*

TẠP GHI

 

Chuyện Tình

 

Tatyana Tolstaya, trong bài điểm sách trên NYRB Nov 20, 1997 - "Những Giấc Mơ Mùa Hè Nga-xô của tôi" (tác giả Andrei Makine - Geoffrey Strachan dịch từ nguyên bản tiếng Pháp: Di chúc Pháp, Le Testament francais - nhà xb Arcade, 241 trang) - coi đây là một chuyện tình, có tới hai người đàn bà. Hai bà mẹ: bà mẹ Nga, và bà mẹ Pháp.

Thật sự chỉ có một, bà mẹ Nga. Một tình yêu kỳ lạ, sâu thẳm, hơn hẳn thứ tình yêu một người đàn bà. Không thể cắt nghĩa, không thể chia sẻ, nhức nhối, là tình yêu dành cho xứ sở vốn được coi là mẹ, "người nữ" Nga" (Russia’s "feminine" being).

Khác với Pasternak với một Lara, ở đây, những người như A. Makine, "họ trốn chạy, thứ tình yêu như vậy. Họ cố tự cứu mình. Thất bại, họ trù ẻo, viết lách, và hát hỏng về nó, họ nhận được giải thưởng, bằng khen, ở nơi quê người, hay là quê hương lưu đầy, vương quốc hải ngoại bịa đặt của họ." Tác giả Dr. Zhivago cuối cùng phải "tôi chọn mẹ tôi" và từ chối giải Nobel. Với "Giấc Mơ Hè", lòng tự ái, tự hào Nga chắc chắn là rất thỏa mãn. Bởi vì trường hợp đoạt giải văn chương Pháp của "Giấc Mơ" thật đáng gọi là một scandale văn học (T. Tolstaya).

Anrdei Makine, một người Nga có một gốc gác Pháp thật mù mờ, đã đoạt hai giải thưởng văn chương thuộc loại hách xì xằng nhất, dành cho một cuốn sách viết bằng tiếng Pháp, tại Pháp, viết về nước Pháp: giải Goncourt, và Médicis, chưa kể "Lycée Goncourt", do sinh viên trao tặng.

Tuy nhiên, bà mẹ Pháp chỉ là mặt nổi của tác phẩm. Phần chìm của nó mới khủng khiếp. "Vào thời đại của chúng ta, hình như bạn phải sinh ra tại Nga, phải trải qua 30 năm ở đó, nơi mà sự độc ác và mơ mộng tạo thành một khối ngược ngạo (điều này, lẽ dĩ nhiên, đã cũ mòn, chỉ là một trò làm dáng, nhưng vẫn thực), nhờ vậy mới có đủ đam mê, có đủ quyền năng để mà hoang tưởng ra một xứ sở kỳ diệu như thế: một nước Pháp chẳng hề hiện hữu. Nếu có chăng, chỉ bằng ngôn từ, và những giấc mơ." 

 Làm sao mà cuốn sách lại vớ được cả hai giải thưởng, là cả một câu chuyện trinh thám. Trước đó, tác phẩm của Makine đã bị những nhà xuất bản vứt vào thùng rác. Nhà văn của chúng ta sống trong sự nghèo đói, gần chết đói thì đúng hơn, đêm ngủ nghĩa địa, ngày viết văn tại những băng ghế trong công viên. Cuối cùng gần như hết còn chịu đựng nổi, ông thử liều lần chót: coi tác phẩm viết bằng tiếng Pháp như là bản dịch từ một nguyên bản "ma", bằng tiếng Nga, lẽ dĩ nhiên! Chỉ lúc đó, nó mới gây sự chú ý. Thành công bất ngờ làm cho Makine phải đương đầu với những khó khăn không chờ đợi: nhà xuất bản cuốn thứ nhì đòi tác giả trưng ra nguyên bản tiếng Nga! Ông lại phải cuống cuồng dịch chính cuốn sách của mình. Cuốn thứ ba, mà chúng ta đang bàn, may mắn được nhà xuất bản Gallimard để mắt tới. Và gặt hái được những vinh quang không thể tưởng tượng nổi. Một người ngoại quốc! Chao ôi! Kẻ Lạ! (L'étranger)!

Giấc mơ Pháp thuộc về truyền thống cổ xưa, của Nga. Một người Pháp lẽ dĩ nhiên chẳng hề mơ mộng như vậy: anh ta sống ở đó. Những người ngoại quốc khác, nếu mơ đi Tây, cũng thường thôi: dành dụm tiền bạc, rồi làm một chuyến ngao du. Người Nga, sau bao thập kỷ bị nhốt phía sau bức màn sắt, họ nghĩ ra những giấc mộng hải hồ chẳng giống ai, chẳng ai có thể nghĩ ra nổi. Không phải ngẫu nhiên, suốt thế kỷ 19, tiếng Pháp được coi là ngôn ngữ học đường tại Nga, dấu hiệu cho thấy thuộc về giai cấp ở trên. Không phải một chọn lựa may rủi, sau cơn động đất đổ nhà đổ cửa, Cách mạng 1917, người Nga đã đổ xô qua Pháp. Sau khi không còn bức màn sắt, đi Mỹ là những kẻ "thực dụng"; những con người "lý tưởng" vẫn chọn Pháp.

"Này, thấy Paris thế nào?", (Well, what is Paris like?), T. Tolstaya đã từng hỏi một ông bạn thi sĩ, vào năm 1987. Ông này mới trải qua một tuần, lần thứ nhất trong đời, ở Paris. "Y chang trong mộng, của tụi mình!" Không chỉ vì nó đúng như tất cả những giấc mơ, nhưng Paris "không thể" làm thất vọng, bất cứ một hoài vọng nào, về nó.

  Tới gần hết cuốn sách, người đọc mới biết tên người kể chuyện là Alyosha. Cuộc đời của anh như rong ruổi cùng với của tác giả, theo nhiều đường khác nhau. Mùa hè thơ ấu nào, anh cũng trải qua, với bà ngoại người Pháp, tại một thành phố nhỏ Nga, hầu như một làng quê, nơi thảo nguyên. Anh và người em gái, cũng không có tên trong truyện, cả hai ngồi tại bao lơn, chiều nào cũng vậy, dưới một ngọn đèn, ngoan ngoãn nghe bà ngoại kể chuyện. Những câu chuyện về một nước Pháp, La Belle Époque, của bà. Người kể chuyện không phải là đứa bé. Anh ta nhớ lại thời thơ ấu chằng chịt của mình, bằng một giọng người lớn, ảnh hưởng Proust. Những đứa trẻ không tên, "dửng dưng một cách lạ lùng về cha mẹ không tên của chúng", trải qua mọi mùa hè trong cái thế giới chưa từng hiện hữu đó: chẳng có một trò chơi con nít, những vụ đánh lộn, những thảm kịch tuổi thơ như chúng ta hiểu. Đồ chơi của chúng là cũng từ bà ngoại, bộ sưu tập có tên là Verdun, do một sĩ quan Đệ Nhất Thế Chiến tặng bà. Không gian của mấy đứa trẻ chỉ là khoảng bao lơn nhỏ, với những dây leo, những bông hoa. Họa hoằn, chúng được xuống sân, vốn là nơi tụ tập của mấy kẻ vô lại, say sưa, và thật đáng sợ, thật xa lạ đối với chúng. Ấp ủ trong làn gió ấm áp từ thảo nguyên thổi tới, mùi hương hoa nhẹ nhàng, tiếng xột xoạt của mấy tờ báo bà ngoại lấy ra từ trong rương, âm nhạc - tiếng nói Pháp, thơ Pháp, những bức hình ố vàng của một thời đã qua: đấy là thế giới huyền diệu của chúng. Chiều chiều, bà ngồi may mãi, vẫn một cái áo, bên những đứa trẻ ngồi yên lặng dưới chân. Những thì thầm của một thứ tiếng nói ngoại quốc. Thế giới đã biến dạng. Ngôn ngữ-hát xa lạ kia bỗng tạo nên những hoang tưởng thị giác: xa xa, dưới thảo nguyên, từ từ dâng lên một thành phố. Ôi chao, có phải phép lạ của thảo nguyên hay không? Không phải, đây chỉ là quyền năng huyền diệu do trí tưởng tượng trẻ thơ tạo nên: đứa bé không biết bà ngoại đang kể về trận lụt ở Paris, vào năm 1910. 

 Làm sao Charlotte Lemonier, bà ngoại người Pháp của chúng, lại sống những ngày cuối cùng của bà tại Nga? Cha của bà, một bác sĩ người Pháp, làm việc ở một thành phố vùng Sibérie: trước Cách Mạng, Nga vốn là nhà cho rất nhiều người nước ngoài. Sau khi cha chết, bà mẹ Charlotte đã không muốn, hay không thể trở về Pháp. Yếu đuối, lại cô đơn, bà trở nên nghiền morphine. Mỗi năm, bà đi du lịch Pháp một lần, với cô con gái. Cô thấy mình lạc vào một thế giới khác, khác hẳn cái thế giới nghèo nàn tỉnh lỵ ở Sibérie. Trong một lần, bà trở lại Nga một mình, để cô gái ở lại Pháp. Đó là năm 1914, Đệ Nhất Thế Chiến bắt đầu. Cô gái gặp lại mẹ khi trở về Nga, vào năm 1921. Cánh cửa Nga đóng chặt lại vĩnh viễn từ đó.

 Cuộc đời của bà thật là ghê rợn. Qua đó, đứa cháu trai được biết lịch sử Nga: Độc ác, tàn nhẫn, nhà tù, trại tập trung, tình trạng vô pháp luật. Cứ thế, cùng với năm tháng của người kể chuyện, bà mẹ Nga, bà mẹ Pháp trộn lẫn. Anh cũng cả hai, vừa Nga vừa Pháp. Nếu tuổi thơ của anh, trong cõi mơ mộng đó, anh "Pháp nhiều hơn Nga", càng lớn, anh càng "Nga hơn Pháp". Anh không muốn là Pháp nữa. (Sự thực về) nước Nga càng khủng khiếp, càng ghê rợn bao nhiêu, anh càng muốn ôm chặt lấy nó bấy nhiêu. Bà ngoại anh mạnh hơn anh, mạnh hơn là sự nổi loạn của anh, nhằm chống lại bà. Bà sống qua cái chết của không biết bao nhiêu người thân sơ, qua cả chuyện bản thân bà bị hãm hiếp, yêu chồng, bị dầy vò, xâu xé bởi tình yêu của một xứ sở đã cưu mang (adopt) bà, và không thể rời bỏ nó; cũng như không thể không yêu thương đứa con, kết quả của vụ hãm hiếp; (bà yêu cả hai, con chồng, con riêng bất đắc dĩ đó, bằng cùng một tình yêu thương đồng đều). Bà không chịu, không muốn chết. Bà thật cũng khó chết, không thể chết được: bà là một nhan sắc (đứa cháu vẫn còn nhớ rõ, qua những hồi tưởng trở đi trở lại trong truyện); một bà phù thuỷ (đã từng sống sót qua những hoàn cảnh khốn nạn nhất, khủng khiếp nhất: chiến tranh, đói khát, chân trần lặn lội "gần quá một nửa" nước Nga); một người thuần hóa dã thú: đã từng xoa dịu cơn hung dữ của một kẻ say, ru ngủ một người đàn bà nhà quê kiệt sức, đã vượt qua cả một thời đại thù hằn giai cấp, chủng tộc; bà cũng còn là một "poisoner": bà đã tẩm vào người mấy đứa cháu một chất độc, đó là cơn mơ mộng chết người của bà, khiến cho người kể chuyện không biết đâu là Nga, đâu là Pháp ở trong anh. Bà mang theo suốt cuộc đời, giấc mơ nước Pháp, như một câu chuyện thần tiên, về một nơi chốn chưa từng hiện hữu. Bà ngoại là nước Nga hiện thân, với tất cả số mệnh Nga của nó: Xấu xa, ghê tởm, tục tĩu, yêu thương, mơ mộng, hỷ xả, nhẫn nhục, thánh thiện...
 

Người kể, vào cuối chuyện, đã tìm cách trốn khỏi Nga, qua Pháp. Anh cố gắng trở thành nhà văn. Anh muốn mang bà ngoại qua Paris, nhưng sau cùng được tin bà mất. Một năm sau khi bà mất, anh nhận được thư của bà... Ở đây, có một bí mật mà người điểm sách muốn dành riêng cho độc giả, "mà tôi không muốn viết về nó, bởi vì không muốn huỷ hoại niềm vui của họ" (T. Tolstaya).

Nguyễn Quốc Trụ