TẠP GHI
|
Thông
Điệp Của Anne Frank
Trong chương
9, và cũng là chương chót Những Di chúc bị Phản bội, Kundera bàn về một
sự thô bạo trong thế giới văn chương: vấn đề cắt xén, vặn vẹo tác phẩm,
ngay từ khi tác giả còn sống, và lẽ dĩ nhiên, càng trở nên thô bạo
hơn, khi họ đã chết rồi.
Ông kể chuyện, vào cuối đời, Stravinsky quyết định tự
trình diễn, như một tay dương cầm, hay một nhạc trưởng, toàn
bộ âm nhạc của ông. Và bị chế diễu thậm tệ: khi Stravinsky trình
diễn qua vai nhạc trưởng, ông ta khiếp đảm đến độ, mắt dán vào
nốt nhạc, tuy đã thuộc lòng. Và tính giờ. Mọi nguồn vui rời bỏ ông!
Kundera tự hỏi tại sao, và ông tìm được câu trả lời, khi nghiên cứu 146
bức thư, của Stravinsky gửi cho Ernest Ansermet (người chế diễu), khởi
sự năm 1914: My dear Ansernet, My dear fellow, My dear friend, Very
dear, My dear Ernest, rồi bất thình lình: "Paris Oct 14, 1937, Rất vội,
bạn thân của tôi. Tuyệt đối không có bất cứ một
lý do gì cắt xén Chơi Bài (Jeu de cartes) khi trình diễn... Cá nhân
bạn cảm thấy một vài động tác hơi ngán ngẩm (boring). Về chuyện đó,
tôi chịu thua. Nhưng tôi thật sự ngỡ ngàng khi bạn cố thuyết phục tôi
về vụ "cắt xén"; tôi, người đã trình diễn nó tại Venice, và cũng đã
cho bạn biết về sự hứng khởi của khán thính giả... Tôi thực sự không
tin khán thính giả của bạn kém thông minh, so với ở Venice. Nghĩ rằng
bạn có thiện ý, khi muốn co dãn để công chúng dễ hiểu hơn: Bạn, người
đã từng can đảm chơi một danh tác đầy rủi ro như Giao hưởng Đàn Gió
(Symphonies of Wind Instruments); khi khăng khăng cho rằng nó phải
thành
công, và công chúng thừa sức để thông cảm! Bởi vậy tôi không để cho
bạn cắn xén "Jeu de cartes". Tôi nghĩ, tốt nhất đừng chơi nó gì hết,
còn hơn là với sự dè dặt! Tôi không còn gì để thêm. Chấm hết!
Ngày 15, tháng Mười, bạn trả lời: "Tôi chỉ xin bạn tha lỗi cho tôi, về
một cắt xén nho nhỏ..." "I am sorry, nhưng không cho phép bạn về bất cứ
một cắt xén nào trong Jeu de cartes... Bạn ơi, đây đâu phải nhà của
bạn."
Samuel Beckett có lẽ vô địch, trong nỗ lực bảo vệ nghệ phẩm: ông theo
dõi từng chi tiết, ngay cả khi tập dượt, và nhiều lần nhẩy lên sàn tập,
để tự tay điều khiển diễn viên. Rồi in cả một
cuốn sách, những ghi chú trình diễn Tàn Cưộc (Endgame). Bạn ông, và
là nhà xuất bản đứng coi thiên hạ trình diễn, nếu cần đưa ra tòa, để
bảo vệ tác phẩm, sau khi ông đã chết.
Kafka gửi bản thảo Hoá Thân tới một tờ báo. Ông chủ, nhà văn Robert
Musil, bằng lòng in, với điều kiện tác giả rút ngắn lại. (Buồn thật,
hai thiên tài văn chương bàn chuyện in ấn, xuất bản tác phẩm văn học!).
Trả lời của Kafka, cũng nguyên tắc, và cũng lạnh lùng như Stravinsky:
Tôi chịu được chuyện bỏ vô thùng rác, nhưng không thể chịu nổi việc in,
mà cắt xén, xẻ thịt nó! Ông không được may
mắn như Stravinsky, hay Beckett. Và điều này một phần lớn, là do Max
Brod, người theo truyền thuyết, vì nhân loại, đã phản bội di chúc
của Kafka. Theo Kundera, Max Brod tuy yêu bạn, cố gắng hiểu bạn, đưa
bạn ra ánh sáng, tạo nên cả một môn học "Kafkology", nhưng chính ông
là người xa lạ nhất với nghệ thuật của Kafka.
Thật dễ dàng khi không vâng lời một người đã chết. Càng dễ dàng hơn,
khi người chết là một nạn nhân của Lò Thiêu Người,
một cô bé, lại là con gái của một ông bố: trường hợp Anne Frank.
Nếu Anne Frank không mất tại trại tập trung vào năm 1945, cô ăn mừng lễ
sinh nhật 68 tuổi vào tháng Sáu vừa qua (1997). Và nếu cô không giữ tập
nhật ký khác thường, qua đó, chúng ta có thể
coi cô là một trong những nhà văn nổi tiếng của thế kỷ - cho dù vậy,
số phận của cô cũng không quá sức bi đát, như là bây giờ, sau những
khám phá mới nhất về cô.
Cô sinh ra để là một nhà văn. Vào năm 13 tuổi, cô đã cảm thấy quyền
năng này; tới 15, cô điều khiển được nó. Nếu cô được phép sống, thật dễ
dàng khi tưởng tượng, biết bao nhiêu tiểu thuyết, khảo luận, từ cái
nguồn giầu sang, từ ngòi bút lưu loát, chín mùi chữ nghĩa đó. Người ta
cũng thấy được những tác phẩm chẳng bao giờ có
được đó, sẽ gần gụi với Nadine Gordimer, Nobel văn chương, hơn là
Francois Sagan. Cô bé la lên, vào mùa xuân năm 1944: "Ta muốn tiếp tục
sống, ngay cả sau cái chết của ta!" (I want to go on living even
after my death!)
Ở đây không phải là tình trạng hưng phấn thái quá của
tuổi trẻ. Bằng trực giác cô đã nhận ra, sự lớn lao của nghệ thuật
nghĩa là gì. Và cũng đã nhận ra sức mạnh văn chương nằm bên dưới
bàn tay của cô, trong những trang nhật ký: một ghi nhận văn học về
những cuộc sống hãi hùng trong hiểm họa thường nhật; một tài liệu
nóng bỏng nhắm thẳng tới tương lai. Vào những tháng cuối cùng, cô miệt
mài rũa gọt, thêm thắt, cắt xén một số đoạn, với hy vọng in nó sau
chiến tranh. Cô gọi bản thảo của cô là Het Achterhuis, tiếng Đức,
"căn nhà phía sau", nhưng thường được dịch là "căn nhà phụ bí mật",
và không đúng như ý của cô, qua tác phẩm. Nó liên can đến lịch sử,
tới thực tại, tới sự thực chết người. "Khi tôi viết", cô tâm sự, "tôi
có thể rũ sạch mọi lo toan. Sự phiền muộn biến mất, tinh anh tôi sống
lại!" Nhưng cô không thể rũ bỏ sự tù tội, sự huỷ diệt, của mình.
Anne Frank bị bắt và đưa vào trại tập trung cùng với chị và mẹ như hàng
triệu con người. Tất cả bị huỷ diệt, qua một chương trình đã được tính
toán để bảo đảm sự thoái hóa độc ác nhất, mới mẻ nhất, quỷ ma nhất của
con người. Cô thuộc trong số được chỉ định để bị huỷ diệt, xóa sạch
khỏi cuộc đời, không để lại mộ chí, không một ký hiệu, không một dấu
vết, bất kể loại gì. Lỗi của cô - tội
ác của cô, là người Do thái, và như vậy cô bị xếp vào trong những
kẻ không có quyền được hiện hữu, không còn là một vấn đề người, không
được như một giống dân hạ cấp, ngay cả làm nô lệ cũng không luôn.
Thoát bị đưa vô phòng hơi ngạt, cô chết vì bệnh ban đỏ (bệnh chấy
rận), một tháng trước khi giải phóng.
Nhật ký, cho dù thế nào cũng không thể coi là câu chuyện của Anne
Frank. Không nên gọi, một câu chuyện là một câu chuyện, nếu phần cuối
bị mất. Và bởi vì phần cuối bị mất cho nên câu chuyện của Anne Frank
trong vòng 50 năm, kể từ khi "Nhật Ký của một Cô Gái Trẻ" lần đầu tiên
được in ra, đã bị vặn vẹo, cắt xén, chuyển hoá, dịch thuật, gia giảm,
giả mạo, trẻ con hóa, ngây thơ hóa, Mỹ hoá, đồng
nhất hóa, cảm tính hoá... và sự thực, đã bị chối bỏ, một cách thật
thô lỗ. Trong số những người làm giả gồm có những nhà bi kịch, những
ông giám đốc, những nhà dịch thuật, ông bố của Anne Frank, và ngay cả,
công chúng, kể luôn cả những độc giả, những khán giả phim ảnh, kịch
nghệ, trên toàn cõi địa cầu. Một tác- phẩm-kể-sự-thực thật sâu xa đã
biến thành một dụng cụ để nói lên một phần sự thực, một phản sự thực.
Gần như mọi bàn tay đụng vào tập nhật ký, với một thiện ý in nó ra, đều
đã góp phần làm chuyện bậy, đảo ngược lịch sử.
Nhật ký được coi như một tài liệu về Lò Thiêu. Điều quan trọng cần nói,
là nó không phải như vậy. Gần như bản in nào cũng choàng cho nó những
vòng hoa, đại khái "ca khúc của đời sống", "sự vui thích buốt nhói ở
nơi tinh thần vô tận của con người". Có một
sự chế diễu, trò hề ở đây. Một ca khúc cho đời? Nhật ký chưa hoàn tất,
hoặc đã được hoàn tất bởi những nơi chốn khủng khiếp: Westerbork, địa
ngục chuyển tiếp ở Hòa Lan, nơi những người Do thái Hòa-lan bị tống
xuất từ đó; Auschwitz; hay bởi những ngọn gió tàn khốc của
Bergen-Belsen. Chính tại đây, không phải tại "căn nhà phụ bí mật",
những tội ác mà chúng ta gọi là Holocaust đã xẩy ra. Ghi nhận của chúng
ta là những cột con số, những danh sách tỉ mỉ những chuyến tống xuất
trong những dòng chữ viết tay của những thủ thư đẹp trai; những cuốn
sách chuyển hàng. Có thể Anne Frank đã được chuyển tới Auschwitz vào
đêm Sept 6, 1944, trong chuyến hàng một ngàn mười chín "sucke" (mẩu).
Trong đêm đó 549 người được đưa vào phòng hơi, có một người trong nhóm
Frank, và
tất cả trẻ em dưới 15. Anne lúc đó, 15, thoát, có lẽ để lao động. Từ
20 đến 28 tháng Mười, bị đưa vào phòng hơi ngạt hơn 6 ngàn người, chỉ
trong vòng hai giờ, khi họ mới tới. Nhưng lực lượng Xô-viết đang hướng
về Auschwitz, và vào tháng 11, đã có lệnh giấu diếm mọi chứng cớ về
phòng ngạt, và phá huỷ lò thiêu. Cả chục ngàn tù nhân bị tống ra ngoài
trời, trong chuyến đi tử thần. Nhiều người bị bắn. Trong một chuyến
di tản vào 28 tháng Mười, hoặc 2 tháng 11, Anne được chuyển đi
Bergen-Belsen,
chết một hay hai ngày sau đó, vỡ tim, trơ xương, trần trụi dưới một
đống rẻ rách.
Đến với nhật ký mà bỏ qua những Đêm, của Elie Wiesel,
hay Những Kẻ Chết Đuối và Những Người Được Cứu Vớt, của Primo
Levi (chỉ nhắc tới hai chứng nhân), hay những cột con số, những
chuyến hàng, những thuật ngữ như "mẩu"... thì đúng là tự cho phép
mình được quyền ngây thơ một cách xấu xa, không thể tin được! Những
ngợi ca theo kiểu "bản chúc thư hoài hoài về tính cao cả không thể
bị huỷ diệt của tinh thần nhân loại", "một nguồn không bao giờ cạn
của can đảm và hứng khởi"... sự thực chỉ là những trò ru ngủ. Sự
thành công, chiến thắng, của Bergen-Belsen, chính là nó đã thổi sạch,
cái gọi là khả tính can đảm, nó cho thấy sự huỷ diệt dễ dàng của tinh
thần nhân loại, và đây là bản di chúc lâu dài của nó.
"Hier ist kein Warum", một lính gác ở Auschwitz đã cảnh cáo: ở đây
không có "tại sao", không câu hỏi, không câu trả lời, chỉ là một mầu u
tối của không-lý lẽ (unreason). Câu chuyện của Anne Frank, được kể lại,
rất thực, là không cứu chuộc, không thể cứu
chuộc. Và đó là thông điệp của Anne Frank.
Anne
Frank: Một ghi nhận
Trong một câu
chuyện Jennifer tôi đọc được đã lâu, chẳng còn nhớ gì,
ngoại trừ một vài chi tiết: một cháu nhỏ bị bệnh, phải nằm nhà thương
một thời gian dài. Cháu năn nỉ xin được nằm ở một giường bên cạnh cửa
sổ, nhìn xuống đại lộ của một thành phố lớn. Và cháu lấy những mảnh
giấy nhỏ, làm những cánh diều thả xuống đường. Bay theo cùng với những
cánh diều đó, là những ước mơ, những chuyện vụn vặt xẩy ra trong ngày,
bên cạnh, chung quanh cháu… tận cùng bằng lời nhắn nhủ: hãy viết thư
cho tôi nhé!
Thế rồi giường cháu tràn ngập những cánh diều boomerangs, cùng với
những lời chúc tốt lành: hãy mau chóng khỏi bệnh, ra ngoài này chơi với
chúng tôi…
Nhật Ký của Anne Frank cũng là một trường hợp tương tự.
Mặc dù ngày càng quan tâm tới bè bạn, cô vẫn mê đọc sách. Vào lúc
12 cho tới khi 14 tuổi, một trong những tác giả cô bé thích là Cissy
van Marxveldt, một nhà văn Hòa Lan, đã viết nhiều cuốn sách cho lứa
tuổi vị thành niên vào thập niên 1920. Cô mê nhất, Joop ter Heul, một
cuốn tiểu thuyết-chuỗi (a serial novel) gồm bốn tập. Anne nhập vào
Joop, nữ nhân vật chính với cái tên con trai nhưng dần dần trở thành
một người đàn bà trẻ, theo dòng chuyện. Joop giống như Anne, có nhiều
bạn gái. Joop cũng có những bạn bè qua thư từ, như Anne. Nhưng khi gia
đình phải ẩn trốn trong cuộc chơi hú tìm với đám Nazi, cha cô cấm cô
viết thư.
Cô viết về căn nhà phụ bí mật (the secret annex): Ở nhà, tôi không thể
nghĩ, có một ngày, tôi phải dùng cầu tiểu làm nhà tắm, nhưng cũng chẳng
tệ hại gì lắm đâu, bởi vì có thể, một ngày nào tôi phải sống ở đó nữa…
Thật là còn may mắn, đây là một thiên đàng so với cuộc sống của bao
nhiêu người Do Thái khác không kịp trốn."
Một cô bé luôn luôn tò mò, mê bè bạn, mê đọc sách, mê phiêu lưu, phải
từ giã thiên đường trẻ thơ; trong cái chuồng nhỏ bé mới mẻ là nơi ẩn
trốn đó, mỗi ngày là một ngày tiếp theo. Thiếu khoảng không, nhưng lại
quá
dư thời giờ. Cô không thể la thét, hát hỏng, hay khóc lóc khi mà cô
muốn,
"chung quanh tôi là một trống trơn" (I am surrounded by too great a
void).
Nhật ký là món đồ đầu tiên cô mang theo tới chỗ ẩn trốn. Như thể cô
biết trước, nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chơi ‘chết
người’: đối đầu với cái ác. Tuy nhiên, phải hai tháng sau đó, cô mới
bắt đầu viết một cách đều đặn. Và có ý định, mỗi dòng mở ra như một
"thư gửi bạn": "Tôi chỉ mê được trao đổi với một người nào đó, và đó là
điều tôi muốn làm,
trong tương lai, với nhật ký của tôi".
Cô bé gần như viết nhật ký mỗi ngày. Cho những bè bạn tưởng tượng. Về
những gì xẩy ra chung quanh cô, ở trong đầu cô, ở một chốn nhân gian bé
tí đó. Với họ, cô có thể cười to, khóc lớn, quên nỗi trơ trọi. Tất cả
những
bạn gái tưởng tượng (cô không hề viết cho một bạn trai tưởng tượng),
đều
là từ cuốn truyện Joop ter Heul của Cissy van Marxveldt. Nhưng cô không
viết
thư cho nhân vật chính Joop – cô này cũng giữ một nhật ký – có thể vì
cô
cảm thấy "cô bé đó" là một nguyên mẫu cho một loạt nhân vật.
Cuốn nhật ký, khi được xuất bản vào năm 1947 có tên là Het Achterhuis
(Căn nhà Đằng Sau, The House Behind), và ấn bản tiếng Anh có tên là
Anne Frank: Nhật Ký của một Cô Gái Trẻ.
Cô bé tự coi mình là một người lớn, hay ít ra cũng đủ trưởng thành, để
có cùng một tiếng nói với những người khác, cùng "điều hành" cõi nhân
gian nhỏ xíu đó. Nhưng trong cõi tưởng tượng, giữa những bạn bè tưởng
tượng đã trrưởng thành kia, cô là một đứa bé, và rất "ưu tư" về chuyện
được đối xử như là một đứa bé. Anne cảm thấy người lớn chung quanh cô
không coi trọng những ý nghĩ của cô. Cô bé nghĩ, cô có cùng bổn phận,
trách nhiệm như họ, nhưng không có cùng quyền hạn (rights). Chính những
cảm nghĩ về sự bất bình đẳng đã làm cô có vấn đề với bà mẹ và những
người quanh cô.
Sau đây là trích đoạn, từ một ghi nhận của Miep Giesi, người đã trông
nom, che chở cho cả gia đình Anne, trong những ngày ẩn trốn, và cũng là
người đã phát giác ra tập nhật ký, khi thu dọn "thiên đàng", sau khi họ
đã bị bắt.
Trên năm mươi năm rồi, kể từ khi tập nhật ký được xuất bản, tôi cứ bị
hỏi đi hỏi lại nhiều lần, tôi kiếm ở đâu ra can đảm giúp đỡ gia đình
Franks. Câu hỏi này, đôi lúc được hỏi với sự thán phục, đôi lúc, với
nghi ngờ, nó luôn luôn làm tôi khó chịu. Vâng, lẽ dĩ nhiên, phải có can
đảm mới
làm một chuyện như thế, khi coi đó là bổn phận, của một con người. Vâng
lẽ dĩ nhiên, người ta sinh ra đời là để sửa soạn làm những điều hy sinh
như vậy. Điều đó là thực, trong rất nhiều hoàn cảnh của con người.
Nhưng rồi, tôi tự hỏi chính mình, tại sao người ta lại hỏi một câu như
thế? Tại sao có rất nhiều người ngần ngại khi phải giúp đỡ đồng loại?
Phải thật lâu tôi mới hiểu ra điều này.
Hầu hết trẻ con, được cha mẹ giảng dậy, từ khi còn nhỏ: "Nếu con tốt và
biết nghe lời, sau này con sẽ được hạnh phúc". "Phản đề" của triết lý
đó, là: Bất cứ một con người nào gặp ‘trouble’ trong đời, kẻ đó chắc
chắn đã cứng đầu, và đã làm nhiều ‘lỡ lầm’.
Tôi may mắn, được biết rất sớm sủa một điều là: người ta chẳng hề
làm một điều gì xấu, và vẫn có thể gặp nhiều nỗi chuân chuyên trong
đời.
Tôi sinh ra tại Vienna, và được 5 tuổi, khi xẩy ra Cuộc Chiến Lớn I. Mẹ
tôi rất hài lòng về tôi. Khi 9 tuổi, tôi không khi nào được ăn no. Tôi
vẫn còn nhớ rõ cái đói dầy vò tôi như thế nào. Và tôi cũng chẳng bao
giờ
quên được nỗi đau (the shock), khi cha mẹ tôi phải gửi tôi đi Hoà Lan,
qua một cơ quan thiện nguyện giúp cho trẻ con khỏi chết đói. Cha mẹ tôi
đâu có cách nào khác, nhưng mãi sau này tôi mới hiểu được. Tôi lúc đó,
chỉ
còn da bọc xương, lại còn thêm bệnh phổi. Tôi đã làm điều gì không tốt,
để
phải chịu hậu quả như thế, đứa bé ở trong tôi khăng khăng tự hỏi?
Vậy là từ khi 11 tuổi tôi đã nhanh chóng hiểu ra rằng, con người có thể
gặp khó khăn, dù chẳng có lỗi gì ráo. Tôi nhìn hoạn nạn của dân Do
Thái, nhìn Lò Thiêu, từ kinh nghiệm trẻ thơ đó.
Ngay cả bây giờ, vẫn có những người trẻ tuổi nói với tôi rằng, họ
không thể tin, rằng Hitler đã giết sáu triệu dân Do Thái mà "chẳng có
lý do gì hết". Và tôi kể cho những người trẻ tuổi đó, về Anne, và hỏi
họ,
cô gái trẻ đó có thể nhận ra rằng cô chưa hề làm một điều gì sai quấy,
để
phải chịu số phận thê thảm như vậy.
-Ô, lẽ dĩ nhiên. Anne Frank thì thơ ngây vô tội (innocent).
-Cô thơ ngây vô tội đúng như sáu triệu người kia, tôi trả lời.
Melissa Muller, tác giả cuốn "Anne Frank, tiểu sử" (Anne Frank, the
biography, nguyên bản tiếng Đức, 1998; bản dịch tiếng Anh của Rita và
Robert Kimber, nhà xb Henry Holt and Company, NY; ấn bản Canada của nhà
xb Fitzhenry & Whiteside Ltd), là một nữ ký giả hiện đang sống ở
Munich
và Vienna. Theo người điểm sách của tờ Time, Muller đã tôn trọng huyền
thoại [về Anne], nhưng bà đã làm một điều tuy quá trễ cho nên thật cần
phải làm: Bà cứu Anne Frank ra khỏi vai trò thần tượng, biểu tượng, và
trả lại cho nhân loại một Anne Frank bằng xương bằng thịt. Miep Gies,
vị
phúc thần của Anne, đã nhân dịp xuất bản cuốn tiểu sử để đưa ra một ghi
nhận về Anne, như trên. Bà nói thêm:
Tôi muốn nhân dịp này để làm sáng tỏ một điều vẫn thường được hiểu sai.
Người ta thường nói Anne biểu tượng sáu triệu nạn nhân Lò Thiêu (Anne
symbolizes the six millions victims of the Holocaust). Tôi nghĩ một
phát biểu như vậy là không đúng (wrong). Cuộc đời và cái chết của Anne,
là của riêng cô: một số mệnh cá nhân; một số phận cá nhân đã xẩy ra sáu
triệu lần.
Anne không thể, và không nên để cho cô đứng đại diện cho biết bao nhiêu
cá
nhân con người mà đám Nazi đã lấy đi mạng sống của họ. Mỗi nạn nhân có
một
chỗ đứng độc nhất của riêng họ ở trên thế giới, và trong trái tim của
thân
quyến và bạn bè của người đó.
Tôi rất đau buồn vì không cứu được mạng sống của Anne. Nhưng tôi đã có
thể giúp cô sống thêm được hai năm trời. Trong hai năm đó, cô viết
tập nhật ký đem hy vọng cho những con người trên khắp thế giới, và kêu
gọi sự hiểu biết và bao dung. Điều này làm cho tôi tin tưởng: rằng hành
động thì tốt hơn là bất động. Một toan tính [đưa đến hành động] có thể
sai lầm (an attempt ‘can’ go wrong), nhưng khoanh tay không làm gì hết
chắc chắn chỉ đưa đến thất bại.
Bà nhắc lại một ước mơ của Anne: "Bà biết từ lâu, mong ước lớn lao nhất
của tôi là một ngày nào đó, trở thành một ký giả, và sau đó, một nhà
văn nổi tiếng".
Nguyễn Quốc Trụ
|