nqt
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

TẠP GHI




Trầm luân vì niềm tin.



"Bằng roi vọt chúng ta quất lên đám đông đang rên rỉ, bắt họ hướng về hạnh phúc chỉ có tính tương lai và chỉ là lý thuyết..."

Koestler: Bóng Đêm Giữa Ban Ngày.



Một cuốn sách hay giống như một món đồ thân yêu, thuộc loại gối đầu giường cũng nên, vậy mà có khi cũng không nhận ra hết mọi nét quyến rũ. Hoặc tưởng chừng đã biết hết, nhưng sự thực không phải như vậy. Rồi một ngày nào, cơ duyên chợt tới, và cuốn sách lúc đó mới bầy tỏ "niềm bí ẩn cuối cùng" của nó. VớI tôi, đó là trường hợp cuốn Darkness at Noon, của A. Koestler.

Tôi đọc cuốn sách rất sớm, qua bản dịch "Đêm hay Ngày", do Phòng Thông tin Hoa kỳ xuất bản, những ngày đầu làm quen Sài-gòn, cố tìm cách "biện minh" cho một chuyến "bỏ nhà ra đi", đi thật xa, chẳng mong có ngày về. Trong trí óc ngây thơ của chú bé "mất Hà-nội là mất tất cả", đây chỉ là một cuốn sách "chống cộng", một cuốn sách tuyên truyền, nếu không tại sao nó lại được người Mỹ xuất bản?

Lần thứ nhì đọc, qua bản dịch tiếng Pháp, Le Zéro et l'Infini, Số không và Vô tận, những năm cuối bậc trung học. Đọc và đối chiếu với bản tiếng Việt, chủ yếu là học, tập tành dịch sách "Tây". Cùng thời với những cuốn sách khác viết về chủ nghĩa Marx, như của Henri Lefebvre. Merleau-Ponty... Đọc, yêu, và kính nể tác giả, nhưng vẫn chưa có cơ hội "cảm" nhân vật của ông, Rubashov.

Lần rời bỏ Sài-gòn, trong mấy cuốn vội vã mang theo, tôi lại gặp Koestler. Lúc này, tôi chỉ thấy "thương" Rubashov, khi so sánh nhân vật giả tưởng này - suốt đời tin vào chủ nghĩa, đến lúc bị đồng bọn đem xử bắn, vẫn mong mỏi cái chết của mình thuộc loại Tử Vì Đạo, đạo Cộng sản - với những người Cộng Sản bỏ chạy đồng bọn, vốn đầy rẫy trong các trại tị nạn.

Phải tới lần cuối cùng, đối diện với Rubashov, tại một thư viện ở Bắc Mỹ, cùng lúc đọc bài viết của Harold Strauss, May 25, 1941, được đăng lại nhân tờ Điểm sách của Thời báo New York (The New York Times Book Review) làm số đặc biệt kỷ niệm 100 năm (1896-1996); nhờ bài điểm sách của H. Strauss, duyên hạnh ngộ giữa tôi với Koestler, với Rubashov của ông, mới thực sự trọn vẹn.

Vả chăng, cuốn sách cũng rất bị "hiểu lầm", và có thể được đọc như là một bài diễn văn sơ đẳng về một triết lý mang tính chính trị, vì đã thoát thai từ những "người thực, việc thực", từ những vụ án phản động tại Moscow. Nhưng nó đã được viết với một sức mạnh bi tráng, với sự ấm áp của tư duy, của cảm nghĩ; với sự giản dị, đầy tính chiêu dụ mời gọi, và trở nên cuốn hút như một bản bi ca.

Rubashov là tổng hợp tất cả những người Bolsheviks cựu trào bị trừ khử bởi Stalin. Cuốn truyện mở ra vào năm 1938, với sự bắt giữ Rubashov. Ông đang mong đợi chuyện đó. Ông chẳng phạm bất cứ một tội nào sau đó ông sẽ tự thú. Theo kiểu suy nghĩ "chuẩn mức", những chuẩn mức "xa xỉ, đỏm đáng", ông vô tội. Nhưng trong cái đầu có sạn, Rubashov hiểu rất rõ, ông có tội. Tại sao? Bởi vì ông vẫn là một trong những chuẩn mức làm nên con người "cách mạng", 40 năm trời cung cúc, tự nguyện hiến thân cho sự nghiệp vô sản, làm sao hoàn tất nó với tất cả mọi phương tiện, dù ghê tởm, tàn nhẫn tới đâu. Khi một con người "thép đã tôi" đến mức đó, mà lại để một chút nghi ngờ cỏn con len lén chui vào tâm tư, khi ông tự hỏi, phải chi mà cuộc cách mạng đỡ tốn kém đi một chút, những đau thương, những mạng người, khi đó, ông biết rằng ông hết còn ngây thơ vô tội. Chỉ một chút lòng trinh bạch là đủ để bị trừng phạt bằng cái chết. Thật tuyệt vời. Koestler theo sát nút những suy nghĩ của Rubashov, tới tận điểm của "mê cung", sự thừa nhận cuối cùng "tay chót nhúng chàm": "Tôi hết còn tin vào ‘khả năng vô địch, bách chiến bách thắng’, của riêng tôi. Vì vậy, tôi thua".

Tuy là một cuốn sách viết về nhà tù, nhưng không có sự đối xử "ác ôn, côn đồ" ở đây. Vấn đề là, một khi bị coi là có tội, theo "chuẩn mức" của nhà nước Xô-viết, tội nhân, hoặc chết trong im lặng, hoặc "được" quyền tự thú trước nhân dân.

Giải pháp nằm trong tay hai thẩm tra viên Ivanov và Gletkin. Cả hai đều muốn Rubashov bằng lòng tự thú công khai, vì thế giá cách mạng của ông rất cao, trừ khử ông không một lời giải thích sẽ gây một tổn thất lớn lao về đạo đức cách mạng đối với nhân dân. Ivanov, vốn là một cựu trào, tin rằng có thể "nắm" được diễn biến, tư tưởng của người đồng chí cũ.

Hai buổi hỏi cung đầu do Ivanov. Bằng một "logic" không thể chê, anh cho Rubashov thấy những vấn đề mà bản thân ông không ngờ được. Anh chứng tỏ, sự mất cảm tình, không trung thành của Rubashov bắt đầu, là khi ông trở về từ Đức, sau hai năm bị Nazi cầm tù. Ông đòi hỏi được đi công tác tại hải ngoại, mặc dù được trao một chức vụ quan trọng ở trong nước.

-Anh không cảm thấy thoải mái ở đây, chắc thế? Trong lúc anh vắng mặt, đã có một số thay đổi, và rõ ràng là anh không hài lòng?

Một khi Rubashov thừa nhận, ông không hài lòng, việc trừ khử những cựu trào, cái bẫy xiết chặt lấy ông. Bởi vì, theo suy nghĩ của Đảng và Nhà nước, một chống đối công khai luôn bắt nguồn từ một bất mãn, bất trung thành ngấm ngầm.

Ivanov chơi một trò chơi tuyệt hảo với Rubashov. Anh kêu gọi, nhắc nhở người đồng chí cũ về sự tuân thủ kỷ luật Đảng mà ngày nào ông đã từng một lòng một dạ. Anh cố làm cho ông tin rằng ông đã lầm lạc. Cuối cùng thành công. Nhưng Ivanov bị khiển trách và bị xử bắn sau đó, vì đã quá tình cảm với tội nhân.

Buổi hỏi cung cuối, khi Rubashov đã sẵn sàng thú tội, là do Gletkin, một kẻ "đã được cắt nhau ở rốn", nghĩa là không còn một chút dây mơ rễ mái với đám cựu trào. Đây là một màn tra tấn tinh vi, tạo cơn hấp hối kéo dài. Chủ đích là phải đem vào bản tự thú, những chi tiết đặc thù. Một thỏa thuận ngấm ngầm được đặt ra giữa đao phủ và tội nhân: một khi lời buộc tội được coi như là đúng, tự gốc rễ, cho dù gốc rễ này chỉ có tính trừu tượng, có vẻ hợp lý; khi đó Gletkin được quyền tha hồ vẽ ra những chi tiết còn thiếu.

Nhưng đây mới là mấu chót của câu chuyện, điều mà bao lần đọc Darkness at Noon, vì thành kiến, tôi đã không nhận ra, may nhờ H. Strauss mới thấy được: Trong khi bề ngoài, Gletkin thắng trận đấu sinh tử tay đôi (duel), một sự thay đổi lớn lao đã xẩy ra bên trong Rubashov. Ông lần hồi trở lại "làm người", một con người của suy tư, cảm nghĩ, của những cảm xúc mang tính chủ quan. Trong khi cái đầu của ông tỏ ra hài lòng với Gletkin, trái tim của ông thừa nhận, có lẽ con người không nên theo những hiệu quả logic của tư tưởng đến tận cùng. Có lẽ, lý lẽ không thôi, là một cái la bàn không hoàn hảo, nó sẽ đưa con người vào một chuyến đi đầy dông bão, cuối cùng bến tới biến mất trong đám sương mù.

Hiệu quả huyền ảo của cuốn truyện là một mỉa mai bi thảm: Rubashov tự thú công khai trước nhân dân, và sau đó bị xử bắn. Nhưng ông mới chính là kể thắng trận, trước đám người thống trị, nhục mạ ông.

Nguyễn Quốc Trụ