*

TẠP GHI


Vô Kỵ Giữa Chúng Ta 

Đỗ Long Vân, tác giả Truyện Kiều ABC, Vô Kỵ Giữa Chúng Ta, Nguồn Nước Ẩn Trong Thơ Hồ Xuân Hương... (1) đã mất tháng Tám năm vừa qua (1997), tại quê nhà. Người biết chỉ được tin, qua mấy dòng nhắn tin, trong mục thư tín, trên tạp chí Văn Học, số tháng Ba, 1998.

Ngay từ trước 1975, ông đã sống một cuộc sống lặng lẽ, "từ chối" mọi đặc quyền, nếu có thể gọi đây là một đặc quyền mà chế độ Miền Nam dành cho những người có bằng cấp: được đi học trường sĩ quan Thủ Đức. Khi bị gọi động viên, ông đã trình diện như là "lính trơn", nghĩa là chẳng trưng ra những bằng cấp, chẳng nhớ gì (?) tới những năm tháng du học Paris. Bạn với một số bạn lặng lẽ: Joseph Huỳnh Văn, Phạm Kiều Tùng, hình như có cả Nguyễn Tử Lộc, và đứa em út trong bọn, Nguyễn Đạt (gọi là em út, vì nhà thơ này là em ruột Nguyễn Nhật Duật), nghĩa là hầu hết anh em trong nhóm Tập San Văn Chương. Khi cả bọn xúm nhau làm tờ báo, chỉ có Joseph Huỳnh Văn,"Tổng Thư Ký" tòa soạn, mới đủ tư cách mang "cẩm nang võ công của Trương Tam Phong, tổ sư phái Võ Đang", nói nôm na, những bài Cầm Dương Xanh của anh, tới "Thiếu Lâm Tự", Bắc Đẩu Võ Lâm, để đổi lấy một cách đọc bí kíp/văn bản: Hãy đọc ở độ thấp nhất, mức độ ABC, của nó.

Tôi chỉ còn giữ được một kỷ niệm về Đỗ quân, về Nguồn Nước Ẩn, khi cuốn sách được xuất bản, thời gian tôi đang phụ trách trang Văn Học Nghệ Thuật cho một nhật báo. Bèn viết bài giới thiệu.

Phải nói rõ một điều: Đỗ Long Vân, cũng như tôi, và nhiều người khác nữa, đều có chung một số ông thầy. Và cái trường phái võ học/văn chương đang thịnh hành hồi đó là cơ cấu luận, với những đại gia như Roland Barthes, Claude Lévi-Strauss... Khi đọc Nguồn Nước Ẩn, trí óc tôi còn tràn ngập những hình ảnh, những chiêu thức phê bình văn chương, thí dụ như, phê bình là siêu-ngôn ngữ, phê bình là một bản văn (choàng, cover) trên một bản văn, là sáng tạo của sáng tạo... Nói tóm lại, tôi không đọc tác phẩm của Đỗ quân, mà chỉ lo ca tụng nguồn võ công đã sản xuất ra một chiêu thức kỳ tuyệt như thế.

Vẫn là câu chuyện Cửu Dương Chân Kinh, của Thiếu Lâm, và võ công của Trương Tam Phong, tổ sư Võ Đang. Tuy thoát thai từ Cửu Dương Công, nhưng Miên Chưởng, Thái Cực Quyền/Kiếm... là hoàn toàn do Trương Tam Phong tổ sư sáng tạo ra. Theo nghĩa đó, Cửu Dương thần công chỉ đạt tới mức siêu việt của nó, qua nhân vật Vô Kỵ, người mang trong mình tất cả những võ công chính tà: Cửu Dương/Càn Khôn Đại Nã Di. Nếu không có Trương Tam Phong, không có Cửu Dương Công, bởi vì nó sẽ mục nát trong Tàng Kinh Các, hay mãi mãi "ở trong dầu", tức là trong bụng một con vượn.

Đây một chân lý văn chương/võ học, theo ý nghĩa của Borges, khi ông viết về Kafka: mỗi nhà văn phải sáng tạo ra những tiền thân của riêng người đó. Bản thân Borges ảnh hưởng nặng nề Kafka, nhưng giữa những ngụ ngôn của ông, và của Kafka là một khoảng cách vời vợi.

Buổi sáng đó, Đỗ quân rời núi, tới chùa (quán Cái Chùa, ở đường Tự Do, Sài-gòn); khi một người nào đó, cùng ngồi bàn, nhắc tới bài điểm sách, và cho rằng, đây là những lời khen tác giả Nguồn Nước Ẩn, ông nhìn tôi, cười: Bạn ơi, bạn đâu có khen tôi, mà là khen Roland Barthes.

 Tatyana Tolstaya, trong một bài tưởng niệm nhà thơ Joseph Brodsky, có nhắc đến một cổ tục của người dân Nga, khi trong nhà có người ra đi, họ lấy khăn phủ kín những tấm gương, sợ người thân còn nấn ná bịn rịn, sẽ đau lòng không còn nhìn thấy bóng mình ở trong đó; bà tự hỏi: làm sao phủ kín những con đuờng, những sông, những núi... nhà thơ vẫn thường soi bóng mình lên đó?

Chúng ta quá cách xa, những con đường, những sông, những núi, quá cách xa con người Đỗ Long Vân, khi ông còn cũng như khi ông đã mất. Qua một người quen, tôi được biết, những ngày sau 1975, ông sống lặng lẽ tại một căn hộ ở đường Hồ Biểu Chánh, đọc, phần lớn là khoa học giả tưởng, dịch bộ "Những Hệ Thống Mỹ Học" của Alain. Khi người bạn ngỏ ý mang đi, ra ngaòi này in, ông ngẫm nghĩ rồi lắc đầu: Thôi để cho PKT ở đây, lo việc này giùm tôi....

 Nguyễn Quốc Trụ

Note:
Tên tác phẩm của DLV là "Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương"