ lợi hại của thơ ca và giả tưởng, như trong bài Tựa của Robert Atwan, cho Tuyển tập 1997 kể trên: "Sự thay đổi của thể essay ngày hôm nay làm cho thi ca và giả tưởng trở thành tù đọng: essay là một dạng văn chương năng động nhất hiện nay của chúng ta. Nào là essays kể (narrative), như của Lê Thị Diễm Thuý, rất gần gụi với thể truyện ngắn. Essays khảm (mosaic) giống như thơ xuôi. Rồi phê bình văn chương mang dạng tự thuật. Thể văn báo chí mang giọng bi kịch, cộng thêm ẩn dụ, suy tưởng, với một liều lượng rất nặng tay, những thông tin. Một vài nhà essayists viết tranh luận (polemic) "cứ như thơ"!

Trong bài Giới thiệu, Ian Frazier lại coi essay là một hành động (Thì "đi" không phải là một hành động hay sao?, tôi như nghe Nguyễn Tuân, Vũ khắc Khoan, tuyết ngưu "gầm gừ" từ phía bên kia đời sống vang vọng qua). Ông định nghĩa thêm: Một bài essay là một người đang nói. Câu này thật đúng với tuỳ bút Nguyễn Tuân. Đây là sự khác biệt giữa hai Nguyễn Tuân, giữa tùy bút và ký. Có thể nói khinh bạc là tuỳ bút Nguyễn Tuân. Với ký, con người biến mất, chỉ còn "chúng ta", một khối vô danh đáng ghét, đáng sợ.

Có thể có người "bắt bẻ"; trong truyện ngắn, trong tiểu thuyết, luôn luôn vẫn thấy, vẫn nghe người nói; nhưng người ở đây chỉ là giả tưởng, cái tôi trong tiểu thuyết, truyện ngắn là một tôi đeo mặt nạ. Khác hẳn cái tôi "bắt buộc", như chất khinh bạc, ở trong tuỳ bút Nguyễn Tuân. Khi nào quá chán cái tôi khinh bạc, ông viết về những người đã chết...

NQT