Author_image
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

TẠP GHI


Tưởng niệm họa sĩ Ngọc Dũng

We have time to grow old.

The air is full of our cries.

Samuel Beckett, Waiting for Godot

(Tạm dịch:

Thời gian, đủ để già

Trời kia, đầy tiếng khóc)

cuchat

Tôi vừa được tin Ngọc Dũng mất. Và cả một thời niên thiếu của tôi, của "chúng tôi", có bóng dáng của ông ở trong, bừng sống lại. Tôi viết ra ở đây, như những lời chúc tốt lành nhất mong ông mang theo…

Chúng tôi ở đây, gồm 7 đứa: Chất, Quốc, Sủng, Luận, Cẩn, Tín, và tôi. "Thất hiền", ấy là chúng tôi tự phong cho nhau.

Chất, là Phạm Dzư Chất, em ruột nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Ông họ Dzư, ông em Phạm, lấy theo họ người cha dượng, chắc là do những năm loạn lạc ở ngoài Bắc nên mất hết giấy tờ, khi vào Nam phải làm thế vì khai sinh. Trần Công Quốc sau làm dân biểu, nghe nói mất tích khi vượt biển. Phạm Năng Cẩn hiện còn ở Việt Nam, cũng khá giả. Nghe nói, anh đang có dự tính làm một vòng du lịch, trước là thăm thế giới, nhân đó, bè bạn.

Trong thất hiền, tôi thân nhất với Cẩn. Cùng mồ côi (Cẩn hình như còn bà mẹ anh để lại ở xứ Bắc, khi trốn vào Nam, ngay những ngày 1954, do quá mê phiêu lưu). Cùng nghèo khổ, cùng đam mê văn nghệ, và những đam mê "khác" nữa. Anh sống nhờ một người anh ruột, đã có gia đình. Người tình đầu của anh, là một cô bạn học. Cô này, một lần, trong giờ ra chơi, đã lén bỏ tiền vào trong một cuốn tập của anh, vì trước đó, anh bị kêu lên văn phòng giám thị, do chưa đóng học phí. Anh bỏ học, đi làm trước tôi. Chỗ làm đầu tiên của anh, thư ký ga Long Khánh, là do bà cụ Chất gửi gấm bà Kh, bạn của cụ, có chồng làm sở Hỏa Xa. Thời gian tốt nghiệp trường Bưu Điện, trong khi chờ bổ nhiệm, đói quá, và buồn quá, tôi mò lên ga Long Khánh ăn bám anh đâu cả tháng trời. Một chiều cuối tuần, thất hiền mò lên theo, được Cẩn dẫn vô rừng, tới một trạm nghỉ đêm của tài xế xe be chở gỗ từ rừng ra. Bạn không thể tưởng tượng được, giữa rừng rậm bạt ngàn, mọc lên một khu sầm uất, nhộn nhịp, với những hàng ăn, những quán bia, những quán trọ, và tất nhiên, những cô gái. Thú nhất, mà cũng rờn rợn nhất, là trên đường tới… thiên đường. Xe lam chạy giữa rừng sâu, tối đen, ánh đèn loang loáng quét lên những rặng cây hai bên đường… "Ngưng lại!", tiếng người thét, tiếp theo tiếng còi lanh lảnh… Đội tuần tiễu. Không nhìn thấy mặt ai, chỉ thấy ánh đèn pin soi trên giấy tờ tùy thân… Tới tôi, ánh đèn pin làm loé mắt, "A!, mày đó hả?"… tiếp theo là tiếng ra lệnh, "Thôi cho đi!" Tôi chẳng bao giờ biết được, người trưởng toán tuần tiễu là ai, quen hồi nào… Đó là những năm Miền Nam còn tương đối thanh bình.

Với Cẩn, tôi có quá nhiều kỷ niệm. Anh và cùng với anh, Hà Nội, là một "nửa trái tim" của tôi, những ngày viết Những Ngày Ở Sài Gòn. Khi anh còn ăn bám ông anh, nếu không qua Chất, là tôi tới anh, một căn nhà ở trong một con hẻm đường Trương Minh Giảng. Tôi nghĩ, những người dân Sài Gòn khó mà có thể quên được những con hẻm lầy lội những ngày người Mỹ chưa đổ xô vào đất nước, thành phố này. Chúng ngày một bớt lầy lội, trở thành những con hẻm tráng xi măng… theo cùng với đà chết chóc, nỗi đau thương của người dân trong hẻm….

Thời gian này, tôi cũng chẳng hơn gì anh, sống nhờ một người bà con trong họ; những giờ phút ở bên nhà Chất, hoặc qua anh, là để trốn chạy cái không khí ăn nhờ ở đậu. Cẩn có một chiếc máy thu thanh nho nhỏ, và nó là một trong những tặng phẩm của trần gian, một kỳ quan tuyệt vời của hai đứa chúng tôi. Nhờ nó, tôi đã được biết thế giới âm nhạc. Những bản nhạc nghe lần đầu tiên trong đời: Tabou, La Chanson d’Orphée, Il pleut sur la route…


Tôi biết thất hiền là qua Chất, khi cùng học lớp Đệ Nhất trường Chu Văn An. Đám chúng tôi, đậu Tú Tài Một, trường tư chưa có lớp Đệ Nhất, nên được vào Chu Văn An. Vì đám chúng tôi, nhà trường phải mở thêm "xóm nhà lá", ngay kế bên trường Pétrus Ký. Danh từ "xóm nhà lá" tôi đã quên, mới đây, gặp Nguyễn Ngọc Giao, (Diễn Đàn Forum), anh nhắc lại, tôi mới nhớ. Anh cùng học promotion với tôi, nhưng thuộc thứ "chính qui", lại học giỏi, sau đó được đi du học. Thời kỳ đó, học sinh nào đậu Tú Tài loại Ưu, Bình… là được đi du học. Thời gian học trung học, không hiểu sao, tôi không hề có ý định mong đậu cao, mà chỉ cần đậu. Đây có lẽ là do quá tự hào về những môn chính như toán lý hóa, cho nên không thèm học môn phụ như sử, địa, vạn vật…

Trong nhóm Sáng Tạo, đám chúng tôi thân nhất với Ngọc Dũng, vì anh rất xuề xòa, và vì anh là họa sĩ, thứ "sĩ" chúng tôi rất cần, để năn nỉ anh họa chân dung những người tình tưởng tượng của chúng tôi.

Những người tình tưởng tượng, tuy có thật. Để tôi nhớ lại…

Cô thứ nhất, là dân Hà Nội. Chắc là do tôi quá nhớ thành phố, những ngày đầu vô Nam.

Cô là con một người bạn của cô Dung, người nuôi tôi ăn học ở Hà Nội. Cô mê chơi môn mà chược, và thường tới nhà bà bạn cũng ở trên đường bên hồ Halais. Một lần tôi tới đó, hình như là để lấy tiền đi mua bánh mì cho ông Tây, chồng bà cô. Tôi nhìn thấy cô con gái, thế là hình ảnh của cô theo tôi vào mãi tận Sài Gòn, mỗi lần nhớ Hà Nội.

Rồi tôi lại thấy hình bóng của cô, không phải trong trí tưởng tượng, mà là ở ngoài đời, thời gian học trường Thành Công của thầy Chu Tử, ở khu Hoà Hưng. Cô học lớp bên dưới, lớp của tôi ở tầng lầu bên trên. Tôi mò ra đúng chỗ cô ngồi, để lá thư vào ngăn bàn của cô. Ngày hôm sau, tôi nhận được thư trả lời, vẻn vẹn có một dòng: thôi lo học đi, cha nội!

Tôi vẫn có cảm tưởng mơ hồ, Hà Nội như ‘bực mình’ với tôi, một đứa con ngỗ nghịch, bỏ đi hoang…

Rồi tôi cũng gặp được một cô gái Hà Nội, mà chúng tôi tưởng là tìm được nhau, tìm được thành phố. Đó là một "nửa trái tim" còn lại của tôi, ở trong tập truyện đầu tay, Những Ngày Ở Sài Gòn.

Đấy là "nói về" văn chương!

Về hội họa: họa sĩ Ngọc Dũng đã thương tình, ghi một vài phác họa, hình ảnh một cô bé với chiếc răng khểnh….

Bao nhiêu năm rồi, không hiểu cô còn giữ giùm chiếc răng khểnh, cho… tôi?

Và luôn cả, cho Hà Nội?


Nhà cụ Chất khi đó, và bây giờ, vẫn nằm trong con hẻm Đỗ Thành Nhân, ngay sau Tòa Thị Chính Gia Định. Căn nhà là của bà Kh, bà cụ Chất thuê, tầng dưới. Sau cụ dành dụm đủ tiền mua căn nhà. Trên lầu có hai phòng. Phòng anh Tâm ở phía trước, có lối đi riêng là cầu thang ở bên ngoài. Tôi đã viết về lần đầu tới, thấy anh Tâm ngồi ở một cái bàn góc phòng khách, co cả hai chân lên ghế, cặm cụi viết… và tôi nhận ra một điều, và tôi tự nhủ chính mình: hãy cố sống như anh, ở ngoài đời, cũng như ở trong… văn chương!


Ngọc Dũng khi đó còn sống độc thân, nghèo. Và thường tới cụ Chất để xin tiếp tế gạo. Anh có chiếc ruột tượng, mỗi lần tới, cụ Chất đổ gạo vô, rồi anh đeo quanh người, phủ chiếc áo lên, ra về.

Rồi tôi đi làm Bưu Điện. Cán sự kỹ thuật. Giấc mộng đầu tiên trong đời, tôi đã thực hiện được: có riêng cho mình, do mình tạo nên, một chiếc máy thu thanh. Không phải loại tầm thường, mà phải Hi-fi mới được! Thời gian đó chưa có Stéréo.

Không hiểu những người dân Sài Gòn còn nhớ, thời gian xuất hiện máy thâu thanh Hi-fi, với tiếng bass dữ dằn có thể làm bật trái tim những người đau tim ra ngoài lồng ngực.

Nói quá, nhưng sự thực cũng "ghê" lắm. Nhà Sài Gòn thường là mái tôn, tiếng bass làm cho chúng run (hay rung?) lên bần bật!

Tôi đã có một chiếc máy thâu thanh như thế, do chính tôi lắp ráp, như một món quà tặng Chất, để nhớ lại những ngày chúng tôi quá mê âm thanh. Nhớ lại những lần đói quá được anh cho đi ăn phở.

Nhớ lại lần cả hai chúng tôi đi nghe nhạc Jazz, do Phòng Thông Tin Hoa Kỳ tổ chức, có sự hiện diện của ông vua kèn đồng, Louis Armstrong. Ôi chao, tiếng kèn đã khủng khiếp, nhưng còn thua tiếng hát khàn khàn đầy nhựa, đầy chất đàn ông của vị hoàng đế nhạc của dân da đen này.

Bạn làm sao có thể quên những "St. Louis Blues", "Smoking my sad cigarette"…

Hay là:

Oh, Let me go, lover….

Hay là: Touchez pas au grisbi…

Tôi tin là Ngọc Dũng cũng không thể quên được những ngày, bên cạnh mầu sắc là tràn đầy âm thanh như thế đó…


Chất đã mê mẩn, và về nhà, mỗi lần vô phòng tắm, là anh bắt chước giọng ca đặc sệt nhựa của Armstrong.

Bà bạn hàng xóm sang gặp bà cụ Chất "vấn an": hình như cậu Ba bịnh thì phải, tôi nghe tiếng cậu rống ở trong buồng tắm sau nhà…


Chiếc máy thâu thanh của tôi, vì là đồ tự chế, nên không có vỏ. Sợi dây loa bỏ lòng thòng…

Một bữa Ngọc Dũng ghé, anh tưởng dây loa là dây điện, bèn cắm vô ổ điện trên tường, để nghe âm thanh Hi-fi. Thế là "bục" một tiếng…

Tôi quên, vì là tác phẩm đầu tay, những mối hàn đều bong ra, như răng bà lão. Mỗi lần vô phòng tắm, Chất mở nhạc. Khi nó tự động ngưng, anh đập đập vô tường nhà, nó lại hát tiếp…

Trong nhóm Sáng Tạo, anh Tâm thân nhất với Ngọc Dũng. Đó là tôi nghe qua cụ Chất. Tôi là người thường được cụ tâm sự. Cụ kể, hồi còn ở ngoài Bắc, anh T còn là sinh viên, nhưng đã phải đi dạy học. Chắc là kèm trẻ tư gia, ở mãi tít ngoại ô Hà Nội. Một lần, anh về nhà, lảo đảo đi không vững, và nói với cụ, anh cảm sốt gì đó. Cụ lắc đầu nói: không phải đâu, do đói quá đấy. Kinh nghiệm này, tôi cũng có trải qua khi còn ở với người bác, thời gian chạy tản cư lên Phú Thọ. Lần đó, tôi bịnh, và bà bác bắt phải ăn cháo. Rồi bịnh lui, bà vẫn bắt tôi tiếp tục ăn cháo. Sau thành lả, đi không nổi.

Từ đó, tôi rất sợ món cháo, luôn cả món canh.

Cho dù ngon cách mấy!


Kỷ niệm lần đầu tiên trong đời đi nghe trình tấu nhạc, mà lại nhạc Jazz, mà lại có ông vua kèn đồng Louis Armstrong, hình như có ‘Quận công’ Duke Ellington, và cả bộ sậu đích thân biểu diễn… đúng là thật khó quên. Thằng nhỏ là tôi, vì ngồi ngay ở hàng ghế đầu, nên đã hân hạnh lọt vào ống kính của nhiếp ảnh viên tờ Thế Giới Tự Do. Thế là được lên mặt báo. Tôi không hiểu thư viện Mẽo có còn giữ toàn bộ những số báo kỷ niệm những ngày đầu người Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Riêng tôi, chỉ còn nhớ hai chi tiết. Thứ nhất: hình một ông thủ tướng lùn tịt, trên một chiếc xuồng xuyên giữa những kinh rạch chằng chịt của miền nam, trong một chuyến đi thăm dân cho biết sự tình. Thứ nhì: hình của tôi, một thằng nhỏ Bắc kỳ, đang nghển cổ, ngó, và nghe nhạc Jazz.


Hồi đó, tôi "mê" Ngô Đình Diệm. Tôi mê ông, là do một ông thầy dậy học.

Trong Văn Học Tổng Quan, Võ Phiến có nhắc tới có thời kỳ ở miền nam chính quyền và nghệ sĩ như ‘cá với nước’. Đó là giai đoạn ngay sau 1954. Tức là thời gian tôi học trường Thành Công ở Hoà Hưng. Chu Tử, thầy dậy Pháp Văn. Doãn Quốc Sĩ, dậy Việt văn. Ông lúc này hình như còn là sinh viên, dậy theo kiểu part-time, chắc vậy. Ông rất mê Ngô Đình Diệm. Trên bàn luôn có tờ Cách Mạng Quốc Gia. Một bữa, thay vì dậy, ông đọc một bài báo nói về việc ăn uống thanh đạm của nhà chí sĩ. Chỉ khoái hai món dưa và cà (nếu tôi nhớ không lầm). Trớ trêu là, sau đó, tôi tình cờ lượm được, trong ngăn kéo bàn học, một tờ truyền đơn chống Ngô Đình Diệm, in ronéo. Sau đó, ông thầy Pháp văn kiêm chủ nhiệm trường Thành Công bị mật vụ bắt (Ông bị tù khá lâu, sau đó được thả, nhưng vì không có lý do gì khi bắt ông, nên nhà nước đã chụp hình ông với một đám hình sự chuyên ăn trộm xe hơi. Những chi tiết này đều viết theo trí nhớ.)

Tôi mê Ngô Đình Diệm đến nỗi… thi rớt trung học đệ nhất cấp, kỳ một!

Kỳ đó, đề việt văn: luận về hai chữ ‘anh hùng’. Tôi, ngoài chuyện mê Ngô Đình Diệm ra, còn mê chuyện Tầu. Khi còn ở ngoài bắc, đã mê rồi, nhưng mới làm quen sơ sơ những vị anh hùng như Tần Thúc Bảo, với đường Sát Thủ Giản, La Thành với đòn Hồi Mã Thương… qua Thuyết Đường. Vào tới Sài Gòn, như cá gặp nước, rồng ra biển! Thế là cứ thế ngốn, hết Thất Hiệp Ngũ Nghĩa tới Tục Thất Hiệp; hết Chinh Tây tới Chinh Đông…. Trong một cuốn, có chữ anh hùng, dịch giả cắt nghĩa là con chim và con gấu. Tôi ‘cọp dê’ luôn, đưa vào bài luận, rồi cứ thế phăng phăng tiến về đất bắc, giải phóng quê hương ‘ngày xưa’, thoát khỏi ngục tù Cộng Sản!

Người buồn nhất, khi biết tôi hỏng thi, là ông anh rể, Nguyễn Hoạt. Ông không tin, vì biết tôi học chăm, và khá giỏi! Khi tôi đưa bản nháp, ông bật cười: đáng đời! Còn nhỏ, lo học, chưa chi đã lo cứu đời, cứu nước! Trớ trêu nữa, là sau đó, ông vô tù, vì chống Ngô Đình Diệm.

Trong đời ‘ôi thi ơi là thi, sinh mi làm chi’, tôi lận đận, đều là do văn chương, triết học.

Lần đầu, như kể trên. Lần hai, thi tú tài hai. Sau bài triết, tôi đưa bản nháp cho anh Tâm (tức nhà thơ Thanh Tâm Tuyền) coi. Anh không nói gì hết. Qua bài toán, và lý hóa, biết tôi chẳng tha một bài nào, anh cười: vậy là đậu rồi. Hai bài này đủ kéo cho bài triết, chỉ đáng ăn trứng (tức zéro), hoặc gậy (tức một điểm)!

Nguyễn Quốc Trụ.

Chú thích hình: Chân dung bà cụ Chất, do Ngọc Dũng vẽ, năm 1962, và hình cụ, chụp tháng Sáu 2001, nhân chuyến trở về Sài Gòn.