*

TẠP GHI


Tây-phương vẫy gọi...


Andrei Makine sinh tại Novgorod, năm 1957, tiến sĩ văn chương đại học Moscow, giáo sư Học viện sư phạm Novgorod trước khi qua Pháp dạy tiếng Nga.

Cuốn Sông Tình Một Thuở (Au temps du fleuve Amour, nhà xb Félin, 1994) của ông mở ra bằng những dòng:

Cái đẹp không phải là mối bận tâm tại xứ sở mà chúng tôi sinh ra. Chúng tôi có thể qua đi hết cuộc đời mà chẳng cần hiểu, người ta đẹp hay xấu; chẳng để tâm đến những góc cạnh của bộ mặt; chẳng tìm tòi sự bí mật gợi cảm, gợi dục của thân thể con người. Trong cái cõi khô cằn khắc nghiệt này, tình yêu thật khó bắt rễ. Nếu có chăng, là thứ tình yêu - tội lỗi. Nó lấp ló đâu đó, cùng với những ngày đông tàn nhẫn, giữa đám đàn bà túm lấy nhau ở giữa làng, để trao đổi tin động trời. Họ chỉ thì thào, nhưng mớ khăn dầy làm cho họ phải la lên. Những cái tai nhỏ dại của chúng tôi lại cứ phải nghe rõ mồn một. Lần này là bà hiệu trưởng, trên chiếc xe hàng, đậu ngay tại Ngã Ba Quỉ, nơi năm nào cũng có ít nhất một vụ lật xe. Ôi chao, bà hiệu trưởng khô đét như con mắm, không thể đoán được tuổi, làm sao tưởng tượng được cái cảnh một thân hình như thế, nằm trong tay gã tài sặc mùi xăng, mùi thuốc lá! Mà lại ở ngay cái ngã ba quỉ sứ đó! Đã bảo rồi, cái làng này, ngay từ hồi được sinh ra, đâu phải nơi trú ẩn của tình yêu. Đám cô-zắc của Nga hoàng đã dựng nó lên, cách đây ba thế kỷ, rồi quên luôn. Dúm đàn ông trong làng bị khu rừng taiga bạt ngàn nuốt hết sức lực. Trong giấc mơ mệt nhoài, họ vẫn còn bị săn đuổi bởi tiếng sói hú ghê rợn. Cái lạnh Nga lại là một chuyện khác nữa. Nó như chẳng hề biết giới hạn là gì. Mỗi lần lỡ khép mắt lại một lát, là mớ lông mi không chịu mở ra nữa. Râu dựng lên như những ngọn mác. Đàn bà hả? Lẽ dĩ nhiên họ cũng yêu chứ. Cặp mắt đầy nét nhăn, mặt lầm lì vẫn thấp thoáng bóng mờ của một nụ cười thần bí; đám Cô-zắc yêu họ trong bóng tối của căn lều ám khói, bên mấy cục than hồng hồng, trên những tấm da gấu. Nhưng kỳ cục làm sao, là thân thể những người tình lặng lẽ đó. Những làn da tẩm mỡ nai trơn tuột, muốn giữ họ là phải dùng những sợi roi ngựa cuốn chặt vào cổ tay. Ngực họ hả? Thì cứ bằng bằng, tròn tròn như mấy vòm cung nhà thờ Kiev. Háng cứng ngắc, và lúc nào cũng chực nổi loạn. Nhưng khi đã chịu phép, đôi mắt long lanh như nét gươm dao, cặp môi cuộn tròn như sẵn sàng cắn. Và làn da của họ được hun lên bởi ánh lửa, và cái lạnh, mỗi lúc một thêm dữ dằn, mời gọi. Cơn say này không dễ tàn đâu... Anh chàng Cô-zắc lại xoắn thêm mấy vòng roi ngựa vào cổ tay, và con mắt hi hí của người đàn bà lại lóe lên một ánh cười ranh mãnh...

Đột nhiên tất cả đều đảo lộn. Tây-phương ra dấu... Thoạt tiên là con tầu xuyên - Tây Bá lợi Á. Con tầu huyền bí. Rồi một phim Pháp, viễn ảnh về một cõi đời rực rỡ...

Nhưng tại sao lại là (tài tử Pháp) Belmondo?

Với cái mũi dèn dẹt, anh ta giống chúng tôi. Cuộc sống của chúng tôi - taiga, vodka, những trại - là từ những hình vóc đó. Những khuôn mặt của một vẻ đẹp man rợ hằn lên những đường nét khắc khổ. Tại sao anh ta?

Bởi vì anh ta chờ đợi chúng tôi. Anh ta không bỏ rơi chúng tôi ở bậc thềm một lâu đài tráng lệ, và những lần tới lui, giữa những giấc mơ và cuộc sống thường ngày của anh, anh ta luôn luôn ở bên cạnh chúng tôi. Người ta theo anh vào tới cái điều không thể tưởng tượng ra nổi.

Chúng tôi còn yêu anh, bởi cái điều vô ích, của những thành quả, những chiến công. Bởi sự phi lý của những chiến thắng, chinh phục. Thế giới mà chúng tôi sống dựa trên tương lai rạng rỡ của một ngày mai ca hát. Đó là luận lý của chúng tôi. Những buổi gắn mề đay nơi điện Cẩm Linh là một biểu tượng cao cả. Ngay cả trại (tù) cũng có chỗ đứng ở trong cái trật tự hài hòa đó.

Rồi Belmondo tới cùng với những thành quả chẳng để làm gì, những trình diễn chẳng cần mục đích, chủ nghĩa anh hùng rẻ tiền, miễn phí (gratuit). Chúng tôi khám phá ra rằng, sự hiện hữu xác thịt của con người tự nó là một cái đẹp. Chẳng cần bất cứ một ngụy tư tưởng mang tính ý thức hệ, hoặc vì tương lai. Kể từ ngày đó, chúng tôi biết, về cái tự tại, tự thân tuyệt vời có tên là Tây-phương.

Lại còn cuộc gặp gỡ tại phi trường. Người nữ điệp viên chờ đón vị anh hùng của chúng tôi phải có một vật gì đó để họ nhận ra nhau. Dữ thần chưa, đó là một... karavai, một mẩu bánh mì đen, được gọi bằng cái tên chính hiệu Nga của nó, trong một phim Pháp! Một tiếng rú vang lên, và cùng với nó là lòng tự hào Nga chạy dài theo suốt những hàng ghế trong rạp Tháng Mười Đỏ... Khi trở lại Svetlaia, chúng tôi chỉ nói về chuyện đó: vậy là, ở nơi chốn Tây-phương xa vời kia, họ cũng biết một tí, rằng chúng tôi hiện hữu!

 

Hoàng Xuân Trường, trong bài viết trên Thế Kỷ 21, số tháng Tám, 1997, kể về một trong những lý do vượt biên của ông. Có cả ngàn lý do, nhưng thiếu kiếm hiệp cũng là một. Ông cho rằng, xã hội cộng sản cấm kiếm hiệp chẳng phải vì nó viễn mơ, không có tính đảng, tính giai cấp, tính hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà vì những nhân vật của Kim Dung như Hồng Giáo Chủ, Tinh Tú Lão Quái, Đông Phương Bất Bại... đã gợi đến những lãnh tụ muôn vàn kính yêu của họ.

 

Kinh nghiệm vượt biên của ông làm tôi nhớ đến của tôi, khi rời bỏ Hà-nội. Năm 1954, dân Hà-nội chỉ đâu một hai tuần là quá ớn phim ảnh xã hội chủ nghĩa. Trong tình trạng còn xập xí xập ngầu đó, cũng có thể do chủ trương của nhà nước, (thời gian 300 ngày tự do của Hải-phòng), một ông chủ rạp đã cho chiếu lại một phim cũ, thuộc loại vô thưởng vô phạt. Tôi còn nhớ, đó là một phim của Ý, về một vị nữ y tá, hình như còn là nữ tu, muốn rời bỏ tu viện, và bệnh viện, để đi theo bồ. Đúng lúc bà rời bỏ, thì những đoàn xe đưa binh sĩ bị thương tới bệnh viện. Và bà đã quyết định ở lại. Bữa đó, cả Hà-nội sắp hàng vô coi phim! Còn thằng bé thì sau đó, tìm đủ mọi cách xuống Hải-phòng, trước còn xem phim, rồi về, sau đi luôn!

 

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Andrei Makine, Tội Ác của Olga Arbélina, (nhà xb Mercure de France, 290 trang), là một cuộc truy tìm thời gian đã mất, về một tội ác còn hơn cả sát nhân. Tên nhân vật, tên trên bia mộ, là của một công chúa, một nữ tội phạm, chết vào những năm 1960. Và còn là một kẻ sống sót sau cách mạng, trốn được sang Paris cùng với đứa con, sống giữa một cộng đồng Nga, già nua, buồn tẻ như một buổi sáng tuyết. Bị ám ảnh bởi chính cuộc đời không làm sao cứu chuộc, bà trở nên điên khùng, xa lạ cả với con, với mình... Tội Ác của Olga mở đầu bằng tiếng thét muôn đời mà những trang sách còn lại cứ mỗi lúc một khuếch đại thêm lên mãi: Mi đã làm chi đời ta! Mi đã làm chi đời ta?

NQT