*

TẠP GHI



Ông là Đồ Phổ Nghĩa, tôi đoán vậy...

Đầu tháng Tám, 1890, con tầu Vua Người Bỉ bắt đầu chuyến ngược dòng Congo. Thuyền trưởng, Konrad Korzeniowski, gốc Ba-lan, mới tới Congo, một thuộc địa mà Leopold II, vua nước Bỉ vừa chiếm đoạt được, cho riêng mình, ngay tại giữa Phi-châu. Muốn tìm hiểu con sông, trong nhật ký của thuyền trưởng, là chi tiết tỉ mỉ chuyến đi, cả những gì không liên quan đến ngành hàng hải. Một tháng sau, khi chuyến đi chấm dứt, Conrad, bị sốt rét, thổ tả, và với một cõi lòng tan nát khi tận mắt chứng kiến sự tàn bạo của đám da trắng chung quanh, ông bỏ việc, trở lại Âu-châu.
Tới Phi châu, mục đích chính là để tìm kiếm một thế giới xa lạ (exotic), của những giấc mơ ấu thời; ông trở về với một giấc mơ mới: viết Giữa Lòng Đen, Heart of Darkness, điều được ông mô tả: cuộc tranh giành của cải xấu xa, ghê tởm nhất, làm méo xệch lịch sử lương tâm nhân loại (that ever disfigured the history of human conscience).
Giới nhà văn, học giả thường đọc Giữa Lòng Đen bằng những từ của Freud, Nietzsche. Cuốn tiểu thuyết còn nhắc nhở, về sự thơ ngây vô tội, thời Victoria, và tội tổ tông; hay chế độ gia trưởng tàn bạo và thời kỳ tôn giáo thần bí Gnosticism, chủ nghĩa hậu-hiện đại, hậu-thực dân, hậu-cơ cấu. Với trăm ngàn nghiên cứu, luận chứng cao học, tiến sĩ này nọ, người ta thật dễ dàng quên đi, rằng cuốn tiểu thuyết đã mang trong nó một cái gì thuộc về phóng sự, nói rõ hơn, đây là một giả tưởng dựa trên người thực, việc thực.
Trong cuốn tiểu thuyết, Marlow, người kể chuyện, một hóa thân (alter ego) của Conrad, được một công ty săn ngà voi mướn đi theo một con tầu, ngược dòng sông nhiệt đới, để gặp Mr. Kurtz, tay mại bản đầy tham vọng, và thật thông minh, sáng giá, đại diện công ty. Dọc đường, Marlow nghe xì xào, Kurtz đã thu gom được một mớ ngà voi kếch xù, và đã phạm vào một chuyện dã man không được xác định rõ (unspecified). Thoát chết sau một cuộc tấn công của thổ dân, đoàn của Marlow lấy được một chuyến hàng, luôn cả Kurtz, đang ngắc ngoải vì bịnh. Anh ta nói về những kế hoạch đồ sộ của mình, chết khi con tầu xuôi hạ lưu, nhưng sống mãi, trong cuốn tiểu thuyết của Conrad: một gã da trắng cô độc, lân la mãi tít thượng nguồn con sông lớn, với những giấc mơ hoành tráng, kho ngà voi, và một đế quốc phong kiến vượt lên trên những khu rừng rậm Phi-châu.
Độc giả khó thể quên, cảnh tượng Marlow, trên boong tầu, chiếu ống nhòm, tới những vật mà ông miêu tả là những đồ trang điểm, ở trên ngọn những con sào, gần nhà Kurtz, và rồi ông nhận ra, mỗi món đồ trang trí đó là một cái đầu lâu - đen, khô, mi mắt xụp xuống, cái đầu lâu như đang ngủ trên ngọn con sào. Những người chưa từng đọc cuốn truyện, cũng có thể nhìn thấy cảnh này, bởi vì nhà đạo diễn Francis Coppola đã mượn nó, khi chuyển Heart of Darkness vào trong phim Tận Thế Là Đây, Apocalypse Now. Những hình ảnh như thế đã khắc họa Kurtz, như một hình vóc văn hóa: thực dân, chinh phục. Mới đây thôi, trên trang nhất tờ Times đã mô tả một viên chỉ huy dã man, của lực lượng đánh thuê người Serbia, ở Zaire, như là một bạo chúa, ấn bản hiện đại của Kurtz trong Giữa Lòng Đen. Một Kurtz thời hiện đại khác, có tên là Đại tá Yugo, ngự trị bằng khủng bố tại thành phố Kisangani, với hàng loạt vụ sát nhân, xử tử, với những trò tra tấn thường nhân bằng roi điện, để mặc tù nhân chết đói. Kisangani, có tên là Stanley Falls, khi con tầu của Conrad tới nơi này, vào năm 1890, và được ông đặt tên là Trạm Nội, Inner Station, trong Heart of Darkness. Đây cũng chính là chỗ ngày trước Kurtz vung vãi những trò chơi khủng bố, giết thổ dân.

Chẳng nghi ngờ chi, Conrad còn lấy Kurtz ra, từ trong sâu thẳm con người của ông. Và đây là điều người đọc miễn cưỡng thông cảm khi tưởng tượng ra một người da trắng, tham vọng vô bờ, và viễn ảnh về chính mình, một đấng giáo chủ của văn minh, giữa những giống dân man rợ. Nhưng Conrad còn tạo nên nhân vật của ông, trong sáu tháng ở Congo, từ những người ông đã gặp, hoặc đã nghe nói về họ, lúc này lúc nọ, và sau đó.

Một trong những nguyên mẫu mà sau này nhiều người viết tiểu sử, cũng như giới phê bình, chỉ ra, đó là Georges Antoine Klein, một Đồ Phổ Nghĩa ở Phi châu (Jean Dupuis, tên Việt là Đồ Phổ Nghĩa, đã từng ngược sông Hồng, kiếm đường thông thương với Trung-hoa, thời Francis Garnier đánh chiếm Bắc-kỳ); ông Tây này, đại diện cho một công ty thu gom ngà voi ở Stanley Falls, bến tới của Conrad. Con tầu Roi des Belges đã nhặt Klein, khi ông ta bịnh, và sau đó, chết trên tầu, trong chuyến về. Ngoại trừ những chi tiết đó, và sự tương tự giữa hai tên (Kurtz/ Klein), Conrad không lấy ra được nhiều, từ nhân vật này. Có người lại cho thấy, nguyên mẫu của tác giả là một mại bản tên là Arthur Hodister, một người Bỉ nổi danh vì tài thu gom ngà voi. Vào năm 1892, hai năm sau khi Conrad rời Congo, tay này bị đối phương cùng nghề tóm được và chặt đầu. Về những cái đầu lâu đang ngủ trên ngọn sào, nhà phê bình Norman Sherry viết, chúng có lẽ là chuyển thể của số mệnh Hodister. Nhưng có đúng là chuyển thể, nói rõ hơn, Conrad đã hư cấu Kurtz, bằng tưởng tượng nhiều hơn là từ thực tế? Những nhà phê bình như Sherry đã cố tình lờ đi, vô số những nguyên mẫu khác: những người da trắng chuyên thu gom đầu lâu da đen.
Người đầu tiên, trong số họ, là Guillaume Van Kerckhoven, một tay phiêu lưu, vốn là sĩ quan Lực Lượng Công Cộng, Force Publique, một lực lượng da đen, do da trắng chỉ huy. Vào lúc Conrad viếng Congo, lực lượng này đang bận rộn với công việc khai hóa, giữa những sắc dân nổi loạn suốt vùng đất thuộc địa bao la của vua Bỉ, Leopold II. Van Kerckhoven nổi tiếng thu gom, vừa ngà voi vừa nô lệ da đen. Một trong những chuyến đi khai hóa của anh ta, đã được một vị toàn quyền mô tả: một trận bão quét qua trọn xứ sở, không để lại bất cứ một cái gì sau nó, nếu có chăng, chỉ là điêu tàn. Van Kerckhoven còn có thói quen, thưởng lính thổ dân dưói quyền, về mỗi cái đầu mang về, sau mỗi chuyến hành quân.
Ghi chú, tài liệu những ngày Conrad ở Congo không nhiều, chúng ta không biết tác giả có gặp nhân vật kể trên không, nhưng một tay du lịch đã nghe câu chuyện Van Kerckhoven chuyên thu gom đầu người, đó là Roger Casement, một trong những bạn tốt ở Phi châu của tác giả. Casement sau nổi tiếng vì tranh đấu cho nhân quyền, và là một nhà ái quốc Ái nhĩ lan; một trong số hiếm hoi, đen hay trắng, tác giả gặp ở Phi châu: một người suy nghĩ, giỏi ăn nói, rất thông minh, và rất có cảm tình, Conrad viết trong nhật ký về bạn. (Roger Casement 1864-1916, có thời kỳ làm cho Sở Hỏa Xa Congo. Ông sau bị người Anh treo cổ, vì hoạt động nhân quyền). Vài năm sau, cả hai chạy lại, ôm lấy nhau, trong một tiệm ăn Luân-đôn, rồi sau đó, kéo tới câu lạc bộ thể thao, Sports Club, nói chuyện cho tới 3 giờ sáng. Đó là trước khi Conrad viết Giữa Lòng Đen. Casement có tài ăn nói thật khác thường, và cái kho chuyện của ông chắc chắn đã ảnh hưởng Conrad, về viễn ảnh của một đại lục. "Anh ta có thể kể cho bạn những điều." Conrad viết thư cho một người bạn, về Casement. "Những điều mà bạn cố quên đi."

Khi bắt đầu viết Giữa Lòng Đen, chắc chắn trong đầu tác giả còn có một nguyên mẫu thứ nhì, chuyên thu gom đầu da đen Phi châu: Léon Rom, cũng sĩ quan Force Publique. Còn là một chuyên viên thu gom mề đay, do những thành tích chiến đấu, và có tên trong văn chương Bỉ, về thời đại anh hùng khai hóa. Năm 1895, một nhà thám hiểm người Anh, còn là một ký giả, ghé qua Stanley Falls, nơi Rom chỉ huy. Viên ký giả sau ghi lại, trên báo Thế Kỷ, Century, về một chuyến hành quân của Rom, tiễu trừ thổ dân nổi loạn chống chế độ thực dân, khai hóa: Đàn bà trẻ con đều bị tóm hết, hai muơi mốt đầu lâu được đem tới thác, và được Đại úy Rom dùng làm đồ trang trí quanh thảm hoa, trước nhà ông. Nhà văn Jules Marchal, người Bỉ, những cuốn sách của ông được dùng làm tài liệu sử về thời kỳ này, đã khui ra một chi tiết khác: tại thác Stanley Falls, Rom cho dựng một giá treo cổ, thường trực, ngay trước bộ chỉ huy của ông. Có thể Conrad bỏ qua tờ Century, nhưng ông là độc giả trung thành của Điểm báo thứ Bẩy, Saturday Review, London. Tờ này cũng nói tới Đại úy Rom và 21 đầu lâu ông thu gom, trong số báo Tháng Chạp 17, 1898. Có thể nguyên mẫu, và tiểu thuyết gia đã từng gặp nhau, tại Congo, vào ngày 2, tháng Tám, 1890, khi Conrad đi cùng một người da trắng khác, với một đoàn thổ dân khiêng đồ đạc, sau chuyến đi dài từ bờ biển tới điểm xuất phát chuyến vượt sông Congo. Trước khi tới làng Kinshasa ở ven sông, nơi con tầu Vua Người Bỉ đợi ông, Conrad đi qua đồn ven biên Leopoldville. Ở cả hai nơi lúc đó chỉ có chừng hai chục người da trắng, vài căn nhà rải rác. Những năm sau đó, hai đồn này bành trướng mãi ra rồi nhập vào nhau, và là thành phố Leopoldville dưới thời người Bỉ, và bây giờ là Kinshasa. Vào cái ngày mà Conrad đi qua Leopoldville, viên sếp đồn là Đại úy Léon Rom. Conrad nói tiếng Pháp gần như hoàn hảo, cả hai như vậy có chung một ngôn ngữ. Khi đọc Century, hay Saturday Review, có thể ông đã tưởng tượng ra được viên sĩ quan trẻ mà ông đã từng gặp.

Có rất nhiều tương tự đáng nói, giữa Rom và Kurtz. Nhưng Rom và Van Kerckhoven không chỉ là hai nguyên mẫu. Nhiều người khác nữa, cũng có cùng đam mê thu gom đầu lâu da đen. Những nhà phê bình đã cố tình quên chính tác giả Conrad, khi ông ngắm nghía đứa con tinh thần của mình, ngay trong Ghi chú của Tác giả, lần xuất bản 1917:... Heart of Darkness chỉ cố nhón lên cao hơn chút xíu, những sự kiện thực, chỉ một chút xíu thôi. (Heart of Darkness is experience pushed a little - and only very little - beyond the actual facts of the case).

Những người Âu châu, và người Mỹ thường ngần ngại, khi nhìn cuộc chinh phục Phi-châu, cũng một trò diệt chủng y hệt như Hitler, hay Stalin. Vì lý do đó, chúng ta đành phải chấp nhận, và "cảm thấy thoải mái", khi nghĩ rằng, chuyện thu gom đầu lâu chỉ là một chuyển thể ghê rợn, một giả tưởng do trí tưởng tượng của Conrad thêu dệt ra. Trong những chuyển thể như thế, có phim của Manuel Aragon, người Tây-ban-nha, được chuyển thể tại Tây-ban-nha sau cuộc nội chiến. Coppola lại chuyển câu chuyện tới Việt Nam. Chỉ có lần thứ ba, câu chuyện được đặt để tại Phi-châu, vào năm 1994, nhưng lại là phim cho cable TV.

Hãy thử tưởng tượng Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovich, của Solzhenitsyn, được quay tại Liên-bang Xô-viết. Hay Đêm của Elie Wiesel, quay ngay tại Lò Thiêu Auschwitz.

Nguyễn Quốc Trụ